Định hình du lịch nông thôn “xanh”, bền vững

18 Tháng 10, 2022 | Nghiên cứu và Trao đổi

Định hình du lịch nông thôn “xanh”, bền vững

Là một nước nông nghiệp với khoảng 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, Việt Nam có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển loại hình du lịch nông thôn. Điều này thêm một lần được khẳng định qua việc Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình tập trung phát triển nông thôn mới một cách toàn diện nhằm “nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững...”.

Du khách trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng tại xóm Mỏ Gà (xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: Linh Tâm

Những mô hình tiêu biểu

Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp. Nhiều sản phẩm du lịch Việt Nam liên quan tới nông thôn, nông nghiệp, như: Du lịch làng nghề, du lịch trang trại, du lịch cộng đồng, du lịch miệt vườn... Trong thực tế, từ thời kỳ Đổi mới (1986), loại hình du lịch nông thôn đã manh nha xuất hiện nhưng chỉ định hình rõ nét vào khoảng 1 thập niên trở lại đây khi gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ đây, tại nhiều địa phương đã hình thành các mô hình du lịch nông thôn hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch.

Đồng Tháp là tỉnh nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đất đai màu mỡ nên nông nghiệp rất phát triển. Từ năm 2016, du lịch nông thôn ở Đồng Tháp đã phát triển mạnh mẽ với các mô hình như: “Cây xoài nhà tôi” (huyện Cao Lãnh) chuyên sản xuất xoài hữu cơ gắn với việc truy xuất nguồn gốc, phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp, qua đó hình thành một cộng đồng làm du lịch, đồng thời nâng tầm giá trị cây xoài và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Hay Việt Mekong Farmstay (huyện Tam Nông) - mô hình nông trại nghỉ dưỡng thuận thiên được phát triển trên nền tảng nông nghiệp và văn hóa địa phương. Đây hiện là điểm du lịch thu hút dòng khách cao cấp. Thời điểm trước dịch Covid-19, Việt Mekong Farmstay đã phục vụ nhiều đoàn khách quốc tế có mức chi tiêu trung bình 80 - 90USD/ khách và khách nội địa khoảng 70USD/ người. Đặc biệt, tại thành phố Sa Đéc đã có 12 điểm tham quan trải nghiệm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, làng nghề, trong đó có 6 điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh và 3 điểm du lịch cộng đồng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao theo Bộ tiêu chí du lịch nông thôn.

Là một tỉnh miền núi phía Bắc, Lào Cai được biết đến là địa phương tiên phong trong việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với khai thác các giá trị văn hóa địa phương. Nhờ đó, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm đáng kể. Số lượng cơ sở lưu trú homestay liên tục tăng trong những năm qua. Hiện toàn tỉnh có 365 cơ sở homestay, tập chung chủ yếu tại các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên... Bên cạnh đó, chương trình “Biến di sản thành tài sản” đã góp phần tạo nên nhiều sản phẩm du lịch đặc thù cho Lào Cai, như Du lịch cộng đồng, du lịch đi bộ, du lịch làng nghề...

Hà Nội sở hữu nhiều di sản văn hóa có giá trị, đặc biệt là 1.350 làng nghề, trong đó có 17 làng nghề truyền thống nằm trong danh mục dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch; có 8 hợp tác xã, trang trại trải nghiệm nông nghiệp... Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng: “Hiện nay, các sản phẩm du lịch nông nghiệp tại Hà Nội chú trọng khai thác yếu tố văn minh lúa nước của vùng Đồng bằng Bắc Bộ; du lịch nông nghiệp kết hợp với tham quan văn hóa di sản, làng nghề; khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ hoạt động du lịch học đường, du lịch cuối tuần tại Hà Nội và các tỉnh phụ cận. Điển hình như: Tour thăm mùa lúa chín tại Đường Lâm; tour tìm hiểu thảo dược và văn hóa chữa bệnh của dân tộc Dao, Mường ở vùng Ba Vì; Hợp tác xã Hoa - cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (huyện Thường Tín), Khu trồng cây ăn quả kết hợp với khai thác dịch vụ tâm linh trải nghiệm dọc sông Hồng, đền Xâm Thị (huyện Thường Tín) và đền thờ Chử Đồng Tử (huyện Khoái Châu, Hưng Yên)... Giá trị văn hóa truyền thống đã góp phần quan trọng vào sự đa dạng, sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch nói chung và du lịch nông thôn nói riêng”.

Khung cảnh nông thôn yên bình ở huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách.

Nông thôn - “di sản quốc gia” cần được giữ gìn

Từ những mô hình du lịch nông thôn đã và đang phát triển rộng khắp trên cả nước, có thể thấy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp các địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh trong nông nghiệp, qua đó nâng cao đời sống cho người dân, thay đổi bộ mặt nông thôn và góp phần đa dạng hóa, tăng sức hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch. Từ những hiệu quả ấy, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình). Theo đó, mục tiêu chung của Chương trình là “Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững”.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình đến năm 2025 gồm những nội dung chính như: Phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù; xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc...

Nhìn nhận những mặt tích cực và sự khác biệt trong chương trình lần này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: “Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 được thiết kế không chỉ là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, các thiết chế cứng mà chú trọng nhiều đến phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc nông thôn, phát huy văn hóa truyền thống, nâng cao năng lực cộng đồng cư dân trong xã hội nông thôn...”.

Người dân bản Mường Ao Tá (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) giới thiệu với du khách về ẩm thực địa phương.

Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp và du lịch, mặc dù thực tế triển khai Chương trình có thể sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó cần chú trọng việc rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nông thôn; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn; tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn; bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao năng lực cho lao động du lịch nông thôn... Trong quá trình triển khai, cần đặc biệt chú trọng việc phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc của từng vùng miền, không để cho các địa phương “mặc đồng phục” với những sản phẩm na ná nhau. Đặc biệt, cần xây dựng, phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch “xanh”, có trách nhiệm và bền vững.

Đối với các quốc gia có nền kinh tế phát triển tại châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc..., nông nghiệp, nông thôn luôn được định vị như một trong những giá trị cốt lõi trong tiến trình phát triển. Vì thế, khu vực nông thôn của Việt Nam cũng cần được xem như là những “di sản quốc gia” để giữ gìn, bảo tồn các giá trị bản địa, bản sắc dân tộc, văn hóa truyền thống. Có như vậy thì mới giữ được nông thôn như là không gian cân bằng sinh thái trong quá trình hiện đại hóa đất nước, là nơi giáo dục cho thế hệ trẻ tình yêu thiên nhiên, tình yêu cội nguồn. Từ việc gìn giữ “di sản quốc gia” ấy, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ kích hoạt sự thay đổi nếp sống nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc.

Theo HNM
0 Bình luận

Loading...