Về nơi khởi đầu của tục thờ Thánh Mẫu Thượng ngàn

08 Tháng 12, 2020 | Vùng đất con người Bắc Giang

Thánh Mẫu Thượng ngàn, bà mẹ Rừng có nguồn gốc mang tính truyền thuyết, gắn với địa bàn sinh tụ đầu tiên của loài người là ở vùng rừng núi trung du. Có thể nói, ở đâu có rừng núi thì ở đó có đền thờ Mẫu Thượng ngàn (Mẫu Nhạc phủ) nhưng điểm thờ chính và được quan tâm nhiều hơn cả vẫn là vùng đất Bắc Giang nơi có đền Suối Mỡ thờ Thánh Mẫu Thượng ngàn.
Về nơi khởi đầu của tục thờ Thánh Mẫu Thượng ngàn
Đền Hạ, Suối Mỡ
Suối Mỡ (còn gọi Vực Mỡ) là tên gọi chung cho quần thể di tích đền Hạ, đền Trung và đền Thượng thuộc xã Nghiã Phương (Lục Nam). Tài liệu xưa ghi chép lại, đền Suối Mỡ là nơi thờ Thánh Mẫu Thượng ngàn, từng được sắc phong của các triều vua là: “Thần thông quảng đại càn, thập nhị tôn nàng Vực Mỡ”. Truyền thuyết Mẫu Thượng ngàn được thờ ở đền Suối Mỡ là Mị Nương Quế Hoa, con gái Vua Hùng Định Vương và hoàng hậu An Nương. Hoàng hậu sinh ra nàng bên gốc quế rồi mất. Lớn lên, Quế Hoa luôn nhớ thương mẹ nên đã đi vào rừng sâu để tìm dấu vết người mẹ hiền. Nàng được tiên ông ban cho phép thuật nên đã cùng 12 thị nữ ra sức tu tiên luyện đạo, cứu giúp dân lành. Khi nhân dân các bản làng đã có cuộc sống no ấm, Mỵ Nương Quế Hoa cùng 12 thị nữ bay về trời trên đám mây ngũ sắc. Sách Bắc Giang địa chí xuất bản năm 1937, học giả Nhật Nham Trịnh Như Tấu viết “….Đền Vực Mỡ thờ đức Thượng ngàn Thánh Mẫu Quế quốc công chúa. Đời Hùng Định vương, đệ tam cung là An Nương có thai 3 năm. Đúng ngày 11 tháng 3 sinh ra một gái đặt tên là Quế Mị Nương, hình dung rất yêu kiều diễm lệ: Mặt sôi vẻ ngọc, sắc lồng tuyết băng, mày như vành nguyệt, mắt tựa song thu; thực là hoa ghen đua thắm, liễu hờn kém xanh. Sánh với hoa, hoa càng thêm sắc; so với ngọc, ngọc lại sinh hương. Công chúa thờ cha mẹ hết lòng hiếu kính. Kịp khi Mẫu hậu băng hà, việc cư tang đã chọn, bèn tâu xin vương Phụ đi chu du các vùng non nước. Công chúa ngự thuyền rồng tìm thú tiêu dao. Đi đến đâu đều gia ân cứu giúp những người cơ cận. Nơi nào có đất thiêng đều lập hành cung làm nơi hương khói muôn đời.
Đền Thượng
Ngày kia ngài tới đất Nghĩa Phương, đương mải nhìn phong cảnh chợt có một ông lão trượng râu tóc bạc phơ, hiện đến trước nói rằng: Lão sinh từ đời vua Hoàng đế, có học Phật đạo. Công chúa cũng có tĩnh tâm, muốn theo gương lão học cách trường sinh, bất tử chăng? Chúa thưa rằng: Vâng. Lão trượng khuyên công chúa phải tới chốn Vực Mỡ rũ hết lòng trần, lão sẽ truyền đạo cho. Nói xong biến mất.Công chúa bèn thiết cung ở Vực Mỡ (đền Thượng bây giờ) vời các phụ lão trong làng đến cho vàng, bạc để tậu ruộng, mua đất. Xong rồi, chúa trở về nơi hành cung làm từ miếu và cấp vàng, bạc cho các xã sở tại phụng sự. Ngày 25 tháng 3, công chúa ngự thuyền rồng ra chơi cửa bể, thấy núi Thiên Thai phong cảnh hữu tình, liền ngự lên núi thưởng ngoạn, rồi hoá. Đời sau đều tôn là Thượng ngàn Thánh Mẫu”.
