Hành lang pháp lý để du lịch phát triển

22 Tháng 7, 2016 | Tin du lịch

Bộ VH, TT&DL vừa đề xuất nội dung Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) gồm 9 chương, 83 điều. Bên cạnh những quy định chung, Dự thảo nêu những quy định cụ thể về khách du lịch, tài nguyên du lịch; quy hoạch phát triển du lịch; kinh doanh lữ hành... nhằm tạo hành lang pháp lý an toàn, môi trường bình đẳng cho phát triển du lịch. 
Sửa đổi, bổ sung quy định về đào tạo hướng dẫn viên 
Du khách quốc tế tham quan Đền Ngọc Sơn (Hà Nội). Ảnh: Tuấn Khoa
Khoản 3, Điều 42 của Luật Du lịch quy định: “Người điều hành trực tiếp hoạt động kinh doanh lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành du lịch trở lên, có giấy chứng nhận nghiệp vụ điều hành du lịch do Bộ VH, TT&DL cấp”. 
Theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Hanoi Red Tours, điều khoản này không còn phù hợp với thực tế, bởi hiện nay có rất nhiều người có kinh nghiệm hoạt động trong ngành du lịch, tuy tốt nghiệp các trường chuyên môn khác nhưng vẫn điều hành kinh doanh lữ hành rất tốt. Tương tự như vậy, ông Nguyễn Văn Tấn, Tổng Giám đốc Công ty JTB-TN cho rằng, nên bỏ điều khoản này vì nó không khác gì việc tạo ra một thứ giấy phép con, gây phiền hà. 
Ông Nguyễn Văn Tấn đề nghị: "Khoản 3, Điều 42 chỉ nên quy định: Người điều hành trực tiếp hoạt động kinh doanh lữ hành phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành du lịch và thêm khoản: Được Hiệp hội Du lịch Việt Nam hoặc Hiệp hội Du lịch địa phương giới thiệu, thẩm định về chuyên môn, đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu kinh doanh lữ hành". 
Nói về vấn đề hướng dẫn viên (HDV), ông Nguyễn Văn Mỹ, Trưởng ban HDV Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, hiện nay, HDV Việt Nam vừa thiếu về lượng vừa yếu về chất, một phần là do những quy định phi lý về tiêu chuẩn, chẳng hạn như quy định HDV quốc tế phải có bằng đại học còn HDV nội địa chỉ cần tốt nghiệp phổ thông. 
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, về mặt nghiệp vụ, HDV đều phải có chuẩn chung, HDV quốc tế chỉ khác HDV nội địa ở chuẩn về trình độ ngoại ngữ. Quy định về tiêu chuẩn hiện nay dẫn đến tình trạng là có rất nhiều HDV có thẻ nhưng hành nghề kém, hoặc không thể hành nghề; trong khi đó, nhiều người có kiến thức, nghiệp vụ và thông thạo ngoại ngữ nhưng không thể hành nghề vì chưa có bằng đại học. Bởi vậy, cần ban hành quy chuẩn mới về đào tạo HDV, do đặc thù nghề nghiệp, chuẩn học vấn phải là cao đẳng để HDV có nền kiến thức đủ cho công việc. 
Việc cấp thẻ HDV nên để cho Hiệp hội Lữ hành Việt Nam thực hiện, HDV là một nghề nên thẻ HDV có thể bị thu hồi nếu người có thẻ vi phạm quy định hiện hành hoặc có khoảng thời gian 5 năm không hành nghề. 
Quy định trách nhiệm ứng xử của du khách 
Khoản 6, Điều 41 của dự thảo quy định về vấn đề cộng dồn các mức ký quỹ khi doanh nghiệp lữ hành đăng ký nhiều lĩnh vực kinh doanh. Theo các doanh nghiệp lữ hành, quy định này không hợp lý bởi trong thực tế, tại một doanh nghiệp, ở cùng một thời điểm hầu như không thể đồng thời xảy ra sự cố ở lĩnh vực outbound (khách ở Việt Nam du lịch ra nước ngoài), inbound (khách du lịch đến Việt Nam), nội địa. 
"Ngay khi xảy ra sự cố nào đó, doanh nghiệp phải có trách nhiệm giải quyết kịp thời, nếu không giải quyết hoặc không đủ điều kiện để giải quyết thì dùng tiền ký quỹ, sau đó doanh nghiệp phải đóng bổ sung phần ký quỹ cho đủ thì mới được tiếp tục kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong nhiều lĩnh vực thì chỉ cần đóng mức ký quỹ cao nhất được quy định cho một trong những lĩnh vực mà doanh nghiệp đăng ký", ông Nguyễn Công Hoan nói. 
Theo ông Nguyễn Quốc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện nay có nhiều "khách du lịch ba lô" đến Việt Nam không theo tour, tuyến nào. Họ đến tự do, hết hạn visa mới về, không phải vì mục đích du lịch mà là đi làm chui như dạy tiếng Anh, buôn bán kinh doanh…, rất khó kiểm soát. Bởi vậy, cần có quy định cho những trường hợp này. Tương tự, gần đây có quá nhiều thông tin phản ánh tình trạng người Việt đi du lịch nhưng phớt lờ cảnh báo an toàn, dẫn tới hậu quả đáng tiếc. 
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Tiến Đạt (cán bộ Công ty TransViet), ở phần "Nghĩa vụ của khách du lịch", cần bổ sung một số quy định như khách du lịch Việt Nam có trách nhiệm ứng xử văn minh và tuân thủ pháp luật khi đi du lịch; thực hiện các quy định, cảnh báo về an toàn du lịch; khách đi du lịch nước ngoài không được ở lại nơi đến bất hợp pháp. Nếu khách đi du lịch nước ngoài rồi ăn cắp, bỏ trốn, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh và thể diện quốc gia thì sẽ bị phạt nặng, có thể bị cấm xuất cảnh có thời hạn hoặc vĩnh viễn. 
Theo Lâm Vũ/HNM
0 Bình luận

Loading...