Khám phá hệ thống chùa tháp Miền Sơn Khê Tây Yên Tử

26 Tháng 6, 2015 | Danh Thắng

Khám phá hệ thống chùa tháp Miền Sơn Khê Tây Yên Tử
Sơn khê Tây Yên Tử, tiềm năng du lịch…
Gọi là sơn khê vì cả một dải bên bờ tả con sông Lục Nam thuộc địa phận huyện Lục Nam nằm trong sơn phận của sườn tây của Yên Tử sơn hùng vĩ, miền đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng với địa hình có sông núi xen cài hài hoà từ miền thượng du đến hạ nguồn con sông Lục. Ở đâu có núi là ở đó có sông, có suối phong thuỷ giao hoà. Núi ở Lục Nam hùng vĩ xanh thẫm bốn mùa cây lá. Con sông Lục hiền hoà được tiếp nhựa sống dồi dào từ muôn vàn suối khe. Sông Lục Nam được tôn vinh là con sông đẹp hàng đầu trên đất Việt. 
Chùa Hồ Thiên
Từng cộng sự thực hiện đề tài "Điều tra, khảo sát, nghiên cứu các ngôi chùa cổ trên các ngọn núi Yên Tử thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang nên trong ký ức chúng tôi luôn tự hào về tiềm năng du lịch của quê hương và mỗi khi có dịp thì hứng khởi mà “chém gió” rồi hò hẹn với bạn bè về thăm, khám phá, thưởng ngoạn chốn sơn khê và sản vật quê mình, thế mà cũng mất đến ngót chục năm mới thực hiện được. 
Là người đề xướng và cũng là chủ nhà - kiêm hướng dẫn viên du lịch “bất đắc dĩ’ cho những người bạn từ thủ đô và các tỉnh bạn thực hiện chuyến du khảo điền dã miền sơn khê Tây Yên Tử đúng vào dịp đất nước vui đón tết Thống nhất lần thứ 40 của dân tộc. Năm nay, những ngày cuối tháng Tư (dương lịch) tiết trời miền Tây Yên Tử đẹp lạ, khắp muôn trùng nhấp nhô núi rừng hùng vĩ chỉ thấp thoáng, bồng bềnh vài đám mây đơn lẻ dưới các thung lũng cho nên du khách được thoả thích phóng tầm mắt để được tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của núi rừng mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho quê hương miền quê “sông Lục núi Huyền”.
Một chuyến du ngoạn từ đầu tuần đến cuối tuần, từ hạ nguồn rồi ngược lên thượng nguồn con sông Lục để đi qua các danh thắng của quê hương Lục Nam tuy trải qua nhiều gian truân, thử thách với những người hàng chục năm chưa một lần đi bộ xuyên rừng nhưng không ai tỏ chút than phiền vì họ đã được khám phá một miền đất mới với những vẻ đẹp hoang sơ mà hiếm nơi nào có được.
Chuyến du khảo của chúng tôi bắt đầu từ Vực Rêu, một quần thể thắng tích nằm dưới chân dải Huyền Đinh, thuộc sơn phận thôn hai xã Cẩm Lý và Bắc Lũng của huyện Lục Nam thế rồi cứ theo địa danh mà điền dã nào là núi Bát Nhã, Hồ Bấc, Nước Vàng…
Vực Rêu là một thung lũng rộng, hiểm trở giống như một con thuyền mà thành tên gọi núi Lòng Thuyền. Từ làng Giáp Sơn vào núi, chúng tôi bách bộ trên đoạn đường men theo lưng núi gập gềnh. Đi non cây số thì hạ sơn, khi ấy lòng thuyền mở ra, chúng tôi bị choáng ngợp bởi sự hùng vĩ của núi rừng. Khe núi hun hút như muốn núi kéo, nuốt chửng con người vào cõi hư vô, cực lạc. Núi Lòng Thuyền như con thuyền chở đạo đưa ta vào cõi Phật. Qua phế tích chùa Sơn