Tạo cú "hích" cho du lịch Bắc Giang: Kỳ I - Đi từ “không” đến “có”

07 Tháng 11, 2017 | Tin du lịch

Sau nhiều năm đề ra mục tiêu, giải pháp, quyết tâm thực hiện chủ trương đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, du lịch Bắc Giang đã tạo được những nền tảng quan trọng. Mặc dù vậy, để lĩnh vực này thực sự có đột phá còn không ít thách thức cần vượt qua.
Lượng khách đến khu du lịch sinh thái suối Mỡ tăng mạnh trong năm nay
Nỗ lực lấp đầy “vùng lõm” 
Năm 2010, khi đề cập đến việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhiều cấp, ngành, người dân trong tỉnh hoài nghi và chưa thực sự tin tưởng vào khả năng ấy. Những năm trước du khách đến tỉnh chỉ lưa thưa, các khách sạn vắng vẻ, rất ít khách nước ngoài. Bằng nhiều nỗ lực trong đó có sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh với các cơ chế, chính sách như nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh; thu hút, kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp, dành nguồn lực từ ngân sách, tích cực hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đến nay những kết quả đã khẳng định hướng lựa chọn đúng đắn của tỉnh.
Hầu hết cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành chức năng đã nhận thức được vị trí, vai trò quan trọng của du lịch trong phát triển KT-XH, nhất là giai đoạn hiện nay. Dựa trên điều kiện thực tế, các địa phương đều đề ra mục tiêu, giải pháp riêng nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch. Tiêu biểu như các huyện: Yên Dũng, Yên Thế, Sơn Động, Việt Yên, Lục Ngạn… đều có những chương trình, kế hoạch, quy hoạch phát triển du lịch cụ thể. Bảo đảm tính bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, đưa du lịch ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, tỉnh đã cố gắng rất lớn để đầu tư cho hạ tầng du lịch; trùng tu, tôn tạo di tích từ nguồn ngân sách và các nguồn lực xã hội.
Theo ông Dương Ngọc Chiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, công tác thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch đã có khởi sắc. Con đường 293 cơ bản hoàn thành mặt đường tuyến chính và các tuyến nhánh đặc biệt là tuyến nhánh vào chùa Vĩnh Nghiêm, kéo gần khoảng cách giữa TP Bắc Giang với Khu du lịch sinh thái - tâm linh Tây Yên Tử. Tuyến đường mở mới từ quốc lộ 37 đi xã Trung Sơn (Việt Yên) đưa du khách về với chùa Bổ Đà dễ dàng, thuận tiện hơn.
Đến nay nhiều dự án đã khánh thành, đi vào khai thác như: Khu di tích chiến thắng Xương Giang, sân golf Yên Dũng, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, nhà lưu giữ và trưng bày mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Đặc biệt, Dự án Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử với tổng mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành một số hạng mục quan trọng của giai đoạn 1 như chùa Hạ, chùa Thượng, hệ thống cáp treo; tu bổ, tôn tạo tổng thể chùa Quang Phúc, xã Tiên Lục (Lạng Giang); xây dựng đền thờ danh nhân Thân Nhân Trung (Việt Yên). Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại ngày càng phát triển góp phần cung cấp dịch vụ mua sắm, tạo thêm điểm dừng chân cho du khách.
Cùng với đầu tư hạ tầng, các hoạt động giới thiệu, quảng bá du lịch Bắc Giang cũng được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với các cơ quan truyền thông trong tỉnh, trong nước và các kênh khác đẩy mạnh thông qua tổ chức các sự kiện, lễ hội, ngày hội, hội chợ, triển lãm; các hội nghị khảo sát, xúc tiến du lịch... Với sự nỗ lực của tỉnh, các ngành và địa phương, lĩnh vực du lịch đang có những chuyển biến tích cực. Số lượng khách du lịch đến Bắc Giang các năm gần đây liên tục tăng.
