Du lịch Hà Nội và mối quan hệ phối hợp với Bắc Giang, Lạng Sơn

18 Tháng 9, 2014 | Nghiên cứu và Trao đổi

Từ lâu, Hà Nội trở thành điểm đến thu hút du khách quốc tế lớn nhất cả nước bởi vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc, thanh lịch. Hà Nội luôn được du khách quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn. Ðiều này càng có ý nghĩa khi diện tích của Hà Nội vừa được mở rộng gấp 3,6 lần diện tích cũ, với dân số gần 6.5 triệu người, mở ra nhiều tiềm năng cho ngành du lịch. Với ưu thế về các di tích, danh thắng lịch sử của mảnh đất nghìn năm văn hiến, Hà Nội đang tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch làng nghề, phố cổ, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch MICE (Hội nghị, Hội thảo, Khen thưởng, Triển lãm).

Hiện nay, trên địa bàn Thủ đô có 1700 cơ sở lưu trú, trong đó có 50 khách sạn từ 3 sao trở lên. Toàn Thành phố có 1400 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, trong đó có 430 doanh nghiệp Lữ hành quốc tế. Hà Nội cũng có trên 1.300 ô tô  vận chuyển khách du lịch các loại, đủ đáp ứng nhu cầu của mọi thị trường khách đến Hà Nội và đi du lịch khu vực phía Bắc.

Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám Đốc Sở VHTT&DL Hà Nội phát biểu tham luận tại Hội Thảo

Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám Đốc Sở VHTT&DL Hà Nội phát biểu tham luận tại

Hội Thảo

Khách du lịch đến Hà Nội tăng trưởng bình quân khoảng 15%/năm. Riêng khách du lịch quốc tế năm 2008 đạt 1,03 triệu, đến 2010 1,7 triệu, 2011 đạt 1,885 triệu lượt. Tổng doanh thu từ khách du lịch năm 2010 đạt 27.000 tỷ, đến 2011 đạt 30.000 tỷ đồng.

Nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của Tổ quốc, Lạng Sơn là nơi có khá nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên; có đường biên giới giáp với Quảng Tây - Trung Quốc, có 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và các chợ biên giới; có các quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B, 279 và tuyến đường sắt liên vận quốc tế chạy qua; có nhiều thắng cảnh và di tích văn hoá, di tích lịch sử, như động Nhị Thanh, chùa Tam Thanh, núi Tô Thị, Chùa Tiên, khu du lịch nghỉ mát Mẫu Sơn, hệ thống các hang động ở Hữu Lũng, Chi Lăng, Bắc Sơn,...Lạng Sơn là nơi có nhiều dân tộc cùng chung sống, là sự hoà nhập của cộng đồng, những tập quán sinh hoạt, những phong tục hội hè, những phiên chợ vùng cao, những sắc màu trang phục truyền thống, những áng ca dao, những làn điệu dân ca, hát then, hát sli, hát lượn .... làm say đắm lòng người. Ngoài ra, quê hương Xứ Lạng còn có những nét văn hoá ẩm thực đặc sắc mang đậm những phong vị riêng như: phở chua, vịt quay, bánh cuốn, măng ớt, ... Cùng với các món ăn đó là sự phong phú của các loại hoa quả tại vùng quê Xứ Lạng như: mơ, lê Tràng Định, hồng không hạt Bảo Lâm, na Chi Lăng, đào Mẫu Sơn... Sự phong phú, đa dạng và độc đáo của các sản phẩm ẩm thực của Lạng Sơn sẽ là ấn tượng sâu sắc đối với du khách sau mỗi lần đến với xứ Lạng.  
Bắc Giang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, nằm trong vùng trung du và miền núi phía Bắc. Bắc Giang giáp với nhiều tỉnh thành, phía Bắc giáp Lạng Sơn, phía đông giáp Quảng Ninh, phía tây giáp Thái Nguyên và Hà Nội, phía nam giáp Bắc Ninh và Hải Dương. Bắc Giang có địa hình trung du và là vùng chuyển tiếp giữa vùng núi phía bắc với châu thổ sông Hồng ở phía nam. Tuy phần lớn diện tích tự nhiên của tỉnh là núi đồi nhưng nhìn chung địa hình không bị chia cắt nhiều. Khu vực phía bắc tỉnh là vùng rừng núi. Trên địa bàn Bắc Giang có 374 km sông suối, trong đó ba sông lớn là sông Lục Nam, sông Thương và sông Cầu. Sông Lục Nam chảy qua vùng núi đá vôi nên quanh năm nước trong xanh. Sông Thương bắt nguồn từ hai vùng có địa hình và địa chất khác nhau nên nước chảy đôi dòng: bên đục, bên trong. Ngoài sông suối, Bắc Giang còn có nhiều hồ, đầm, trong đó có hồ Cấm Sơn và Khuôn Thần. Hồ Cấm Sơn năm ở khu vực giáp tỉnhLạng Sơn, dài 30 km, nơi rộng nhất 7 km và chỗ hẹp nhất 200m. Hồ Cấm Sơn có diện tích mặt nước 2.600 ha, vào mùa mưa có thể lên tới 3.000 ha. Hồ Khuôn Thần có diện tích mặt nước 240 ha và lòng hồ có 5 đồi đảo được phủ kín bởi rừng thông 20 tuổi. Người ta có thể dạo chơi trên hồ Khuôn Thần bằng thuyền đạp chân hoặc thuyền gắn máy, vừa cùng người Sán Chỉ, Cao Lan, Nùng bản địa hát soong hao, vừa thưởng thức những sản phẩm độc đáo của địa phương như hạt dẻ, mật ong và rượu tắc kè.