Tháp, cảnh sắc đầu tiên khiến mọi người dừng chân là thác Vực Rêu. Thác nước này cao hơn chục thước được hình thành tự nhiên bởi sự nâng bậc của dòng suối với gềnh đá hiểm trở đột ngột chắn ngang. Thác Vực Rêu tự ngàn đời xối xả đã đào khoét lòng suối thành một vực nước sâu tối dăm sáu thước, rộng tới cả chục mét vuông. Nước dưới vực quanh năm trong mát. Chúng tôi ngồi cheo leo bên vách núi mà vẫn có thể nhìn thấu cả cá bơi dưới đáy vực. Vực Rêu đẹp bởi sự hùng vĩ của tạo hoá, hơn nữa nó được xem như một bồn tắm thiên tạo kỳ thú mà ai đã đến đây vào dịp hè cũng không bỏ qua cơ hội được vẫy vùng thoả thích
Thắng cảnh Suối Nước Vàng 
Muốn qua thác nước tiếp tục cuộc du ngoạn, mọi người phải trèo qua gềnh đá. Cứ bám vào gốc cây, hốc đá mà leo...nguy hiểm một chút nhưng gợi cảm giác nhồn nhột càng làm ta thú vị. Vách núi đầu tiên đã qua, cuộc hành trình leo núi bắt đầu. Cảnh quan thật kỳ vĩ, mênh mang. Khe suối Lòng Thuyền lúc ẩn lúc hiện, lúc nổi lúc ngầm. Có đoạn phải lội ngược dòng nước lổn nhổn sỏi cuội dưới lòng bàn chân. Có đoạn tự dưng dòng nước biến đâu mà ta phải bước gập gềnh trên lô xô, tròn trịa toàn đá tảng. Hòn thì sáng bóng sạch sẽ, hòn thì rêu phong một màu vàng suộm. Kỳ lạ, đi trên đá nghe tiếng róc rách, rì rầm ... nhưng không nhìn thấy nước chảy. Chịu khó để ý mới biết rằng dưới chân ta bước có dòng nước ngầm nhẹ nhàng luồn lách qua từng khe đá. Lại có đoạn đá được trải đều, phẳng lì, thi thoảng có vũng nước sâu, rộng vài mét vuông có thể đôi ba người vẫy vùng tắm táp. Thật lạ, núi cao hiểm trở dưới chân núi hay dọc đôi bờ khe suối thì có rừng cây xanh rậm rạp, nhưng lên cao chỉ vài chục mét lại chỉ là mênh mông, bạt ngàn trảng cỏ dạng rừng sa- van. Ở đây hai mùa xuân- hạ núi đồi trải rộng triền miên một màu xanh thảo nguyên ngút tầm mắt. Cuối thu và mùa đông từ xa nhìn lại núi non trông như đống thóc suộm vàng lô xô đổ đầy chân núi Huyền Đinh.
Cứ như thế, cuộc hành trình dài chừng bốn năm cây số thì đến đỉnh Mã Yên (dáng núi giống hình yên ngựa mà thành tên gọi), nơi còn lưu dấu tich chùa Mã Yên với những huyền thoại ly kỳ. Ngồi trên “ lưng ngựa”có thể phóng tầm mắt xa hàng trăm dặm để ngắm nghía, bao quát địa hình sông núi cả một vùng đất chiến lược rộng lớn ở vùng Đông bắc tổ quốc, nơi ấy có thắng tích Côn Sơn- Kiếp Bạc, Lệ Chi viên, Chí Linh bát cổ, Chốn tổ Vĩnh Nghiêm...
Chùa Vĩnh Nghiêm
Như đã giới thiệu, trong cuộc hành trình, du khách qua hai phế tích vốn là đại danh lam cổ tự dưới thời Trần. Cả hai ngôi chùa đều được mở mang xây dựng từ đầu thế kỷ 14, nơi ghi dấu đức Vua- Phật rời hoàng cung lên núi tu tâm dưỡng tính hoằng dương Phật pháp để cứu nhân độ thế.
Chùa Sơn Tháp nằm dưới chân núi, vẫn còn nền móng chùa chiền và ngọn tháp đá cổ, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Thiền sư Pháp Vân. Cách đây vài năm, nhân dân địa phương dựng lại một am nhỏ trên nền đất cũ để du khách thập phương bái Phật.
