Tạo lực mới cho phát triển du lịch

23 Tháng 6, 2015 | Tin du lịch

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã kiến nghị Chính phủ xem xét cho phép thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch (VTF) với kinh phí lên đến 2.500 tỷ đồng, trong đó, 30% là từ nguồn ngân sách nhà nước, 70% còn lại từ nguồn xã hội hóa và một số khoản thu.

 

Tạo lực mới, phát triển, du lịch, du khách, điểm đến

Khách du lịch đến bằng tàu biển tại Khánh Hòa. Ảnh: Thu Thủy.

Cần sự minh bạch

Đề xuất này đang thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp du lịch, bởi lâu nay các chương trình xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch... luôn “đì đẹt” do thiếu kinh phí. Trong khi các doanh nghiệp du lịch cho rằng họ có thể chung tay với cơ quan quản lý nhà nước để cùng thực hiện nhưng lại chưa có “cơ chế” cho việc này. 

Theo đề xuất của Bộ VHTTDL, VTF sẽ có kinh phí từ 2.000 - 2.500 tỷ đồng sau 5 năm thành lập. Hai năm đầu tư, nguồn thu chủ yếu trích từ tiền lưu trú mỗi khách quốc tế đến Việt Nam với mức 10.000 - 20.000 đồng/khách/đêm tại khách sạn từ 3 sao trở lên. Từ năm thứ ba, sẽ áp dụng đối với tất cả khách sử dụng dịch vụ lưu trú, và tất cả các loại hình cơ sở lưu trú, bao gồm cả khách du lịch quốc tế và nội địa. Bên cạnh đó, Quỹ còn có nguồn thu từ đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác.

Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch sẽ được sử dụng cho các hoạt động quảng bá xúc tiến, mở rộng thị trường; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ phát triển sản phẩm; bảo vệ môi trường đảm bảo an ninh an toàn cho du khách tại các điểm khu du lịch quốc gia... 

Theo ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc Công ty du lịch APT: “Để thu hút khách quốc tế, công tác xúc tiến, quảng bá cần làm tập trung và có nguồn lực lớn. Do đó, việc hình thành Quỹ cho mục đích xúc tiến quảng bá là rất cần thiết để huy động sự tham gia cộng đồng doanh nghiệp. Phương pháp thu này có tính khả thi, nhưng khâu giám sát và thực hiện cần minh bạch”.

Còn ông Nguyễn Xuân Quỳnh, giám đốc điều hành khách sạn tại Hà Nội cho rằng: “Hiện khách sạn đã chịu nhiều khoản phí, do đó khi tính thêm loại “phụ phí” này cần có sự thống nhất để tuyên truyền tới khách và cần rõ ràng về mục đích sử dụng. Đơn vị sử dụng quỹ phải xây dựng kế hoạch và có lộ trình cụ thể, đồng thời phải có các nghĩa vụ giải quyết các vấn đề nóng như “chặt chém”, kinh doanh chộp giật, bởi khách quốc tế họ sẽ lập luận họ đã đóng phí thì các cơ quan chức năng có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi của họ. Bên cạnh đó, Quỹ hoạt động cũng cần sự giám sát độc lập từ một ban tài chính không trực thuộc bộ”.

Sử dụng sao cho hiệu quả

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch khẳng định, việc hình thành Quỹ phát triển du lịch là một trong ba giải pháp (miễn visa, quỹ phát triển du lịch, đào tạo nguồn nhân lực) để tạo đà cho du lịch phát triển trong thời gian tới. Thực tế, nguồn kinh phí dành cho công tác xúc tiến du lịch hiện nay mỗi năm chỉ có 30 tỷ đồng và đang hạn chế công tác xúc tiến quảng bá cũng như các hoạt động cải thiện môi trường tại các địa điểm du lịch.

Vấn đề được nhiều doanh nghiệp du lịch quan tâm là việc làm sao sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí để tạo bước “đột phá” cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch, bởi đây là khâu yếu nhất của ngành du lịch trong thời gian qua. Hoạt động này cần nhạc trưởng, cụ thể là Tổng cục Du lịch, nhưng vai trò này hiện khá mờ nhạt do nguồn kinh phí hạn hẹp và cơ chế thực hiện còn mang nặng tính hành chính bao cấp. 

Theo đại diện các doanh nghiệp lữ hành, khi sử dụng nguồn quỹ VTF cho hoạt động xúc tiến, quảng bá, không chỉ đơn thuần là đi làm các roadshow quảng bá, mà về phía Tổng cục Du lịch, phải có kế hoạch xúc tiến cụ thể với từng thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng của Việt Nam. 

Đơn cử như việc tổ chức tham gia hội chợ, gian hàng phải được đầu tư quy mô hơn, có chương trình hỗ trợ cụ thể dành cho các đối tác thị trường gửi khách. Thậm chí với những thị trường trọng điểm, Việt Nam có văn phòng đại diện tại nước ngoài để hỗ trợ quảng bá và hỗ trợ tiếp cận với các sản phẩm du lịch Việt Nam.

Theo đại diện Hanoi Redtours, trước mắt việc quảng bá xúc tiến cần tập trung vào những thị trường có đường bay thẳng với Việt Nam, bởi hơn 80% lượng khách quốc tế đến Việt Nam là qua đường hàng không. Trong đó, tập trung quảng bá mạnh các điểm đến và các dịch vụ hỗ trợ du khách.

Theo Tin tức

0 Bình luận

Loading...