Hội vật cầu Làng Vân, nét độc đáo của lễ hội Bắc Giang

29 Tháng 5, 2018 | Tin du lịch

Làng Vân Hà nay xưa có tên gọi là Yên Viên, tên tục gọi là làng Vân tổng thuộc tổng Tiên Lát, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, nay thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên. Làng Vân thờ thành hoàng làng là Thánh Tam Giang, tức Trương Hống, Trương Hách, hai danh tướng có công giúp Triệu Quang Phục dẹp giặc. 
Hội vật cầu nước làng Vân xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang được tổ chức vào 3 ngày: 12, 13 và 14/4 âm lịch. Trước đây, theo các cụ trong làng kể, mỗi năm tổ chức một lần. Ngày nay, hội được tổ chức theo chu kì 4 năm một lần. 
Vật cầu là một trò chơi dân gian độc đáo, mang nhiều ý nghĩa của cư dân nông nghiệp, thường được tổ chức trong những ngày hội xuân, hội làng. Hội được tổ chức trên sân đền thờ thánh Tam Giang, có diện tích khoảng 200m2. Mỗi bên có một lỗ sâu khoảng 80cm và rộng khoảng 50cm. Ở làng Vân, có hai đội chơi là GIÁP DƯỚI và GIÁP TRÊN, mỗi đội có 8 người chơi, gọi là “quan cầu”. Nếu giáp nào đưa được quả cầu vào lỗ của bên kia thì giáp đó thắng. Theo quan niệm dân gian, nếu năm nào giáp Trên mà thắng, thì năm đó mưa gió thuận hòa, làm ăn phát đạt. Quan niệm dân gian này phù hợp với tục thờ mặt trời của cư dân lúa nước đồng bằng Bắc Bộ vì quả cầu tượng trưng cho mặt trời. Sân cầu gồm hai lỗ: Một lỗ bên Đông (nơi mặt trời mọc) và một lỗ bên Tây (nơi mặt trời lặn). Cướp được cầu là cướp được năng lượng mặt trời, cướp được vận may về cho dân làng, để cho lúa khoai tươi tốt, cho mùa màng bội thu, cho dân an vật thịnh... Đó cũng là sự cầu mưa, cầu nắng, cầu may, mang khát vọng chân chính của người dân trước thiên nhiên. 
Giáo sư Trần Quốc Vượng trong sách Theo dòng lịch sử (Nhà xuất bản Văn hóa thông tin 1996) khi giải mã hình tượng mặt trời trên trống đồng Đông Sơn cũng đã khẳng định lại tín ngưỡng thờ mặt trời của cư dân lúa nước thông qua biểu tượng quả cầu trong các lễ hội có viết: "Tiếp tục suy nghĩ về trống đồng. Với ngôi sao - mặt trời ở trung tâm trống, mọi cảnh vật, người, chim, hươu... đều xoay quanh mặt trời ngược chiều kim đồng hồ... ta dễ dàng đoán nhận chủ nhân trống đồng là những người có tín ngưỡng thờ thần mặt trời. Đó là một tín ngưỡng phổ biến trong những cư dân nông nghiệp, trong những nền văn minh nông nghiệp. Cô-la-ni và Qua-rít Uê-lớt đã ghi nhận từ lâu tín ngưỡng thờ thần mặt trời của chủ nhân trống đồng, chủ nhân văn hoá Đông Sơn. Di tích của tục thờ thần mặt trời còn tồn tại khá phổ biến trong những nhóm dân tộc ở vùng Đông Dương và Đông Nam Á này. Không phải chỉ ở những mô típ trang trí hình mặt trời và hình “chim mặt trời” trong những đồ trang sức của người miền núi. Mà còn sống động ở trong những lễ nghi nông nghiệp. Chỉ lấy một ví dụ ở người Kinh: tục vật cầu (vật cù) ngày xuân. Những trò chơi có vai trò của quả bóng (cầu) như vật cầu, đá cầu, đánh phết... đều có liên quan đến tục thờ mặt trời. Quả cầu thường được sơn đỏ (biểu tượng mặt trời), người chơi chia làm hai phe và bao giờ cũng là phe đông phe đoài (tây). Quả cầu sơn đỏ xoay chuyển từ đông sang tây là tượng sơn đỏ xoay chuyển từ đông sang tây là của mặt trời trên bầu trời." Đây thực sự là một biểu tượng văn hóa- tín ngưỡng của vùng Bắc Giang- kế tiếp những giá trị tinh hoa của dân tộc từ hàng ngàn năm. 
Ca dao vùng Kinh Bắc có câu : Làng ta mở hội cướp cầu/ Cầu cho lúa tốt sai cau/ Cầu cho làng xóm trước sau thuận hòa/ Cầu cho lúa tốt bông hoa/ Cầu cho trai gái trẻ già bình an” cũng là nói đễn lễ hội cướp cầu ở vùng này, trong đó tiêu biểu ở làng Vân. 
Cũng giống như nhiều lễ hội khác, trai tráng trong làng khi được tuyển chọn vào đội “quan cầu” thường phải nghiêm ngặt tuân thủ những quy định khắt khe trước khi lễ hội diễn ra 3 ngày. Theo các cụ trong làng, xưa kia, trước 3 tháng, trai làng phải tuyệt đối kiêng kị phụ nữ, không ăn thịt chó, kiêng rượu, kiêng tỏi... không làm việc gì liên quan đến xú uế, hôi tanh. Trai làng phải giữ mình trong sạch và phải luyện tập khỏe mạnh trước khi lễ hội diễn ra. Ngày nay, phong tục có phần thay đổi, tuy nhiên những kiêng kị vẫn được giữ nguyên và kiêng 3 ngày, thay vì 3 tháng như trước kia. 
Một số hình ảnh trong lễ hội 
Bài, ảnh: Lí Học
0 Bình luận

Loading...