Ngôi chùa trên sườn núi Mã Yên do Pháp Loa xây dựng gồm nhiều hạng mục công trình kiến trúc có quy mô lớn. Vì trên đỉnh non cao nên chưa được quan tâm khôi phục. Trên nền chùa vẫn còn dấu chân Phật tổ đông phương Bồ Đề Đạt Ma lưu trên phiến đá vườn chùa.
Thật vui mắt, vào mùa khô nhìn từ xa quanh khu vực núi Lòng Thuyền lô xô mấy quả núi tròn trịa, suộm vàng đầy ăm ắp như những đống thóc ngày mùa. Tên núi được đặt ra bởi dáng hình với những đặc điểm tự nhiên của nó, nhưng đó cũng là mô típ văn học dân gian quanh khu vực thờ Phật thời xưa, nhất là những danh lam cổ tự thời Lý- Trần. Nó gắn với mô típ về hang tiền, hang gạo mà ta thường gặp trong chuyện cổ tích trên khắp mọi miền đất nước. Từ vẻ đẹp hoang sơ mà thiên nhiên ban tặng cho quê hương “ sông Lục – Núi Huyền. Có lẽ một ngày gần đây Vực Rêu trở thành điểm đến hấp dẫn và thân quen với nhiều du khách.
Sau khi du khảo, thưởng ngoạn thắng tích Vực Rêu, chúng tôi ngược theo quốc lộ 17 cũ đi theo ven bờ nam sông Lục về miền đất Huyền Sơn để leo núi Bát Nhã tìm dấu tích chùa cổ Bình Long trên lưng chừng Ngàn Treo Đanh chứa chất đầy huyền thoại lịch sử. Núi Bát Nhã là tên do các vị cao tăng tu thiền tại đây dưới thời Trần đặt cho và tên núi cũng chính là tên chùa Bình Long từ khi khởi dựng và chứng kiến sự hưng thịnh của Thiền phái Trúc Lâm. Đến khi Phật phái Trúc Lâm suy vi (thế kỷ 15- 18), nhưng lòng dân bản địa nặng lòng từ bi đã di dời, hạ sơn chùa Bát Nhã về trước làng Chùa thuộc xã Huyền Sơn ngày nay.
Huyền Sơn là nơi phát tích của nghề gốm cổ truyền, ở đây người ta đã phát hiện được bàn rập hoa văn cho sản phẩm sành gốm có niên đại từ thời Bắc thuộc dưới chân núi Gốm. Quê hương Huyền Sơn giàu sản vật, nhưng quý đầu bảng và danh tiếng nhất vẫn là na dai. Na dai Huyền Sơn là giống na dai truyền thống, quả không to hơn các vùng quê khác nhưng hương vị đậm đà mà chỉ trồng ở Huyền Sơn mới thơm ngon đến vậy. Nó cũng như vải thiều trồng ở đâu trên đất Bắc Giang cũng hợp, nhưng vải thơm ngon đặc biệt chỉ có những xã thôn quanh vùng Chũ. Đến Huyền Sơn ngày đầu tháng chín ngoài na dai cuối mùa còn có hạt dẻ đầu mùa cũng rất thú vị.
Bát Nhã hiện là khu rừng tự nhiên quanh năm xanh tốt. Quanh khu vực phế tích chùa cổ còn nhiều cây cổ thụ là dấu tích của vườn chùa xưa. Nơi đây có rừng đại ngàn, có suối khe vây bọc, khí hậu mát lành...thật xứng để xây dựng khu nghỉ dưỡng.
Khung cảnh  Suối Mỡ
Cũng nằm trên dãy Huyền Đinh, chỉ cách núi Bát Nhã hơn chục cây số là đến khu du lịch Suối Mỡ. Suối Mỡ là quần thể thắng tích gồm hệ thống đền, đình cổ nằm ở ven bờ suối Mỡ. Đặc biệt, ngay trước cửa đền Thượng, do sự nâng bậc của dòng suối Mỡ với những khối đại thạch chặn dòng đã tạo nên dòng thác bạc tuyệt đẹp suốt bốn mùa hối hả tuôn chảy. Suối Mỡ là khu du lịch sinh thái, tâm linh nổi tiếng của Bắc Giang. Tuy nhiên, không gian vui chơi, giải trí hiện nay còn hạn chế, dịch vụ phục vụ nhu cầu ăn nghỉ còn thiếu thốn, sản vật địa phương còn nghèo nàn. Để khắc phục được hạn chế này, ngành du lịch và địa phương cần quan tâm mở rộng không gian, bổ sung hình thức du lịch leo núi, kéo dài tuyến tham quan theo hướng thác Thùm Thùm, Hồ Bấc. Qua đợt du khảo chúng tôi thấy đây là tiềm năng phát triển mạnh cho khu du lịch Suối Mỡ nhưng còn bỏ ngỏ.
