Khai thác ba loại hình du lịch trọng tâm đất Phượng Hoàng

25 Tháng 5, 2020 | Nghiên cứu và Trao đổi

Sau gần một nhiệm kỳ tập trung đầu tư, bản đồ du lịch Yên Dũng (Bắc Giang) đã có nhiều điểm ấn tượng. Ba loại hình trọng tâm: Văn hóa-tâm linh; thể thao-giải trí và sinh thái-nghỉ dưỡng đang tạo nên những nét mới cho vùng đất Phượng Hoàng.
Khai thác ba loại hình du lịch trọng tâm đất Phượng Hoàng

Khơi dậy tiềm năng

Yên Dũng có dãy Nham Biền huyền thoại cùng nhiều địa điểm di tích nổi tiếng, đặc biệt là chùa Vĩnh Nghiêm... được xem là vùng đất có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch. Điều này đã được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhìn nhận, đánh giá từ nhiệm kỳ 2010-2015. Giai đoạn 2016-2020, Huyện ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề số 56-NQ/HU, ngày 14/6/2016 về lãnh đạo phát triển du lịch huyện Yên Dũng. 

Một góc Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng nhìn từ đỉnh Non Vua.

Một góc Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng nhìn từ đỉnh Non Vua.

Đồng chí Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Mục tiêu lớn được Nghị quyết xác định là xây dựng nền tảng ban đầu để hình thành ngành kinh tế du lịch. Tập trung phát triển ba loại hình: Văn hóa-tâm linh, sinh thái-nghỉ dưỡng và thể thao-giải trí; các sản phẩm du lịch độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của huyện; khai thác và bảo tồn hiệu quả tài nguyên du lịch. Phấn đấu đến năm 2020 Yên Dũng trở thành một trong những trung tâm du lịch của tỉnh”.

Thực hiện Nghị quyết, UBND huyện xây dựng Kế hoạch số 30 với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, bám sát thực tiễn, có tính khả thi cao. Thời gian qua, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, những điểm nhấn du lịch nổi bật trên địa bàn. Tập trung cao thu hút đầu tư phát triển du lịch theo các loại hình đã được xác định.

Về du lịch văn hóa-tâm linh, không gian chùa Vĩnh Nghiêm được mở rộng từ 2 ha lên 8,4 ha và đang quy hoạch, đề nghị nâng thành khoảng 40 ha, với nhiều hạng mục mới. Điển hình là Nhà lưu giữ và trưng bày mộc bản; khuôn viên phía trước hồ bán nguyệt, sân tổ chức lễ hội, cổng chào… với kinh phí đầu tư hàng chục tỷ đồng. 

Huyện phối hợp với cơ quan chuyên môn lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm; xây dựng Đề án trưng bày mộc bản trong chùa. Hiện nay nhiều công trình du lịch tín ngưỡng, tâm linh, trong đó có Chính điện của Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng ở thị trấn Nham Biền đã hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu tham quan, vãn cảnh của đông đảo du khách. Ước tính đã có khoảng 100 tỷ đồng đầu tư vào công trình này.

Ngoài ra, chùa Thiên Lai (thuộc thị trấn Nham Biền) đang được xây dựng với kinh phí gần 90 tỷ đồng. Công trình hoàn thành sẽ tạo ra chuỗi điểm du lịch quanh khu vực thị trấn Nham Biền với trung tâm là đỉnh Non Vua, hai bên sườn là hệ thống di tích nổi bật: Chùa Thiên Lai, Thiền viện, chùa Kem…

4 năm qua toàn huyện đã chi gần 49 tỷ đồng tôn tạo, nâng cấp 35 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, qua đó góp phần tạo thêm những điểm nhấn thu hút khách tham quan, du lịch đến địa bàn.

Du khách đến dâng hương, vãn cảnh chùa Vĩnh Nghiêm.   Ảnh: Đỗ Quyên

Du khách đến dâng hương, vãn cảnh chùa Vĩnh Nghiêm.   Ảnh: Đỗ Quyên

Ở loại hình thể thao-giải trí, sân golf dịch vụ huyện Yên Dũng ở xã Tiền Phong khánh thành giai đoạn 1 từ giữa năm 2017, từng bước được khai thác hiệu quả. Với loại hình du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng đã có doanh nghiệp lập dự án và được chấp thuận đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Khe Hang Dầu rộng hơn 36 ha. Dự kiến nơi đây sẽ có khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu dịch vụ thương mại, vui chơi giải trí, bể bơi; khu vực thiền, yoga...

Cần sự kết nối, khai thác hiệu quả

So với nhiều địa phương khác trong tỉnh, Yên Dũng có những lợi thế lớn để phát triển du lịch và thực tế huyện đã có những định hướng chiến lược để khai thác lợi thế ấy. Tuy nhiên, để du lịch thực sự là một thế mạnh của vùng đất Phượng Hoàng, vẫn cần có những bước đột phá.

Thời gian qua, nhằm tăng cường tính gắn kết vùng miền, tạo động lực phát triển công nghiệp - dịch vụ - du lịch, huyện Yên Dũng triển khai nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đường vào chùa Kem (thị trấn Nham Biền), đường nối đường tỉnh 299 với đường tỉnh 293 (Tây Yên Tử) đã hoàn thành. Nhiều tuyến đường khác đang được triển khai. Các tuyến giao thông được mở rộng, nâng cấp là một trong những điều kiện quan trọng để du lịch phát triển.

 

Giai đoạn 2016-2020, huyện Yên Dũng đón gần 1,4 triệu lượt khách đến tham quan (trong đó hơn 50 nghìn lượt khách quốc tế). Doanh thu từ du lịch, dịch vụ du lịch đạt 316 tỷ đồng.

 

Thế nhưng, cái yếu của ngành du lịch vùng đất này ở chỗ cơ sở lưu trú còn ít (chỉ có 34 cơ sở với 380 phòng). Các địa điểm du lịch nổi bật trên địa bàn như chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng hầu như chưa phát triển được các dịch vụ đi kèm. Rất nhiều du khách chỉ đến dâng hương, vãn cảnh trong thời gian ngắn ở đó rồi ra về. Chẳng hạn với chùa Vĩnh Nghiêm – chốn tổ của Thiền phái Trúc lâm nằm ngay bến sông. 

Nhiều người đặt câu hỏi: Vậy việc xây dựng bến thuyền, đưa du khách xuôi dòng từ đó đến với Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương) có nên thực hiện không? Hay như cây gạo ở xã Lãng Sơn nổi tiếng mạng xã hội từ nhiều năm qua. Với địa thế tuyệt đẹp, nằm trên triền đê, bên cạnh dòng sông thơ mộng với bãi bồi, có ruộng đồng phì nhiêu, mùa hoa gạo nở, cây gạo Lãng Sơn đón hàng nghìn lượt người khắp nơi kéo đến chụp ảnh lưu niệm. Thế nhưng, chừng ấy năm tiềm năng này vẫn chưa được khai thác…

Yên Dũng đang từng bước đưa du lịch từ dạng tiềm năng phát triển trở thành một thế mạnh kinh tế. Rất nhiều công sức, trí tuệ và vật chất đã được huyện tập trung đầu tư. Thời điểm này là lúc rất cần sự mạnh dạn, quyết liệt hơn trong khai thác và bảo tồn để du lịch thực sự có những đóng góp tích cực trong ngân sách, góp phần phát triển KT-XH chung của huyện.

Theo Báo Bắc Giang
0 Bình luận

Loading...