Phát triển tour, tuyến du lịch Lục Nam, Lục Ngạn Trong sự phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang

18 Tháng 9, 2014 | Nghiên cứu và Trao đổi

Phát triển tour, tuyến du lịch Lục Nam, Lục Ngạn Trong sự phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang

Bắc Giang là tỉnh miền núi, thuộc miền trung du, cách thủ đô Hà Nội khoảng 50 km về phíaBắc. có diện tích 3.816,7 km2 , dân số khoảng  1,6 triệu người, gồm 20 dân tộc sinh sống trongđó có 08 dân tộc chủ yếu: Kinh, Tày, Nùng, Hoa, Sán Dìu, Sán Chỉ, Cao Lan, Dao. Đơn vị hànhchính gồm thành phố Bắc Giang và 09 huyện. Địa hình đa dạng, vừa miền núi, vừa trung du lạicó đồng bằng xen kẽ. Khí hậu tương đối ôn hòa. Hệ thống giao thông thuận tiện với đường bộ,đường sắt và đường sông. Bắc Giang là một miền quê yên bình với những trang trại trồng câyăn quả trải ngút tầm mắt, nhiều thắng cảnh còn nguyên sơ. Được mệnh danh là "miền đất cổ" –một trong những quê hương sinh tụ và phát triển đầu tiên của dân tộc Việt Nam, nơi đây cónhiều di tích lịch sử, văn hóa, gắn liền với truyền thống lao động  và đấu tranh cách mạng củacon người kinh Bắc nổi danh từ trong lịch sử dựng nước và giữ nước; được ví là phên dậu củathủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước, là một trong “tứ trấn” trọng yếu làm nên những trang sửchống giặc ngoại xâm oanh liệt… Tất cả góp cho Bắc Giang một tiềm năng to lớn để phát triểnkinh tế, du lịch đặc biệt là du lịch văn hóa và sinh thái.

Phát triển du lịch cần phải xem xét đến tài nguyên du lịch, nói đến tài nguyên du lịch người ta thường đề cập đến 2 vấn đề cơ bản là điều kiện tự nhiên và văn hoá. Thực tế cho thấy thuận lợi hay khó khăn của việc phát triển du lịch bao giờ cũng phụ thuộc trước hết vào 2 yếu tố đó.

Lục Nam, Lục Ngạn là hai huyện nằm dọc phía Đông bắc của thành phố Bắc Giang

 

Phong cảnh suối Mỡ, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam. Ảnh TTXTDL

1. Lục Nam:

Là huyện miền núi, có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch như Suối Mỡ: một quần thể thắng cảnh di tích được Bộ Văn hoá - Thông tin cấp bằng công nhận di tích lịch sử- văn hoá vào năm 1988. Nơi đây có con suối chẩy quanh co trong thung lũng núi Huyền Đinh- Yên tử. Bên bờ suối có các toà đền Thượng, đền Trung, đền Hạ được xây dựng từ thời nhà Lê ( thế kỷ 15-16) phụng thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn là Quế Mỵ Nương, tương truyền là con gái thứ 10 của vua Hùng Định Vương có công khai khẩn vùng đất này. Quần Thể thắng tích Suối Mỡ còn có chùa Hồ Bấc, khu Ba Dinh Bẩy Nền, đền Trần, bãi Quần Ngựa, đình Xoan, đền Cổng Xanh và đền Trò. Đặc biệt lễ hội Suối Mỡ hàng năm thu hút rất đông khách thập phương đến dự và thăm quan du lịch. Đánh giá cao tiềm năng du lịch của Suối Mỡ, Tỉnh đã chọn dự án xây dựng hạ tầng Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ làm dự án mở đầu cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch của tỉnh, đây là yếu tố thuận lợi để Suối Mỡ- Lục Nam có điều kiện phát triển du lịch.

