Nhiều kết quả từ đợt khai quật Khảo cổ chùa Vĩnh Nghiêm

06 Tháng 11, 2015 | Tin du lịch

Thực hiện quyết định số 1691/QĐ – BVHTTDL ngày 25 tháng 05 năm 2015 của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch. Ngày 16 tháng 7 năm 2015 sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Bảo tàng tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia tổ chức khai quật Khảo cổ học tại địa điểm chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng với khoảng thời gian hai tháng. 
Hố thám sát TS4

Diện tích khai quật đợt này là 100m2 trên 06 Hố thám sát; trong đó có 02 Hố thám sát nằm sát tường bao khu vực trong khuôn viên trường tiểu học xã Trí Yên phía Tây của Chùa.
Kết quả đợt khai quật các nhà khoa học đã thu thật được nhiều hiện vật có giá trị như: Mảnh bia đá niên hiệu Vĩnh Khánh, các loại vật liệu kiến trúc và trang trí kiến trúc, một số đồ sành, sứ, đồ gốm…Phạm vi phân bố của các di tích kiến trúc chủ yếu nằm tập trung trong khuôn viên chính của chùa hiện nay. Việc thu được các hiện vật cho thấy những thông tin quan trọng về lịch sử hình thành và biến đổi của chùa Vĩnh Nghiêm. Đặc biệt Ở hố thám sát TS4 trong sân phía Tây chùa cho thấy hoạt động trùng tu tôn tạo diễn ra mạnh mẽ vào thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn phản ánh qua hoạt động san và tôn cao nền chùa qua các thời kỳ này. Tuy không tìm thấy dấu vết kiến trúc thời Trần nhưng qua sưu tập vật liệu kiến trúc và đồ dùng sinh hoạt thu được trong các hố thám sát và khai quật là các bằng chứng quan trọng đã minh chứng cho việc di tích chùa Vĩnh nghiêm được xây dựng vào thời Trần như sử sách đã ghi chép. 
Hố thám sát TS4

Ngoài việc đào thám sát 06 hố khai quật trong quá trình khảo sát còn phát hiện rất nhiều vật liệu thời Trần nằm dưới gò đất giữa Ao Am ở độ sâu khoảng trên 3m và một mảnh bia đá có niên đại thời Lê Trung Hưng (1731) tại đây. Qua quan sát địa tầng và nghiên cứu sơ bộ mảnh bia đá, bên cạnh các thông tin trên bia, ở trán bia còn ghi một chữ Hán có thể là chữ (Trì) cho thấy nhiều khả năng Ao Am được đào vào thời Lê Trung Hưng và sử dụng vật liệu thời Trần gia cố nền để đắp gò giữa Ao.
Hiện vật thu được trong quá trình thám sát và khai quật sau khi chỉnh lý, lập hồ sơ khoa học sẽ được bàn giao cho Bảo tàng tỉnh Bắc Giang lưu giữ phục vụ công tác nghiên cứu và trung bày để phát huy giá trị.
Đợt thám sát, khai quật này nhằm bổ sung tư liệu về lịch sử hình thành, tồn tại của di tích chùa Vĩnh Nghiêm và hệ thống chùa tháp phật giáo thời Lý – Trần trên vùng đất Bắc Giang; cũng như thám sát và khai quật này còn cung cấp thêm thông tin bổ sung để hoàn thiện hồ sơ trình UNESSCO ghi danh quần thể di tích – Danh thắng Yên Tử là Di Sản Văn Hóa Thế Giới. 

Tin, ảnh Lưu Thuyết
0 Bình luận

Loading...