Bắc Giang: Tiềm năng lớn cho đầu tư phát triển du lịch

10 Tháng 3, 2021 | Vùng đất con người Bắc Giang

Bắc Giang: Tiềm năng lớn cho đầu tư phát triển du lịch
Cách Hà Nội 50 km về phía Bắc, trên trục quốc lộ 1, Bắc Giang có vị trí thuận lợi trong việc kết nốt với các địa phương trong khu vực Đông Bắc, nơi có hoạt động du lịch kháphát triển. Tuy tài nguyên du lịch Bắc Giang không nổi bật nhưng những lợi thế nhất định về vị trí, tài nguyên thiên nhiên và nhân văn tạo cho Bắc Giang những tiềm năng và cơ hội cho phát triển du lịch.Cùng với xu hướng mở rộng du lịch của Việt Nam, liên kết các sản phẩm du lịch trong khu vực tạo cho Bắc Giang một tiềm năng, một hướng đi mới trong phát triển du lịch.
Vườn tháp chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên
Tiềm năng phát triển du lịch lớn
Theo thống kê Bắc Giang là địa phương có hệ thống đình, chùa phong phú và đa dạng với 2.237 di tích lịch sử, văn hóa trải khắp trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có 711 di tích được xếp hạng, 101 di tích cấp quốc gia và 583 di tích cấp tỉnh. Một số di tích tiêu biểu như: Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) là chốn tổ thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập thế kỷ XIII, nơi lưu giữ kho Mộc bản với 3.050 bản đã được vinh danh là Di sản Tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ với trên 1.000 ha đất rừng đặc dụng có thảm thực vật phong phú, được thiên nhiên ưu đãi với những dòng thác quanh năm tung bọt trắng xóa, các di tích gắn với truyền thuyết Công chúa Quế Mỵ Nương thời Hùng Vương. Hồ Khuôn Thần với diện tích mặt nước 145 ha, bao quanh là trên 800 ha rừng. Hồ Cấm Sơn có diện tích 2.600 ha, gồm nhiều đảo, bao quanh bởi các ngọn núi cao, rừng phòng hộ, cảnh quan sơn thủy hữu tình, không gian yên bình, hoang sơ.
Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà (Việt Yên) với bộ mộc bản được công nhận là Bảo vật quốc gia. Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt những điểm khởi nghĩa Yên Thế gắn với tên tuổi người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám; Di tích đình, chùa xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang gắn với cây Dã Hương ngàn năm tuổi đã được vua Lê Cảnh Hưng phong cho là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại Vương”; Di tích chiến thắng Xương Giang.
Ngoài ra, Bắc Giang còn được biết đến với di sản văn hóa phi vật thể như: Dân ca Quan họ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; hay Ca Trù đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Có thể khẳng định, Bắc Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, du lịch văn hóa tâm linh. Một số điểm có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp tiêu biểu như: Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử với diện tích 12.265 ha, có nhiều cảnh đẹp như rừng nguyên sinh Khe Rỗ, thắng cảnh suối Nước Vàng, Đồng Bài, Đồng Rì, Khe Đin, Đá Ngang. Khu cao nguyên Đồng Cao nằm ở độ cao gần 1.000m so với mặt nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ có bãi đá cổ độc đáo, hang Vua trong lòng núi, cảnh quan nguyên sơ.
Thu hút đầu tư cho du lịch phát triển
Trao đổi với chúng tôi, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết: “ Bắc Giang rất quan tâm việc quảng bá về địa phương thông qua các sự kiện ngoại giao, văn hóa, xúc tiến thương mại, du lịch trong nước và quốc tế. Hiện, Bắc Giang đã ký kết liên kết phát triển du lịch với các tỉnh Đông Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là chương trình phối hợp liên kết phát triển du lịch với thành phố Hà Nội. Thời gian tới, khi tỉnh đảm bảo mọi điều kiện để phát triển du lịch quy mô lớn, chúng tôi sẽ xây dựng chiến lược tuyên truyển, quảng bá mạnh hơn, xứng với tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của tỉnh nhà”.

