Đặc sản cháo cá

05 Tháng 2, 2016 | Làng nghề và Đặc sản

Đặc sản cháo cá
Đã gọi là cháo thì có nhiều loại, nào: cháo đỗ đen, cháo đỗ xanh, cháo thịt, cháo hoa (gạo nấu loãng), cháo cá, cháo thập cẩm… Đã là ăn cháo: khi ốm không ăn được cơm phải ăn cháo- đó là cháo hành tía tô cho giải cảm, cháo đỗ đen ăn vào mùa hè cho mát, cháo thịt xay cho người già, trẻ con, cháo đỗ xanh ăn cho giải rượu… Nhưng có loại cháo thiêng ngày mùng 10 tháng 9 (âm lịch) ở Nga Trại- gọi là cháo cúng thần, lại có loại cháo thí (cháo hoa đựng vào bù đài lá đa, lá mít cắm dọc đường cho hương hồn vất vưởng không ai thờ cúng)… Ở Lý Viên lại có loại cháo đặc sản: cháo cá sau khi ăn gỏi cá mè và là món ẩm thực sau ngày tết. Câu ca vùng này truyền lại
Nga Trại nấu cháo cúng thần
Lý Viên cháo cá, bún cần tháng Giêng”
Ông Hưng làng Nga Trại, xã Hương Lâm, năm nay đã vào tuổi “cổ lai hy”, ông kể rằng: Đàn ông làng Nga Trại cứ đến tuổi 49, tuổi nhập lưu vào giới các cụ tại đình đều phải nấu cháo để cúng thành hoàng. Tất nhiên lễ nhập lưu không thể thiếu xôi, gà, trầu cau và rượu. Nấu cháo cúng thần cũng có nghĩa là cháo đãi họ hàng, làng xóm, bạn bè thân thiết. Trong bữa ăn dù cỗ to hay nhỏ, nhưng cháo là món ăn chính. Người nào không nấu được cháo trong ngày nhập lưu coi như người hèn kém và dân làng sẽ chê trách cả đời vừa xấu hổ, vừa mang tiếng. Giờ đây cứ đến ngày lệ làng nhà nào cũng có món cháo. Nếu có mời bạn về chơi ngày lệ làng, thì câu đầu tiên là “Về quê ăn cháo” chứ không mời “Về quê uống rượu”. Nấu cháo cá tuy không cầu kỳ nhưng phải cẩn thận từ chọn gạo, chọn thịt nạc ngon. Khi nấu phải ngâm gạo giã dập, ít quấy, quấy từ đầu gạo dễ bén nồi thành cháo khê. Khi cháo nhuyễn mới quấy và quấy đều liên tục cho tới khi bắc ra khỏi bếp. Cháo phải ăn nóng. Sau khi rượu, thịt, xôi nén đã ngà ngà được bát cháo nóng không khác gì bài thuốc làm vã hết mồ hôi, người sẽ sảng khoái, thoải mái và khỏe khoắn.
Cách nấu cháo của người Lý Viên lại có cái khác ở chỗ: Muốn đãi bạn món gỏi cá- đặc sản trong vùng bằng loại cá mè làm gỏi chỉ từ 3 đên 4 lạng một con thì bao giờ cũng phải có loại cá mè, trôi hoặc chép từ 2 kg trở lên để nấu nồi cháo cá nhưng ngon nhất vẫn là cháo cá mè. Cá để nguyên con, làm sạch cho vào nồi nấu. Tùy theo số lượng người ăn mà nấu. Nhưng trong mâm gỏi bao giơ cũng có một con cá được vớt ra từ nồi cháo nóng hôi hổi, bên trên cá được rải một lớp hành củ và thì là thơm phức. Những con cá còn lại được gỡ thành miếng đổ lẫn vào nồi cháo. Gỡ cẩn thận loại từng chiếc xương nhỏ. Nấu cháo bằng gạo tẻ loại ngon, thơm, cho thêm một nắm gạo nếp cái hoa vàng cho cháo sánh và dậy mùi hơn. Gia vị có hành, thì là, hạt tiêu, khi múc cháo mới cho vào từng bát chứ không thả cả vào nồi cháo. Nồi cháo bao giờ cũng phải đặt trên bếp, sôi xình xịch liên tục. Ăn mới múc cháo ra bát chứ không múc sẵn. Gỏi cá là loại mát- lạnh gồm cá sống và các loại lá. Sau khi ăn gỏi được bát cháo nóng làm cho âm- dương hài hòa, nóng chế lạnh, thực là món ăn- vị thuốc tăng cường sức khỏe cho con người. Chả thế mà gỏi cá với đặc sản cháo cá đã được chọn là một trong mười món ẩm thực của Việt Nam được giới thiệu trên chương trình VTV10 giành cho bạn bè thế giới.
Cháo cá ngày tết thường được nấu vào ngày mùng 3 hay mùng 4 tháng Giêng, ngày lễ hóa vàng tiễn đưa các cụ sau những ngày mời tổ tiên về nhà ăn tết. Cháo ngày đầu năm thường nấu cháo cá chép chứ không nấu cháo cá mè. Sau ngày tết- các loại ẩm thực đã cảm thấy quá dư thừa. Đủ thứ nem, giò, chả, bánh kẹo, rượu chè… ăn nhiều làm cho người ta mệt mỏi, uể oải “ngán, ngấy”. Bát cháo cá hay bát bún nộm rau cần lúc này thực ngon miệng, vừa nhẹ nhàng vừa sảng khoái tinh thần, vừa giải tỏa tâm lý ngày nào cũng rượu./. 
 Ngô Văn Trụ
0 Bình luận

Loading...