Ngược dòng lên với sình ca

21 Tháng 2, 2015 | Tin du lịch

Từ bên kia cầu Chũ, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) là bắt đầu cung đường hơn 20 cây số thẳng hướng Đèo Gia. Cung đường ấy đâu chỉ đưa tôi lên thượng nguồn sông Lục mà còn về với câu hát sình ca. Những câu hát không chỉ là niềm tự hào từ ngàn xưa của người Cao Lan, mà còn là sản phẩm tinh thần được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2013.
                                          Cầu Chũ 

Đèo Gia hiện có 4.600 nhân khẩu ở 17 thôn xóm thì 70% thuộc dân tộc Cao Lan. Nhưng đậm đà bản sắc thì chỉ ở các thôn Thung, Cống Luộc, Đèo Gia, Đồng Bụt với hầu hết bà con Cao Lan và tiếng hát sình ca đã truyền đời cùng họ. Người đầu tiên chúng tôi gặp là ông Chung Văn Thảo, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) hát sình ca xã Đèo Gia. Đây là CLB hát sình ca duy nhất cho tới thời điểm này của huyện Lục Ngạn được thành lập năm 2009 gồm 24 thành viên.
Thành viên cao tuổi nhất sinh năm 1936 là ông Đàm Quang Lộc, thôn Cống Luộc. Ông Lộc mê câu sình ca từ thuở tóc để chỏm chăn trâu. 
Vốn sống cuộc đời và tố chất say mê câu hát đã để lại trong ông biết bao kỷ niệm. Ông đã biến những kỷ niệm ấy thành trên 400 bài hát theo làn điệu sình ca. Không chỉ vậy, ông còn nói được 16 thứ tiếng dân tộc anh em. Ông đang được đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân ca. 
Theo truyền thuyết, sình ca do người con gái Cao Lan mồ côi xinh đẹp có tên Lau Slam (phiên âm Hán – Việt là Lưu Tam hay Lưu Ba) sáng tạo và truyền dạy. Năm 7 tuổi nàng đã sáng tác những bài đồng dao cho đám trẻ chăn trâu cùng hát. Năm 16 tuổi nàng đã sáng tác những bài giao duyên để trai làng gái bản có cơ hội gặp nhau. Tiếng hát của nàng khi cất lên tựa như chim hót khiến sông ngừng chảy, gió ngừng rung cây. Khi tuổi đã tuần cập kê nàng yêu một chàng trai nghèo Cao Lan tên gọi là Dừn. Nhưng tình yêu chưa thắm đã vội tàn do tính ích kỷ từ vợ chồng người anh đã ngăn cản không cho họ gặp nhau, rồi gả Lau Slam vào một nhà giàu có. Vì nuối tiếc người yêu mà Lau Slam suốt ba năm giả câm giả điếc nhưng trong lòng vẫn ấp ủ cả nghìn câu nhớ câu thương. Cho đến một ngày biết tin người yêu đã chết trong âu sầu nhung nhớ thì nàng cũng tìm ra bờ suối bên cây thông chết khô để hát lời thương tiếc cho đến lúc tàn hơi. 
 Câu lạc bộ hát sình ca Đèo Gia trong buổi giao lưu hát dân ca các dân tộc tại huyện Lục Ngạn 
Lạ thay, từ nơi nàng gieo mình, cây thông bỗng tươi cành xanh lá, gió vi vu khúc nhạc u buồn, một con chim trắng từ đâu bay đến để rồi ai cũng nghĩ rằng chính tiếng thông reo đã mang âm hưởng từ giọng hát Lau Slam, khiến linh hồn chàng Dừn đã hóa vào chim bay về mong gặp lại người yêu. Những câu hát của Lau Slam đã được người Cao Lan ghi nhớ truyền đời và đặt tên là sình ca. Cũng từ đấy nàng Lau Slam trở thành nữ thánh ca của dân tộc Cao Lan, để mỗi cuộc hát sình ca thường được bắt đầu bằng lời thỉnh mời thánh ca: Đôi ta cùng hát lời cầu thỉnh/ Thỉnh cầu bà thánh hát thi ca/ Bà thánh thi ca Lau Slam đến/ Lau Slam là người tác thi ca. 