Năm 2010 có 142 nghìn lượt khách; năm 2016 đạt 525 nghìn lượt. Năm 2017 đánh dấu sự khởi sắc rõ nét của du lịch Bắc Giang khi lượng du khách tăng trưởng mạnh chưa từng có, tính đến tháng 9 đạt 1,1 triệu lượt, trong khi mục tiêu đề ra cho cả năm là 1 triệu lượt khách. Riêng Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam), ước tính năm nay lượng khách tăng gấp đôi năm ngoái, hạ tầng tại đây ngày càng được cải thiện nên khách không chỉ đông vào mùa hè mà hầu như quanh năm. Ngay tại TP Bắc Giang, trước đây khách khó chọn điểm tham quan thì từ khi Khu di tích chiến thắng Xương Giang hoàn thành đã trở thành điểm đến quan trọng trong hành trình và thời gian lưu lại TP. Đặc biệt đầu năm tới sẽ khai hội xuân Tây Yên Tử gắn với khánh thành một số hạng mục thuộc khu du lịch hứa hẹn tạo điểm nhấn và sức hút mạnh mẽ đối với du khách.
Bắc Giang cũng đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa quy mô cấp tỉnh, cấp huyện tạo được ấn tượng và thu hút sự quan tâm của nhiều người như lễ đón nhận Bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt kết hợp với tổ chức lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà; lễ hội Xương Giang, Yên Thế. Toàn tỉnh có 20 doanh nghiệp lữ hành, trong đó 4 đơn vị lữ hành quốc tế, hơn 300 cơ sở lưu trú với 4,5 nghìn phòng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương, Trưởng Ban chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh, du lịch Bắc Giang có điểm xuất phát thấp, vốn được xem là “vùng lõm” trên bản đồ du lịch Việt Nam nhưng hiện đã có sự bứt phá và đang chuyển mình mạnh mẽ, nhất là về hạ tầng, dịch vụ. Du lịch tỉnh đã đi "từ không đến có" khi vượt qua ngưỡng "điểm trắng", thể hiện rõ nhất là năm qua đã có những công ty lữ hành đưa khách đến Bắc Giang. Đạt những thành quả này là sự chuẩn bị dài hơi từ nhiều năm trước, nhất là từ khi thực hiện Chương trình phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2015; Nghị quyết số 44 -NQ/TU ngày 30-3-2016 của BTV Tỉnh ủy về phát triển du lịch. Đặc biệt, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn được ban hành ngày 16-1-2017 được ví như "kim chỉ nam" dẫn đường cho du lịch cả nước nói chung, Bắc Giang nói riêng. 
Công ty Du lịch Việt Hưng Tourist (TP Bắc Giang) đưa học sinh đến trải nghiệm tại vùng chè Bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế). 
Vẫn khó giữ chân du khách 
Đạt được một số kết quả nổi bật song Bắc Giang vẫn được xem là một trong những tỉnh đi sau và hiện chưa có ngành du lịch đúng nghĩa. Theo khảo sát của các chuyên gia về quy hoạch du lịch, so với các tỉnh lân cận như: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, lượng khách đến Bắc Giang thấp nhất. Tuy năm nay du khách đến tỉnh tăng mạnh nhưng chủ yếu khách công vụ, thăm thân, vãng lai, buôn bán nông sản, nghiên cứu học tập kết hợp tham quan lễ hội và phần nhiều là khách nội địa lưu trú ngắn ngày nên mức chi tiêu thấp (lượng khách lưu trú ước chỉ khoảng 2-3% tổng lượng khách đến Bắc Giang).
Nếu như trước đây, Bắc Giang chưa xác định được sản phẩm cụ thể thì Nghị quyết số 44 của BTV Tỉnh ủy đã đề ra nhiệm vụ xây dựng ba loại hình sản phẩm du lịch gồm: Văn hóa - tâm linh; lịch sử - văn hóa; sinh thái - nghỉ dưỡng. Không chỉ dưới dạng tiềm năng, du lịch Bắc Giang đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ và từng bước chuyển thành những sản phẩm hút khách khi một số doanh nghiệp lữ hành đặt tour tới Bắc Giang, lượng khách quốc tế đông hơn (từ 2.120 lượt năm 2010 lên 8.000 lượt năm 2016).
