Liên kết khu vực để phát triển sản phẩm du lịch Bắc Giang

18 Tháng 9, 2014 | Nghiên cứu và Trao đổi

Liên kết khu vực để phát triển sản phẩm du lịch Bắc Giang

Cách Hà Nội 50 km về phía Bắc, trên trục quốc lộ 1, Bắc Giang có vị trí  thuận lợi trong việc kết nốt với các địa phương trong khu vực Đông Bắc, nơi có hoạt động du lịch kháphát triển. Tuy tài nguyên du lịch Bắc Giang không nổi bật như các địa phương lân cận nhưng những lợi thế nhất định về địa hình, địa mạo, văn hóa và đặc biệt là vị trí tạo cho Bắc Giang những tiềm năng và cơ hội cho phát triển du lịch.Cùng với xu hướng mở rộng du lịch của Việt Nam, liên kết các sản phẩm du lịch trong khu vực tạo cho Bắc Giang một tiềm năng, một hướng đi mới trong phát triển du lịch.

 1.Vị trí sản phẩm du lịch Bắc Giang trong khu vực

Với địa hình trung du xen lẫn miền núi và vị trí gần Hà Nội, trên đường lên cửa khẩu, gắn liền với lịch sử phát triển của Việt Nam, Bắc Giang có những tiềm năng cho phát triển du lịch, nhất là các loại hình du lịch cuối tuần, du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa. Lịch sử phát triển của vùng đất Bắc Giang, được biết tới như là phên dậu của kinh thành Thăng Long còn đọng lại trong nhiều di tích văn hóa, từ các chùa chiền, làng cổ tới các lễ hội, làng nghề truyền thống trong vùng. Tuy có quy mô không lớn và mức độ tập trung không cao nhưng nhiều trong số những di tích văn hóa của Bắc Giang có thể phát triển thành những điểm du lịch hấp dẫn. Có thể kể trong số này cụm làng truyền thống Thổ Hà – Vân Hà hay chùa Vĩnh Nghiêm… Trong khi đó, các tài nguyên du lịch tự nhiên của Bắc Giang như rừng, hồ, suối đã bước đầu được khai thác phát triển cho du lịch và đang còn chứa đựng không ít tiềm năng.

Tuy vậy, Bắc Giang vẫn là một  điểm còn rất mới trên bản đồ đu lịch Việt Nam. Nếu so với các địa phương lân cận, nơi đón hàng trăm nghìn, hàng triệu lượt khách một năm như Quảng Ninh, Bắc Ninh hay thậm chí là Lạng Sơn, Thái Nguyên, lượng khách tới Bắc Giang còn rất khiêm tốn (chỉ khoảng 30,000 Khách/ năm) và chủ yếu là khách du lịch nội địa. Trong khi đó hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật (đường xá, giao thông …), hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch (cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí) của Bắc Giang còn nhiều hạn chế, chưa đủ điều kiện khai thác được giá trị của các tài nguyên du lịch. Vị trí của du lịch Bắc Giang còn khá mờ nhạt trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Ở khía cạnh cạnh tranh, Bắc Giang không có nhiều lợi thế tuyệt đối khi so sánh với các địa phương lân cận ở phía Bắc. Với loại hình du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, các huyện mới của Hà Nội (vốn là tỉnh Hà Tây cũ), Vĩnh Phúc, Hòa Bình đều là những điểm du lịch giầu tiềm năng và hiện đang được khai thác phát triển du lịch rộng rãi. Về du lịch văn hóa, các loại hình du lịch lễ hội, tín ngưỡng, làng nghề hay những hình thức du lịch văn hóa khác cũng đã và đang phát triển mạnh ở Bắc Ninh, các huyện mới ở Hà Nội, Quảng Ninh … Không phủ nhận được những lợi thế của Bắc Giang về vị trí, lực lượng lao động dồi dào và một số tài nguyên du lịch có tiềm năng nhưng những hạn chế về điều kiện kinh tế xã hội, cơ sở vật chất kỹ thuật cho phát triển du lịch, quy mô nhỏ và rải rác của các tài nguyên, hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực, hạn chế về hệ thống sản phẩm du lịch … là những điểm yếu cơ bản cho sự phát triển của du lịch Bắc Giang. Bắc Giang cũng phải đối mặt với những thách thức từ cạnh tranh của các tỉnh lân cận trong thu hút khách và thu hút đầu tư du lịch trong tương lai.

