Thực trạng đầu tư và kinh doanh du lịch trêm địa bàn tỉnh Bắc Giang

19 Tháng 9, 2014 | Nghiên cứu và Trao đổi

Bắc Giang là tỉnh có tiềm năng du lịch tương đối phong phú cả về du lịch sinh thái và du lịch văn hoá lịch sử. Tuy nhiên, do tỉnh nghèo nên việc đầu tư phát triển du lịch gặp nhiều khó khăn; các khu, điểm du lịch của tỉnh chủ yếu còn nguyên sơ, cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách.

          Thực tế cho thấy, muốn phát triển du lịch không chỉ dựa vào nguồn tài nguyên vốn có, trừ khi nguồn tài nguyên đó đặc biệt nổi trội, có thể gây sự hiếu kỳ cho du khách. Còn đối với Bắc Giang: tài nguyên du lịch tương đối phong phú nhưng không lớn, không nổi trội.

          Trong những năm qua tỉnh mới cơ bản hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo, trải nhựa được hầu hết các tuyến đường giao thông tới các khu, điểm du lịch trên toàn tỉnh; thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hoá lịch sử hiện có, các lễ hội truyền thống; còn việc đầu tư hạ tầng tại các khu, điểm du lịch còn hạn chế. Hiện Bắc Giang mới có 02 dự án được Trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch đó là Dự án xây dựng hạ tầng khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam đã hoàn thành giai đoạn I, đang khai thác có hiệu quả và dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu du lịch di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, huyện Yên Thế.  

Mặc dù là tỉnh có nhiều khu, điểm du lịch có tiềm năng để phát triển du lịch, nhưng chưa có khu, điểm du lịch nào được đầu tư hoàn chỉnh thành sản phẩm du lịch đủ sức hấp dẫn du khách. Các doanh nghiệp lữ hành của tỉnh chủ yếu đưa khách đi tham quan du lịch tại các tỉnh bạn; đưa khách du lịch đi tham quan tại các khu, điểm du lịch tại tỉnh nhà còn hạn chế. Qua nghiên cứu cho thấy hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh chủ yếu phục vụ cho 6 nhóm các đối tượng khách sau:

- Thứ nhất: Khách du lịch là người ngoài tỉnh đến thăm quan các Khu, Điểm du lịch của tỉnh. Đối tượng khách này thường yêu thích vẻ đẹp hoang sơ vốn có của cảnh quan thiên nhiên, sự thanh bình mộc mạc của các vùng quê, sự hùng vĩ của núi rừng Bắc Giang. Du khách thường thích đến Bắc Giang vào mùa xuân khi bạt ngàn những trang trại  vải, nhãn, hồng...đang nở rộ, hoa vải trắng muốt điểm xen những cành búp đang đâm trồi nảy lộc đầy sức xuân. Hoặc vào mùa hè, du khách sẽ được tận mắt ngắm nhìn những vườn vải chín đỏ thật rực rỡ, được thưởng thức những trái cây do tự tay mình hái, có thể cùng thu hoạch trái cây với người dân bản địa để được chia cảm giác sung sướng trong mùa thu hoạch. Đây là đối tượng khách cần được quan tâm phục vụ vì đối tượng khách này sẽ mang lại doanh thu cao cho các cơ sở kinh doanh du lịch của Tỉnh.

- Thứ hai: Khách du lịch là cán bộ cơ quan nhà nước đi công tác; chuyên gia đi thực hiện các dự án, chủ doanh nghiệp đi đàm phán, ký hợp đồng kinh tế; thương nhân đi quan hệ buôn bán; nhân dân đi học tập kinh nghiệm phát triển vườn đồi, thăm người thân kết hợp ghé thăm quan các khu, điểm du lịch trong tỉnh. Đối tượng khách này thường rất phong phú, họ thường không đi theo các tour, phần lớn họ chỉ dừng chân nghỉ lưu trú trong ngày nên số ngày lưu trú thấp, nhưng đây là những đối tượng khách đem lại doanh thu cao cho cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong tương lai đối tượng khách này ở Bắc Giang sẽ phát triển mạnh theo tốc độ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Do vậy cần được quan tâm đáp ứng nhu cầu cho đối tượng khách này nhất là những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

- Thứ ba: Khách du lịch tâm linh, đối tượng này tương đối đông, nhưng họ chỉ thuê xe đi, còn dịch vụ đi kèm như đồ ăn, uống là họ tự mang theo. Đối tượng này thường đi trong ngày nên chỉ có đơn vị lữ hành là có doanh thu vận chuyển khách.

- Thứ tư: Khách du lịch là học sinh, được nhà trường tổ chức tham quan các di tích lịch sử. Đối tượng khách này tương đối đông, nhưng khả năng chi tiêu thấp.

- Thứ năm: Khách du lịch là sinh viên, học sinh và nam nữ thanh niên tự tổ chức các chuyến đi Picnic tại một số danh lam thắng cảnh của tỉnh như Suối Mỡ, hồ Khuôn Thần, Suối Tóp … họ thường tự túc phương tiện đi lại và mang theo đồ ăn, uống … ra về luôn trong ngày nên các cơ sở kinh doanh du lịch không có doanh thu từ đối tượng khách này.

- Thứ sáu: Khách du lịch là người trong tỉnh đi du lịch ra ngoài tỉnh, đây là đối tượng khách nhiều nhất của tỉnh thường do các cơ quan, đơn vị, các hội, tổ chức đi  tham quan du lịch đầu xuân và nhất là đi nghỉ mát vào dịp hè, mức độ chi tiêu khá cao. Nhưng hiện nay đối tượng này đi du lịch theo tour, trọn gói không nhiều, chủ yếu vẫn là ký kết hợp đồng thuê xe vận chuyển khách của doanh nghiệp lữ hành, các đơn vị kinh doanh vận chuyển khách. Do vậy các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh chỉ thu được một phần doanh thu vận chuyển khách du lịch từ đối tượng này.

Như vậy do thiếu sự đầu tư nên các khu, điểm du lịch của tỉnh chưa được xây dựng thành những sản phẩm du lịch phục vụ du khách, các cơ sở kinh doanh du lịch của tỉnh chỉ có thể kinh doanh phục vụ được một số công đoạn trong các cuộc hành trình du lịch nên doanh thu du lịch chưa cao.

Hy vọng được sự quan tâm của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự cố gắng, nỗ lực của toàn Ngành và sự phối kết hợp đồng bộ của các cấp, các ngành để thúc đẩy du lịch Bắc Giang phát triển xứng với tiềm năng vốn có.                                                 

                                                                                           Hồng Vân - Phòng Nghiệp vụ Du lịch

0 Bình luận

Loading...