Tỉnh cũng chưa có cơ sở vật chất đủ điều kiện đăng cai sự kiện tầm khu vực, quốc gia. Trong chương trình du lịch của các công ty lữ hành hầu như không nhắc đến Bắc Giang, từ đó cho thấy sản phẩm, dịch vụ chưa đa dạng, hấp dẫn. Khách quốc tế đến tỉnh vẫn là khách phổ thông với mục đích tham quan kết hợp thăm thân, buôn bán, thời gian lưu trú không nhiều.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch Hoàng Long (Bắc Giang) Nguyễn Tiến Mạnh nhận xét: Các điểm du lịch ở tỉnh nhỏ lẻ, chưa có khu vui chơi giải trí quy mô lớn, hiện đại, chất lượng phục vụ chưa cao, sản phẩm, dịch vụ nghèo nàn. Việc xây dựng tour vẫn chưa chuyển động trên thực tế, chưa đủ cơ sở thiết kế tour vài ngày cho khách. Đây chính là lý do dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh vẫn thường "cõng" khách tỉnh nhà đi nơi khác mà chưa đưa được khách về. Thực tế trong chương trình của các công ty lữ hành lớn chưa nhắc đến Bắc Giang.
Đơn cử tại Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, lượng khách tăng mạnh nhưng chủ yếu là học sinh, sinh viên, người dân vùng lân cận, mang lại nguồn thu không đáng kể (mỗi năm được trên dưới 1 tỷ đồng từ thu vé), thậm chí khi khách đông sẽ gây áp lực trong xử lý ô nhiễm môi trường do chưa có các biện pháp hiệu quả để tổ chức thu gom, xử lý rác thải. Suối Mỡ chưa có chuỗi sản phẩm du lịch và nhiều dịch vụ tốt để khách có thể vui chơi hết ngày hoặc lưu trú qua đêm, hầu hết khách chỉ dừng chân ở đây nửa ngày rồi ra về (đi lễ, ngắm cảnh, tắm suối) nên mức chi tiêu không đáng kể, chưa kích thích nền kinh tế địa phương phát triển.
Hạ tầng giao thông cũng là cản trở lớn cho quá trình phát triển du lịch, như chùa Bổ Đà, làng Thổ Hà (Việt Yên), khu du lịch bản Ven, Thác Ngà (Yên Thế), cây Dã hương (Lạng Giang), Khe Rỗ (Sơn Động)... Do đường nhỏ hẹp, nếu đoàn khách đi xe từ 40 đến 50 chỗ rất khó xoay sở. Hiện nay số lượng cơ sở lưu trú trong tỉnh tương đối nhiều, tuy nhiên chất lượng thấp, chủ yếu là nhà nghỉ. Khách sạn có chất lượng như Mường Thanh chưa nhiều.
Theo ông Nguyễn Tiến Mạnh, chuyên nghiệp là yếu tố đặc biệt quan trọng của du lịch, khách hàng bỏ nhiều tiền để sử dụng dịch vụ du lịch mà không được phục vụ chuyên nghiệp thì rất thất vọng, thậm chí gây hiệu ứng bất lợi trên diện rộng. Trong khi chất lượng dịch vụ du lịch, giao tiếp của nhân viên trong các nhà hàng, khách sạn ở tỉnh còn hạn chế về yếu tố này. Từ thực tế trên, Bắc Giang chưa nên tham vọng xây dựng tour dài ngày mà trước mắt cần tìm cách trở thành một điểm đến kết hợp trong chương trình của các doanh nghiệp lữ hành qua các tỉnh, TP khác như: Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Dương...
Theo baobacgiang.com.vn
0 Bình luận

Loading...