Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng

07 Tháng 4, 2015 | Nghiên cứu và Trao đổi

Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng
Bắc Giang được biết đến là vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, truyền thống cách mạng và tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú cùng với đó là những ưu thế về giao thông là những thế mạnh cho phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và tâm linh. Với đặc trưng và thế mạnh đó, trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng để phục vụ du khách như: Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, văn hóa tâm linh, làng nghề truyền thống.
Du lịch văn hóa tâm linh
Từng được người xưa ví là vùng đất “phên dậu”, một trong “tứ trấn” trọng yếu của đất nước, Bắc Giang từng là nơi ngăn chặn, chiến trường lớn của quân dân cả nước chống lại những cuộc xâm lăng của các triều đại phong kiến phương Bắc xưa. Sử xanh bia đá còn ghi những dấu tích lịch sử nổi tiếng như địa danh phòng tuyến sông Cầu của quân dân nhà Lý chống quân xâm lược Tống; Nội Bàng, Xa Lý của quân dân nhà Trần chống quân Nguyên - Mông; Cầm Trạm - Xương Giang của quân dân nhà Lê chống quân Minh đã chôn vùi mộng xâm lăng của các đạo quân xâm lược phương Bắc, mãi mãi đi vào lịch sử chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc Việt Nam. Bắc Giang còn biết đến là vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử văn hoá với 2.230 di tích lịch sử văn hoá, kiến trúc (gần 600 di tích đã được xếp hạng). Dân ca Quan họ và Ca trù được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại, hát then, hát Soong hao (Lục Ngạn), hát ví, hát ống (Liên Chung, Tân Yên), điểm di tích Tiên Lục, cây dã hương ngàn năm tuổi (Lạng Giang), kho mộc bản hơn 3000 bản tại chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO công nhận là di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Cùng với đó Bắc Giang có rất nhiều lễ hội phong phú và đa dạng được tổ chức vào dịp đầu xuân, mỗi lễ hội mang đậm nét văn hóa đặc sắc riêng của từng địa phương 

Quang cảnh lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm
Du lich sinh thái nghỉ dưỡng
Bắc Giang có nhiều vùng đất trung du trải rộng xen kẽ với các vùng đồng bằng phì nhiêu, rừng nguyên sinh còn khá nhiều, đặc biệt là trên 7.000 ha rừng tại Khe Rỗ (xã An Lạc, huyện Sơn Động), cách thị trấn An Châu hơn 10 km, với hơn 200 loài thực vật, 250 loài dược liệu, 40 loài thú, 70 loài chim, 20 loài bò sát và đặc biệt là 7 loài quý hiếm. Ngoài ra, rừng nguyên sinh Tây Yên Tử đang được bảo tồn với diện tích tự nhiên gần 15.000 ha gồm nhiều chủng loại cây hỗn giao phong phú, động vật rừng quý hiếm.
Cùng với rừng núi, tỉnh còn có hệ thống sông, suối xen kẽ nổi tiếng trong vùng như: hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn) rộng gần 3.000 ha, các hồ Khuôn Thần, làng Thum, Lòng Thuyền (Lục Ngạn), suối Nứa (Lục Nam), sông Sỏi (Yên Thế)… Mỗi hồ rộng hàng trăm ha với dáng vẻ đặc trưng riêng về sinh thái của mình. Có hồ chứa hoặc đang triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng dịch vụ nhưng vẫn thu hút hàng vạn du khách tới thăm. Suối Mỡ (Lục Nam) là một thắng cảnh có di tích văn hoá hấp dẫn, đang tiếp tục xây dựng thêm các cơ sở dịch vụ. Ngoài ra với những trang trại trồng cây ăn quả ngút ngàn tầm mắt với đặc sản vải thiều Lục Ngạn nổi tiếng trong và ngoài nước....các khu, điểm sinh thái nghỉ dưỡng như: du lịch cộng đồng Khe Rỗ (Sơn Động), Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam), Khu du lịch sinh thái tâm linh Núi Dành (Tân Yên)… 

Hồ Khuôn Thần - Lục Ngạn
Du lịch làng nghề
Với lịch sử hình thành lâu đời, là nơi quần cư của nhiều dân tộc anh em, Bắc Giang đã hình thành nên những làng nghề cổ truyền vừa mang nét tiêu biểu của văn hóa Kinh Bắc, văn hóa vùng đồng bằng Sông Hồng vừa mang nét văn hóa của các dân tộc vùng trung du, miền núi Bắc Bộ. Bắc Giang có nhiều làng nghề truyền thống với những sản phẩm phong phú và đa dạng như Làng nghề Mây tre đan Tăng tiến (Việt Yên) là làng nghề truyền thống được hình thành và phát triển trên 300 năm các sản phẩm được làm từ mây, tre với các mẫu mã sản phẩm phong phú, đa dạng được sản phẩm mây tre đan được xuất khầu ra các nước trên thế giới như thị trường Nga, EU, Mỹ… Làng nghề Bánh đa Kế thuộc xã Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) có từ lâu đời bánh đa được làm từ gạo được chế biến công phu qua nhiều công đoạn để có một sản phẩm thơm ngon tạo nên hương vị đặc trưng mà không có nơi đấu có được; Gốm làng Ngòi thuộc xã Tư Mại (Yên Dũng) đây là làng nghề từ lâu đã bị lãng quên những năm gần đây đã được khôi phục và từng bước đã khẳng định được thương hiệu riêng của mình, các sản phẩm của gốm Làng Ngòi rất phong phú, đa dạng mang những nét ngộ nghĩnh, mộc mạc, dân dã, gần gũi nhưng rất độc đáo về nghệ thuật trang trí bởi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân nơi đây, tất cả tạo nên một phong cách riêng.

Để xây dựng được ngững sản phẩm du lịch đặc trưng phục vụ khách du lịch đến với Bắc Giang, hiện ngành VHTTDL đang tập trung triển khai một số giải pháp tích cực.
Trước hết cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức vị trí, vai trò và hành động trong phát triển du lịch. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý điều hành của chính quyền, sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể nhân dân trong phát triển du lịch.
Cần làm tốt công tác quy hoạch chiến lược về các điểm, tuyến điểm du lịch. Tiếp tục đổi mới và nâng cao công tác quản lý và tổ chức đào tạo nguồn nhân lực,liên kết tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ kinh doanh du lịch và sản phẩm du lịch. Đặc biệt quan tâm đến việc đào tào tập huấn đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên tại các điểm du lịch.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước về du lịch Bắc Giang. Mở rộng rộng việc xúc tiến, tăng cường sự liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng như Hà Nội, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Phòng…. Nhằm thu hút đầu tư phát triển du lịch.
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, xây dựng cơ chế ưu đãi thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch, xã hội hóa công tác quản lý, đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch và phát triển kinh tế hạ tầng. Kêu gọi đầu tư xây dựng một số điểm du lịch trọng tâm của tỉnh như: Khu du lịch Tây Yên Tử, Khu du lịch sinh thái Suối mỡ, di tích chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, khu di tích Hoàng Hoa Thám, Khu an toàn khu II….khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách của Trung ương, của địa phương cho phát triển du lịch
Với những thế mạnh trên Bắc Giang là tiềm năng, là nguồn tài nguyên cho phát triển du lịch đã và đang được khai thác, phát triển góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà trong giai đoạn hiện nay.

Bài Giáp Văn Cường
0 Bình luận

Loading...