Du lịch lăng đá ở Hiệp Hòa: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

30 Tháng 10, 2014 | Danh Thắng

Du lịch lăng đá ở Hiệp Hòa: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Trên địa bàn huyện Hiệp Hòa hiện có 24 lăng đá cổ (nhiều nhất tỉnh Bắc Giang), trong đó có không ít công trình được các nhà nghiên cứu đánh giá tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc đá thời Lê ở Việt Nam. Mặc dù tiềm năng lớn nhưng hầu như hoạt động du lịch của địa phương chưa có chuyển biến. 

địa bàn, Hiệp Hòa, lăng đá, công trình, nghiên cứu, đánh giá, tiêu biểu, nghệ thuật, điêu khắc

Du khách tham quan lăng họ Ngọ.

"Dậm chân tại chỗ"

Năm 2012, huyện Hiệp Hòa xây dựng kế hoạch phát triển du lịch nói chung, du lịch lăng đá nói riêng nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nguồn thu và giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND huyện,  kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. 

Trong số gần chục lăng đá còn bảo tồn tương đối nguyên vẹn ở Hiệp Hòa phải kể tới các lăng: Bầu, Dinh Hương, họ Ngọ, Nội Dinh, họ Bùi, họ Hà, Ngọ Khổng… Đây cũng là những điểm đến được nhiều du khách biết tới. Tuy nhiên, do chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức nên du lịch tại đây vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Xây dựng năm 1697, đời vua Lê Hy Tông, lăng họ Ngọ là nơi lưu giữ di hài Phương quận công Ngọ Công Quế. 

Theo các tư liệu, ông là bậc văn võ song toàn, tư cách khoan hòa, độ lượng, tận tâm phụng sự việc nước, hết lòng với quê hương. Lăng được xây bằng đá muối và đá ong lấy ở núi Y Sơn cách đó khoảng 1,5km, do chính Ngọ Công Quế thuê thợ đục đá giỏi nhất vùng về làm.

Ông Ngọ Văn Tuyến, hậu duệ đời thứ 14 được giao trọng trách trông giữ lăng họ Ngọ cho biết: "Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1964, hiện dòng họ đang quản lý. Từ khi tôi ra đây trông coi, đã có nhiều đoàn khách, trong đó cả khách nước ngoài đến từ Anh, Trung Quốc, Pháp, Tây Ban Nha… về tham quan, nghiên cứu. Mặc dù vậy,  địa phương chưa có chính sách hỗ trợ, khuyến khích chúng tôi làm du lịch. 

địa bàn, Hiệp Hòa, lăng đá, công trình, nghiên cứu, đánh giá, tiêu biểu, nghệ thuật, điêu khắc

Voi đá tại lăng Nội Dinh.

Cơ quan chức năng T.Ư và tỉnh cũng đã nhiều lần khảo sát nhưng hiện chưa có đầu tư gì”. Một số lăng khác cũng trong tình trạng như vậy, thậm chí có lăng ít được quan tâm  quản lý, đầu tư nên xuống cấp, cỏ mọc um tùm như lăng Dinh Hương, Nội Dinh… 

Cần những bước đi thích hợp

Ông Tạ Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết: “Nhận thức được hệ thống các lăng đã là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển du lịch song thời điểm này, huyện chưa xây dựng quy hoạch tổng thể các khu, điểm du lịch. Cùng đó, chưa thành lập được Ban chỉ đạo phát triển du lịch. Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch ít được quan tâm, hệ thống giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, một số lăng đá không có người trông nom. Ngoài ra, nguồn nhân lực, tính chuyên nghiệp làm du lịch hạn chế, huyện chưa có đại lý bán tua du lịch và khu vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú, dịch vụ, chất lượng phục vụ chưa cao… nên thành phần du khách thiếu đa dạng, chủ yếu là đến công tác, nghiên cứu, học tập trong ngày. 

Được biết, trong kế hoạch từ nay đến năm 2016, huyện sẽ lập quy hoạch phát triển du lịch làm căn cứ phân định quỹ đất dành cho hoạt động này, từ đó xây dựng các đề án, công trình phục vụ du khách. Giai đoạn đầu, xác định trọng tâm là đầu tư cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông dẫn tới một số khu, điểm du lịch lăng đá. Đề xuất đăng cai một số hoạt động văn hóa, thể thao cấp tỉnh nhằm thu hút du khách và qua đây tạo điều kiện để tuyên truyền, quảng bá du lịch. 

Cùng đó, sớm đặt các cụm pano lớn (chỉ giới hành chính và du lịch) ở những trục đường chính như: Quốc lộ 37, tỉnh lộ 295, 296 nhằm quảng bá tiềm năng của huyện. Về lâu dài, địa phương tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý du lịch, tạo điều kiện cho cán bộ bồi dưỡng nghiệp vụ thuyết minh, hướng dẫn viên. Khuyến khích phát triển làng nghề truyền thống, các vùng sản xuất đặc sản như trám đen, bánh chưng, lụa tơ tằm và trái cây chất lượng cao... 

Theo Báo Bắc Giang

0 Bình luận

Loading...