Đánh giá sức cạnh tranh của du lịch Bắc Giang so với các tỉnh lân cận

Ghi chú: Các tiêu thức đánh giá  được xây dựng dựa trên các nghiên cứu của Ritchie and Crouch (2003) và phân tích cụ thể cho hai lại hình du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng – sinh thái. Điểm số chỉ mang tính chất so sánh tương đối: 5- Rất thuận lợi, 4- Thuận lợi, 3- Mức thuận lợi trung bình, 2- Không thuận lợi, 1- Khó khăn. Đánh giá  do tác giả thực hiện.

Nếu so sánh mang tính tuyệt đối, Bắc Giang khó có khả năng cạnh tranh với các Tỉnh lân cận như Hà Tây (cũ) hoặc Vĩnh Phúc, Bắc Ninh. Tuy vậy, một trong những đặc điểm của sản phẩm du lịch là tính chất liên vùng. Điều này do đặc tính của chuyến đi du lịch tạo thành. Một số chuyến du lịch là du lịch trong ngày với phạm vi di chuyển hẹp. Nhưng thông thường nhiều chuyến du lịch thường kéo dài nhiều ngày và diễn ra trên phạm vị khá rộng với nhiều điểm du lịch, tại nhiều địa phương với nhiều mục đích đi du lịch khác nhau. Với mỗi chuyến đi, khách du lịch thường chọn một vài điểm du lịch cốt lõi – chính là mục đích chính của chuyến đi. Trên đường đi hoặc đường trở lại, hoặc trong thời gian lưu tại các điểm du lịch cốt lõi, khách du lịch có nhu cầu ghé thăm các điểm du lịch khác xung quanh. Đây chính là một cơ hội cho Bắc Giang trong phát triển sản phẩm du lịch của mình khi Bắc Giang nằm cạnh những địa phương có du lịch phát triển mạnh. Thêm vào đó, yêu cầu đa dạng hóa sản phẩm đối với khách du lịch thường xuyên cùng với sự phát triển du lịch nội địa và nhất là du lịch cuối tuần cũng mang lại cho Bắc Giang những cơ hội mới trong phát triển du lịch.

2. Phát triển sản phẩm du lịch liên kết của Bắc Giang với khu vực

 Khu vực miền Bắc nói chung và Đông Bắc nói riêng, có nhiều điểm du lịch nổi tiếng. Nổi bật trong số này là Vịnh Hạ Long (cùng với các điểm du lịch xung quanh như Cát Bà, Bái Tử Long, Cửa Ông …), Yên Tử của Tỉnh Quảng Ninh và Cửa khẩu Tân Thanh hay các điểm du lịch tại Lạng Sơn. Với vị trí gần kề, nằm gần Hà Nội và trên tuyến đường, tuyến du lịch quốc tế đường bộ từ Trung Quốc, Bắc Giang có nhiều cơ hội để kết nối sản phẩm du lịch của mình với các sản phẩm, tuyến du lịch tại vùng Đông Bắc.

