Độc đáo lễ hội Thổ Hà

26 Tháng 2, 2019 | Lễ hội

Vào dịp đầu xuân, du khách thập phương lại nô nức trảy hội Thổ Hà. Không chỉ được mãn nhãn bởi những nghi thức tế lễ, những trò chơi dân gian độc đáo, du khách còn được đắm mình trong những làn điệu dân ca quan họ tình tứ, da diết của các liền anh, liền chị trên bến sông Cầu.
Độc đáo lễ hội Thổ Hà
Trai đinh rước kiệu Thánh 
Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 20 đến 22 tháng Giêng hằng năm, dù bận công việc đến đâu chúng tôi vẫn dành thời gian về làng Thổ Hà (huyện Việt Yên, Bắc Giang) tham dự lễ hội đầu xuân. 
Mới sáng sớm, đến đầu làng, chúng tôi đã cảm nhận được không khí tưng bừng, náo nức nhưng cũng rất thành kính, tôn nghiêm của người làng Thổ Hà vào hội. Ai vào việc nấy, từ các bậc lão niên đến những em nhỏ tất thảy đều chỉnh tề trang phục lễ hội truyền thống. Tất cả đều là diễn viên thực thụ của lễ hội. Lễ hội Thổ Hà như một đại tiệc phô diễn những nét văn hóa đặc trưng, với đủ các màu sắc, âm thanh mang vẻ đẹp thuần khiết của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thật không sai khi nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và du khách thừa nhận, muốn trải nghiệm, khám phá văn hóa cổ truyền dân tộc hãy về làng Thổ Hà vào dịp lễ hội. 
Sửa sang trang phục để chuẩn bị rước lễ 
Theo các bô lão của làng, hội Thổ Hà là sự kiện văn hóa hết sức đặc sắc, được tổ chức hằng năm, nhưng trong chu kỳ 05 năm sẽ có 02 lần mở hội lớn và tiến hành nghi lễ rước. Lễ hội là dịp để người dân trong làng tỏ lòng biết ơn đối với Thánh thần và vị sư tổ Đào Trí Tiến, người có công truyền nghề gốm cho người dân trong làng từ khoảng thế kỷ 12. Lễ hội này còn duy trì, lưu giữ gần như nguyên vẹn những nghi thức mang đậm nét văn hóa độc đáo, cổ truyền của lễ hội xứ Bắc. 
Múa lân tại lễ hội 
Lễ hội làng Thổ Hà bao giờ cũng gồm hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức rất trọng thể và bài bản. Trong đó, lễ rước là điểm nổi bật trong hội làng Thổ Hà. Khi ấy, các xóm trong làng tổ chức rước kiệu ra đình gồm hàng trăm người, đều là nam thanh nữ tú, ai nấy đều ăn vận trang trọng, rực rỡ. 
Bộ Tam đa "Phúc - Lộc - Thọ" do người dân hóa trang tham gia đoàn rước 
Tâm điểm của hội rước là ba ông Phúc - Lộc - Thọ cùng cặp Tiên đồng, Ngọc nữ do dân làng hóa trang. Dẫn đầu là đoàn múa lân, đội bát nhã đủ cả kèn, trống, nhị, thanh la tạo nên một không gian lễ hội vô cùng sôi động với đầy đủ màu sắc sặc sỡ và âm thanh náo nhiệt. 
Đi sau 3 ông Phúc - Lộc - Thọ có 4 ông Tổng Cờ, Tổng Kiếm, Tổng Tiết, Tổng Chiêng. Mỗi ông đại diện cho một đoàn quân. Tiếp sau đó là đoàn rước Kiệu Thánh và Kiệu Mẫu cùng bàn thờ ngai vị đi kèm với đội múa sinh tiền. 
Múa sinh tiền tại lễ hội
Lễ rước chỉ đi từ các xóm đến đình làng không xa, chỉ vài trăm mét nhưng phải mất vài giờ đồng hồ do nhiều nghi lễ kèm theo. Lễ vật dâng thánh thần trong lễ hội gồm một con bò thui được phủ kín bằng lụa đào, do bốn trai đinh trang trọng dâng tế; ngoài ra còn có rất nhiều lễ vật được các xóm, dòng họ, gia đình dâng lên thánh thần.
Thiếu nữ dâng lễ chay tế thánh thần
Một nguyên tắc đặc biệt đối với người Thổ Hà vào dịp lễ hội, trước lễ rước, những người tham gia đoàn rước đều phải “kiêng động phòng”; những gia đình nào có “bụi” (việc tang) không được tham gia đoàn rước. Điều đó đảm bảo cho sự thanh khiết và tỏ lòng thành kính đối với Thánh thần và Thành hoàng làng. Tuyệt đối không ai được phép đứng ở vị trí cao hơn đoàn rước. 
Đoàn rước lễ vào sân đình làng 
Ngoài ra, khi đoàn rước đi qua các ngõ xóm, mỗi gia đình hai bên đường đều phải mở cửa và sửa soạn sẵn một mâm lễ vật hương hoa, trà quả, rượu thịt thật thịnh soạn để nghênh đón và rước Thánh vào nhà. Việc này, vừa thể hiện lòng thành kính đồng thời thể hiện ước vọng được thánh thần che chở, phù hộ cho điều may mắn, tốt lành đối với người dân trong làng. 
Tại đình làng, từ sáng sớm, chánh tế, thông xướng, độc chúc cùng toàn bộ các bô lão trong ban tế quần áo chỉnh tề để đón đoàn rước từ các miếu của các xóm về đình làng. Chủ tế đứng ở bậc tam cấp đón đoàn rước. 
Khi mọi người đã yên vị, cuộc tế mới được bắt đầu với những nghi thức long trọng. Tất cả đều tỏ lòng thành kính mời Thánh về dự hội cùng dân làng và cầu xin Thánh phù hộ cho dân làng một năm mới dồi dào sức khỏe, làm ăn phát đạt, xóm làng yên vui, gia đình hạnh phúc.
 
