Du lịch BẮC GIANG tiềm năng và triển vọng

28 Tháng 10, 2014 | Danh Thắng

Bắc Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng về các loại hình du lịch. Ngoài cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, tươi đẹp còn nhiều điểm du lịch mang đậm văn hóa với bản sắc riêng: Những di tích lịch sử văn hóa như đình, chùa, đền, miếu, lăng, tẩm…đã thống kê có tới trên 2000 di tích, trong đó đã xếp hạng 543 di tích (477 di tích cấp tỉnh, 86 di tích cấp quốc gia trong đó có 23 điểm là di tích, cụm di tích thuộc cuộc khởi nghĩa Yên Thế là di tích cấp quốc gia đặc biệt… Những di sản văn hóa phi vật thể bao hàm các hình thức văn hóa dân gian, truyền thống như: phong tục tập quán: lễ hội, âm nhạc, dân ca, dân vũ, y học dân tộc, nghệ thuật, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống… Tất cả những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ấy có những di sản đã được UNESCO công nhận: Quan họ là di sản văn hóa phi vật thể dại diện của nhân loại, Ca trù là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Có Những di sản đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo lập hồ sơ như hát Then, đàn Tính, hát Văn...
Du lịch BẮC GIANG tiềm năng và triển vọng

 

Liền anh , liền chị thi hát đối đáp Quan họ  giao duyên trên thuyền

Nếu lấy thành phố Bắc Giang làm trung tâm, từ Hà Nội dọc theo quốc lộ 1A cũ và đường 1A mới tới thành phố 50km. Từ Bắc Giang đi Lạng Sơn là 100km. Bắc Giang là điểm chung chuyển giữa thủ đô Hà Nội với Lạng Sơn, điểm dừng có thể lưu khách từ hai phía: Hà Nội lên Trung Quốc, Lạng Sơn xuống và từ sân bay Nội Bài (phía Tây) sang, từ (phía Đông) Quảng Ninh đến. Để tu hút khách ở lại cần thiết lập ở Bắc Giang hai tuyến du lịch. Tuyến (phía Tây) thành phố sẽ gồm các huyện:  Lạng Giang, Tân Yên, Yên Thế, Hiệp Hòa, Việt Yên. Điểm nhấn ở tuyến này Tân Yên với lễ hội Đình Vồng, đền Dành, đình Cao Thượng… Hiệp Hòa là đền Y Sơn, khu di tích cách mạng Hoàng Vân, Đông Lỗ; Việt Yên gồm Bổ Dà, Thổ Hà, các làng cổ gắn với Quan họ, Ca trù; Lạng Giang với đình Phù Lão, Kép, Cần Trạm- Phố Cát, Yên Thế với các di tích gắn với cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Tuyến phía Đông có các huyện: Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động. Đây là tuyến trọng điểm thuộc Tây Yên Tử. Dọc tuyến này có các khu du lịch vừa mang đậm văn hóa tâm linh, kết hợp với du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Điểm đầu là Yên Dũng với dãy Nham Biền, chùa Vĩnh Nghiêm; Lục Nam gồm các điểm: suối Mỡ, vực Rêu, suối Nước vàng và hệ thống di tích dọc sông Lục Nam…Lục Ngạn điểm chính là khu vực Am Vãi cùng với du lịch tâm linh gắn với du lịch sinh thái hồ Cấm Sơn, khuôn thần và du lịch cộng đồng; Sơn Động điểm nhấn sẽ là Tuấn Mậu (nơi tụ điểm mở đường lên chùa Đồng, Yên Tử).

Hai tuyến du lịch này ngay từ quy hoạch ban đầu phải tính đến những loại hình và sản phẩm du lịch bền vững. Mà vấn đề đầu tiên cần có biện pháp quản lý thích hợp đối với các dạng tài nguyên du lịch vừa nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đồng thời vẫn duy trì được bản sắc văn hóa, môi trường sinh thái.

