Những kinh nghiệm quý báu sau các chuyến khảo sát học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh bạn

07 Tháng 5, 2015 | Nghiên cứu và Trao đổi

Những kinh nghiệm quý báu sau các chuyến khảo sát học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh bạn
Khát quát vài nét về Du lịch Bắc Giang
Phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng tâm của tỉnh, đó là một trong những nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh tỉnh Bắc Giang lần thứ XVII đã đề ra. Nhìn vào thực trạng của du lịch Bắc Giang hiện nay, nếu đem các số liệu về lượng du khách, doanh thu từ các dịch vụ du lịch của Bắc Giang để so sánh với một số tỉnh lân cận chưa nói đến những tỉnh lớn thì quả thật thấy sự chênh lệch không nhỏ, mặc dù chúng ta có rất nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn, đặc biệt có nhiều di sản được UNESCO và Quốc gia công nhận. Nhưng vì sao du lịch Bắc Giang chưa phát triển? có rất nhiều lý do để giải thích nguyên nhân. Nhưng một điều ai quan tâm đến du lịch đều cũng nhận thấy bởi chúng ta chưa có những chiến lược dài hơi cho sự nghiệp phát triển du lịch, chưa có những chính sách ưu tiên, ưu đãi cụ thể, hấp dẫn để các nhà đầu tư đến với Bắc Giang. Bên cạnh đó, vấn đề nguồn nhân lực cũng là vấn đề hết sức lo ngại, chưa đáp ứng được nhu cầu công việc đặt ra trong tình hình hiện nay. Trong công tác quản lý và điều hành du lịch, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong việc định hình, định hướng cho sự phát triển du lịch bền vững của tỉnh.
Người xưa kia có câu “ Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, trước mắt để khắc phục tình trạng trên thì việc đầu tiên du lịch Bắc Giang cần tổ chức các đoàn đi khảo sát học tập kinh nghiệm của một số tỉnh để nghiên cứu, học tập, lựa chọn đưa ra những định hướng giải pháp hữu hiệu hơn nữa áp dụng vào thực tiễn du lịch của tỉnh. Và thực tế Bắc Giang đã tổ chức triển khai nhiều chương trinh khảo sát học tập trao đổi kinh nghiệm thực tế từ các tỉnh : TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Lào Cai… và một số tỉnh khác có các tài nguyên du lịch tương thích với Bắc Giang.
Những bài học kinh nghiệm phát triển du lịch sau những chuyến khảo sát thực tế
Từ những chương trình khảo sát, học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh bạn đến nay chúng ta đã đúc kết được một số kinh nghiệm hữu ích về công tác phát triển du lịch như sau:
Trước hết về phía tỉnh, cần ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh theo từng giai đoạn (quy hoạch ngành VHTTDL). Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố căn cứ vào quy hoạch ngành để triển khai công tác xây dựng quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn huyện, thành phố nhằm phân định danh giới và quỹ đất dành cho phát triển du lịch, đặc biệt là quỹ đất vàng là nơi có các tài nguyên du lịch nổi trội, có điều kiện phát triển những dự án du lịch lớn, tầm cỡ, quy hoạch những vùng đất sạch, đất trống (không phải giải phóng mặt bằng, đền bù, vướng vào các di tích) để giao cho các nhà đầu tư triển khai các dự án phát trển du lịch. 
Đoàn khảo sát tại Hải Dương

Quy hoạch phát triển du lịch của huyện, thành phố là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý tài nguyên du lịch khi chưa có điều kiện khai thác, không để các dự án đầu tư khác chiếm lĩnh mất vị trí, làm phá vỡ cảnh quan thiên nhiên sinh thái và văn hoá. Quy hoạch phát triển du lịch sẽ giúp các nhà đầu tư nghiên cứu về tiềm năng và định hướng phát triển từng khu, điểm du lịch để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Ban hành các quy định về bảo vệ môi trường. Căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội, có thể điều chỉnh một số nội dung trong quy hoạch cho phù hợp. 
Đoàn khảo sát tại Bảo tàng Thái Nguyên

Đối với cấp huyện, thành phố: Triển khai quy hoạch các khu, điểm du lịch trên địa bàn, báo cáo kịp thời khó khăn thuận lợi. Triển khai việc lập quy hoạch phát triển du lịch của địa phương. Trong quy hoạch nên khai thác các thế mạnh của địa phương về cảnh quan, về di tích văn hoá, lịch sử, các lễ hội truyền thống của địa phương và một số ngành nghề thủ công mỹ nghệ gắn với bản sắc truyền thống văn hoá dân tộc để phục vụ, thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, quan tâm tới việc xây dựng các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, điểm du trên địa bàn quản lý. Chú trọng đến công tác phát triển du lịch, nghiên cứu đề xuất các chủ trương chính sách về khuyến khích thu hút đầu tư phát triển du lịch tại địa phương. Tuyên truyền quảng bá, tạo môi trường thuận lợi để thu hút, kêu gọi các chủ đầu tư lập dự án đầu tư nhằm khai thác tiềm năng du lịch của địa phương. Tổ chức tốt các lễ hội truyền thống của địa phương. Thực hiện tốt việc quản lý các khu, điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn góp phần đưa hoạt động du lịch vào nề nếp. Tích cực tuyên truyền vận động người dân địa phương tham gia hưởng ứng các phong trào bảo vệ và gìn giữ môi trường tự nhiên, các di tích đình, đền, chùa, miếu, mạo..
Đoàn khảo sát tại Hòa Bình 

