Những trầm tích văn hóa trên đỉnh non thiêng Hồ Bấc

31 Tháng 10, 2022 | Di tích lịch sử văn hóa

Những trầm tích văn hóa trên đỉnh non thiêng Hồ Bấc
Một buổi sớm mùa Thu năm 2022, chúng tôi theo chân những nhà khảo cổ của Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Bắc Giang cùng băng rừng, vượt núi để lần đầu tiên đặt chân lên đỉnh Hồ Bấc. Đây là ngọn núi trên dãy Huyền Đinh – Tây Yên Tử (sơn phận thuộc xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang). Hành trình leo núi này, không chỉ đơn thuần là cuộc thưởng ngoạn, tìm hiểu về cảnh quan thiên nhiên, mà chúng tôi còn được tìm hiểu về cuộc khai quật khảo cổ đang diễn ra tại đây, đó là cuộc khai quật khảo cổ địa điểm chùa Phúc Chủ - tên nôm dân gian gọi là chùa Hồ Bấc. Qua đợt khai quật khảo cổ này, là cơ sở để khẳng định những giá trị chân xác, nhằm củng cố, hoàn thiện Hồ sơ Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử -Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Hành trình lên đỉnh non thiêng
Khu vực Thác Thùm Thùm (Khu Du lịch Sinh thái Suối Mỡ, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam), là điểm xuất phát của hành trình leo núi, băng rừng, đã được báo trước là rất gian nan, vất vả. Từ đây, để lên được đỉnh Hồ Bấc (độ cao hơn 600m so với mực nước biển), có 02 con đường, đường thứ nhất đi theo đường mòn, được hình thành trên đỉnh các ngọn núi; đường thứ thứ 2 là men theo con suối, băng qua toàn bộ khu rừng già với nhiều dốc đá trơn trượt, có khoảng cách xa hơn con đường thứ nhất. Vì vậy, chúng tôi đã lựa chọn con đường thứ nhất cho hành trình của mình. Cùng tham gia cuộc chinh phục đỉnh núi cao này, có hai người dân bản địa với nhiều kinh nghiệm đi rừng và là nhân công tại cuộc khai quật khảo cổ chùa Hồ Bấc, họ đã dẫn đường, chỉ lối và giải thích nhiều điều kỳ thú về vùng đất này. Vượt qua những con dốc đầu tiên, cũng đồng nghĩa với việc tiến sâu dần vào những cánh rừng, trước khi tiến sâu hơn hai người dẫn đường yêu cầu chúng tôi dừng lại và đưa cho chúng tôi những chai nhựa chứa chất lỏng màu nâu đục, họ bảo hãy bôi nước này vào giầy, tất và ống quần. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, một anh dẫn đường giải thích: “Đây là rượu ngâm với thuốc lào để đề phòng vắt rừng từ mặt đất có thể nhảy lên, bám chặt vào chân hút máu…” Chưa hết rùng mình khi nghe về loài sinh vật hút máu người này, chúng tôi lại được cảnh báo: “Khi dừng chân, hãy đứng trên những phiến đá cao, không thì lập tức sẽ bị vắt cắn; do đêm qua trời mưa nên càng nhiều vắt xuất hiện …”. Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình vượt rất nhiều dốc cao và dài, có thể thấy trên cả chặng đường chúng tôi phải vượt qua dốc nối dốc gần như liên tục. Sau hơn hai tiếng vượt dốc, băng rừng, nhãng quên đi sự sợ hãi bị vắt cắn để thư thái lắng nghe tiếng chim hót giữa đại ngàn mây núi, hít hà sự ngát hương của những đóa hoa rừng, chúng tôi cũng đã đặt chân tới đỉnh núi Hồ Bấc.