2. Lục Ngạn:

Cách Lục Nam 10 km về phái Đông Bắc Lục Ngạn cùng là một huyện miền núi được hình thành và phát triển từ rất sớm, diện tích tự nhiên là 101 km2, dân số hơn 20 vạn người, với 8 dân tộc anh em là: Kinh, Tày, Nùng, Sán Chí, Sán Dìu, Hoa, Dao, Cao Lan, sinh sống đan xen ở các làng, bản tạo nên sự giao thoa văn hoá đặc sắc mà ít nơi nào có được. Những giá trị văn hoá phi vật thể của các dân tộc vẫn còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn như: trang phục, phong tục, các làn điệu dân ca Sloong hao, Sli, lượn, hát đối… Huyện Lục Ngạn là nơi có bề dày về truyền thống lịch sử - văn hóa. Đây cũng là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh có thể tạo nên những điểm tham quan du lịch hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu về ngọn nguồn lịch sử. Đó là ải Nội Bàng, ải Xa Lý, với các di tích và danh lam thắng cảnh đẹp như đền Từ Hả (đền Hả), đền Quan Quận, hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần và núi Am Vãi - nơi in dấu bàn chân Phật.

 

Hồ Khuôn Thần, xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn. Ảnh TTXTDL

Như vậy với đặc điểm của hai huyện trên, khi đã có một khu du lịch hay một điểm du lịch, muốn nó được phát triển, thu hút được nhiều khách thăm quan thì phải đưa được khu, điểm du lịch đó vào nhiều tour, tuyến du lịch khác nhau để tạo cho khách du lịch có cơ hội đến thăm quan trong cùng một cuộc hành trình, hay nói cách khác là phải phát triển tour, tuyến du lịch Lục Nam, Lục Ngạn trong sự phát triển du lịch chung của tỉnh và các vùng phụ cận, đó chính là vấn đề cơ bản chúng tôi muốn trao đổi ý kiến trong hội thảo này.

Để phát triển tour, tuyến du lịch ta cần hiểu rõ khái niệm về nó: Tuyến du lịch là lộ trình nối các điểm du lịch, khu du lịch khác nhau gắn với hệ thống giao thông và các dịch vụ dọc tuyến. Còn tour du lịch là những dịch vụ nằm trong chương trình của khách du lịch đã được lên kế hoạch. Qua đó ta thấy, để phát triển tour, tuyến du lịch cần quan tâm đến 3 vấn đề cơ bản:

Thứ nhất: Phải nối được nhiều khu, điểm du lịch cùng nằm trên một lộ trình và không quá xa nhau;

Thứ hai: Giữa các khu, điểm du lịch trên cùng một tuyến phải có hệ thống giao thông thuận lợi;

Thứ ba: Tại các khu, điểm du lịch và trên dọc tuyến phải có các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Vậy, chúng ta cùng xem xét từng vấn đề liên quan đến phát triển tour, tuyến du lịch Lục Nam, Lục Ngạn:

*Vấn đề thứ nhất: Khả năng kết nối các khu, điểm du lịch của Lục Nam, Lục Ngạn  với các khu, điểm du lịch khác trong tỉnh và phụ cận:

Lục Nam là huyện có vị trí địa lý tương đối thuận lợi, cách thành phố Bắc Giang 20 km, Phía đông bắc giáp với huyện Lục Ngạn: nơi ẩn chứa nhiều tiềm năng du lịch; đó là hồ Khuôn Thần thơ mộng, là hồ Cấm Sơn hùng vĩ,  là di tích đền Hả, đền Khánh Vân, chùa Am Vãi, là những trang trại trồng vải thiều ngút ngàn tầm mắt nổi tiếng trong cả nước… Vẫn cùng tuyến đường, ngược lên phía đông bắc khoảng 60 km là khu rừng nguyên sinh Khe Rỗ - Sơn Động: nơi có hệ động thực vật và dược liệu vô cùng phong phú, có nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ, đây là khu rừng tiêu biểu nhất của cả vùng Đông Bắc. Phía tây nam Lục Nam giáp Lạng Giang: nơi có cây Dã Hương ngàn năm tuổi tại khu di tích đình chùa Tiên Lục. Ngoài ra khoảng cách từ Lục Nam, Lục Ngạn tới các khu, điểm du lịch khác trong tỉnh cũng rất gần (điểm xa nhất cũng không quá 60 km); đó là di tích thành Xương Giang (Bắc Giang), di tích khởi nghĩa nông dân Yên Thế, di tích cách mạng ATK2 Hoàng Vân, đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hoà), di tích chùa Đức La, làng nghề Mây tre đan Tăng Tiến( Yên Dũng), chùa Bổ Đà, đình chùa Thổ Hà( Việt Yên)…

 Hơn thế nữa hai huyện còn nằm trên một giao diện du lịch khá rộng lớn, có khả năng kết nối với các khu, điểm du lịch của các tỉnh phụ cận như Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh và Hà Nội.