Với những tài nguyên du lịch độc đáo, Bắc Giang có thể phát triển một số  loại hình du lịch như: Du lịch văn hóa đến với Chùa Vĩnh Nghiêm, ngôi chùa đã có lịch sử trên 1000 năm tuổi, nơi có hệ thống kiến trúc độc đáo và có bộ mộc bản được công nhận là di sản ký ức thế giới, Du lịch sinh thái, nghỉ cuối tuần đến với rừng Khe Rỗ, Suối Mỡ, hồ Khuôn Thần vv...

Vũng Tròn Khe Rỗ, Bắc Giang. ẢNh TTXTDL

Trong những năm qua giữa Hà Nội với Lạng Sơn, Bắc Giang đã có sự hợp tác, liên kết với nhau trên nhiều lĩnh vực. Các hoạt động này bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển du lịch giữa Hà Nội và Lạng Sơn. Hà Nội – trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học – công nghệ; thành phố vì hòa bình, tài nguyên tự nhiên và nhân văn rất phong phú và là trung tâm du lịch lớn, một trong những điểm đến hấp dẫn, thân thiện và mến khách của Việt Nam, hàng năm thu hút nhiều khách du lịch nội địa và quốc tế.                
Mặt khác, sự phát triển du lịch của Bắc Giang, Lạng Sơn những năm gần đây cũng tạo điều kiện thuận lợi để ngành du lịch Hà Nội kết nối, tạo ra các chương trình du lịch phong phú và độc đáo, từ đó thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến Thủ đô. Mối liên kết giữa du lịch Hà Nội với Bắc Giang, Lạng Sơn thể hiện rõ tính chất liên vùng và tương hỗ, tạo điều kiện để cùng nhau khai thác tiềm năng thế mạnh phát triển du lịch.
Do đặc trưng của du lịch là tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao, sự phát triển du lịch không chỉ trong phạm vi mỗi địa phương, mỗi thành phố, mà phải là vấn đề chung của cả nước và các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Sự liên kết, phối hợp giữa du lịch Hà Nội với Bắc Giang, Lạng Sơn không chỉ là là hoạt động chia sẻ lợi ích mà còn là yêu cầu tự thân của Ngành du lịch ở từng địa phương. Để sự hợp tác về du lịch giữa ba địa phương ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn, chúng tôi đề xuất một số phương hướng trong việc phát triển du lịch và liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội với hai địa phương như sau:
1.Liên kết xây dựng tour :
- Liên kết khai thác du lịch nội địa (từ Hà Nội và phụ cận) lên Du lịch Bắc Giang-  Lạng Sơn và đưa khách từ Lạng Sơn về du lịch Bắc Giang- Hà Nội:
+ Đưa khách du lịch nội địa (từ Hà Nội và phụ cận) lên du lịch Bắc Giang-  Lạng Sơn: Được đánh giá là cửa ngõ, trung tâm phân phối, trung chuyển khách du lịch quan trọng cho cả nước nói chung; với mức thu nhập bình quân ở mức tương đối cao và nhu cầu đi du lịch lớn, Hà Nội là thị trường khách du lịch nội địa lớn và là điều kiện tốt để thu hút thị trường khách này đến với Bắc Giang- Lạng Sơn. Có thể khai thác thị trường khách Hà Nội bằng các tour du lịch tham quan, du lịch tâm linh kết hợp với du lịch mua sắm.
+ Đưa khách từ  Bắc Giang, Lạng Sơn về du lịch Hà Nội: Hà Nội đã, đang và sẽ chắc chắn là điểm đến du lịch rất hấp dẫn. Các doanh nghiệp du lịch Bắc Giang, Lạng Sơn cần tạo thêm uy tín, nâng cao năng lực và hợp tác chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp du lịch Hà Nội để tổ chức tốt hơn việc chào bán các tour du lịch về Thủ đô sao cho phù hợp với sở thích, thị hiếu và năng lực chi tiêu của đại bộ phận người dân ở đây.
- Liên kết giới thiệu nối tour cho khách du lịch quốc tế từ Hà Nội lên du lịch Bắc Giang, Lạng Sơn: Với tiềm năng lớn về du lịch tham quan các hang động, du lịch tâm linh và đặc biệt là du lịch mua sắm, Sở VHTTDL Hà Nội mong muốn sẽ phối kết hợp với Sở VHTTDL Lạng Sơn, Sở VHTTDL Bắc Giang để nghiên cứu, khảo sát, xây dựng các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn khách du lịch nội địa và quốc tế trên tuyến Hà Nội – Bắc Giang- Lạng Sơn.
