Nâng tính chuyên nghiệp trong xúc tiến, quảng bá du lịch

07 Tháng 12, 2017 | Tin du lịch

Hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch có ý nghĩa quan trọng nhằm kêu gọi thu hút đầu tư, đưa hình ảnh vùng đất, con người Bắc Giang đến với đông đảo du khách. Để nâng cao hiệu quả công tác này, hoạt động tuyên truyền, quảng bá cần có sự đổi mới và chuyên nghiệp hơn.
Gian hàng quảng bá rượu làng Vân tại Ngày hội Du  lịch thành phố Hồ Chí Minh 2017
Đa dạng hình thức quảng bá 

Ngoài phối hợp sản xuất phim chuyên đề, tài liệu tuyên truyền vùng đất, con người Bắc Giang, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong điều kiện nguồn kinh phí eo hẹp song tỉnh đã từng bước quan tâm, tích cực tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch thông qua các liên hoan, hội chợ, ngày hội, lễ hội trong toàn quốc. Qua đó đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng lượng khách đến địa phương.

Điển hình trong năm 2017, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh tham gia 8 sự kiện lớn như: Ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh, Hội chợ "Du lịch, ẩm thực, làng nghề thủ công, thương mại" tỉnh Thái Nguyên; Hội chợ thương mại quốc tế festival biển Nha Trang; Hội chợ "Thương mại, du lịch quốc tế Việt - Trung" tại tỉnh Quảng Ninh... Tại đây, bên cạnh giới thiệu tiềm năng, thế mạnh điểm đến thông qua hệ thống pa-nô, phát miễn phí hàng nghìn tờ rơi, sách, đĩa DVD, bản đồ, ấn phẩm, du khách còn được tư vấn hỗ trợ thông tin cơ bản về du lịch của tỉnh. Giới thiệu, cung cấp các sản phẩm, sản vật làng nghề thủ công truyền thống như: Rượu làng Vân, bánh đa Kế, mỳ Chũ, vải thiều Lục Ngạn, mật ong hoa vải, chè kho Mỹ Độ, nghề làm giấy dó, mây tre đan Tăng Tiến, bún Đa Mai...

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh cho biết: Tuy kinh phí dành cho hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch hạn hẹp (bình quân khoảng 500 triệu đồng/năm) nhưng Trung tâm đã tích cực tham gia và tổ chức được nhiều hoạt động. Trong đó đã tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình làm phim “Một Việt Nam kỳ diệu” tại nhiều điểm du lịch trong tỉnh phát trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam. Phối hợp đặt liên kết website với nhiều tỉnh, TP để tuyên truyền, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Bắc Giang. Trung tâm cũng đã có những đổi mới bằng cách mời các nghệ nhân làng nghề truyền thống trình diễn tại gian trưng bày, qua đó thu hút đông du khách đến tìm hiểu du lịch Bắc Giang. 
Du khách tham quan chùa Bổ Đà
 Bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm 
Năm 2017, khách du lịch đến Bắc Giang đạt 1,2 triệu lượt người, tăng gấp đôi; doanh thu từ du lịch đạt 750 tỷ đồng, tăng 255 tỷ đồng so với năm 2016.
Tại hội thảo về công tác xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch Bắc Giang, đại diện Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) nhận xét: Hoạt động xúc tiến du lịch Bắc Giang dù triển khai tích cực nhưng kết quả đạt được còn khiêm tốn. Nổi bật là chưa hình thành được một biểu tượng, tiêu đề riêng cho du lịch của tỉnh làm cơ sở cho việc quảng bá thương hiệu, hình ảnh một cách nhất quán và chuyên nghiệp. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn cũng thừa nhận, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh còn thiếu chuyên nghiệp, chưa đủ tầm vươn ra thị trường khu vực, quốc tế, chưa có hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư du lịch. Nguồn lực đầu tư, khả năng liên kết, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho công tác này rất hạn chế.

Để nâng tầm du lịch, thu hút du khách đến Bắc Giang, các chuyên gia cũng gợi mở: Trong điều kiện nguồn kinh phí hạn hẹp, Bắc Giang nên tập trung vào hình thức quảng bá E-maketing (quảng cáo qua Internet) thông qua các kênh như Website, Facebook, YouTube, Twitter, Instagram để tiết kiệm chi phí quảng bá. Tổ chức tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp, du khách qua email, điện thoại, các trang mạng xã hội. Tuy vậy vấn đề đặt ra là cá nhân quản lý trang xã hội phải được đào tạo kỹ năng quản lý, duy trì, phát triển nó đáp ứng yêu cầu, mục tiêu.

Giải pháp phổ biến nữa là đón các đoàn khảo sát, đối tượng tham gia gồm các doanh nghiệp, người làm du lịch, hãng vận chuyển, quản lý điểm đến, phóng viên báo chí, truyền thông và cả những blogger, sau đó tọa đàm lấy ý kiến phản hồi, đóng góp. Bên cạnh đó Bắc Giang cần tích cực tham gia một số sự kiện lớn trong nước như: Hội chợ du lịch quốc tế VITM được tổ thường niên tại Hà Nội (tháng 4) và ITE-HCMC tại TP Hồ Chí Minh (tháng 9). Đối với các hội chợ du lịch quốc tế, nếu có điều kiện Bắc Giang nên tham gia và tiếp cận ở các thị trường gần như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc Asean.

Từ năm 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch Bắc Giang giai đoạn 2012-2020”. Đề án đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu bổ sung, điều chỉnh với tổng kinh phí giai đoạn 2016-2020 gần 20 tỷ đồng. Sắp tới Sở sẽ tích cực huy động nguồn xã hội hóa làm mới một số biển quảng cáo tấm lớn trên các trục quốc lộ và tại các khu, điểm du lịch tiêu biểu. Quan tâm xây dựng, hoàn thiện hệ thống công cụ xúc tiến du lịch như: Clip, phim quảng bá điểm đến, sản phẩm lưu niệm, bản đồ, sách mỏng, tờ rơi, tờ gấp, poster ảnh, quà tặng… Đề xuất với tỉnh xây dựng trạm đón tiếp, cung cấp thông tin, hỗ trợ du khách và tham gia các hội chợ, triển lãm lớn có tính chất khu vực, quốc tế để đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm có thế mạnh đặc trưng của tỉnh. Đồng thời tiếp tục quan tâm cung cấp những ấn phẩm tuyên truyền đến các khu, điểm du lịch trong tỉnh.
Theo Báo Bắc Giang
0 Bình luận

Loading...