Hồ Khuôn Thần, xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn. Ảnh TTXTDL

Liên kết sản phẩm du lịch Bắc Giang với các tuyến, sản phẩm du lịch miền Bắc Việt Nam dựa trên những định hướng cơ bản như sau. Trước hết, việc phát triển và liên kết sản phẩm du lịch cần khai thác được thế mạnh của các điểm du lịch Bắc Giang, dựa trên định vị của sản phẩm du lịch Bắc Giang. Định hướng này dựa trên đặc điểm cạnh tranh của các điểm du lịch trong vùng. Khu vực Đông Bắc có một số sản phẩm khá tương đồng về văn hóa cũng như nghỉ dưỡng – sinh thái. Hơn nữa vùng này có nhiều tài nguyên du lịch tạo ra những sản phẩm du lịch có giá trị cao. Việc phát triển liên kết điểm du lịch của Bắc Giang phải tính tới những điều kiện này và chú trọng vào định vị của Bắc Giang. Tuy sản phẩm du lịch của Bắc Giang chưa thể cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm du lịch của các địa phương khác nhưng sẽ là một sản phẩm thay thếquan trọng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.

Thứ hai, cần tạo ra những sản phẩm hoàn chỉnh và đa dạng trong thiết kế các sản phẩm du lịch. Ngoại trừ các sản phẩm nghỉ dưỡng cuối tuần, các sản phẩm du lịch của Bắc Giang thường có quy mô nhỏ. Trong khi đó, nhu cầu của khách du lịch tập trung cho những chuyến du lịch dài ngày với nhiều loại hình du lịch đa dạng. Việc đưa các điểm du lịch Bắc Giang trong những sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, đa dạng miền Bắc cần tính tới các điểm du lịch trong tuyến được xây dựng thành chuyên đề hoặc thành các điểm hỗ trợ trong các tour chuyên đề; xây dựng những lộ trình du lịch kết hợp nhiều điểm du lịch; đảm bảo điều kiện giao thông thuận lợi giữa các điểm du lịch; đảm bảo các điều kiện dịch vụ dọc tuyến du lịch.

Thứ ba là vai trò của cơ  quan quản lý nhà nước về du lịch trong việc thúc đẩy liên kết, hợp tác khu vực, xây dựng sản phẩm và đặc biệt là trong khuyến khích khu vực tư nhân tham gia phát triển và khai thác sản phẩm. Sản phẩm du lịch Bắc Giang chưa phát triển, phần lớn mới ở dạng tiềm năng. Phần lớn các công ty lữ hành có xu hướng khai thác các sản phẩm du lịch có sẵn mà ít đầu tư phát triển sản phẩm mới. Cũng có một số công ty du lịch đi tiên phong trong việc phát triển điểm du lịch mới khi họ thấy tiềm năng thực sự cao. Để phát triển những sản phẩm du lịch liên kết vùng từ ý tưởng tới thực tế đòi hỏi những nỗ lực của các cơ quan quản lý về du lịch, tiên phong trong việc xúc tiến đầu tư của các khu vực nhà nước, tư nhân, quốc tế, tổ chức phi chính phủ … trong việc phát triển sản phẩm du lịch.

 3. Xây dựng các chương trình du lịch liên kết khu vực khai thác các sản phẩm du lịch Bắc Giang

 Hiện tại, các chương trình du lịch liên vùng với sự tham gia của các điểm đến du lịch Bắc Giang đa manh nha được hình thành. Tuy vậy, các sản phẩm cụ thể vẫn chưa được hình thành. Với những tiềm năng, hiện trạng và vị thế  phát triển du lịch của Bắc Giang cũng như của khu vực, một số sản phẩm đặc trưng của khu vực Đông Bắc mà Bắc Giang có thể tham gia là:

 Sản phẩm du lịch Kinh Bắc

Kinh Bắc với hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang là cửa ngõ phía bắc của Thủ đô Hà  Nội nổi tiếng với những di tích lịch sử, văn hóa, truyền thống, làng nghề vừa mang đậm nét văn hóa làng xã  nông nghiệp Việt Nam, vừa đặc trưng với văn hóa làng nghề và bản sắc truyền thống đặc sắc. Với vị trí địa lý gần Hà Nội, hệ  thống giao thông khá thuận tiện, Kinh Bắc là một  điểm du lịch khá hấp dẫn.

