Lễ hội làng Chẽ và hội thi bơi chải

22 Tháng 9, 2014 | Lễ hội

Lễ hội làng Chẽ và hội thi bơi chải

Sắp đến ngày 10 tháng 4 ( Âm lịch) nếu có dịp lên vùng An Châu - Sơn Động, bạn hãy dành thời gian đến thăm Hội Đình làng Chẽ và hội thi bơi chải  trên dòng sông An Châu. Đình làng Chẽ trước đây thuộc xã An Lập, đến năm 1990 khi thành lập thị trấn An Châu, làng Chẽ (hiện nay gọi là khu Đình) thuộc về thị trấn An Châu. So với các huyện, thành phố khác trong tỉnh, Sơn Động có ít di tích lịch sử văn hoá hơn nhưng hội Đình làng Chẽ, Hội thi bơi chải  cùng với các hội thi hát khác của đồng bào dân tộc thiểu số được tổ chức hàng năm, đã tạo nên một bản sắc riêng cho  huyện vùng cao trong những năm gần đây.

 

          Hội Đình làng Chẽ được khai mở hàng năm từ sau ngày 10 tháng giêng tại tất cả các địa điểm là nơi thờ tự gồm: Khu vực chính Đình Chẽ, khu vực thứ hai Miếu Đức Ông, khu vực thứ ba Đền Vua Bà, Khu vực thư tư là khu tổ  chức thi bơi  chải trên đoạn sông An Châu chảy qua làng Chẽ. Tại những địa điểm trên, dân làng chuẩn bị đầy đủ cờ quạt, đồ tế lễ, kiệu, đồ rước.... để phục vụ cho nghi lễ khai hội. Ngày khai hội dân trong làng và các xã khác về xem   rất đông. Trong dòng người đi trẩy hội có nhiều gia đình, bà con người Tày, Nùng, Dao, Hoa.... quần sáo sặc sỡ, mầu sắc khác nhau tạo cho không khí ngày hội thêm phong phú, đa dạng. Hội được bắt đầu sau những hồi trống cất lên là nghi lễ rước kiệu từ Đình vào Miếu Đức Ông, tại đây trước hàng trăm người, đại diện chủ lễ đọc lời tế khai hội. Miếu Đức Ông là nơi thờ một nhân vật lịch sử, theo truyền thuyết kể lại rằng: Đức Ông là một vị tướng của vua Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh sang xâm lược nước ta, vốn quê ở vùng Diễn Châu (Nghệ An) được nhà vua giao nhiệm vụ chỉ huy đội quân thuỷ chiến ( chuyên phục kích giặc Minh theo đường sông, suối, khe, rạch ở vùng Bắc Giang, Lạng Sơn...) Ông đã có công lớn trong việc vận động nhân dân khu vực đồng bào thiểu số, xây dựng các đội nghĩa binh, luyện tập cho họ trở thành những người lính chuyên dùng thuyền độc mộc đánh giặc. Sau khi ông mất đi, nhân dân trong vùng lập miếu thờ để ghi nhớ công lao và từ đó gọi là Miếu Đức Ông. Hiện nay ở trong Miếu vẫn còn lưu lại bài hịch ca ngợi ông như sau:

Đức Ông xưa phù Lê Thái Tổ.

Khởi nghĩa quân tự ở Lam Sơn.

Chốn huấn luyện thuỷ binh lục chiến.

Nghe hịch vua kêu gọi toàn dân.

Thu hoàng ân nơi đây đánh giặc....

Khi từ trần anh linh hiển thánh

Đến từ hương hoa mấy ngàn thu...”

          Sau phần nghi lễ tại miếu Đức Ông, phần hội được tổ chức tại Nghè Chải và bắt đầu cuộc thi bơi chải . Đây là đoạn sông khá rộng và có độ sâu từ 1 đến 2.5m, vào những tháng mùa khô, lòng sông cạn kiệt dân làng Chẽ có thể lội qua sông để sang làng bên. Chỉ đến khi cuối xuân, đầu hè khi những cơn mưa rào trút xuống sông An Châu ngập đầy nước mới có thể tổ chức bơi  chải được. Thuyền bơi châu là loại thuyền độc mộc có sức chứa đủ 7 người, các tay đua để mình trần, đóng khố, đầu chít khăn đỏ, lái chèo bơi mạnh trên cánh tay săn chắc trong tiếng trống ngũ liên dồn dập. Đường đua trên đoạn sông dài khoảng 300- 400m thuyền nào về đích trước sẽ rút được thẻ trên có ghi ký hiệu bằng chữ Hán, đoạt giải trong hội thi,  các tay đua sẽ được thưởng ( bằng tiền hoặc hiệu vật tùy theo). Hội thi bơi  chải hàng năm thu hút rất đông người đến xem  vì ngoài phần thi bơi chải còn nhiều hoạt động khác diễn ra trong khu vực lễ hội: Chọi gà, cờ người, vật, kéo có và cả những điều tình ca trong thi hát của đồng bào Tày, Nùng, Dao...

        Trong những năm 90 của thập kỷ trước, do điều kiện kinh tế có nhiều khó khăn, sự quan tâm cho việc duy trì, phát triển các lễ hội còn hạn chế, vì vậy có thời gian dài các di tích ở khu vực này và hội thi bơi chải  không được quan tâm tổ chức. Đình, Miếu xuống cấp, thuyền độc mộc cũ nát nằm lặng dưới đáy sông....

        Từ năm 2000 thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá của đồng bào các dân tộc giai đoạn 2000 - 2005 do ngành VHTT ( nay là Văn Hoá - Thể Thao và Du Lịch) chỉ đạo, tổ chức thực hiện các lễ hội truyền thống của tỉnh nói chung và của Huyện Sơn Động được khôi phục. Đặc biệt trong năm 2001 Quỹ Văn hoá Việt Nam - Thuỵ Điển đã tài trợ cho UBND thị trấn An Châu trên 35 triệu đồng ( theo giá trị thời điểm đó) cùng với sự  vận động đóng góp của nhân dân được trên 100 triệu đồng để tu sửa, tôn tạo di tích, đóng mới 3 thuyền độc mộc, mua cờ, đồ tế lễ... khôi phục lại toàn bộ các hoạt động của hội đình làng Chẽ và hội thi bơi chải .

Đến nay, lễ hội này đã được nâng cấp thành một trong những hội chính của huyện Sơn Động, cơ sở hạ tầng, địa điểm diễn ra phần lễ, phần hội đều được đầu tư khang trang, sạch đẹp, rất thuận lợi cho du khách đến thăm.

          Vào dịp này nếu lên vùng An Châu, bạn sẽ thấy không khí lễ hội tưng bừng, cờ bay phấp phới, trống hội rộn ràng và nhất là những ánh mắt, nụ cười thân thiện, mến khách của bà con trong vùng đến chào đón các bạn.

Thành Trung

0 Bình luận

Loading...