Nét đặc sắc Lễ hội chùa La (Chùa Vĩnh Nghiêm)

06 Tháng 3, 2023 | Di tích lịch sử văn hóa

Nét đặc sắc Lễ hội chùa La (Chùa Vĩnh Nghiêm)
Vĩnh Nghiêm chùa ở Đức La Chùa thờ Tam tổ phái là Trúc Lâm Bên kia Yên Tử, Quỳnh Lâm Đây đền Kiếp Bạc, kia chùa Côn Sơn” Chùa Vĩnh nghiêm (Chùa La) tọa lạc ở nơi hợp lưu ngã 3 Phượng nhãn, Phía sau là dải núi Cô tiên thuộc xã Trí Yên, Huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Với địa hình sô sơn đạp thủy, chùa Vĩnh Nghiêm đã trở thành điểm đến tâm linh, điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng thu hút đông đảo khách thập phương về dự để hòa mình vào không khí lễ hội tâm linh đặc sắc của chốn tổ đình Vĩnh Nghiêm: Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức trong ba ngày từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 02 Âm lịch hàng năm cho hợp với thời tiết mùa xuân, hợp mùa lễ hội.

Hội chùa La mở ra được ba làng La tham gia với sự tổ chức chặt chẽ. Ba làng La gồm La Thượng, La Trung và La Hạ. Cả ba làng đều thờ ba vị tổ Trúc Lâm Yên Tử. Lễ vật gồm:

- La Thượng: chuẩn bị gạo nếp chục thổi xôi đóng oản, hoa quả hương đăng, trang trí cho kiệu của làng, cỗ La Thượng sắp 5 tầng, trên cùng là phẩm oản lớn cao, tầng 4 là 4 phẩm oản, tầng 3 là 6 phẩm oản, tầng 2 là 8 phẩm oản, tầng 1 là 10 phẩm oản cấu trúc hình tháp.

- La Trung: Truyền thống làm bánh dầy, làng có 1 khu ruộng cấy tăng gia. Hàng năm giao cho Hội Người cao tuổi cấy lúa nếp, thổi xôi làm bánh dầy. Giống gạo nếo này gọi là nếp trục vừa trắng vừa thơm, khi làm thành bánh có độ dẻo, màu trắng mịn màng hương thơm tinh khiết. Năm nào làng cũng kết 1 chiếc bánh dầy to bằng cái nia con, nặng 30-40kg, trang trí để vào bóng kính xinh đẹp, ngon lành, sắp lên kiệu rước.

- La Hạ: Chuẩn bị gạo nếp, đường đen xay giã chè lam, đáng bánh trang trí lên kiệu làng mình.

Trong ngày hội mở, mỗi làng tổ chức rước một kiệu lên chùa. Người điều hành toàn bộ cuộc rước của ba làng là Chánh tổng cầm trịch. Thành phần tham gia vác cờ, khiêng kiệu trong cuộc rước là các chàng trai thanh, gái lịch do các làng tuyển chọn. Họ là những thanh niên nam, nữ chưa vợ, chưa chồng, khỏe mạnh, ngoan ngoãn, là con cháu của những gia đình tử tế, mẫu mực có uy tín với làng xóm. Những người này đều mặc áo nâu đỏ, đầu đội nón chóp, chân quấn xà cạp, thắt lưng màu vàng bó múi cạnh sườn, đầu chít khăn vàng bỏ múi. Việc tế tổ do các sư đảm nhiệm. Dưới sự điều hành của sư Trụ trì, các cụ dân thôn tụng kinh niệm phật. Trước ngày mở hội, các cụ quan viên các làng họp bàn phân công cụ thể công việc diễn ra trong ba ngày.

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm do các tăng sư trụ trì ở chùa phối hợp chặt chẽ với UBND xã Trí Yên đứng ra tổ chức. Trước thời gian lễ hội khoảng một tháng, các sư trụ trì ở chùa và chính quyền UBND xã họp bàn, thành lập ra một ban tổ chức để lo liệu. Trong từng làng cụ thể lại có những tiểu ban do làng bầu ra để lo công việc của làng mà nhà chùa phân công. Những ban của làng thường do Trưởng thôn làm Trưởng ban. Thành viên trong ban là các đoàn thể như: Hội Mặt trận, Hội Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân…

Đến giờ quy định, các đám rước của các làng La Thượng, La Trung, La Hạ được khởi hành từ trung tâm làng mình tiến về chùa. Đi đầu là đội múa kỳ lân. Sau đoàn kỳ lân là đoàn rước của làng La Thượng, tiếp đến La Trung, sau cùng là La Hạ. Dưới sự điều hành của ban tổ chức lễ hội, khi ba đám rước về đến trước cửa chùa thì dừng lại để ổn định trật tự đội hình.

Tiếp theo phần lễ là phần hội, kể cả xưa và nay gồm rất nhiều trò chơi có tính chất văn hóa, thể thao dân gian bổ ích, hấp dẫn, thể hiện tinh thần thượng võ như: Đánh đu, kéo co, vật dân tộc, đập niêu, bịt mắt bắt dê,… Trong khu vực nội tự các cụ bà tổ chức các trò nhà Phật.

Song hành cùng danh lam cổ tự Vĩnh Nghiêm, Lễ hội chùa Vĩnh nghiêm là một lễ hội lớn của khu vực, thu hút cộng đồng dân cư sở tại địa phương cùng các vùng lân cận và muôn ngàn khách thập phương. Đây là một lễ hội lớn trong vùng, thể hiện ảnh hưởng to lớn của Phật giáo trong đời sống xã hội; thông qua lễ hội, thể hiện được đạo lý truyền thống, uống nước, nhớ nguồn của con người Việt Nam tưởng nhớ đến công lao 3 vị sư tổ đã có công khai sáng ra Thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền mang đậm bản sắc Văn hóa Việt Nam và biết ơn công lao to lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm Nguyên - Mông, giữ yên bờ cõi Đại Việt của vị tổ đệ nhất (Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông); đồng thời cho thấy sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng làng xã của nhân dân khu vực Bắc Bộ và của dân tộc Việt Nam.

Về với chốn tổ Vĩnh Nghiêm, du khách thắp một nén hương trầm lễ Phật không chỉ để tĩnh tâm, thanh thản, gác lại những lo toan, nhọc nhằn của cuộc sống đời thường, được đắm mình vào không gian tôn nghiêm để biểu lộ lòng thành kính, biết ơn và sự tưởng niệm công đức của mình tới 03 vị Tam tổ Trúc Lâm mà hơn thế nữa du khách còn được tận mắt chiêm ngưỡng bộ tạng kinh thư phật gồm 3.050 bản ván khắc rời được UNESCO vinh danh là Di sản Tư liệu Ký ức khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2012, được chiêm bái nét đẹp của công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo cùng với hệ thống tượng phật quy chuẩn, mẫu mực mà các ngôi chùa khác hiếm có được.

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm ngày nay đã như một sinh hoạt tinh thần không thể thiếu được vùng Kinh Bắc. Lễ hội là một phần linh hồn của di tích, nếu như di tích chứa đựng những kỷ vật như một bảo tàng mà bảo tàng bao giờ cũng im lặng, trong bảo tàng bao giờ cũng cảm nhận thấy sự im lặng, ngưng đọng thì ngược lại lễ hội như khơi dậy sự sống động của di tích. Nhờ có lễ hội này, Di tích lịch sử chùa Vĩnh Nghiêm được bạn bè gần xa và khách du lịch quốc tế biết đến./.

Theo Cổng TTĐT huyện Yên Dũng
0 Bình luận

Loading...