Du lịch khuôn thần với công tác bảo tồn di sản văn hóa

11 Tháng 2, 2015 | Danh Thắng

Du lịch khuôn thần với công tác bảo tồn di sản văn hóa
Hồ Khuôn Thần thuộc xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Cách trung tâm huyện lỵ 9km về phía Bắc, hồ nước với diện tích 140ha, có 500ha rừng thông và 1000 ha rừng tự nhiên. Là vùng du lịch sinh thái hấp dẫn.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 5 ( khoá VIII ) về “ Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, những năm qua, cùng với cả nước, Lục ngạn đã có nhiều nỗ lực trên mọi lĩnh vực để phát triển kinh tế- xã hội, trong đó có quan tâm đến việc phát huy tiềm năng du lịch. 

Từ những năm 1995 huyện đã tổ chức Lễ khai trương khu du lịch Khuôn Thần và mở các hội hát Sloong hao, Sli, Lượn nhưng chưa đạt được kết quả mong muốn, nên tiềm năng vẫn còn bỏ ngỏ.
Ước muốn của Đảng Bộ và nhân dân các dân tộc trong khu vực lòng hồ Khuôn Thần và nhân dân trong huyện có được một điểm du lịch sinh thái gắn với bảo tồn di sản văn hoá là một nhu cầu chính đáng rất cần được sự quan tâm. Vấn đề ở chỗ, ai đầu tư nhưng phải đảm bảo những hạng mục công trình cơ bản, thiết yếu của một vùng du lịch không chỉ như nhiều nơi khác mà Khuôn Thần cần phải đặt ra những hạng mục công trình mang đậm bản sắc văn hoá, bảo tồn di sản Văn hoá dân tộc, trong đó sẽ chú trọng một số nội dung bảo tồn văn hóa vật thể và đặc biệt là bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể như xây dựng nhà truyền thống, trưng bày, bảo tồn các vật thể văn hoá của các dân tộc vùng Đông Bắc, trong đó mang đậm bản sắc 8 dân tộc Lục Ngạn.
Bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc của các dân tộc, phục hồi các lễ hội văn hoá truyền thống: Hội Xuống đồng, hội cầu mùa, hội hàng phe, lễ cưới, hỏi; Sưu tầm,ghi âm, phỏng dịch, in thành sách, đĩa CD- VCD để lưu giữ, và phát hành các ấn phẩm văn hoá (vật thể hoá văn hoá phi vật thể) cho bảo tàng và phục vụ khách du lịch. Tổ chức các CLB hát dân ca, dân tộc: truyền dạy cho lớp trẻ, may mặc trang phục truyền thống để bảo tồn và phục vụ khách du lịch nghiên cứu, thưởng thức các lối hát truyền thống.
Khôi phục các làng nghề truyền thống: Dệt vải, đan sung, may trang phục dân tộc. Xây dựng “Làng Văn hoá dân tộc” và “Cộng đồng các dân tộc” “du lịch cộng đồng” để là mẫu hình tăng cường phong trào “ TDĐKXDĐSVH ” và là nơi thăm quan du lịch, “Xã hội hoá” công tác du lịch.Các lò sản xuất men rượu, nấu rượu, các món ẩm thực dân tộc: lợn quay, khau nhục, nhộng ong, chả, xôi trứng kiến…các loại bánh: bánh tày, bánh gio, bánh vắt vai…
Khôi phục đền thờ tướng quân Hồ Công Trạc ( người có công phò Vua Trần, gĩư nước, được phong Thần và được vua Trần cho phép xây dựng đền thờ Ông nên có tên là Quân Thần) tại làng Khuôn Thần và lễ hội truyền thống, hội hát dân ca dân tộc Nùng tại đây…
Xây dựng tour thăm quan du lịch: Di tích lịch sử văn hoá đền thờ Hồ Công Trạc, đình Cống( nơi chi bộ Đảng xã Kiên Lao đại hội lần thứ nhất) địa danh Lán Cháy (đã xây dựng cột mốc lịch sử năm 2006 nơi đại hội đảng bộ huyện Lục Ngạn lần thứ nhất tháng 5- 1951). Khu căn cứ chống Pháp, nơi đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về thăm tại xã Kiên Lao…phối kết với Đền Hả (xã Hồng Giang), chùa Am Vãi (xã Nam Dương), đền chùa Khánh Vân (Thị Trấn Chũ), khu di tích Cầu Từ và các điểm khai quật tại Cầu Từ( xã Phượng Sơn) đã phát lộ dấu tích thời Lý tương tự như Hoàng thành Thăng Long. Đó là những điểm nhấn về văn hoá không thể thiếu nếu như không muốn nói là hồn cốt của khu du lịch sinh thái Khuôn Thần được gắn với văn hoá tâm linh, văn hoá vật thể và phi vật thể; vừa bảo tồn, phát huy, phát triển đúng quan điểm, đường lối của Đảng và phát triển vững bền. 
Bá Đạt

0 Bình luận

Loading...