Nâng tầm giá trị di tích lịch sử ATK II Hiệp Hòa

18 Tháng 9, 2020 | Di tích lịch sử văn hóa

Huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) có nhiều di tích lịch sử gắn với thời kỳ tiền khởi nghĩa đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Thời điểm này, UBND huyện đang tích cực phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ khoa học đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Nâng tầm giá trị di tích lịch sử ATK II Hiệp Hòa

Tự hào truyền thống quê hương

Thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhiều địa điểm ở huyện Hiệp Hòa được Trung ương, Xứ ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, quân sự. Nhiều nhà hoạt động cách mạng như: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị, Lê Hoàng, Ngô Thế Sơn, Nguyễn Trọng Tỉnh, Hoàng Văn Thái… đã về đây tuyên truyền, gây dựng và chỉ đạo phong trào cách mạng. 

Ngày 12/3/1945, tại đình Xuân Biều, xã Xuân Cẩm diễn ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên trong cả nước.

Ngày 12/3/1945, tại đình Xuân Biều, xã Xuân Cẩm diễn ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên trong cả nước.

Năm 1994, Nhà nước đã xếp hạng quốc gia đối với 7 di tích ATK II gồm: Nhà ông Ngô Văn Thấu, ông Ngô Văn Chế, ông Ngô Văn Đông và đền Soi, đình Vân Xuyên thuộc xã Hoàng Vân; đình chợ Vân, xã Hoàng An; đình Xuân Biều, xã Xuân Cẩm. Tháng 6/2018, chùa Y Sơn (xã Hòa Sơn) được bổ sung vào hệ thống di tích quốc gia. Mỗi di tích đều gắn với những nhân vật lịch sử quan trọng và các sự kiện tiêu biểu, đánh dấu bước chuyển trong quá trình chuẩn bị lực lượng và các điều kiện cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hiệp Hòa luôn tự hào về vùng quê cách mạng và chung sức bảo tồn, phát huy giá trị các di tích. Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, xã, thị trấn quan tâm tuyên truyền, giáo dục nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng. Đặc biệt, 100% trường học trong huyện đưa nội dung giáo dục lịch sử địa phương vào các giờ học ngoại khóa, hoạt động tham quan, trải nghiệm. 

Tại Nhà bia Nội Đống Mú, thôn Vân Xuyên - nơi Chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ huyện Hiệp Hòa ra đời vào năm 1940 trở thành “địa chỉ đỏ” thường diễn ra các hoạt động kết nạp đoàn viên, đảng viên, trao Huy hiệu Đảng. Ông Chu Văn Bắc, Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Vân cho biết: "Các hoạt động diễn ra tại đây mang ý nghĩa sâu sắc, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ".

Quan tâm đầu tư, tôn tạo di tích

Ông Nguyễn Đình Hương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hiệp Hòa cho hay: Từ khi được xếp hạng đến nay, đình chợ Vân, đình Xuân Biều, đình Vân Xuyên và nhiều di tích khác đã được nhà nước và nhân dân quan tâm tôn tạo, nâng cấp với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Gần nhất, chùa Y Sơn được tu bổ tổng thể tòa hậu điện, sân, cổng với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng.

Ngày 24, 25/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Hiệp Hòa tổ chức buổi tọa đàm về giá trị lịch sử di tích ATK II với sự tham gia của các nhà khoa học để hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Đáng chú ý, 2/3 kinh phí tu sửa công trình này được huy động từ xã hội hóa và nhân dân đóng góp. Đền Soi, xã Hoàng Vân được làm lại sân, tường bao... Tuy vậy, theo thời gian, nhiều công trình, hiện vật lâu năm làm bằng chất liệu gỗ, giấy, kim loại, vải… bị tác động của thời tiết, khí hậu đã xuống cấp, mai một. Đa số di tích nằm trong các thôn, xóm, diện tích mặt bằng hẹp nên tổ chức các hoạt động văn hoá gặp khó khăn. Công tác tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh, từ tháng 8/2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với UBND huyện Hiệp Hòa xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ATK II. Thời điểm này, quá trình lập hồ sơ với các phần việc như: Xây dựng lý lịch, bản đồ, chỉ dẫn địa lý, bản vẽ kỹ thuật, tranh ảnh; thống kê hiện vật, các văn bia, câu đối, đại tự... tại các điểm di tích đã cơ bản hoàn thành. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cũng khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích. 

Cụ Ngô Đình Kế (99 tuổi), thôn Xuân Biều, xã Xuân Cẩm nói: Cách đây 75 năm, tại đình Xuân Biều diễn ra cuộc mít tinh và khởi nghĩa giành chính quyền cấp xã đầu tiên trong cả nước. Đình làng Xuân Biều đã vinh dự được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Tuy nhiên, nhân dân trong thôn vẫn mong mỏi di tích được quan tâm nhiều hơn, trở thành điểm đến trong hành trình về nguồn của các thế hệ.

Tỉnh Bắc Giang hiện có 4 di tích quốc gia đặc biệt là: Chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Bổ Đà (Việt Yên); Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế; Địa điểm Chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang). Sau khi được xếp hạng, các di tích đều được quan tâm đầu tư tôn tạo, thu hút nhân dân, nhất là du khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh; trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc, phát huy giá trị lịch sử và văn hóa.

Để bảo tồn, nâng tầm giá trị các di tích, giai đoạn 2021-2025, huyện Hiệp Hòa có kế hoạch bố trí khoảng 4 tỷ đồng từ ngân sách để cải tạo, sửa chữa Nhà trưng bày truyền thống ATK II (cũ) nhằm giới thiệu, trưng bày các hiện vật ghi dấu một thời kỳ đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc. 

Ông Tạ Việt Hùng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: "Chúng tôi mong muốn các điểm di tích ATK II sớm được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, xứng tầm với giá trị lịch sử là nơi ghi dấu các sự kiện chính trị, quân sự trọng đại trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng liên kết giữa các khu di tích gắn với phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của quê hương".

Theo Báo Bắc Giang
0 Bình luận

Loading...