Hành trình leo núi, băng rừng để lên đỉnh Hồ Bấc
Tiếp cận những bằng chứng lịch sử về ngôi cổ tự
Từ thời Trần (thế kỷ XIII – XIV), ở hầu hết các núi trên cánh cung Đông Triều mà Yên Tử là tâm điểm đều được Pháp Loa – đệ nhị Tổ Thiền phái Trúc Lâm cho xây dựng Chùa, Am, Thiền viện. Bên sườn Tây Yên Tử, địa phận tỉnh Bắc Giang ngày nay, nhiều ngôi chùa cũng được xây cất trong giai đoạn này. Theo lời kể của nhân dân địa phương, khi xưa chùa Hồ Bấc có kết cấu cột gỗ, mái phủ bạt. Trong những ngày lễ tiết, người dân xã Thanh Mai (Chí Linh, Hải Dương) và người dân bản địa đều đến chùa Hồ Bấc thắp hương hành lễ. Trải qua thời gian, ngôi chùa xưa không còn nữa. Khoảng 20 năm trước, người dân đã quyên góp dựng một ngôi chùa nhỏ vách đất, lợp ngói Proximang để làm nơi thờ tự. Năm 1998, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang đã bước đầu khảo sát di tích này và thu được nhiều tài liệu quan trọng. Năm 2012, Bộ VHTTDL cho phép Sở VHTTDL Bắc Giang phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành thăm dò khai quật khảo cổ tại di tích chùa Hồ Bấc. Kết quả cho thấy, chùa Hồ Bấc chỉ còn là một phế tích nhưng những gì còn lại cũng đủ để chứng minh di tích này xưa kia có một quy mô xây dựng rộng lớn với kiến trúc đồ sộ trên tổng thể diện tích khoảng 5.000m2.