Ghi nhớ công ơn, nhân dân xây dựng đền Suối Mỡ tôn thờ công chúa Mị Nương Quế Hoa. Đền Hạ làm kề bên trục đường chính, cạnh dòng Suối Mỡ, quanh năm nước chảy rì rào. Cảnh trí u nhã nhuốm màu huyền thoại. Đền Trung phía sau làm dựa lưng vào núi, suối nước chảy quanh, non xanh, nước biếc. Thưởng ngoạn nơi đây, cụ Nhật Nham Trịnh Như Tấu đã viết: “Trên núi, cỏ cây chen lá, đá chen hoa, cảnh trí đã u nhã, lại hoà thêm một thứ âm nhạc thiên nhiên: nước chảy, thông reo. Thực là một nơi tiểu sơn lâm mà có đại kỳ quan, ngòi bút khó tả hết cái đẹp của tay thợ tạo”. Đền Thượng làm dựa lưng trên sườn núi Huyền Đinh, trước mặt có vực sâu, thác cao, dòng nước suối Mỡ đổ từ trên cao xuống dội vào những khối đá to tung bọt trắng xoá như nghìn phiến bạc.
Trong tâm thức của đông đảo người dân, đặc biệt là các thanh đồng, cung văn, Mẫu Thượng ngàn là bà mẹ rừng cai quản các cửa rừng, các lũng các lang của miền Nhạc phủ. Cùng với Mẫu Thoải, Mẫu Thượng ngàn là một trong hai vị thần được thờ phụng sớm nhất. Từ bà mẹ Rừng trong tín ngưỡng dân gian đến vị trí đệ nhị Thánh Mẫu trong đền, điện thờ Mẫu là cả một quá trình phát triển lâu dài và phức tạp. Bản văn chầu Mẫu Thượng ngàn ở đền Suối Mỡ có nội dung ca ngợi sắc đẹp, tài năng và công lao cứu dân, cứu đời của Thánh Mẫu.Theo đó thì Mẫu Thượng ngàn có nguồn gốc tiên giới, giáng sinh vào gia đình danh gia vọng tộc làm người trần gian. Do vậy, ngay từ khi ra đời, Mẫu đã có sự giáng sinh kì lạ, hương hoa thơm ngát, ánh hào quang rạng rỡ và lớn lên thì lập được công trạng hiển hách, được vua sắc phong cho danh hiệu: Chế thắng hoà diệu đại vương. “Vốn sinh ra hình dong tươi tốt/ Da tựa ngà má phấn môi son/ Hài xanh dạo bước lên non….” 