- Liên kết khai thác khách du lịch Trung Quốc, khách du lịch quốc tế đường bộ nối tour Trung Quốc – Việt Nam: Trung Quốc hiện là thị trường khách du lịch hàng đầu của Việt Nam, với tỷ trọng khách lớn nhất là  đường bộ  qua các cửa khẩu tại Quảng Ninh và Lạng Sơn phần lớn là khách du lịch vào Việt Nam bằng Giấy thông hành (Khách 849). Thêm vào đó, việc thông quan ‘kiểm tra 1 lần’ tại cửa khẩu Hữu Nghị là việc làm tạo điều kiện thu hút ngày càng nhiều khách du lịch Trung Quốc và khách du lịch quốc tế đến với Lạng Sơn, đến với Hà Nội qua cửa khẩu Hữu Nghị. Để khai thác hiệu quả hơn khách du lịch từ nguồn này cần sự liên kết chặt chẽ giữa Hà Nội, Lạng Sơn với các địa phương liên quan nhằm thúc đẩy sự phát triển về số lượng, chất lượng thị trường khách Trung Quốc đến với Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố của cả nước nói chung.
2.Liên kết trong các sự kiện xúc tiến quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch:
Công tác quảng bá xúc tiến du lịch luôn là việc được Sở VHTTDL Hà Nội quan tâm, chú trọng. Năm 2010 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của du lịch thủ đô như Năm Du lịch Quốc gia và Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Hà Nội đã và đang tích cực tăng cường hợp tác trong và ngoài nước nhằm quảng bá, xúc tiến du lịch như: ký kết hợp tác về du lịch với các tỉnh thành trong cả nước,  tham gia các tổ chức quốc tế (Mạng lưới các Thành phố lớn Châu Á thế kỷ 21 -ANMC21, Hội đồng Xúc tiến Du lịch Châu Á - CPTA, Hội đồng Xúc tiến du lịch Châu Á-Thái Bình Dương -TPO...) và tổ chức hoặc tham gia nhiều sự kiện diễn ra trong nước. Đây cũng là những cơ hội tốt để Du lịch Hà Nội quảng bá về du lịch Bắc Giang, Lạng Sơn. Sự hợp tác, liên kết này cũng là một đòi hỏi rất khách quan, do đặc tính ‘’ liên vùng ‘’ rất rõ rệt của ngành Du lịch, vì lợi ích song phương và đa phương. Ba địa phương cần liên kết trang web xúc tiến du lịch của ba tỉnh thành phố, cung cấp thông tin lẫn nhau phục vụ công tác xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực du lịch ở trong và ngoài nước.
3. Hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch :
Hà Nội là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch của cả vùng với nhiều cơ sở đào tạo có uy tín và nhiều chuyên gia giỏi trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Hà Nội có thể hỗ trợ Bắc Giang và Lạng Sơn trong việc đào tạo đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch với nhiều phương thức khác nhau nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch của các địa phương, tạo nên sự thống nhất trong mặt bằng chất lượng nhân lực phục vụ du lịch của các địa phương.
4.Hợp tác, trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch:
Ba địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cung cấp cho du khách. Thông qua việc trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch, các địa phương có thể phát huy các ưu điểm và khắc phục các nhược điểm của mỗi địa phương trong việc thực thi các hoạt động quản lý cũng như tham mưu tới các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách phù hợp nhằm tạo ra môi trường du lịch trong sạch, lành mạnh. Ba địa phương cũng có thể đồng tham mưu đề xuất, kiến nghị tới cơ quan quản lý du lịch trung ương nhằm ban hành các cơ chế, chính sách thuận lợi cho việc phát triển ngành du lịch Việt Nam nói chung.
Trong thời gian vừa qua, ba địa phương đã tổ chức chương trình  khảo sát nhằm đánh giá tiềm năng và thực trạng tuyến, điểm du lịch của 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn. Từ đó, đề xuất định hướng phát triển sản phẩm du lịch và khả năng liên kết các tuyến, điểm du lịch của các tỉnh theo quốc lộ 1A, tăng cường thu hút khách du lịch trong thời gian tới. Sau chuyến đi, đoàn khảo sát đã có cuộc họp với đại diện của 3 tỉnh để đánh giá thực trạng tiềm năng du lịch và đưa ra các ý kiến, giải pháp để các địa phương này qui hoạch, xây dựng chiến lược phát triển và hợp tác du lịch. Trong thời gian tới, chương trình liên kết phát triển du lịch Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn sẽ mở ra cơ hội xây dựng các sản phẩm du lịch mới, hình thành các tour, tuyến du lịch nhằm thu hút du khách đến với 3 địa phương; đồng thời, thúc đẩy hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tăng cường sự hợp tác và gắn kết trong khai thác phát triển du lịch giữa cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch của ba tỉnh, thành phố.

Ths.Trương Minh Tiến

Phó Giám Đốc Sở VHTT&DL Hà Nội

0 Bình luận

Loading...