Với các tài nguyên du lịch có nhiều giá trị các chương trình du lịch Kinh Bắc có  thể đáp ứng nhu cầu du lịch nội địa và  quốc tế bao gồm:

·               Du lịch nông thôn:Kinh Bắc vẫn còn lưu lại cảnh quan và truyền thống văn hóa làng xã đậm nét văn hóa dân gian Việt Nam, không chỉ thu hút khách du lịch quốc tế tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, văn hóa nông thôn và nông nghiệp mà còn hấp dẫn khách du lịch Việt Nam tìm hiểu các giá trị văn hóa lịch sử Việt Nam cũng như tìm lại những ký ức đời sống văn hóa chưa bị đô thị hóa. Kinh Bắc cũng nổi tiếng với hát Quan họ - di sản văn hóa thế giới.

·               Du lịch làng nghề thủ công truyền thống:Khu vực Kinh Bắc nổi tiếng với nhiều làng nghề đặc biệt ở Bắc Ninh. Nhiều làng nghề vẫn còn giữ gìn các phương thức sản xuất truyền thống, hấp dẫn với khách du lịch trong nước và quốc tế. Cảnh quan làng theo đặc trưng sản xuất của nghề cũng là giá trị lớn thu hút khách du lịch (Làng Thổ Hà là một ví dụ).

·               Du lịch tín ngưỡng:Hệ thống đền, chùa ở khu vực này khá nhiều và phản ánh đậm nét sự phát triển của tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam. Tại Bắc Ninh có chùa Phật Tích là chùa cổ nhất Việt Nam. Tại Bắc Giang có chùa Vĩnh Nghiêm với mộc bản đang được đăng ký là di sản thế giới. Cụm di tích Đền Đô (Bắc Ninh) vừa có những giá trị tín ngưỡng vừa có giá trị lịch sử, ghi lại khởi nguồn của một trong những triều đại phong kiến phát triển rực rỡ nhất Việt Nam. Đây chỉ là những ví dụ trong một hệ thống chùa, đền, phủ thờ ... của Kinh Bắc, thu hút nhiều khách du lịch, nhất là khách du lịch nội địa. Du lịch tín ngưỡng, lịch sử cũng là một sản phẩm du lịch ở Kinh Bắc.

Một góc  chùa Vĩnh Nghiêm huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Ảnh TTXTDL

·               Du lịch nghỉ dưỡng – sinh thái: Tuy không quá nổi bật so với các địa phương khác nhưng cảnh quan Kinh Bắc cũng có thể khai thác và phát triển du lịch, đặc biệt khi khai thác vị trí gần Hà Nội. Hệ thống cảnh quan ở đây bao gồm các cảnh quan gắn với nông thôn và di tích lịch sử và cảnh quan tự nhiên (chủ yếu ở Bắc Giang). Ngoài cảnh quan đáp ứng các loại hình du lịch văn hóa kể trên, như phân tích ở chương 1, 3, du lịch nghỉ dưỡng – sinh thái cũng là một sản phẩm du lịch của Kinh Bắc.

Các Chương trình du lịch Kinh Bắc có thể khai thác kết hợp các giá trị du lịch trên để phát triển thành một sản phẩm đầy đủ. Sản phẩm du lịch Kinh Bắc đáp ứng thị trường du lịch nội địa và quốc tế. Thị trường du lịch nội địa bao gồm cả khách du lịch Hà Nội và các địa phương với các sản phẩm du lịch trong ngày, khai thác nhiều hơn các giá trị cảnh quan làng nghề, tín ngưỡng, lễ hội và nghỉ dưỡng. Thị trường khách du lịch quốc tế bao gồm cả khách lẻ đi tự do và khách đi theo tour tại khu vực phía bắc, với các sản phẩm du lịch trong ngày, khai thác nhiều hơn các giá trị cảnh quan nông thôn, văn hóa, làng nghề truyền thống.