 Với những thuận lợi như trên, khả năng nối kết các khu điểm du lịch của Lục Nam, Lục Ngạn với các khu, điểm du lịch khác trong tỉnh và các tỉnh bạn là rất lớn, đây là điều kiện thuận lợi để tour, tuyến du lịch của hai huyện phát triển.

*Vấn đề thứ hai:Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông nối giữa các khu điểm du lịch trên tuyến

 Bắc Giang là tỉnh tài nguyên du lịch tuy không lớn nhưng tương đối phong phú cả về du lịch sinh thái và du lịch văn hoá, nhưng do tỉnh nghèo, việc đầu tư hạ tầng du lịch hết sức khó khăn, song được sự quan tâm của Trung ương, Tỉnh Uỷ - UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp các ngành trong tỉnh phối kết hợp lồng ghép các chương trình để nâng cấp, cải tạo và trải nhựa được hầu hết các tuyến đường tới các khu, điểm du lịch trong toàn tỉnh. Đặc biệt năm 2002 đã xây dựng xong cầu Lục Nam, tạo điều kiện tốt cho việc thông tuyến đường bộ giữa khu du lịch Suối Mỡ - Lục Nam tới các khu điểm du lịch khác trong toàn tỉnh.

 Đối với các tỉnh phụ cận: Bắc Giang có quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn chạy qua nên rất thuận tiện về giao thông tới Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội và Quảng Ninh. Ngoài ra Bắc Giang còn có nhiều sông lớn như sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam thông thương với các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương và Hà Nội;  thuận lợi cho việc phát triển tour, tuyến du lịch Bắc Giang nói chung và Lục Nam nói riêng.

* Vấn đề thứ ba:Khả năng cung cấp các dịch vụ (sản phẩm) du lịch tại các khu, điểm du lịch và trên dọc tuyến

Nói đến sản phẩm du lịch chúng ta nên hiểu là toàn bộ những gì mà hoạt động du lịch mang lại cho du khách trong một chuyến du lịch (Tour du lịch). Ví dụ như du khách được phục vụ đưa đón bằng phương tiện chuyên dùng để thăm quan những danh lam thắng cảnh, những di tích văn hoá lịch sử, hay được hoà mình trong cuộc sống thường nhật của người dân bản địa… Thông qua đó, du khách được thư giãn, được vui chơi giải trí, được khám phá những điều mới mẻ của những vùng, miền quê khác nhau với những phong tục tập quán khác nhau. Và tất nhiên trong suốt cuộc hành trình đó, du khách phải được phục vụ chu đáo nơi ăn, chỗ nghỉ để cảm nhận được văn hoá ẩm thực của từng địa phương.

Trong điều kiện thực tế tỉnh ta cho thấy khả năng cung cấp các sản phẩm du lịch là rất yếu. Các khu, điểm du lịch của chúng ta chỉ là tiềm năng, hầu hết chưa được đầu tư hạ tầng du lịch, chỉ cố một vài khu, điểm được đầu tư như Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám… Do vậy trong những năm qua du lịch tỉnh ta chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có. Tại các khu, điểm du lịch của tỉnh chưa hình thành các dịch vụ phục vụ khách du lịch, hoặc có cũng rất lẻ tẻ và manh mún, chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Vì vậy các tour, tuyến du lịch của tỉnh mặc dù đã hình thành, đã xây dựng chương trình du lịch để quảng bá đón khách nhưng có rất ít khách đi tour. Đây là một thách thức rất lớn đòi hỏi phải có một cơ chế chính sách mở và đồng bộ để thu hút sự quan tâm đầu tư của mọi thành phần kinh tế mới có thể cải thiện được tình hình hiện nay.

Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào đểphát triển tuyến du lịch dọc theo hai huyện? Theo tôi chúng ta nên quan tâm đến những nội dung cơ bản sau:

1. Công tác quy hoạch:

Cho tới nay huyện Lục Nam, Lục Ngạn vẫn chưa có quy hoạch tổng thể phát triển du lịch riêng của huyện, do vậy cần xúc tiến ngay việc lập quy hoạch để khoanh vùng cho từng khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện, làm cơ sở cho việc kêu gọi vốn đầu tư. Khi lập quy hoạch nên chú ý sử dụng triệt để những tiềm năng du lịch sẵn có và khai thác thêm những yếu tố thuận lợi như: quy hoạch thêm một số trang trại trồng trọt và chăn nuôi điển hình nhất, giao thông thuận tiện để đưa vào lộ trình phục vụ khách du lịch; hoặc quy hoạch những trang trại mới và con vật nuôi phục vụ khách du lịch như: nuôi hươu, dê, cá sấu ... Cần khảo sát để phát triển một số bản làng điển hình mang đậm nét văn hoá dân tộc  đặc sắc nhất về phong tục tập quán sinh sống, về lời ca tiếng hát, cách thức sản xuất thủ công... để xây dựng thành điểm phục vụ khách du lịch. Đồng thời cần quy hoạch mở rộng lộ trình du lịch sang các địa bàn lân cận để kéo dài các tour, tuyến du lịch như thông tuyến Suối Mỡ sang Côn sơn Kiếp bạc - Hải Dương, …. Ngoài ra cần phối kết hợp tốt để quy hoạch hồ chứa nước phía thượng nguồn Suối Mỡ để phục vụ sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước cho Suối Mỡ quanh năm khắc phục được tính du lịch thời vụ.

2. Xây dựng một số tuyến du lịch Lục Nam, Lục Ngạn trong sự phát triển Du lịch Bắc Giang

Căn cứ vào tiềm năng du lịch của huyện Lục Nam, Lục Ngạn nói riêng và của cả tỉnh nói chung, chúng ta nên định hướng cho các nhà đầu tư quan tâm đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho các loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch như khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, khu vui chơi giải trí... để có thể xây dựng một số tuyến du lịch, điển hình như sau:

* Các tuyến du lịch trong tỉnh

- Đáp ứng xây dựng chương trình du lịch từ 1 – 2 ngày

+ Bắc Giang- Suối Mỡ- suối Nước Vàng- Trang trại vườn đồi Lục Ngạn

+ Bắc Giang – Suối Mỡ – suối Nứa – Trang trại vườn đồi Lục Ngạn

+ Bắc Giang – chùa Vĩnh Nghiêm – Suối Mỡ - Đình chùa Thượng Lâm, đình Đông Thịnh.

+ Bắc Giang - Đình chùa Tiên Lục – Suối Mỡ - Đình chùa Thượng Lâm, đình Đông Thịnh.

- Đáp ứng xây dựng chương trình du lịch từ 2– 3 ngày

+ Bắc Giang – Suối Mỡ – suối Nứa – suối Nước Vàng - Đình chùa Thượng Lâm, đình Đông Thịnh – Trang trại vườn đồi Lục Ngạn – Hồ Khuôn Thần – đến Từ Hả.

+ Bắc Giang – Suối Mỡ – suối Nước Vàng – Hồ Khuôn Thần, đền Hả, đền Khánh Vân, chùa Am Vãi – Trang trại vườn đồi Lục Ngạn.

+ Bắc Giang – chùa Vĩnh Nghiêm – Suối Mỡ, suối Nứa – hồ Cấm Sơn – Trang trại vườn đồi Lục Ngạn. 

+ Bắc Giang – Suối Mỡ, Đình chùa Thượng Lâm, đình Đông Thịnh - Đình chùa Tiên Lục – Khu di tích khởi nghĩa Nông dân Yên Thế.

+ Bắc Giang – Khu di tích cách mạng ATK 2 Hoàng Vân (Hiệp Hoà) – Khu di tích khởi nghĩa nông dân Yên Thế - Đình chùa Tiên Lục – Suối Mỡ - Trang trại vườn đồi Lục Ngạn

* Các tuyến du lịch ngoài tỉnh với các vùng lân cận (đáp ứng xây dựng chương trình du lịch từ 3 – 5 ngày).