Hầu đồng tại đền Thượng
Ngoài ngôi đền cổ thờ Thánh Mẫu Thượng ngàn, vùng đất Bắc Giang còn lưu giữ được những đạo sắc phong cổ ban tặng cho các vị Thánh Mẫu. Đó là minh chứng cho mạch nguồn khởi đầu của tục thờ Mẫu ở Bắc Giang. Đình, chùa Quỳnh Sơn, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) lưu giữ đạo sắc phong ban tặng cho Thánh Mẫu ngày 16 tháng 5 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44-1783. Nội dung ghi: Sắc cho Đế Thích Tiên Đình chứa muôn vàn điều tốt, giữ quyền cai quản lục quan. Mị Nương được gọi tên hiệu là Liễu Hạnh, là người thông minh tài trí, có nhiều phép thuật, biến hoá khôn lường cùng với Chưởng quản Sơn Tinh cai quản các miền rừng núi. Đã được triều đình ban cho các mĩ tự: Tề gia trị quốc, hộ sĩ cẩn tiết, hoà mĩ đoan trang, quang mục nhân minh, thuần mĩ nhàn tĩnh, trinh nhất diệu hoá, đoan dung đạt hạnh, diệu thông mẫn cảm, phổ tế trinh thục, thuần nhất trang thuận chân tiên. Được sắc phong ban cho danh hiệu: Chế thắng hoà diệu đại vương. Tề mị huyền linh hiển ứng công chúa. Người vừa là bậc thần tiên trên trời vừa là bậc Thánh Mẫu ở trần gian có thể biến ảo khắp mọi nơi, toả chiếu ánh sáng đến mọi phương, cùng cảm thông giúp đỡ những điều tốt, luôn tỏ ra linh ứng vô cùng, đã để lại dấu tích vẻ vang lừng lẫy đáng được ngợi khen, phong tặng danh hiệu, ghi trong sử sách. Người được các triều vua tiến phong danh hiệu vẻ vang, ngôi vị được thờ trong Phủ chính để giúp đỡ nhân dân mọi nơi được bình yên phát triển, đất nước được phồn vinh mà vững bền mãi mãi…
Thánh Mẫu Thượng ngàn, vị thần rừng nguyên thủy không chỉ bước lên đền thờ đạo Mẫu với cương vị đệ nhị Thánh Mẫu mà còn đi vào Phật giáo, trở thành vị Thiền sư, đắc đạo chân như. Ở đây cho thấy rõ sự dung hợp giữa đạo Mẫu với đạo Phật. Điều này biểu hiện rõ trong sự tích Thánh Mẫu Thượng ngàn ở đền Suối Mỡ khi được Tiên ông học đạo Phật truyền đạo cho. Mặt khác có thể thấyhầu hết kiến trúc các ngôi chùa ở Bắc Giang đều có kết cấu tiền Phật hậu Mẫu, trong đó Mẫu Thượng ngàn được thờ cùng Mẫu Thượng thiên và Mẫu Thoải hoặc được thờ riêng ở ban Sơn Trang. Để bắt đầu một buổi hầu đồng, hầu Thánh, người hầu đồng phải khấn thỉnh các thần linh, trong đó bao giờ cũng phải khấn Phật trước sau đó mới thỉnh mời Ngọc Hoàng thượng đế và các vị Thánh của đạo Mẫu. Khi thực hiên các nghi lễ bao giờ cung văn và người hầu đồng cũng sử dụng ngôn ngữ và hành động đậm màu sắc Phật giáo. Ở đền Suối Mỡ, việc phụng thờ Mẫu Thượng ngàn tương đối thống nhất, tức là không có sự phối thờ với các nhân vật nằm ngoài hệ thống đền thờ đạo Mẫu. Từ kiến trúc đền, các nghi thức thờ cúng đến truyền thuyết công chúa Mị Nương Quế Hoa đều tập trung ngợi ca tài năng, sắc đẹp và công trạng Mẫu, tạo điều kiện để khắc sâu vào tâm trí con nhang đệ tử và người dân về một ngôi đền thiêng nơi miền sơn cước sườn Tây Yên Tử.
Mẫu Thượng Ngàn vừa là bậc tôi tú anh linh, quyền cao tối thượng vừa gần gũi, bình dị trong hình hài một người vợ, người mẹ trần thế có lai lịch, gốc tích rõ ràng. Về Bắc Giang lễ Mẫu Thượng ngàn cũng là về với mẹ ở vùng đất thiêng Tây Yên Tử, để thành kính chiêm bái cảnh sắc núi non và thể hiện sự biết ơn đối với những người đã có công khai sơn phá thạch, mở mang bản làng, mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân. 
Bài: Đồng Ngọc Dưỡng
Ảnh: TTXTDL
0 Bình luận

Loading...