Lễ ký kết liên kết phát triển du lịch với các tỉnh Đông Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương, thuộc vùng đất Kinh Bắc cổ, Bắc Giang có những nét đẹp văn hóa riêng, độc đáo, đến nay còn gìn giữ được như 500 lễ hội dân gian truyền thống và hệ thống di tích lịch sử - văn hóa đồ sộ, phong phú, gồm trên 2.100 di tích các loại từ thời Lý, Trần. Mùa xuân, du khách có thể khám phá hệ thống đình, chùa, đền, từ đường, lăng mộ cổ…. Nếu muốn hòa vào với thiên nhiên, du khách có thể tới khu bảo tồn thiên nhiên Yên Tử trên 15.000ha rừng nguyên sinh, cùng với các hồ: Cấm Sơn, Khuôn Thần, Khe Chão, Suối Mỡ, Khe Rỗ. Ở đây có nhiều thác nước được bảo vệ nguyên trạng, cảnh quan đẹp, hệ động thực vật vô cùng phong phú, rất phù hợp để khám phá, trải nghiệm.
Dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, những năm qua, Bắc Giang đang tập trung phát triển 4 loại hình du lịch như: Du lịch lịch sử - văn hóa; Du lịch văn hóa - tâm linh; Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; Du lịch vui chơi nghỉ dưỡng. Bắc Giang có hơn 700 di tích lịch sử cấp quốc gia, trong đó 5 di tích quốc gia đặc biệt, trên 100 di tích quốc gia cùng các di sản văn hóa phi vật thể như quan họ (với 18 làng quan họ cổ), ca trù, cùng nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số… để du khách đến khám phá. Không những thế, Bắc Giang còn là vùng cây ăn quả lớn của cả nước. Đặc biệt tập trung ở huyện Lục Ngạn, hoa trái bốn mùa, quanh năm; tiêu biểu là vải thiều và trái cây có múi. Từ năm 2016 đến nay, lễ hội cam, bưởi và các sản phẩm nông nghiệp của huyện Lục Ngạn được tổ chức thường niên, thu hút rất đông du khách. Đây là điều kiện để Bắc Giang phát triển loại hình du lịch sinh thái, vui chơi, nghỉ dưỡng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương chia sẻ: Chúng tôi xác định, muốn phát triển du lịch, ngoài tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa thì yếu tố rất quan trọng là hạ tầng du lịch. Vì vậy, trong 5 năm qua, hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch được đầu tư bài bản, có trọng tâm, trọng điểm Về giao thông, Bắc Giang đã thi công hoàn thiện đường ĐT293 (đường Tây Yên Tử), triển khai thi công dự án đường vành đai IV và các tuyến đường kết nối cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn; Xây dựng một số cầu mới qua Sông Thương (cầu Đồng Sơn, cầu Bến Hướng), Sông Cầu (cầu Mai Đình - Đông Xuyên, cầu Yên Dũng - Quế Võ), cầu vượt đường cao tốc, quốc lộ…; Làm mới, cải tạo nâng cấp các tuyến đường liên huyện, liên xã. Tất cả các tuyến đường đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đều được làm mới hoặc nâng cấp, cải tạo thuận lợi cho việc di lại của du khách.Tỉnh cũng đầu tư gần 1.000 tỷ đồng để xây dựng nhà thi đấu hiện đại, tổ chức được nhiều sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế; Đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa để quy hoạch, trùng tu, tôn tạo các điểm di tích lịch sử, văn hóa; Xây dựng các khu vui chơi giải trí, như Công viên Hoàng Hoa Thám tại thành phố Bắc Giang…
Việc ưu tiên đầu tư cho công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu và điểm dừng chân cho du khách đang tiếp tục được quan tâm. Đặc biệt là chú ý bảo vệ, gìn giữ những di sản văn hóa truyền thống.
Ngoài ra, cần đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng như giao thông, khách sạn, nhà hàng ăn uống; tăng cường đào tạo đội ngũ thuyết minh, hướng dẫn người dân tham gia tìm hiểu về di sản văn hóa của quê hương, từ đó họ sẽ tích cực tuyên truyền cho khách du lịch hiểu về vùng đất, con người Bắc Giang. Để giải quyết được những vấn đề trên cần tiếp tục nghiên cứu kỹ xây dựng các mô hình văn hóa, giải trí và du lịch cộng đồng, đồng thời thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp dịch vụ...
Được biết, Trên địa bàn tỉnh hiện có 72 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, nhưng thực tế chỉ có 18 doanh nghiệp đang hoạt động thường xuyên, trong đó có 3 doanh nghiệp được Tổng cục Du lịch cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Toàn tỉnh hiện có 235 cơ sở lưu trú du lịch với 2.500 phòng nghỉ, trong đó có 8 khách sạn 2 sao và 7 khách sạn 1 sao, chưa có khách sạn nào đạt từ 3 – 5 sao.
Nguyễn Kế
0 Bình luận

Loading...