Tăng khả năng kết nối giữa các điểm du lịch

01 Tháng 4, 2019 | Tin du lịch

Mấy năm gần đây, việc thu hút dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch của tỉnh Bắc Giang có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để hoạt động này đạt kết quả tương xứng với tiềm năng đòi hỏi các cấp, ngành có sự vào cuộc quyết liệt hơn. Báo Bắc Giang có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bắc Giang.
Theo ông, Bắc Giang có những lợi thế gì trong phát triển du lịch? 
Ông Nguyễn Cường
Bắc Giang có vị trí địa lý tương đối thuận lợi, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh liền kề vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; tiếp giáp Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên. Địa hình Bắc Giang có sự kết hợp giữa vùng đồng bằng và vùng núi cao, với gần 133 nghìn ha đất lâm nghiệp, tạo nên những cảnh quan hấp dẫn, là nguồn tài nguyên quý để thu hút các dự án đầu tư phát triển loại hình du lịch sinh thái, khám phá, thể thao, mạo hiểm. Nổi bật là Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, hồ Cấm Sơn và dãy núi Nham Biền...

Bắc Giang có nền văn hóa phong phú, đa dạng bởi sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt cổ và văn hóa Tày - Nùng, là vùng đất cổ có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời gồm hơn 2 nghìn di tích trải khắp trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông có thể khái quát kết quả thu hút đầu tư vào du lịch của tỉnh trong mấy năm trở lại đây?

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị Quyết số 44-NQ/TU ngày 30-3-2016 về phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch thực hiện. Kết quả, tỉnh đã thu hút được một số dự án du lịch nổi bật như: Sân golf và Dịch vụ Yên Dũng với tổng vốn đầu tư 1.652 tỷ đồng. Dự án đã đi vào hoạt động giai đoạn I, quy mô 18 lỗ golf phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân và các nhà đầu tư trong, ngoài nước; dự án khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử, tổng vốn đầu tư 1.486 tỷ đồng. Hiện nay, nhà đầu tư đã đưa giai đoạn I của dự án vào hoạt động.

Đặc biệt, trong năm 2018, tỉnh đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư vào du lịch. Tại đây, lãnh đạo tỉnh đã trao quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc biên bản ghi nhớ với một số dự án có quy mô lớn thuộc lĩnh vực du lịch cho 16 dự án, tổng vốn đăng ký hoặc cam kết đạt 35,3 nghìn tỷ đồng. Một số dự án tiêu biểu như: Dự án Khu du lịch, nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí Khuôn Thần (Lục Ngạn); tổ hợp thương mại dịch vụ và nhà ở cao cấp tại Khu đô thị phía Nam (TP Bắc Giang); khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí Hố Cao (Lạng Giang); dự án sân golf Việt Yên; dự án tòa chung cư hỗn hợp Apec Aqua Park (TP Bắc Giang) và Khu đô thị sinh thái kết hợp với công viên tại khu đô thị phía Nam (TP Bắc Giang)...

UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho dự án Khu sinh thái Khe Hang Dầu, xã Nham Sơn (Yên Dũng), tổng vốn đầu tư đạt 498 tỷ đồng. 
Du khách nước ngoài tham quan, thưởng thức các sản phẩm đặc trưng của TP Bắc Giang. Ảnh: Tiến Đạt. 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thu hút đầu tư vào lĩnh vực trên còn gặp những khó khăn, hạn chế gì, thưa ông?

Hạ tầng về giao thông chưa kết nối đồng bộ là trở ngại lớn đối với Bắc Giang trong việc thu hút đầu tư vào các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch phát triển song quy mô, tính chất tiện nghi và các sản phẩm du lịch còn nhỏ lẻ. Một số ngành, địa phương chưa thực sự chủ động trong xúc tiến đầu tư vào du lịch; còn tư tưởng thụ động, chờ đợi nhà đầu tư vào mới rà soát, bổ sung các quy hoạch liên quan.

Chưa thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng thực sự về kinh nghiệm và tài chính trong lĩnh vực du lịch.

Ngân sách Trung ương hỗ trợ cho tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ phát triển du lịch còn hạn chế; trong khi ngân sách tỉnh chưa có khả năng cân đối đáp ứng yêu cầu về nguồn vốn phát triển các sản phẩm du lịch. Các dự án còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, đặc biệt là khâu bồi thường, GPMB.

Đối với các dự án đã được chấp thuận, một số nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm nên trong quá trình lập dự án gặp khó khăn.
Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động) thu hút đông đảo du khách đến chiêm bái, vãn cảnh.

Theo ông, tỉnh Bắc Giang cần những biện pháp gì để thu hút đầu tư vào du lịch đạt kết quả tốt?

Bên cạnh các giải pháp như hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, thời gian gian tới, Sở KH&ĐT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh bố trí ngân sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng bên ngoài các khu du lịch; tập trung hỗ trợ, thúc đẩy các dự án đã, đang và sắp triển khai, đồng thời thu hút thêm các dự án khách sạn 3-5 sao.

Tăng khả năng kết nối với các điểm du lịch trong tỉnh và ngoài tỉnh như: Mẫu Sơn (Lạng Sơn); hồ Núi Cốc (Thái Nguyên); Tam Đảo (Vĩnh Phúc); thác Bản Giốc (Cao Bằng); Hạ Long (Quảng Ninh); Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương)... Chủ động xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn và mang đặc trưng riêng; thiết kế xây dựng biểu tượng du lịch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Chú trọng bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu.

Tiếp tục thực hiện tốt việc tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử đã xuống cấp, đồng thời nâng cấp cơ sở vật chất, cảnh quan phục vụ phát triển du lịch. Phối hợp thực hiện tốt công tác GPMB, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho nhân dân nơi có dự án du lịch; chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch. Tuyên truyền để người dân sinh sống xung quanh các di tích lịch sử, khu du lịch nâng cao nhận thức và tích cực tham gia vào hoạt động du lịch.

Thường xuyên kiểm tra để có chỉ đạo kịp thời, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương, từ đó thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến Bắc Giang.

Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Báo Bắc Giang
0 Bình luận

Loading...