Liên kết là xu hướng tất yếu của du lịch

05 Tháng 11, 2014 | Nghiên cứu và Trao đổi

Liên kết là xu hướng tất yếu của du lịch
Liên kết là nguyên lý cơ bản để phát triển du lịch. Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương là 4 tỉnh liền kề thuộc vùng Đông Bắc - Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế tất yếu này. Bốn tỉnh liên kết đều có tài nguyên du lịch phong phú, có nhiều điểm tương đồng về văn hóa địa lý, tạo ra lợi thế để bổ xung, trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch.
Đoàn khảo sát tại nhà khách Khu Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thái Nguyên

Về liên kết, tạo dựng thương hiệu du lịch, ngoài những đặc trưng, thế mạnh riêng của du lịch mỗi tỉnh, hợp tác du lịch, đòi hỏi mỗi tỉnh phải tạo ra các mối liên kết, hợp tác với các tỉnh bạn để cùng phát triển mạnh và tốt hơn. Bắc Giang và Quảng Ninh, liên kết để phát triển điểm đến Yên Tử vì hai tỉnh cùng chung một điểm đến. Đông Yên Tử thuộc Quảng Ninh, Tây Yên Tử thuộc Bắc Giang. Bắc Giang và Thái Nguyên, hai tỉnh giáp ranh có nhiều di tích lịch sử cách mạng, ngoài việc khai thác các điểm đến hiện tại, hai địa phương có thể liên kết khai thác tour du lịch về nguồn “Từ ATK Hiệp Hòa đến ATK Tỉn Keo - Phú Đình”. Đây là tour du lịch có khả năng thu hút khá đông khách du lịch. Ngoài việc dã ngoại, nhìn ngắm phong cảnh quê hương đất nước, tour du lịch này còn giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay. Hải Dương và Bắc Giang, hai tỉnh đều nổi tiếng với sản phẩm vải thiều. Bên cạnh đó hai địa phương còn có những điểm du lịch khá tương đồng, có thể liên kết tạo chuỗi điểm đến mang tính văn hóa tâm linh: Đền Kiếp Bạc, Thiền viên Trúc lâm – Phượng Hoàng, chùa Vĩnh Nghiêm, khu du lịch Suối Mỡ. Đây là chuỗi điểm đến có khoảng cách gần, tính tâm linh cao, dễ thu hút du khách thành tâm tín ngưỡng.
Đoàn khảo sát tại khu di tích Tỉn Keo, Thái Nguyên