Các chân cột tại khu vực khai quật chùa Hồ Bấc
Nối tiếp những kết quả khảo sát, khai quật từ những giai đoạn trước đây, đến năm 2022, Bộ VHTTDL tiếp tục cho phép Sở VHTTDL Bắc Giang phối hợp với Viện khảo cổ học tổ chức khai quật tại địa điểm chùa Hồ Bấc, mà chúng tôi được tận mắt chứng kiến trong hành trình leo núi, băng rừng này. Cùng đứng trong không gian của các hố khai quật có tổng diện tích 200m2, anh Thân Văn Tiệp, Chủ trì khai quật khoát tay nói với chúng tôi: “Tổng thể khu vực chùa Hồ Bấc tọa lạc có địa hình hiểm trở, xung quanh có nhiều vực sâu, núi cao bao bọc và hồ nước ở phía dưới, tạo không gian thoáng đãng. Do có độ dốc lớn nên xung quanh được kè các cấp nền đá, tạo ra những bức tường đá kéo dài từ phía Đông sang phía Đông Nam nhằm mục đích chống sạt lở cho khu vực trên đỉnh. Cụ thể, địa hình bao gồm 4 cấp nền, trong đó cấp nền 3 là cấp nền có diện tích rộng hơn cả, bao bọc xung quanh là lớp đá phiến được kè xếp theo lối ta-luy; các kè đá được xây xếp vuông vức tạo thế vững chắc cho cấp nền trên cùng và tại cấp nền trên cùng, người dân địa phương đã lắp ghép ngôi chùa tạm bằng khung thép, mái tôn trên diện tích 50m2”.
Tiếp tục tìm hiểu về cuộc khai quật này, được biết: Các hố khai quật được mở trên phần lớn diện tích cấp nền trên cùng và khu vực phía Bắc cấp nền ba. Tại cấp nền trên cùng là khu vực dự đoán các kiến trúc chính của chùa Hồ Bấc tọa lạc. Sau khi làm sạch mặt bằng toàn bộ khu vực khai quật và đào bóc lớp đất mặt dày từ 7cm – 12cm, đã làm xuất lộ lớp đầm nền trên toàn bộ khu vực cấp nền trên cùng và nửa cuối phía Bắc hố khai quật. Đặc điểm của lớp đầm bao gồm hai thành phần chính là đá núi đầm lẫn với đất sét nâu vàng có độ kết dính cao, ngoài ra còn lẫn nhiều mảnh vật liệu kiến trúc gạch, ngói vỡ vụn. Sau khi làm rõ được lớp đầm nền này, đoàn khai quật tiến hành đào cắt tại 2 vị trí lớp đầm nền để xác định lớp văn hóa tiếp theo.
Tại hố cắt ở góc Tây Bắc cấp nền ba, xuất lộ rất nhiều di vật bao gồm đồ sành, mảnh ngói vỡ vụn nằm lẫn với đất màu xám, toàn bộ di vật này đều có niên đại thời Trần (thế kỷ XIII – XIV). Kết quả này, bước đầu đã xác định được thời điểm xây dựng và quá trình tồn tại của chùa Hồ Bấc, mang đến những đóng góp mới cho nhận thức về khu vực Tây Yên Tử trong lịch sử; cung cấp những tư liệu chân xác, bù đắp những thiếu hụt về tư liệu, giúp làm rõ diễn biến hình thành và tồn tại của địa điểm chùa Hồ Bấc, góp phần làm rõ cấu trúc, quy mô, sự biến chuyển của chùa Hồ Bấc qua các thời kỳ lịch sử.
Căn cứ vào diễn biến địa tầng và hệ thống di vật thu được tại đợt khai quật này, cho thấy chùa Hồ Bấc đã được xây dựng từ thời Trần (thế kỷ XIII – XIV), trải qua thời gian đến thời Lê trung hưng (thế kỷ XVII – XVIII) được tiến hành một đợt trung tu tôn tạo lớn và tiếp tục tồn tại đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Kết quả cuộc khai quật cũng cho thấy, do những tác động của tự nhiên, cùng sự tác động của những đợt xây dựng, tôn tạo lại chùa Hồ Bấc, đã làm cho dấu vết kiến trúc thời Trần dần biến mất, do vậy việc xác định quy mô, cấu trúc mặt bằng của chùa Hồ Bấc vào thời Trần trở nên khó khăn. Từ đó, các nhà khảo cổ cũng có nhận định: Sau thời Trần, khu vực chùa Hồ Bấc có thể hoàn toàn bị bỏ hoang và cho đến thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII – XVIII), tại đây dường như diễn ra một cuộc xây dựng, trùng tu tôn tạo lớn về quy mô, cấu trúc của chùa. Đây cũng chính là những nguyên nhân khiến cho dấu tích thời Trần của chùa Hồ Bấc tại cấp nền trên cùng bị phá hủy hoàn toàn. Đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX), chùa Hồ Bấc vẫn tồn tại với cấu trúc và mặt bằng hình chữ nhị như giai đoạn thế kỷ XVII - XVIII.
Từ những cứ liệu lịch sử mang tính chân xác cao, có thể thấy chùa Hồ Bấc có vị trí rất quan trọng trên hệ thống Huyền Đinh – Yên Tử. Đây được coi là điểm trung chuyển của 2 tuyến đường hành hương lên đỉnh Yên Tử: Tuyến đường phía Tây đi từ chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng, Bắc Giang) lên và tuyến đường phía Đông đi từ chùa Thanh Mai (Chí Linh, Hải Dương) sang. Cả 2 tuyến này đều gặp nhau ở chùa Hồ Bấc, điều đó cũng cho thấy, trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt là thời Trần, chùa Hồ Bấc đảm đương vị trí quan trọng bậc nhất trong tổng thể hệ thống các chùa thời Trần trên dãy Yên Tử. Do vậy, việc khai quật, nghiên cứu tổng thể chùa Hồ Bấc sẽ cung cấp các tư liệu khách quan, toàn diện, làm cơ sở để đánh giá tổng thể về giá trị lịch sử - văn hóa của di tích đặt trong bối cảnh sự hình thành và phát triển của hệ thống di tích Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử./.
  Phí Trường Giang
0 Bình luận

Loading...