Du lịch Bắc Giang đồng hành và phát triển cùng với ngành du lịch Việt Nam

02 Tháng 7, 2015 | Nghiên cứu và Trao đổi

 Du lịch Bắc Giang đồng hành và phát triển cùng với ngành du lịch Việt Nam
Theo phân tích của các nhà xã hội học, du lịch đã được khẳng định như là một sở thích, một hoạt động nghỉ ngơi tích cực của con người. Ngày nay, du lịch đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống văn hóa, xã hội ở các nước. Về mặt kinh tế, du lịch đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của nhiều nước công nghiệp phát triển. Hệ thống du lịch đã được thiết lập ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, bởi vai trò lợi ích to lớn của “ngành kinh tế công nghiệp không khói” - ngành “ con gà đẻ trứng vàng” này mang lại.
Ông Bùi Văn Hải- Bí thư tỉnh ủy Bắc Giang nhận bằng công nhận dân ca quan họ và ca trù là di sản văn hóa phi vật thể của nhận loại

Năm 1960, Công ty Du lịch Việt Nam được thành lập trực thuộc Bộ Ngoại thương trong bối cảnh đất nước ta đang trong công cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, sự nghiệp phát triển du lịch không thể tách rời với công cuộc bảo vệ tổ quốc thống nhất đất nước. Tiền thân của ngành du lịch là Bộ Thương nghiệp, dưới là Ty Thương nghiệp rồi đến hệ thống các công ty, cửa hàng phân phối - dịch vụ với chức năng nhiệm vụ tiếp nhận hàng hóa sản xuất trong nước, hàng viện trợ để phân phối, cung cấp hàng hóa, thực phẩm, vận dụng đồ tiêu dùng, theo chế độ tem phiếu, cung cấp các dịch vụ phục vụ ăn uống, nghỉ dưỡng cho cán bộ, công nhân viên chức, các lực lượng vũ trang… theo tiêu chuẩn quy định của Nhà nước. Năm 1978, Tổng cục Du lịch được thành lập trực thuộc Hội đồng Chính phủ để đáp ứng nhu cầu, tình hình thực tiễn. Tại các kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI năm 1976 và VII năm 1991, Nghị quyết đã đề ra mục tiêu phát triển đất nước, đưa đất nước đi theo con đường đổi mới. Để thực hiện nhiệm vụ chính trị đó, chuyển đổi cơ chế biến du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng, năm 1991 Tổng cục Du lịch được sáp nhập vào Bộ Thương mại-Du lịch; năm 2007 ngành du lịch được hợp nhất thành Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho đến nay.
Dân ca quan họ - loại hình di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
Trải qua một chặng đường hình thành và phát triển đầy khó khăn vất vả của những năm 60; qua các giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc; tiếp đến là thời kỳ đổi mới xây dựng đất nước hiện đại hóa, công nghiệp hóa; đến nay ngành du lịch Việt Nam đã tự khẳng định được vị trí, vai trò của mình trên con đường hội nhập và phát triển; đóng góp một phần không nhỏ trong sự phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, trở thành một ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Đặc biệt, ngành Du lịch đã đóng góp to lớn cho sự tăng trưởng và phát triển nền kinh tế của đất nước. Với tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 14%/năm du lịch góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.

Thác Khe Vàng- Sơn Động 
Hòa chung không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 55 năm Ngày Du lịch Việt Nam (09/07/2015), trong những năm qua Du lịch Bắc Giang (từ thời Hà Bắc cũ trước năm 1997) luôn sát cánh đồng hành với sự phát triển du lịch chung của cả đất nước. Từ những năm 1960 cho đến những năm 1970, 1980 (trong thời kỳ bao cấp) hệ thống nhà hàng, khách sạn, trạm nghỉ dưỡng, điều dưỡng, khách sạn chuyên gia, các quầy cung cấp, cửa hàng dịch vụ ăn, uống giải khát trải rộng khắp, phân bố đồng đều trong toàn tỉnh. Hệ thống này thuộc các công ty cấp I, cấp II, cấp III trực thuộc Ty Thương nghiệp để phục vụ cán bộ trung, cao cấp, lực lượng vũ trang, chuyên gia các nước XHCN sang giúp Việt Nam tư vấn trong lĩnh vực quân sự và kinh tế và một bộ phận người dân theo chế độ Nhà nước quy định. Sau những năm 1980, theo tinh thần đổi mới đất nước, xóa bỏ bao cấp đưa nền kinh tế đất nước chuyển đổi theo nền kinh tế thị trường, Du lịch Bắc Giang đã bước sang một trang mới. Một số trong hệ thống dịch vụ của nhà nước quản lý đã dần chuyển sang tự hạch toán, kinh doanh lấy thu bù chi. Bước đầu thoát khỏi nền kinh tế bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường, với muôn vàn khó khăn, gian nan vất vả từ con người, đến cơ sở vật chất, hàng hóa đều rất thiếu thốn, một số các chính sách vẫn mang nặng tính bao cấp rất khó để có thể phát triển đưa du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng. 