Hồ Bấc là tên gọi của một khu rừng nguyên sinh nằm ở độ cao trên 700 mét, thượng du của dòng suối Mỡ, trong núi có phế tích chùa cổ mà nhân dân quen gọi là chùa Hồ Bấc. Chùa Hồ Bấc toạ ở độ cao chừng sáu trăm mét, có địa thế đẹp. Đây cũng là phế tích của một đại danh lam cổ tự do các vị cao tăng Phật phái Trúc lâm xây dựng khi dòng thiền này còn hưng thịnh. Chùa Hồ Bấc tồn tại đến thời Lê trung hưng thì bị suy vi, đổ nát khiến cây rừng chen chỗ. Ngày nay khu vực nền móng của chùa là rừng tự nhiên rậm rạp. Đường từ Suối Mỡ đến đây chỉ dăm cây số đường chim bay, nhưng bộ hành leo núi cũng mất đến hai, ba giờ đồng hồ vừa leo vừa nghỉ, vừa thưởng ngoạn phong cảnh kỳ vĩ của núi rừng Huyền Đinh. Trước cửa chùa có hồ, có giếng nằm dưới ngút ngàn cây lá. Giếng và hồ nếu được cải tạo sẽ tạo cảnh quan môi trường sinh thái hấp dẫn với du khách xa gần.
Chúng tôi lưu lại lâu hơn cả là ở khu danh thắng Nước Vàng thuộc xã Lục Sơn. Toàn bộ khu vực này đã được khoanh vùng bảo vệ theo hồ sơ công nhận là danh lam thắng cảnh được UBND tỉnh Bắc Giang ra quyết định công nhận, bảo vệ. Nước Vàng cũng là tiểu khu thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử nên công tác bảo vệ, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên nơi đây tương đối nghiêm ngặt. Mọi hoạt động săn bắn, khai thác và vận chuyển gỗ trái phép đều bị nghiêm cấm. Hệ động vật và thảm thực vật ở suối Nước Vàng phong phú, nhiều tầng lớp, nhiều loài quý hiếm. Đặc biệt, ở đây có nhiều dòng suối xen cài kết hợp thảm rừng nguyên sinh hoang sơ tạo môi trường khí hậu cực kỳ trong lành. Mùa hè mát lạnh, mùa đông những dãy núi ở dải Yên Tử che chắn những luồng gió mùa đông bắc nên ở Nước Vàng khí hậu khá ấm áp. Ngay ven đường, cửa rừng vào Nước Vàng được các nhà chuyên môn đã cắm cột mốc đánh dấu tiểu vùng khí hậu riêng biệt mà ai cũng nhận ra khi đến Nước Vàng.
Nước Vàng đẹp ở rừng, ở khí hậu thiên nhiên ưu đãi, nhưng cuốn hút du khách nhất vẫn là những dòng suối, trong đó đẹp nhất, quý- lạ nhất, giàu tiềm năng nhất vẫn là dòng suối nước vàng. Nếu tính từ khe Bãi Bắn (một địa danh trong khu vực Nước Vàng) ngược lên đỉnh núi theo dòng suối ta sẽ phải lội bộ một quãng dài ba, bốn cây số. Trong quá trình tạo sơn và do sự nâng bậc của các vách núi đá đã tạo cho dòng Nước Vàng có trên hai chục ngọn thác xối xả quanh năm. Thác nhỏ thì cao vài ba mét, thác lớn có tới vài chục mét. Thác nào cũng đẹp. Kỳ lạ, cứ có thác là có bồn tắm thiên tạo bằng đá ngay dưới chân thác. Bồn nhỏ có thể đôi ba người, bồn rộng có thể cả chục người vùng vẫy thoả thích… Nói vậy nhưng đến đây kể cả mùa hè nóng nực cũng không nhiều người tắm vì lội dọc con suối hơi nước từ các thác nước tung toé đã làm cho cả không gian mát lạnh.
