Lục Nam đầu tư hạ tầng, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng

06 Tháng 11, 2020 | Nghiên cứu và Trao đổi

Trên cơ sở Nghị quyết số 44 ngày 30/3/2016 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Bắc Giang về phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, BTV Huyện ủy Lục Nam ban hành kế hoạch số 21 ngày 27/6/2016 để triển khai thực hiện. Từ đó tiềm năng, thế mạnh du lịch của vùng sông Lục, núi Huyền từng bước được đánh thức.
Lục Nam đầu tư hạ tầng, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng

Nhiều điểm đến hấp dẫn

Được thiên nhiên ưu đãi nên huyện Lục Nam có nhiều thắng cảnh đẹp như: Suối Mỡ (xã Nghĩa Phương), thác Rêu (xã Cẩm Lý), hồ Suối Nứa (xã Đông Hưng), suối Nước Vàng và thác Giót (xã Lục Sơn)… 

Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ là điểm đến của nhiều du khách, nhất là trong mùa hè.

Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ là điểm đến của nhiều du khách, nhất là trong mùa hè.

Cùng với cảnh quan thiên nhiên, huyện Lục Nam còn có 263 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc đặc sắc với 85 di tích đã được các cấp xếp hạng, trong đó: 16 di tích cấp quốc gia, 69 di tích cấp tỉnh; Hương án chùa Khám Lạng là bảo vật quốc gia, lễ hội đền Suối Mỡ là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia… 

Bên cạnh đó, huyện cũng bảo tồn và lưu giữ một số lễ hội độc đáo ở các đình, chùa, đền như: Đình, chùa Phương Sơn, chùa Khám Lạng; đền Thần Nông; đền Suối Mỡ; nhà hát văn gắn với liên hoan và tổ chức biểu diễn hát văn diễn xướng và hầu đồng. Đây là những lợi thế giúp huyện Lục Nam phát triển đa dạng các loại hình và trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Đăng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: "5 năm qua, huyện Lục Nam đã tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng một số điểm du lịch trọng điểm. Cụ thể, huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư hơn 300 tỷ đồng phát triển kết cấu hạ tầng du lịch và gần 100 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp cơ sở văn hóa. Điển hình như xây dựng đền Thần Nông (Cẩm Lý) với số vốn gần 30 tỷ đồng; đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng hạ tầng Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ với hàng loạt các hạng mục như hệ thống đường giao thông nội bộ, nâng cấp sửa chữa đền Hạ, nhà hát văn và khuôn viên tại Suối Mỡ, xây dựng cầu treo đền Trần". 

Cùng đó, phối hợp với Ban Trị sự chùa Ba Vàng khảo sát lập quy hoạch chi tiết xây dựng chùa Bát Nhã thuộc xã Huyền Sơn, Nghĩa Phương với quy mô gần 200 ha; quy hoạch chi tiết xây dựng sân golf tại các xã Chu Điện, Yên Sơn, Khám Lạng…

Sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm này giúp huyện Lục Nam có nhiều điểm đến hấp dẫn khách du lịch như: Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, đền Thần Nông, suối Nước Vàng… Đặc biệt, các điểm đến này đã từng bước liên kết với nhau tạo thành tour du lịch tâm linh, sinh thái. Qua tổng hợp, gần 5 năm qua, có khoảng 1,15 triệu lượt khách đến thăm quan các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện.

Đồng bộ các giải pháp

Mặc dù đạt được kết quả tích cực song thực tế công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng du lịch của huyện chưa thường xuyên; tiến độ đầu tư xây dựng một số công trình gắn với phát triển du lịch còn chậm; chưa thu hút được các tổ hợp khách sạn kết hợp với nhà hàng ăn uống đạt tiêu chuẩn xếp hạng; sản phẩm du lịch đơn điệu, chưa hấp dẫn; việc kết nối các điểm du lịch của huyện với các tour, tuyến du lịch trong tỉnh và vùng lân cận thiếu tính ổn định, bền vững.

Theo Bí thư Huyện ủy Lục Nam Nguyễn Thị Kim Dung, nhằm phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đang xây dựng Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo việc khuyến khích và thu hút đầu tư đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng ngành du lịch giai đoạn 2020-2025. 

Theo đó, trên cơ sở định hướng phát triển du lịch của tỉnh, huyện đầu tư và kêu gọi xã hội hóa tập trung trọng điểm các công trình: Chùa Bình Long (xã Huyền Sơn); nâng cấp hệ thống đền Suối Mỡ (đền Trung, đền Thượng), hoàn thiện hệ thống đường giao thông, kết nối các điểm di tích trong quần thể Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ (đình Chòi Soan, chùa Hồ Bấc, chùa Hòn Trứng). Quy hoạch và đề xuất điều chỉnh mục đích sử dụng đất đối với một số khu, điểm du lịch để tạo quỹ đất mời gọi các nhà đầu tư thực hiện dự án.

Quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án sân Golf và nghỉ dưỡng tại các xã Chu Điện, Yên Sơn, Khám Lạng, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển KT - XH, mở ra cơ hội quảng bá, thu hút đầu tư kinh doanh vào huyện. Cùng đó, triển khai các điểm du lịch cộng đồng tại thôn Nghè Mản (xã Lục Sơn), thôn Mã Tẩy (xã Nghĩa Phương), thôn Xuân Phú (xã Bắc Lũng)… 

Phối hợp với các đơn vị lữ hành xây dựng các tour du lịch kết nối các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Trọng tâm là các tour du lịch theo con đường bộ hành của Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (chùa Vĩnh Nghiêm - đền Thần Nông - suối Mỡ - Tây Yên Tử). 

Xây dựng các sản phẩm lưu niệm đặc trưng của huyện phục vụ phát triển du lịch như: Dệt thổ cẩm, trà hoa vàng, mật ong Trường Sơn… Thu hút đầu tư xây dựng các khu, điểm thương mại tập trung, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng địa phương gắn với du lịch như các trạm dừng nghỉ và hệ thống chợ dọc đường tỉnh 293. Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý về du lịch, hướng dẫn viên, thuyết minh viên

Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc của huyện, tin rằng “ngành công nghiệp không khói” của vùng sông Lục, núi Huyền sẽ đóng góp tích cực vào cơ cấu kinh tế của huyện, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Theo Báo Bắc Giang
0 Bình luận

Loading...