Đối với ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch, với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn. Công tác triển khai và thực hiện chủ trương, chính sách, quy định của Nhà nước về phát triển du lịch cũng được thực hiện nghiêm túc như Luật Du lịch, các Thông tư, Nghị định của Chính phủ, của Bộ VH, TT&DL về quản lý hoạt động kinh doanh lưu trú, kinh doanh lữ hành, hướng dẫn và xúc tiến du lịch... Đây là cơ sở pháp lý cho việc tổ chức quản lý nhà nước về các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Điển hình là công tác hướng dẫn, tuyên truyền triển khai sâu rộng các chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động du lịch tới các đối tượng quản lý. Tập trung chỉ đạo công tác lập quy hoạch và lập dự án đầu tư hạ tầng một số khu, điểm du lịch quan trọng của tỉnh.
Những khu, điểm du lịch chưa được đầu tư cần được bảo tồn, tôn tạo cả về di tích và cảnh quan môi trường du lịch. Thực hiện phối hợp nhiều nguồn vốn để nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông tới các khu, điểm du lịch trên toàn tỉnh; đầu tư xây dựng các đập, hồ chứa nước; trồng rừng và bảo vệ rừng nhằm tạo cảnh quan môi trường phục vụ du lịch phát triển. Khuyến khích việc thành lập doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, đồng thời đôn đốc các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa mở rộng thị trường, gắn kết các khu, điểm du lịch trong tỉnh vào các tour, tuyến du lịch với các tỉnh bạn. Đẩy mạnh hoạt động dịch vụ phục vụ tại các khu, điểm du lịch trong tỉnh, đáp ứng mọi nhu cầu đi lại, ăn nghỉ và vui chơi giải trí của du khách. Duy trì, tổ chức tốt các lễ hội truyền thống tại các địa phương trong tỉnh. Quan tâm giữ gìn bản sắc văn hoá của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh, nhất là những nét đẹp văn hoá tiêu biểu của các dân tộc ít người nhằm giới thiệu, phục vụ khách tham quan du lịch. Huy động các nguồn lực để tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử. Tập trung đầu tư, khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc, nổi trội của tỉnh tại các khu, điểm du lịch trọng tâm của tỉnh.
Mặt khác,cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến lĩnh vực du lịch cho đối tượng có nhu cầu; tìm mọi biện pháp giải quyết những khó khăn vướng mắc trong phạm vi quản lý đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh về dịch vụ du lịch; hướng dẫn mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh theo đúng quy định. Tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh du lịch phát triển và từng bước đi vào nề nếp, tiếp tục động viên kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm đối với những đơn vị và cá nhân có những vi phạm. Hướng tới sự cạnh tranh lành mạnh để nâng cao năng lực phục vụ tốt khách du lịch.
Phối hợp mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và chủ các cơ sở kinh doanh du lịch tại tỉnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích học viên tham gia. Sở VHTTDL phải thường xuyên phối hợp với các ban, ngành khác trong tỉnh như Sở Kế hoạch-Đầu tư, Sở Tài Nguyên-Môi trường, Sở Tài Chính-Vật Giá, Sở GT-VT, Công an tỉnh, Đài THBG, Báo Bắc Giang... để tổ chức phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện cho sự phát triển du lịch tỉnh.
Trong công tác hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá du lịch, giới thiệu về những danh lam thắng cảnh, những di tích văn hoá lịch sử; những nét văn hoá và lễ hội đặc sắc khác của Bắc Giang đến với du khách trong và ngoài nước. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền: Tuyên truyền quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng như trang thông tin điện tử, tạp trí ấn phẩm, bản tin du lịch, phát hành rộng rãi đĩa VCD giới thiệu về du lịch Bắc Giang... 

Đoàn khảo sát tại Huế 
Thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo, đài trong và ngoài tỉnh để tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Bắc Giang đến với du khách. Đặc biệt cần làm tốt công tác liên kết phối hợp với các ngành, đơn vị, tổ chức liên quan trong và ngoài tỉnh trong công tác xúc tiến quảng bá để đẩy nhanh và mạnh hơn nữa hiệu quả của việc tuyên truyền.
Các đơn vị kinh doanh du lịch: Xây dựng các phương án kinh doanh, sắp xếp tổ chức sản xuất kinh doanh theo mô hình phù hợp trên cơ sở đảm bảo gọn nhẹ, hiệu quả. Xúc tiến mở rộng nhiều ngành nghề dịch vụ kinh doanh theo xu thế mới dựa vào nhu cầu thực tế, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh. Bổ sung trang thiết bị phù hợp, đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất tại một số phòng ăn, nghỉ, quầy bar…. Quan tâm tuyển dụng, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch đảm bảo có trình độ chuyên sâu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Cần gắn kết chặt chẽ trong việc liên kết xây dựng tour, tuyến nhằm khai thác phục vụ khách du lịch. Cần có sự cạnh tranh lành mạnh về giá thành và chất lượng dịch vụ. Cần có sự đầu tư các hạng mục công trình du lịch, cải tiến đổi mới và có các chính sách khuyến mãi nhằm thu hút du khách. Tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong quản lý, xúc tiến, khai thác thị trường.
Từ những chuyến đi khảo sát thực tế tại các tỉnh bạn, Bắc Giang đã đúc rút học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu từ đó có thể lựa chọn, áp dụng một cách linh hoạt phù hợp với điều kiện tình hình thực tiễn cụ thể du lịch của tỉnh nhà. Đặc biệt, qua các chương trình khảo sát, học tập, trao đổi kinh nghiệm ngoài việc giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm chuyên môn: Công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, tài nguyên du lịch tỉnh …đồng thời còn là bước tạo đà xây dựng các mối quan hệ, hợp tác, liên kết cùng phát triển giữa Du lịch Bắc Giang với các tỉnh, thành phố trong cả nước tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh, mạnh hơn nữa sự phát triển của du lịch Bắc Giang trong tương lai không xa.
Bài, ảnh Trần Anh Tuấn 
0 Bình luận

Loading...