Bắc Giang có quyền tự hào thiên nhiên ban tặng cho môi trường sinh thái tự nhiên rừng, sông, suối đẹp; lịch sử để lại nhiều truyền thống quý báu, nhiều di sản văn hóa quý hiếm. Khai thác tiềm năng để phát triển du lịch là điều rất có tính khả thi. Đó là một tích hợp các yếu tố: Thiên nhiên - Văn hóa - Tâm linh là một hệ gốc vững trãi cho sự phát triển du lịch bền vững ở Bắc Giang. Từ cái gốc đó có thể mở ra cho chúng ta phát triển nhiều loại hình du lịch: du lịch tham quan, du lịch giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, leo núi, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh…

Đoàn khảo sát du lịch trên đường vào rừng Táu, huyện Sơn Động. Ảnh Văn Dương

Phát triển tuyến du lịch Tây Yên Tử là sự tổng hợp các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái - du lịch tâm linh, xen kẽ là du lịch thể thao leo núi, du lịch nghỉ dưỡng. Trong tuyến này, chùa Vĩnh Nghiêm có một vị trí quan trọng cần được đầu tư mở rộng - Tại đây là trung tâm phật giáo thời Trần, nơi còn lưu giữ được kho Mộc bản đã được UNESCO vinh danh là di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tiếp lên Lục Nam là khu du lịch suối Mỡ, ở đây hội tụ đủ cả du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng (đòi hỏi có sự quy hoạch đồng bộ, đặc biệt là bảo tồn và phát triển yếu tố gốc của di tích và tầng hệ môi trường sinh thái. Lấy khu đền: Hạ -  Trung - Thượng là vùng lõi, từ đó mở ra các vùng đệm lên đền Trần, thác Thùm Thùm, Đấu Đong Quân…mở khu dịch vụ du lịch và du lịch cộng đồng…Tới Lục Ngạn lấy Am Vãi là trung tâm và điểm lõi để từ đó mở rộng và khai thác các loại hình du lịch khác. Sơn Động lấy Tuấn Mậu làm trung tâm, đây là khu chính cần được quy hoạch, lập dự án đầu tư lớn để thu hút khách về du lịch Tây Yên Tử.

Như vậy ở tuyến này, tài nguyên du lịch tự nhiên: địa hình, khí hậu, nguồn nước, sinh vật, động thực vật cần được bảo tồn nghiêm ngặt. Tài nguyên du lịch nhân văn: di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống, các đối tượng gắn với văn hóa dân tộc, làng nghề, ẩm thực, nghề thuốc…Đó là những đối tượng được coi là sản phẩm du lịch - văn hóa. Những sản phẩm đó cần đạt các yếu tố sau:

- Là di tích, thắng cảnh cần được bảo tồn, tôn tạo một cách hoàn chỉnh về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

- Tại di tích, thắng cảnh đó cần có các loại dịch vụ du lịch hoàn chỉnh, thỏa mãn các nhu cầu vốn đa dạng của các loại đối tượng du lịch, có nghĩa là ở đó phải có cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho du lịch.

- Di tích với tư cách là một địa điểm du lịch cần được kết nối các di tích với các di sản văn hóa khác có liên quan trong vùng hoặc liên vùng nhằm hình thành các hành trình di sản văn hóa - tuyến, tua du lịch hoàn chỉnh, để có thể khai thác liên hoàn, phục vụ nhiều loại đối tượng du khách với các nhu cầu đa dạng khác nhau.

- Các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị sản phẩm du lịch văn hóa phải được tiến hành theo một cơ chế quản lý phù hợp để phát huy cao nhất vai trò chủ động của các cộng đồng cư dân địa phương và chính họ phải được hưởng lợi từ việc đáp ứng nhu cầu của du khách.

- Hoạt động khai thác, phát huy giá trị di sản với tư cách là sản phẩm du lịch phải đảm bảo nguyên tắc phát triển  du lịch bền vững.Những yếu tố đó đối với Bắc Giang có và có cơ sở để xây dựng các cụm, tua, tuyến du lịch nhưng đến giai đoạn hiện nay còn thiếu đó là thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiếu quy hoạch, thiếu đề án cụ thể cho việc xây dựng các khu, cụm điểm để từ đó hình thành hai tuyến du lịch: phía Tây và phía Đông của trung tâm thành phố Bắc Giang và từ đó kết nối với Hà Nội đi lên, Lạng Sơn đi xuống, Quảng Ninh đến và Vĩnh Phúc sang.