 Chương trình du lịch Vòng cung Đông Bắc

Chương trình du lịch Vòng cung Đông Bắc kết gắn các điểm du lịch của Bắc Giang với các  điểm du lịch tại Quảng Ninh, Hải Phòng. Một số  chủ đề chính của sản phẩm này là:

·                 Du lịch sinh thái:Kết hợp giữa du lịch sinh thái Bắc Giang khu vực Rừng Cấm Sơn với du lịch thăm quan Vịnh Hạ Long. Khu vực Vịnh Hạ Long cũng nổi tiếng với nhiều điểm du lịch sinh thái như Đảo Cô Tô, Đảo Quan Lạn có giá trị sinh thái cao.

·                 Du lịch trekking:Kết hợp giữa du lịch trekking Tây Yên Tử với du lịch Văn hóa ở Yên Tử. Có thể kết hợp với thăm quan Vịnh Hạ Long làm tăng tính hấp dẫn của sản phẩm. Khu vực Đông Bắc không có nhiều tài nguyên du lịch Trekking trong khi đó lại nổi bật với Hạ Long và Yên Tử. Việc phát triển sản phẩm du lịch Trekking tại khu vực này tạo ra những lựa chọn mới cho khách du lịch tới Đông Bắc.

Sản phẩm này đáp ứng chủ yếu nhu cầu của khách du lịch quốc tế. Trong tương lai, thị  trường có thể mở rộng và phát triển sang đối tượng khách du lịch nội địa ưu thám hiểm.

 Chương trình du lịch biên giới

Chương trình du lịch Biên giới gắn kết các điểm du lịch của Bắc Giang trong các chương trình du lịch lên Lạng Sơn và Hà Nội. Các chương trình du lịch này có thể có các mục đích khác nhau như lễ hội, mua sắm, thăm quan. Các điểm du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng của Bắc Giang có  thể nằm trong các tuyến du lịch này.

Thị trường bao gồm cả khách du lịch nước ngoài (trong chương trình du lịch quốc tế  bằng đường bộ) và khách du lịch Việt Nam (với các chương trình lễ hội, mua sắm, thăm quan)

 Lồng ghép sản phẩm du lịch của Bắc Giang vào các chương trình du lịch miền Bắc và xuyên Việt

Ở một phạm vi lớn hơn, các sản phẩm du lịch Bắc Giang có thể được lồng ghép trong các sản phẩm du lịch miền Bắc và xuyên Việt. Hệ thống các sản phẩm du lịch của Việt Nam trải rộng từ Bắc đến Nam và được phân bố thành 3 vùng. Hiện tại, hệ thống các sản phẩm du lịch được xây dựng thành một tuyến dọc từ bắc đến nam. Tuy vậy, với sự phong phú và đa dạng của các tài nguyên du lịch Việt Nam, các sản phẩm du lịch được định hướng theo các vùng. Các sản phẩm du lịch Bắc Giang có thể tham gia vào các sản phẩm du lịch miền bắc và du lịch xuyên Việt của các công ty lữ hành.

Không kể các sản phẩm du lịch đơn lẻ, các sản phẩm du lịch theo các tuyến, du lịch miền Bắc bao gồm:

·        Du lịch thăm quan biển: khu vực Vịnh Hạ Long (Hải Phòng – Quảng Ninh).

·        Du lịch sinh thái – dân tộc: khu vực miền núi phía Bắc và Tây Bắc (Hòa Bình, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng).

·        Du lịch sinh thái – lịch sử: Điện Biên Phủ, Bắc Kạn, Cao Bằng.

·        Du lịch sinh thái - nông thôn: các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

Các sản phẩm du lịch Bắc Giang có  thể tham gia các sản phẩm du lịch sinh thái - nông thôn, du lịch sinh thái - lịch sử và tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm du lịch biển tại Việt Nam. Theo tuyến du lịch, Bắc Giang có thể tham gia vào các tuyến du lịch Đông Bắc và các tuyến du lịch xung quanh Hà Nội.

