Yên Dũng tăng cường hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích để phát triển du lịch

12 Tháng 7, 2019 | Tin du lịch

Nhằm thực hiện Nghị quyết số 56/NQ-HU về lãnh đạo phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020, trong thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Yên Dũng đã quan tâm công tác tu bổ, tôn tạo hệ thống di tích trên địa bàn, qua đó góp phần phát huy giá trị di tích đồng thời quảng bá được tiềm năng du lịch của huyện.
Hiện nay trên địa bàn huyện có gần 300 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 76 di tích cấp tỉnh, 02 di tích cấp quốc gia và 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Thời gian qua, huyện đã chú trọng đầu tư cải tạo, nâng cấp các di tích lịch sử - văn hóa, nhất là các di tích đã được xếp hạng; nâng cấp một số hạng mục mở rộng chùa Vĩnh Nghiêm, xây dựng Nhà lưu giữ và trưng bày mộc bản, cải tạo hệ thống đường giao thông với kinh phí hơn 10 tỷ đồng; xây dựng một số hạng mục Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng; đầu tư hạ tầng giao thông vào một số điểm di tích... 
Nhà lưu giữ và trưng bày Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng năm 2017
Bên cạnh nguồn kinh phí đầu tư, tôn tạo được cấp trên hỗ trợ thì các địa phương đã tăng cường công tác xã hội hóa, huy động nhân dân địa phương đóng góp để tu sửa di tích. Cụ thể, chùa Cảnh Sơn (còn gọi là chùa làng Chỗ) xã Hương Gián đã được đầu tư tôn tạo, tu bổ năm 2018 nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân. Sau hơn 6 tháng khởi công, công trình hoàn thành trên diện tích hơn 3.000 m2, tổng kinh phí là hơn 1,7 tỷ đồng, phần lớn là do người dân tự nguyện đóng góp tu sửa. Hay như di tích đình chùa Phấn Lôi xã Thắng Cương, nhân dân đã công đức đóng góp gần 1,6 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa nhiều hạng mục trong di tích. Chùa Lao, đền La Vũ Hầu ở xã Đức Giang cũng được tu bổ với kinh phí gần 900 triệu đồng, chủ yếu từ nguồn lực trong nhân dân; xây dựng chùa Thiên Lai thị trấn Neo với tổng mức đầu tư là 85 tỷ đồng, huy động 100% nguồn kinh phí từ xã hội hóa.
Cùng với hoạt động tu bổ, tôn tạo, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác tu bổ, tôn tạo gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di tích. Thời gian qua, huyện đã mở nhiều hội nghị tập huấn nghiệp vụ về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cho người làm công tác quản lý, trông coi, bảo vệ trực tiếp các di tích. Tích cực thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản văn hóa để ngăn ngừa, xử lý kịp thời vi phạm. Cùng đó, cơ quan chuyên môn thường xuyên khảo sát, đánh giá hiện trạng nhằm chủ động tham mưu với UBND huyện các giải pháp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Hàng năm, cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo tổ chức lễ hội gắn liền với điểm di tích, qua đó khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống nhằm tạo sức lan tỏa và dấu ấn về giá trị văn hóa tâm linh tín ngưỡng trong cộng đồng địa phương.
Để khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch của huyện gắn với phát triển du lịch của tỉnh, bên cạnh việc quan tâm tu bổ, tôn tạo, hệ thống di tích lịch sử văn hóa, huyện còn chú trọng đến công tác thu hút đầu tư, quy hoạch cũng như quảng bá về phát triển du lịch.Với những kế hoạch và giải pháp cụ thể, trong tương lai Yên Dũng sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch của tỉnh, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu trở thành huyện công nghiệp - dịch vụ - du lịch theo hướng hiện đại. 
 Nguyễn Thúy
0 Bình luận

Loading...