Bắc Giang phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch

19 Tháng 2, 2021 | Nghiên cứu và Trao đổi

Bắc Giang phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch

Với mục tiêu khuyến khích sự sáng tạo, năng động của người dân ở mỗi vùng quê, Bắc Giang đã triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bài bản, hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có gần 100 sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Sản phẩm đẹp, chất lượng

Các đại biểu thăm gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tỉnh năm 2020.

Các đại biểu thăm gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tỉnh năm 2020.

Hợp tác xã (HTX) Dược liệu Khánh Hoa, thôn Bình Minh, xã Minh Đức (Việt Yên) liên kết với nông dân trồng thảo dược, hằng năm cung cấp nguyên liệu đầu vào cho 32 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm trong cả nước. Do chỉ chế biến thô nên hiệu quả hoạt động của HTX chưa cao. Được sự giúp đỡ của cơ quan chuyên môn, nhà khoa học và tận dụng nguồn hàng sẵn có, đầu năm 2020, HTX đã nghiên cứu, sản xuất ra mặt hàng có tinh chất cao. 

Đó là sản phẩm giải độc gan An Xoa và viêm xương khớp Thanh Ngâm. Cả hai sản phẩm này đều đạt tiêu chuẩn GMP (tiêu chuẩn thực hành tốt áp dụng trong sản xuất dược phẩm), vừa được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh.

Ông Thân Văn Sách, thành viên HTX cho biết: “Giải độc gan An Xoa và viêm xương khớp Thanh Ngâm đến nay đã được một số nhà thuốc ở trong và ngoài tỉnh phân phối, tiêu thụ. Trên cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao bước đầu, HTX sẽ hoàn thiện, nâng hạng sản phẩm. Tiếp tục phối hợp tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ nguồn dược liệu thô như: Kim tiền thảo, ba kích, hà thủ ô…”.

Tương tự, các loại mỳ ngũ sắc, mỳ gạo lứt, mỳ gạo Chũ Thủ Dương của HTX Sản xuất, kinh doanh tiêu thụ mỳ gạo Chũ Hiền Phước (Lục Ngạn) cũng được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao. Theo đại diện HTX, lâu nay, mỳ chủ yếu được phơi dưới nắng tự nhiên. 

Tuy nhiên, cách làm như vậy sẽ khó bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hoặc mưa kéo dài khiến HTX không chủ động nguồn cung đáp ứng nhu cầu khách hàng. Xuất phát từ thực tế này, cùng với nguồn vốn hỗ trợ, HTX đã sử dụng máy sấy mỳ, máy tráng và tự động hóa nhiều công đoạn, giảm công lao động, bảo đảm chất lượng sản phẩm. 

HTX không ngừng nâng cao, cải thiện mẫu mã bao bì. Nhờ vậy, ban đầu chỉ sản xuất ra mỳ gạo trắng thì đến nay HTX có nhiều loại mỳ gạo màu sắc khác nhau, được khách hàng ưa chuộng. Bình quân mỗi tháng, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 30 tấn mỳ, cao hơn 10 tấn/tháng so với trước.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, toàn tỉnh có 95 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên (năm 2019 công nhận 46 sản phẩm, năm 2020 công nhận 49 sản phẩm). Trong đó, có 24 sản phẩm 4 sao; 71 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm đều có sự đầu tư công phu về hình thức, chất lượng; có hồ sơ công bố, tiêu chuẩn cơ sở, phiếu kiểm nghiệm các chỉ tiêu, kế hoạch giám sát chất lượng, giấy đủ điều kiện sản xuất, đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Gắn với du lịch nông thôn

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, Bắc Giang đã ban hành Đề án “Chương trình OCOP” giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, xác định Chương trình OCOP là yếu tố quan trọng xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững. 

Đến nay, toàn tỉnh có 95 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên (năm 2019 công nhận 46 sản phẩm, năm 2020 công nhận 49 sản phẩm). Trong đó, có 24 sản phẩm 4 sao; 71 sản phẩm 3 sao.

Sau 3 năm triển khai, với sự tập trung chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hưởng ứng và nỗ lực của người dân, Chương trình OCOP đã được triển khai ở tất cả các huyện, TP, đạt được kết quả khả quan, tạo động lực mới trong xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy phát triển sản phẩm đặc sản địa phương. Một số huyện đã quan tâm xúc tiến thương mại, phát triển hệ thống điểm giới thiệu, tuyên truyền hình ảnh sản phẩm OCOP như: Lục Ngạn, Yên Thế, Lục Nam, Việt Yên, TP Bắc Giang.

Nhiều sản phẩm bước đầu được khách hàng đánh giá cao như: Vải thiều nước đường của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (TP Bắc Giang); vải thiều đóng hộp, ngô ngọt đóng hộp, nước ép cam Fully của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu; mỳ Chũ (Lục Ngạn); trà hoa vàng của HTX Sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh (Lục Nam); chè xanh Bản Ven của HTX Thân Trường (Yên Thế); mật ong rừng Tây Yên Tử của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh (Sơn Động)...

Đơn cử, trong tour du lịch trải nghiệm vườn quả mùa cam bưởi vừa qua, HTX Mỳ Chũ Hiền Phước (Lục Ngạn) đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan cơ sở và mua sản phẩm. Chị Đào Thị Bích Thủy, quận Long Biên, TP Hà Nội cho biết: “Đến Bắc Giang ngoài mua trái cây, chúng tôi còn tìm mua mỳ, chè, mật ong về biếu người thân, bạn bè. Sau lần đầu sử dụng, cảm nhận được chất lượng tốt, tôi đã đặt thêm hàng”.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin, sản phẩm OCOP đã giúp du khách thêm nhiều lựa chọn khi có nhu cầu mua hàng về làm quà biếu mỗi dịp đến Bắc Giang. Hiện nay, đơn vị đang đề xuất trưng bày tất cả các sản phẩm OCOP của tỉnh tại các gian hàng gần hoặc trong khu du lịch trên địa bàn tỉnh, vừa để quảng bá vừa tạo sự đa dạng hàng hóa trong các điểm du lịch.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá, Chương trình OCOP góp phần hoàn thiện nhiều sản phẩm, khơi dậy sự sáng tạo của người dân ở mỗi làng quê. Từ kết quả bước đầu, Sở đang phối hợp với ngành liên quan tham mưu cho tỉnh kế hoạch phát triển du lịch nông thôn. 

Trong đó, đánh giá những tiềm năng, lợi thế, đề xuất cơ chế, chính sách để phát triển du lịch nông thôn đặc trưng riêng của Bắc Giang; xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP quảng bá đến du khách; khuyến khích hình thành đặc sản vùng miền cho mỗi địa phương.

Theo Báo Bắc Giang
0 Bình luận

Loading...