+ Các tỉnh – Bắc Giang – Suối Mỡ – hồ Cấm Sơn – Hang Gió (Lạng Sơn)

+ Các tỉnh – Bắc Giang – Suối Mỡ – hồ Khuôn Thần – Cửa khẩu Lạng Sơn

+ Các tỉnh – Bắc Giang – Suối Mỡ – hồ Khuôn Thần - rừng Khe Rỗ – rừng Tây Yên Tử

+ Các tỉnh – Bắc Giang – Suối Mỡ – hồ Khuôn Thần - chùa Đức La – Côn sơn Kiếp bạc (Hải Dương)

Các tuyến du lịch trên tuỳ theo thời gian, thời vụ có thể chuyển đổi để ứng dụng phù hợp với nhu cầu của du khách.

3. Thành lập Ban quản lý Khu du lịch

Việc thành lập ban quản lý các khu du lịch sẽ phân định rõ chi tiết danh giới cho từng loại hình kinh doanh, đảm bảo tính thống nhất chung cho toàn khu du lịch, tạo thành hệ thống các dịch vụ hoàn chỉnh đáp ứng nhu cầu của du khách. Mặt khác BQL khu du lịch có trách nhiệm cải tạo môi trường sinh thái bằng cách tái tạo lại các khu rừng quanh khu vực thành những cánh rừng với thảm thực vật và động vật phong phú, hấp dẫn du khách nhằm phát triển các điểm du lịch tại hai huyện này như Suối Mỡ - Lục Nam hay hồ Khuôn Thần - Lục Ngạn thực sự trở thành khu du lịch sinh thái với đúng nghĩa của nó. Nhưng đến nay tỉnh mới chỉ có Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ - Lục Nam hay khu du lịch di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám - Yên Thế đang hoàn thiện đề án thành lập, còn lại các khu du lịch khác là chưa thành lập.

Quan tâm đến việc bảo vệ trật tự an toàn xã hội của khu du lịch. Đề xuất cơ chế phân phối lợi ích giữa các chủ đầu tư với địa phương có khu, điểm du lịch; nhất là với các địa phương có di tích văn hoá- lịch sử.

4. Tăng cường công tác xã hội hoá du lịch

Muốn khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch thì trước hết chúng ta phải làm cho các cấp các ngành và mọi tầng lớp nhân dân phải hiểu rõ vai trò của du lịch. Một ngành kinh tế tổng hợp đem lại lợi ích nhiều mặt cả vật chất và tinh thần, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo cho địa phương, tăng thu nhập xã hội... từ đó ý thức giữ gìn và bảo vệ tài nguyên du lịch sẽ được nâng lên. Đặc biệt trong giai đoạn mở cửa nền kinh tế hiện nay, nhiều giá trị văn hoá có xu hướng bị mai một và đồng hoá thì ý thức bảo vệ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc là vấn đề rất quan trọng tạo ra sự độc đáo riêng thu hút khách du lịch, nhất là văn hoá giao tiếp, văn hoá ẩm thực của người dân địa phương sẽ để lại trong lòng du khách những ấn tượng tốt đẹp về con người, về quê hương của chúng ta giầu lòng mến khách.

Mặt khác cần khuyến khích các tổ chức đoàn thể, cá nhân làm chủ đầu tư các công trình xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, tôn tạo cảnh quan môi trường tại các khu, điểm du lịch trong huyện.

5. Công tác đào tạo và phát triển nhân lực.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, vì vậy đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cũng là yếu tố hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của du lịch. Hiện nay đội ngũ cán bộ làm du lịch của Bắc Giang nói chung và của hai huyện nói riêng đều rất hạn chế, hầu hết chưa được đào tạo chuyên ngành du lịch, trình độ ngoại ngữ rất yếu, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác du lịch trong tình hình mới. Do vậy để phát triển du lịch cần quan tâm tới công tác đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực chuyên ngành du lịch; bao gồm cả nhân lực làm việc cho các cơ sở kinh doanh du lịch, các hộ gia đình làm dịch vụ du lịch, các trang trại, bản làng có hoạt động du lịch ... Trước mắt cần thống kê những cơ sở, hộ gia đình đang kinh doanh du lịch để mở lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ phục vụ khách du lịch, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Như­ vậy sẽ gópp phần thúc đẩy ngành du lịch của chúng ta ngày càng phát triển bền vững./.

 

Phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở VHTTDL Bắc Giang

 

0 Bình luận

Loading...