Sình ca có thể hát quanh năm, nhưng rôm rả nhất vẫn là mùa cưới và dịp tân niên bắt đầu từ tháng 10 âm lịch đến giêng, hai năm sau. Trong cuộc hát bao giờ cũng có màn chào hỏi. Thường thì bên con trai hát trước. Bên nữ nghe mà chưa đáp lại nhằm thăm dò ý tứ, nếu thấy thiện ý thì mới đối lại. Đây là lời chàng trai trong cuộc đối đáp giao duyên: 
Mồng một, mồng hai năm mới đến/ Khác gì cây trái nở hoa tươi/ Cây nở hoa tươi rồi kết trái/ Con người trai gái hát kết duyên. 
Người Cao Lan cảm ơn những câu hát từ truyền thuyết tình yêu. Một giá trị nghệ thuật mà không phải dân tộc nào cũng có. Làn điệu dân ca ấy hẳn sẽ luôn được gìn giữ, phát huy trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, xứng danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. 
Cô gái vẫn im lặng khiến chàng trai hát tiếp: Thứ nhất ngỏ lời xin hỏi chủ/ Thứ nhì mở miệng xin hỏi làng/ Nghe nói làng ta nhiều hoa đẹp/ Nghĩ rằng hoa bướm muốn bay sang.
 Cô gái vẫn im lặng mà chàng trai thì không bỏ cuộc: Trên trời có đám mây vờn trắng/ Dưới thung có đóa mẫu đơn xinh/ Trăng lên hoa lại càng xinh xắn/ Hỏi hoa tên họ để tâm tình.
 Thấy ưng cái bụng, cô gái liền cất lên lời đối đáp: Tên em là một loài hoa/ Họ hàng chẳng có cửa nhà thì không/ Sinh thời từ thuở hồng hoang/ Mẹ em là đất cha em là trời. 
Nghe vậy chàng trai liền ví von: Quả sổ vỏ cong ôm lấy núi/ Buồng chuối quả cong ôm lấy cành/ Khỉ con tay dài ôm lấy mẹ/ Anh muốn nằm co ôm lấy em.
Nghe mà như “chạm nọc”, cô gái cũng chẳng vừa: Chàng ở bản xa em nhớ lắm/ Em nhớ chàng nhớ cả quanh năm/ Bao nhiêu vàng bạc em chẳng biết/ Nhất tâm chỉ thích cùng chàng đi chơi. 
Lúc này chàng trai thể hiện sự kính trọng bằng những lời chúc chủ nhân ông, chủ nhân bà, chúc mẹ, chúc cha cùng anh chị cô gái, chúc mồ mả tổ tiên thế đất hướng về nơi cửa Phật. Chúc cháu con hưởng thụ lộc tổ tiên. 
Cô gái đáp: Cảm ơn chàng, chàng có ngàn lời hay ý đẹp/ Chúc người chúc cả mẹ cha em/ Chúc chị dâu em xứng dâu tài/ Em gái em trai đều chúc cả/ Chàng còn chúc cả người chồng em/ Cảm ơn chàng, chàng ca lời đẹp chúc chồng em/ Chồng em chính là chàng ngồi đó/ Bao năm em sống trong nhung nhớ/ Mà chàng chẳng biết cõi lòng em. 
Nghe vậy, chàng trai tiếp lời: Lời ca chúc tụng đã xong rồi/ Chúc cả gia đình ngôi nối ngôi/ Vẫn còn thôn bản chưa lời chúc/ Sống cùng thôn bản đời nối đời/ Lời ca xin chúc thôn nàng sang/ Đầu thôn có miếu thờ Thành hoàng/ Ngày rằm mồng một đèn nhang sáng/ Cầu thần phù hộ được dân an. 
Chỉ một liên khúc đối đáp vậy thôi cũng đủ khẳng định hát sình ca của người Cao Lan luôn trữ tình và giàu tính nhân văn. Những câu hát không cầu kỳ chau chuốt, không nhạc đệm theo cùng nhưng vẫn nồng ấm men say, để mỗi ai đó dù không biết chữ mà vẫn thánh thót lời thương.
Theo Báo Bắc Giang
0 Bình luận

Loading...