Không như dòng suối khác, nước ở con suối Nước Vàng quanh năm chảy ra dòng nước có màu vàng suộm như màu mật ong rừng. Mùa hè, màu nhạt hơn nhưng mùa đông nước ít thì màu nước càng vàng óng. Nước chảy ra đến Đèo Gọn (cách chân núi chừng 3 cây số) thì hoà nhập với những dòng suối trong khác nhưng nước vẫn còn màu vàng như nước trà pha loãng. Chẳng biết có chất gì trong nước nhưng từ bao đời, người dân nơi đây mỗi khi vào rừng vẫn vốc nước uống để bớt đi những cơn khát. Nước mát mà không thấy biểu hiện gì đặc biệt nên chẳng sợ có độc tố. Thấy lạ, chúng tôi đã dùng chai nhựa tinh khiết lấy nước ở suối về thành phố làm mẫu xét nghiệm (có cả mẫu nước trong) nhưng cũng chưa phát hiện được chất gì tạo nên màu vàng của dòng suối lạ.
Chúng tôi du ngoạn Nước Vàng trọn một ngày nhưng chưa thoả, bởi còn rất nhiều địa điểm lý thú vẫn bị bỏ sót. Thăm thú thưởng ngoạn ở suối Nước Vàng thoả thích cần phải tổ chức theo hình thức cắm trại, nghỉ lại dưới các khe suối đôi ba ngày mới thoả lòng bè bạn. Lưu lại đây, du khách sẽ được thưởng thức một số sản vật quê hương Lục Sơn. Đó là rượu cần "Tíu Bâu" sản phẩm của đồng bào Dao Thanh Y làm ra. Rượu ba kích- tắc kè tím ngắt, thơm lừng như sâm Cao Ly còn bổ, tốt hơn cả rượu ngâm nhung hươu, cá ngựa…Sản vật ở đây còn có khoai mon củ nhỏ mà dài như củ sắn đồng bào Thanh Y chỉ trồng được ở ven khe suối trong rừng thẳm. Khoai mon loại này ăn thơm mà dẻo quánh như bánh dầy chứ không phải thứ khoai mon củ tròn, nặng hàng ký (cũng khá thơm ngon) vẫn bán ở các chợ thành phố, thị xã.
Lục Sơn cũng là xứ sở của hạt dẻ, hạt dẻ ở đây giá rẻ hơn nhiều so với các vùng miền cho nên vào những ngày giữa thu khách buôn từ nhiều tỉnh nô nức về Lục Sơn mua hạt rẻ để bán cho thị trường phục vụ tết Trung thu- rằm tháng Tám.
Vĩ thanh
Tiềm năng phát triển kinh tế du lịch của miền quê "sông Lục núi Huyền" rất lớn nhưng chưa có được sự khởi sắc do chưa có sự đầu tư đáng kể về cơ sở hạ tầng, dịch vụ cho các địa chỉ giàu tiềm năng du lịch. Vấn đề quảng bá, tuyên truyền về các điểm du lịch còn dàn trải, chưa tập trung đúng chỗ, đúng điểm. Thắng cảnh Nước Vàng được lập hồ sơ xếp hạng đến mười lăm năm nay nhưng chính quyền bản huyện cũng như cơ quan chuyên môn ngành văn hoá du lịch vẫn chưa có động thái gì tích cực để khai thác phát huy điểm mạnh của miền đất này.
Với quê hương Lục Nam, thắng tích Suối Mỡ đã và đang khai thác có hiệu quả, tuy nhiên muốn khởi sắc hơn nữa thì cần đầu tư mở tuyến sao cho níu kéo được bước chân và ký ức tốt đẹp trong lòng du khách. Và có lẽ, hai thắng tích Vực Rêu, Nước Vàng cần được quan tâm quảng bá, đầu tư, khai thác hơn nữa. Bởi đó mới là những địa điểm khả thi trong vấn đề phát triển kinh tế du lịch của huyện Lục Nam./.
 
Nguyễn Văn Phong
0 Bình luận

Loading...