Bắc Giang có thể tham gia các chương trình du lịch phía Bắc theo hai  định hướng:

- Bổ sung các lựa chọn các điểm du lịch: Các điểm du lịch văn hóa và sinh thái ở Bắc Giang có thể trở thành các lựa chọn thay thế cho các điểm du lịch tại lân cận, tăng sự đa dạng, phong phú cho các sản phẩm du lịch miền Bắc.

- Xây dựng thành các chương trình du lịch riêng: các sản phẩm du lịch ở Đông Bắc trong đó có sự tham gia của các điểm du lịch tại Bắc Giang.

Theo cách thức tổ chức các chương trình du lịch, ngoài các chương trình trọn gói được xây dựng thông thường, các chương trình du lịch chuyên  đề hay các chương trình du lịch đặc biệt bằng xe máy, xe van …

4. Một số kiến nghị  giải pháp để phát triển các sản phẩm du lịch Bắc Giang liên kết khu vực

 Phát triển sản phẩm du lịch liên kết với khu vực là một hướng đi cho phát triển sản phẩm du lịch là một hướng đi để phát triển sản phẩm du lịch của Tỉnh. Tuy vậy để thực hiện mục tiêu này cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực của các bên tham gia trong phát triển sản phẩm du lịch Bắc Giang, không chỉ ngành du lịch mà cả các bên tham gia khác. Một số giải pháp đưa ra để thúc đẩy phát triển sản phẩm liên kết khu vực là:

Thứ nhất về định hướng chính sách phát triển du lịch của Tỉnh, cần đưa chương trình phát triển các sản phẩm du lịch liên kết khu vực là một trong những chương trình phát triển du lịch của Tỉnh trong thời gian tới. Trên cơ sở định hướng này, có những chính sách cụ thể cho phát triển sản phẩm từ việc đầu tư hoàn thiện các điểm du lịch trong chương trình du lịch liên kết tới việc thúc đẩy các hoạt động xúc tiến sản phẩm du lịch chung của tỉnh và khu vực. Chương trình này nằm trong tổng thể chiến lược phát triển du lịch của Tỉnh nhằm phát triển ngành du lịch Bắc Giang, từ điều kiện kinh tế xã hội tới phát triển và xúc tiến sản phẩm du lịch trọng tâm.

Thứ hai để tăng cường liên kết khu vực cho phát triển sản phẩm, các tỉnh trong khu vực cần xây dựng các những chương trình chung cho phát triển sản phẩm khu vực. Chương trình bao gồm từ việc nghiên cứu thị trường, khảo sát để xây dựng sản phẩm tới những chương trình xúc tiến chung và những chương trình phối hợp xúc tiến của các tỉnh trong khu vực. Hiện tại Bắc Giang và các tỉnh lân cận có quan hệ hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm khá hiệu quả. Nếu các tỉnh tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ này lên một mức mới là hợp tác xây dựng và khai thác sản phẩm chung sẽ đem lại hiệu quả cao hơn trong hợp tác của khu vực.

Thứ ba là các giải pháp xúc tiến, bao gồm cả xúc tiến khuyến khích các bên tham gia phát triển sản phẩm và xúc tiến bán các sản phẩm. Xúc tiến phát triển điểm du lịch cần gắn với các hình thức xúc tiến xã hội khác nhằm phát triển kinh tế, xã hội và xóa đói giảm nghèo. Nếu có những chương trình hành động thiết thực, du lịch sẽ được nhìn nhận như một công cụ hữu hiệu cho phát triển kinh tế xã hội địa phương để thu hút đầu tư phát triển. Xúc tiến sản phẩm chung là một công cụ hữu hiệu cho các sản phẩm liên kết bên cạnh những nỗ lực riêng của các tỉnh trong xúc tiến sản phẩm riêng của mình.

 

TS. Phạm Trương Hoàng

Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học KTQD

0 Bình luận

Loading...