Danh lam cổ tự bên núi Y Sơn

16 Tháng 12, 2020 | Di tích lịch sử văn hóa

Chùa Y Sơn, xã Hòa Sơn là một trong những điểm di tích ATK II Hiệp Hoà - là một trong những cơ sở cách mạng của Đảng thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đây không chỉ là đại danh lam cổ tự bên núi Y Sơn mà ngôi chùa còn có giá trị lịch sử văn hoá và kiến trúc nghệ thuật độc đáo.
Danh lam cổ tự bên núi Y Sơn
Ảnh Văn Dương
Chùa Y Sơn hay Y Sơn Tây tự là ngôi chùa cổ được khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng và đã tu sửa nhiều lần. Dấu ấn thời gian còn lưu lại trên đường nét chạm khắc nghệ thuật ở các cấu kiện kiến trúc, trên nội dung văn bia ở chùa. Ngôi chùa cổ này còn có kết cấu kiến trúc độc lạ, bao gồm các hạng mục công trình như: Tam quan, nhà Phật đình hương hội, toà Tam bảo và Hậu điện tất cả toạ lạc trên khuôn viên rộng bên sườn Tây núi Y Sơn.
Nhà Phật đình hương hội có kiến trúc kiểu chữ nhất gồm ba gian, hai chái với bốn mái đao cong, để thông thoáng. Kết cấu khung liên kết vì mái theo kiểu chồng rường giá chiêng, chạm khắc đơn giản. Đây là nơi đặt nồi hương và bông dò theo nghi lễ rước trong lễ hội Y Sơn.
Toà tam bảo còn bảo lưu nhiều nét kiến trúc cổ thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Bố cục kiến trúc toà này theo kiểu chữ Đinh gồm toà Tiền đường năm gian nối toà Thượng điện ba gian. Toà Tiền đường có cửa gỗ bức bàn chạy suốt ba gian. Các cấu kiện liên kết vì mái theo kiểu kẻ truyền, chồng rường giá chiêng. Trên các đầu kẻ mái hiên có chạm khắc nổi hoa văn hình hoa lá, đao mác, vân mây có giá trị nghệ thuật. Toà Thượng điện ba gian, kết cấu vì nóc kiểu chồng rường giá chiêng, vì nách có chạm khắc nổi hình hoa lá, hình rồng và văn kỷ hà trên các cốn mê có giá trị nghệ thuật. Thượng điện bài trí đủ hệ thống tượng Phật uy nghi. Toà Hậu điện ở phía sau có ba gian, kết khung vì mái đơn giản kiểu vì giá chiêng.Trong Hậu điện bài trí tượng Thánh Phụ,Thánh Mẫu và tượng Sư Tổ. 
Ảnh Văn Dương
Là đại danh lam cổ tự bên núi Y Sơn, chùa Y Sơn không chỉ có cảnh quan đẹp điểm du lịch sinh thái về nguồn hấp dẫn mà ngôi chùa còn có giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể phong phú .Trong chùa còn bảo lưu các di vật, cổ vật, hệ thống tượng Phật, bia đá, các bức hoành phi, câu đối chữ Hán, lư hương cổ...có giá trị. Hằng năm lễ hội chùa Y Sơn tổ chức ngày 15, 16, 17 tháng Giêng. Đây là lễ hội lớn còn bảo lưu nhiều nét văn hoá truyền thống đặc sắc của vùng đất cổ bên dải sông Cầu như: Nghi thức lễ rún, rước kiệu, rước nồi hương, rước cờ, quạt, chiêng chống, ngựa thần, bông giò … từ đền Y Sơn sang chùa và ngược lại, các trò chơi dân gian độc đáo như: Cuốn cờ đập đất, kéo chữ, khám tướng, đánh đu, nhảy phỗng, cờ người, vật, hát chèo…. Lễ hội chùa Y Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. 
Ảnh sưu tầm
Không chỉ có giá trị lịch sử văn hoá và nghệ thuật đặc sắc, chùa Y Sơn còn là cơ sở cách mạng quan trọng thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945. Nơi đây diễn ra cuộc diễn thuyết, tuyên truyền cách mạng của Đảng vào ngày 22/2/1940, (tức ngày 15 tháng Giêng âm lịch) ngày hội lệ thường liên, do chi bộ Đảng Hoàng Vân tổ chức, đồng chí Lê Hoàng đã phân tích tình hình thế giới, trong nước, chỉ rõ mục tiêu chiến lược của cách mạng thời kỳ này là đấu tranh giành độc lập cho đất nước, chỉ rõ những yếu tố tạo thời cơ cho cách mạng bùng nổ và thắng lợi. Đồng chí đã kêu gọi toàn thể nhân dân đi theo Đảng, tham gia các tổ chức phản đế, đoàn kết chuẩn bị lực lượng để tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền. Sự kiện lịch sử này được nhà văn Dương Quang Luân miêu tả trong tập truyện tư liệu “Làng đỏ” NXB Hội nhà văn trang 41 như sau: “Sáng hôm ấy chọn thời điểm thuận lợi nhất, khách thập phương về trẩy hội đông nhất, sau khi bố trí lực lượng bảo vệ, đồng chí Lê Hoàng đứng trên bậc tam cấp nói chuyện với đồng bào, phân tích tình hình trong nước và thế giới đương có lợi cho cách mạng Việt Nam và nêu lên những nhiệm vụ của nhân dân ta phải chuẩn bị để tiến lên giành chính quyền khi thời cơ đến. Đồng chí Lê Hoàng kêu gọi mọi người gia nhập các tổ chức phản đế: Đoàn thanh niên phản đế, Hội phụ nữ phản đế, Hội nông dân phản đế...Tiếp đến đồng chí Nguyễn Văn Cường giao lá cờ đỏ búa liềm. Đồng chí Ngô Văn Thạnh, Ngô Văn Triệu nhanh tay đi rải truyền đơn...”

Sới vật tại hội Y Sơn. Ảnh: Văn Dương
Cũng tại chùa Y Sơn, ngày 5/3/1940 diễn ra cuộc diễn thuyết do bà Hà Thị Quế lãnh đạo. Sách Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Bắc tập I-1981 ghi về sự kiện lịch sử này như sau: “Nhằm tuyên truyền tinh thần Nghị quyết Hội nghị tháng 11 năm 1939 của Trung ương Đảng tại chùa IA (chùa Y Sơn) huyện Hiệp Hòa ngày 5 tháng 3 năm 1940, ta đã tổ chức diễn thuyết trước hàng nghìn người dự hội. Đứng trên bậc thềm tam cấp của ngôi chùa cổ, đồng chí phụ trách tỉnh phân tích tình hình thế giới, trong nước, vạch rõ chiến tranh đế quốc sẽ tạo ra thời cơ cho cuộc cách mạng ở Đông Dương bùng nổ và nhiệm vụ của nhân dân ta là phải chuẩn bị tiến lên giành chính quyền khi thời cơ đến. Đồng chí kêu gọi mọi người gia nhập các tổ chức phản đế, tích cực đấu tranh chống bọn thống trị Pháp và bè lũ tay sai của chúng. Cuộc diễn thuyết đã thành công tốt đẹp. Những người dự hội chùa hôm đó bàn tán nhiều về việc đánh Pháp, giành độc lập, tự do cho đất nước”.
Là một trong những di tích ATK II Hiệp Hoà, chùa Y Sơn xứng đáng là Di sản cách mạng của Đảng của dân tộc, nơi đây là điểm du lịch về nguồn, địa điểm di tích giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau./.
Đồng Ngọc Dưỡng
0 Bình luận

Loading...