Hiện nay việc quy hoạch du lịch Bắc Giang đang đi vào trạng thái khởi động, chúng ta có thuận lợi được thừa hưởng các công trình nghiên cứu, được tham khảo đầy đủ phương thức, cách làm của những tỉnh đi trước và có thể học tập cách làm của cả thế giới để có thể tiếp thu những thành quả và tránh những thất bại, sơ xuất họ đã vấp phải.

Chúng ta biết rằng du lịch là ngành kinh doanh đặc biệt, một loại “Công nghiệp không khói”. Phát triển du lịch, liên kết hoạt động du lịch sẽ tạo ra cơ hội lớn để phục vụ và đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch. Vì vậy, khi quy hoạch du lịch ở Bắc Giang ngoài việc định hướng chung cho hai tuyến như trên, cần có từng đề án khôi phục, tôn tạo giữ gìn, đầu tư bảo tồn các di tích lich sử văn hóa đảm bảo tính nguyên trạng, chú ý yếu tố gốc của di tích và khai thác phát huy các di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích. Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc biệt là văn hóa cộng đồng làng, ở đó quy tụ nhiều giá trị văn hóa có thể đáp ứng nhu cầu của du khách: dân ca, dân vũ, ẩm thực, lễ hội, làng nghề thủ công…Làm sao sức mạnh nền của văn hóa được phát huy mạnh mẽ.

Điều quan trọng hơn cả trong quy hoạch tổng thể và những đề án cụ thể cần đảm bảo mối quan hệ giữa kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa để tạo điều kiện cho phát triển du lịch bền vững trong thời đại toàn cầu hóa. Và vấn đề cốt yếu của quy hoạch để chúng ta thấy rõ những nhiệm vụ cần giải quyết lộ trình thực hiện, xác định rõ cái đích sẽ đến và kết quả thực tế của du lịch Bắc Giang.

Việc liên kết với Hà Nội – Lạng Sơn dọc trục đường 1A liên kết với Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Phú Thọ.. theo trục ngang là cần thiết trong tương lai, nếu trước mắt không xác định rõ những nội dung cụ thể, những vấn đề thiết thực cần liên kết khi điều kiện các tuyến, tua, điểm chưa hoàn chỉnh, cơ sở hạ tầng còn hạn chế sẽ gây ấn tượng chưa thỏa mãn các nhu cầu tìm đến Bắc Giang của du khách vấn đề này cần cân nhắc kỹ... Tuy nhiên, trước mắt khách đến Bắc Giang có thể đến thăm các di tích như: Thăm làng cổ Thổ Hà (nằm trong hành tình Gốm Việt Nam), đình Thổ Hà nơi đang lưu tấm bia đổi lệ hát Ca trù, nghe Quan họ và thưởng thức ẩm thực, rượu Làng Vân; chùa Bổ Đà (Việt Yên), chùa vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), đền Suối Mỡ (Lục Nam), cây Dã Hương (Lạng Giang), đình Lỗ Hạnh, khu di tích Cách mạng Hoàng Vân  (Hiệp Hòa)…Ngược lại, việc liên kết có thể tạo cơ hội cho người Bắc Giang, du khách Bắc Giang có điều kiện đi du lịch ở các tua, tuyến trong nước và nước ngoài mà Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh tổ chức.

Tuy nhiên tiềm năng du lịch thì vô cùng lớn và có điều kiện để phát triển du lịch song việc định hướng, quy hoạch, khai thác… thì lại là vấn đề quan trọng trước mắt cần phải giải quyết. Việc khai thác có hiệu quả tiềm năng ấy để phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn xã hội, an toàn về môi trường sinh thái đặc biệt là tính văn hóa của du lịch để phát triển bền vững thì cần được quan tâm hơn nữa.

Với tiềm năng và thế mạnh hiện có, du lịch Bắc Giang có phát triển được hay không, thiết mong trong thời gian trước mắt quy hoạch du lịch Bắc Giang sẽ được quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, đặc biệt là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để Du lịch một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm Đại hội Đảng bộ đề ra sẽ hoàn thành tốt đẹp, đáp ứng mong mỏi của người Bắc Giang và du khách thập phương./.

0 Bình luận

Loading...