Thực tế đã cho thấy, hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác, du lịch rất cần liên kết. Bởi mỗi địa phương không thể đơn thương độc mã phát triển, vì không thể đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực độc lập, cũng như không đủ tiềm lực để tạo ra những hiệu ứng hay chiến dịch quảng bá trong và ngoài nước. Ví dụ cụ thể thế mạnh du lịch ở các tỉnh miền Trung Việt Nam là du lịch biển, vì miền Trung tỉnh nào cũng có biển, nhưng biển ở mỗi tỉnh có sự phân bổ tiềm năng khác nhau. Vì thế phải dựa vào sự khác biệt để tạo ra sản phẩm. Còn quảng bá xúc tiến, một tỉnh khó có thể đủ sức, đủ tiền để đi nước ngoài quảng bá, nếu liên kết sẽ tạo ra hiệu quả cao hơn. Cho nên liên kết là một yêu cầu khách quan, là xu thế tất yếu, là trải nghiệm mà các vùng miền đúc kết từ thực tiễn nhiều năm trước. Vì vậy 4 tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, TháiNguyên, Hải Dương không thể không theo xu thế tất yếu này
Việc liên kết phát triển du lịch giữa 4 tỉnh phụ thuộc rất lớn vào vai trò của công tác quản lý nhà nước về du lịch. Vai trò này thể hiện qua công tác quy hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Quá trình liên kết, các cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, xây dựng cơ chế chính sách, cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa, công khai minh bạch, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào các địa phương tham gia liên kết. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch phải tạo dựng được hành lang pháp lý để các doanh nghiệp du lịch có cơ sở thực hiện. Muốn làm được điều đó, về mặt quản lý nhà nước phải có văn bản cụ thể, đưa ra các phương án cho lĩnh vực quản lý nhà nước và doanh nghiệp cùng tham gia lựa chọn: Liên kết theo hình thức nào, liên kết giữa các doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước; liên kết giữa các địa phương với nhau, các doanh nghiệp với nhau; liên kết đầu tư hạ tầng, đầu tư phát triển sản phẩm, tạo ra sự hỗ trợ với nhau nhưng không trùng lắp về sản phẩm du lịch; liên kết về đào tạo nguồn nhân lực; liên kết trong hoạt động quảng bá, xúc tiến; liên kết trong tổ chức các sự kiện nhằm tạo hiệu ứng thu hút du khách…
Riêng tỉnh Bắc Giang và tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản thông báo số 02- TB/TU/LT ngày 8 tháng 9 năm 2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh và Bắc Giang về một số chủ chương hợp tác phát triển giữa hai địa phương đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Về lĩnh vực du lịch, thông báo nêu rõ: Chỉ đạo ngành chức năng xúc tiến hợp tác khai thác những thắng cảnh du lịch trọng điểm của hai tỉnh, đặc biệt là khu danh thắng Yên Tử, nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu du khách, tập chung các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái và du lịch cộng đồng; chỉ đạo phối hợp chặt chẽ, lập hồ sơ đề xuất cơ quan chức năng công nhận Khu di tích thắng cảnh Yên Tử trở thành di sản thế giới trong năm 2016. Cải tạo và nâng cấp tuyến giao thông Sơn Động – Hoành Bồ để phục vụ tốt cho hoạt động hợp tác du lịch hai tỉnh. Hợp tác xúc tiến quảng bá du lịch tại các sự kiện du lịch lớn trong nước và quốc tế, thiết lập các tour, tuyến kết nối du lịch giữa hai tỉnh. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu, hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề; phối hợp đào tạo nguồn nhân lực du lịch, chú trọng đào tạo, sử dụng hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp tại các tuyến điểm du lịch của hai tỉnh.
Từ thực tế và quan điểm chỉ đạo về liên kết du lịch giữa hai tỉnh Bắc Giang – Quảng Ninh, đây là điều kiện thuận lợi để du lịch Bắc Giang triển khai mở rộng liên kết với các tỉnh Thái Nguyên và Hải Dương. Thắt chặt liên kết, nhằm tạo ra sản phẩm từ chương trình liên kết du lịch, giữa 4 tỉnh cần có những định hướng cơ bản như sau:
1. Xây dựng thương hiệu chung, cùng khai thác giữa Bắc Giang và các tỉnh liên kết
- “Bắc Giang – Quảng Ninh, đường về non thiêng Yên Tử”
- “Từ ATK Hiệp Hòa đến ATK Tỉn Keo – Phú Đình”
- “Từ cây vải Tổ đến vùng vải thiều lớn nhất Việt Nam”
2. Liên kết xây dựng các sản phẩm quảng bá, xúc tiến du lịch chung. Xuất bản tập gấp du lịch 4 tỉnh. Làm phim quảng bá du lịch 4 tỉnh. Xây dựng gian trưng bày của 4 tỉnh tại các hội chợ xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.
3. Liên kết các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chung của 4 tỉnh. Tổ chức đón các đoàn FAMTRIP trong và ngoài nước đến khảo sát, tuyên truyền, tạo hình ảnh về sản phẩm du lịch đặc thù và sản phẩm liên kết giữa 4 tỉnh.
4. Liên kết doanh nghiệp du lịch xây dựng các tour, tuyến du lịch chung.
5. Hỗ trợ các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch riêng của các tỉnh tham gia liên kết.
Hoạt động liên kết trên sẽ được triển khai theo từng bước cụ thể và đi đến ký biên bản hợp tác liên kết phát triển du lịch 4 tỉnh./. 
 Chu Bá Triển
Trưởng phòng NVDL sở VHTTDL Bắc Giang
0 Bình luận

Loading...