Kết thúc phần lễ, chuyển sang phần hội với nhiều trò chơi dân gian như chọi gà, bơi chải, chèo thuyền bắt vịt, đấu cờ tướng… Nhưng tiêu biểu nhất phải kể đến là hát quan họ. 
Hát quan họ trên sông tại lễ hội
Sau khi mãn nhãn với các nghi thức tế lễ, chúng tôi lại được đắm mình trong những làn điệu dân ca quan họ tình tứ, da diết của các liền anh, liền chị trên bến sông Cầu.
 Thổ Hà là một làng gốc của nghệ thuật hát quan họ. Vào dịp hội, các liền anh, liền chị của các thôn lân cận cùng về dự hội trổ tài hát cả ngày lẫn đêm tại sân đình và trên thuyền tại bến sông.
 
Bên cạnh các hoạt động đặc sắc lễ hội, một điều cũng hết sức độc đáo, thể hiện lòng hiếu khách của người Thổ Hà mà mỗi người khi lần đầu tham dự đều không khỏi ngỡ ngàng.
 
Đó là, vào dịp lễ hội, gia đình nào cũng chuẩn bị rất nhiều nguyên liệu để làm cỗ. Cỗ ở đây không chỉ dành cho các khách mời là người thân, bạn bè của gia chủ mà còn để mời du khách thập phương về dự hội. Người Thổ Hà quan niệm, dịp lễ hội mà mời được càng nhiều khách đến nhà thì cả năm đó gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt. Đặc biệt, trong mâm cỗ không thể thiếu món cầy tơ.
 
Trong không khí ấm áp, giao hòa giữa thiên nhiên đất trời với con người tràn đầy sức xuân, lễ hội Thổ Hà như một báu vật quý giá như nhắc nhủ mỗi chúng ta hướng về công lao của các bậc tiền nhân gây dựng, sáng tạo và để lại cho muôn đời con cháu. Bảo vật vô giá có sức mạnh lớn lao, níu giữ những nét nhân văn căn cốt của văn hóa dân tộc và chở che, nuôi dưỡng tâm hồn người Việt trước bao biến động, xô bồ của thế sự đổi thay. 
Chia tay lễ hội, lời ca da diết “người ơi, người ở đừng về” của các liền anh, liền chị cứ níu kéo, làm xốn xang mỗi chúng tôi. Dùng dằng chẳng muốn chia tay. Đành ngẹn ngào đáp từ bằng lời hẹn mùa hội năm sau./.
Theo Nguyễn An - dulichbacgiang
0 Bình luận

Loading...