Hội thảo chiến lược phát triển thị trường du lịch sinh thái Khe Rỗ- Sơn Động do tổ chức GTV thực hiện 
Sau những năm 1990, thời kỳ thế giới bùng nổ khoa học công nghệ, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đã đạt được nhiều thành tựu hết sức to lớn. Cái nghèo, cái đói đã bị đẩy lùi và dần đi vào dĩ vãng. Khi xã hội phát triển kéo theo nhu cầu thiết yếu chăm lo cho sức khỏe và đáp ứng các nhu cầu thưởng ngoạn, khám phá thế giới xung quanh của con người càng được quan tâm và chú trọng. Chính vì lẽ đó ngành du lịch có cơ hội để chiếm lĩnh và phát triển. Thực tế hiện nay, nhu cầu đi du lịch của người dân Bắc Giang ngày một tăng cao. Với dân số hơn 1,6 triệu người, cùng với điều kiện vị trí cửa ngõ vùng Đông Bắc, có điều kiện tự nhiên và nhân văn phong phú đa dạng cả về sinh thái và văn hóa; với hơn 2300 di tích, trong đó có 659 di tích được xếp hạng với hơn 100 di tích cấp Quốc gia và Quốc gia đặc biệt; trên 500 lễ hội truyền thống trải khắp 10 huyện thành phố, đây là những điều kiện rất thuận lợi, là thế mạnh để Bắc Giang khai thác và phát triển du lịch. 
Kho Mộc Bản chùa Vĩnh Nghiêm
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Tổng cục Du lịch, UBND tỉnh, cùng các cấp các ngành trong tỉnh, Du lịch Bắc Giang đã có nhiều khởi sắc, đạt được những kết quả tiêu biểu trên một số lĩnh vực như: Trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng du lịch: Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ - Lục Nam đã được đầu tư trên 20 tỷ đồng, trong đó Tổng cục Du lịch hỗ trợ 14 tỷ đồng; dự án đầu tư hạ tầng khu du lịch di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám với tổng mức đầu tư là 27.329 triệu đồng; Dự án Khu du lịch sinh thái Đồng Thông-Sơn Động 48 tỷ đồng của Sở NNPTNT; Dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch cộng đồng của Tổ chức GTV (Italia) 4,8 tỷ đồng; Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại Khe Rỗ do công ty Đường Việt đầu tư với số vốn ban đầu trên 40 tỷ; đầu tư xây dựng đường và hạ tầng bên ngoài chùa Bổ Đà (Việt Yên) trên 33 tỷ đồng; trên 32 tỷ đồng đã được hỗ trợ đầu tư cho các công trình văn hóa gắn với phát triển du lịch như: Di tích lịch sử văn hóa đình Cao Thượng (Tân Yên); đình, chùa Phương Lạn (Lục Nam); chùa Phúc Quang (Lạng Giang); chùa Phúc Tằng (Việt Yên). Ngoài ra còn có các di tích khác như: đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa); đình Phù Lão (Lạng Giang); đình Sàn, chùa Khám Lạng (Lục Nam); đình Thổ Hà, chùa Bổ Đà (Việt Yên)… . Hiện nay, Bắc Giang đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển hệ thống di tích danh thắng vùng Tây Yên Tử tạo ra tuyến du lịch kết nối với Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Lạng Sơn…tiêu biểu như đường 293 là tuyến đường kết nối các khu, điểm sinh thái, văn hóa, tâm linh Tây Yên Tử với tổng kinh phí trên 2.700 tỷ. Một số công trình đang được đầu tư với nhiều tỷ đồng tại các điểm du lịch nổi trội khác như: Chùa Hạ-Đồng Thông, Sơn Động, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng-Yên Dũng; Khu nghỉ dưỡng Đan Hội-Lục Nam đang được triển khai đầu tư xây dựng và dần hoàn thiện.

Đặt đá xây dựng khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử
Về lượng khách trong những năm gần đây ngày một tăng: Năm 2013 chỉ tiêu lượt khách nội địa là 256 nghìn lượt, tăng 31,6% so với năm 2012; khách quốc tế đạt 6.800 lượt; năm 2014 khách nội địa đạt 320 nghìn lượt, tăng 25% so với năm 2013; khách quốc tế đạt 6.310 lượt; năm 2015 khách nội địa ước đạt 400 nghìn lượt, tăng 25% so với năm 2014; khách quốc tế ước 8.000 lượt. Doanh thu từ hoạt động du lịch cũng ngày một tăng: Năm 2013 đạt 137,1 tỷ đồng, tăng 68,8% so với năm 2012; năm 2014 đạt 192 tỷ đồng, tăng 40,1% so với năm 2013; dự kiến năm 2015 ước đạt 262,2 tỷ đồng, đạt 100% so với Chương trình. 
Du lịch Bắc giang tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch tại Hội chợ
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch thời gian qua phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhưng chủ yếu là tăng số nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn. Tính đến hết tháng 8 năm 2014, toàn tỉnh hiện có 350 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 3.500 buồng nghỉ. Trong đó, có 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao với 195 buồng nghỉ, 8 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao với 227 buồng nghỉ, 9 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao với 121 buồng nghỉ, còn lại là các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, hệ thống dịch vụ mua sắm phục vụ nhu cầu của du khách và người dân phát triển không ngừng. Một số tập đoàn siêu thị quốc tế và trong nước đã có mặt rộng khắp trên địa bàn thành phố như: Siêu thị Big C, Coopmart, Tmart, Media Mart, Trần Anh; cùng với hệ thống nhà hàng, quán ăn, công viên, hồ câu cá tự do, sân bóng đá mini, câu lạc bộ tập thể hình, yoga, dưỡng sinh, sân cầu lông, tennis…các dịch vụ vui chơi giải trí khác cũng không ngừng tăng lên về số lượng và chất lượng đáp ứng tốt nhu cầu của du khách và người dân nói chung.
Khách sạn Mường Thanh- Bắc Giang

Với tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng cùng với sự quan tâm của Tỉnh uỷ- HĐND - UBND tỉnh, ủng hộ của các cấp, các ngành và nhất là sự quan tâm thu hút của các nhà đầu tư trong du lịch; sự phát triển không ngừng về các điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ du lịch;... du lịch Bắc Giang hứa hẹn một tương lai nhiều khởi sắc với những sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn thu hút đông đảo du khách đến với Bắc Giang góp phần tạo đà cho bước đột phá mới trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. 
Trần Anh Tuấn
0 Bình luận

Loading...