Chú trọng tuyên truyền phòng, chống mua bán người

29 Tháng 7, 2016 | Tin du lịch

Hiện nay, tại Việt Nam, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người nói chung và buôn bán phụ nữ, trẻ em nói riêng ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài gia tăng nhanh chóng. 
Là tổ chức chính trị xã hội, có chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thông tin kịp thời về tình hình, phương thức, cách thức hoạt động, thủ đoạn lừa gạt của bọn tội phạm mua bán người. Từ đó giúp chị em đề cao cảnh giác đối với loại tội phạm này, chủ động phòng ngừa và có ý thức trách nhiệm trong vấn đề tố giác tội phạm. 
Tuyên truyền phòng, chống mua bán người. Ảnh: Internet
 Trao đổi với TS. Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam về vấn đề này, TS. Bùi Thị Hòa cho biết, kể từ khi Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người từ năm 2004 đến nay, Hội LHPN Việt Nam luôn được phân công chủ trì công tác truyền thông phòng, chống mua bán người, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cộng đồng. Quốc hội thông qua Luật phòng, chống mua bán người năm 2012, trong đó quy định trách nhiệm của Hội là tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ và trẻ em nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người và tham gia xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên về phòng, chống mua bán người ở cơ sở. 
Phó Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2015, các cấp Hội đã triển khai công tác truyền thông phòng, chống mua bán người (PCMBN) đạt được một số kết quả nhất định trong 6 mảng hoạt động. 
Đầu tiên là tổ chức các chiến dịch truyền thông. Các cấp Hội đã chủ động, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 130 ngàn cuộc truyền thông trực tiếp tại cộng đồng về PCMBN với sự tham gia của gần 12, 5 triệu lượt người tham gia; lồng ghép với các nội dung khác để tuyên truyền PCMBN tới 25, 677 triệu lượt người tham gia. 
Tiếp đến, Hội LHPN cũng tổ chức các cuộc đối thoại chính sách, tư vấn pháp luật. Đã tổ chức 43 cuộc đối thoại chính sách, tư vấn pháp luật về phòng, chống mua bán người, hôn nhân có yếu tố nước ngoài, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng cho 5.660 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ, người dân cộng đồng; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho 695.000 lượt hội viên, phụ nữ, trẻ em về những vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, hôn nhân gia đình. 
Thứ ba, các cấp Hội đã biên soạn và in ấn tài liệu truyền thông: 6.000 tờ rơi, 600 cuốn sổ tay, 800 lịch treo tường, 3.200 áo phông, 500 áo mưa, v.v…Tại 20 tỉnh, thành đã phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng xây dựng 465 phóng sự, viết 16.307 tin, bài về PCMBN phát tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; hệ thống loa phát thanh của xã đã phát hơn 18.000 lượt tuyên truyền về PCMBN. 
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã xây dựng, duy trì và nhân rộng nhiều mô hình phòng ngừa mua bán người hiệu quả tại cộng đồng như: Nhóm tự lực, Đội tuyên truyền viên nòng cốt, CLB nữ chủ nhà trọ, Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng…vv. Đến nay đã có 35 nhóm nòng cốt với gần 400 thành viên tham gia, duy trình sinh hoạt 5.000 Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người. 
Hội đã vận động các nguồn tài trợ để thực hiện thành công mô hình Ngôi nhà bình yên hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tại 7 tỉnh, thành phố trên cả nước (Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hậu Giang, Thừa Thiên Huế). 
Hoạt động thứ 5 là xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Các cấp Hội đã chủ trì, phối hợp tổ chức 877 lớp tập huấn nâng cao năng lực về PCMBN cho gần 37.000 lượt báo cáo viên, tuyên truyền viên, lồng ghép với các nội dung khác tập huấn cho 373.000 lượt báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội và các ngành liên quan. 
Cuối cùng, Hội LHPN đã tham gia xây dựng và hoàn thiện luật pháp, chính sách liên quan đến phòng, chống mua bán người.
 Theo TS Bùi Thị Hòa, Mô hình cơ sở hỗ trợ nạn nhân do Hội thực hiện là mô hình cụ thể để triển khai các quy định của Luật phòng, chống mua bán người về xã hội hóa cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Từ kinh nghiệm thực tiễn, Hội đã tổ chức các hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia, đại diện các bộ, ngành góp ý dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) về các nội dung liên quan đến phòng, chống mua bán người, góp phần hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về phòng chống mua bán người, đề xuất Chính phủ hỗ trợ kinh phí để duy trì hoạt động của mô hình này. 
Phó Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam cho biết, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 -2020, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành và địa phương, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục chủ trì công tác truyền thông cộng đồng về PCMBN. 
Trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCMBN với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng thu hút sự quan tâm và tham gia của cộng đồng. 
Nâng cao nhận thức cho các đối tượng nguy cơ cao tại những địa bàn trọng điểm về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm MBN để chủ động phòng ngừa và tố giác tội phạm. Phối hợp các cấp, các ngành và các tổ chức để thực hiện tốt những quy định của pháp luật trong công tác phòng, chống mua bán người. 
Đồng thời triển khai các chương trình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. 
Nhật Thy
0 Bình luận

Loading...