Tiếp cận để thích ứng xu hướng mới của du lịch

09 Tháng 3, 2021 | Nghiên cứu và Trao đổi

Tiếp cận để thích ứng xu hướng mới của du lịch
Hậu quả của đại dịch Covid tác động nhanh và gây tổn thất lớn đối với nhiều ngành kinh tế trong số đó phải kể đến ngành du lịch, một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp nhất hiện nay. Để đối mặt với thách thức đó ngành du lịch nói chung và du lịch Bắc Giang cần thích ứng kịp thời với các hướng đi phù hợp đảm bảo phục hồi các hoạt động vừa đảm bảo sự an toàn trong tình hình mới.
Đặt trong xu thế chung với nhiều địa phương khác, dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội của Bắc Giang trong đó phải kể đến hoạt động của ngành du lịch. Từ khi đại dịch bùng phát trở lại hầu hết hoạt động, sự kiện lớn trong lĩnh vực văn hóa thể thao du lịch của tỉnh buộc dừng tổ chức. Hàng loạt hoạt động, kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao, du lịch khác cũng đã phải giảm quy mô, hoặc dừng hoạt động. Đặc biệt, dịch Covid-19 bùng phát mạnh vào dịp trước và sau tết Nguyên Đán đúng mùa cao điểm đón khách du lịch lễ hội, tâm linh, trên 400 lễ hội truyền thống (01 lễ hội cấp tỉnh, 03 lễ hội cấp huyện và các lễ hội truyền thống) đã phải giảm quy mô, hoặc dừng tổ chức ( Lễ hội Xương Giang, Lễ hội Yên Thế,…) Các khu, điểm du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh buộc phải tạm dừng đón khách (Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, Khu Du lịch Tây Yên Tử…), hoặc hoạt động dè dặt (Di tích quốc gia đặc biệt Khu Di tích chiến thắng Xương Giang ) để đảm bảo an toàn tránh rủi ro dịch lây lan.

 Hình ảnh vắng vẻ tại Khu di tích chùa Thành - Xương Giang dịp Tết Tân Sửu khi dịch bệnh bùng phát
Theo thống kê của cơ quan chức năng, tại thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp và nóng nhất có tới 14/15 doanh nghiệp cho nhân viên tạm thời nghỉ việc; 01 doanh nghiệp hoạt động với 04/tổng số 14 nhân viên (Công ty Hoàng Long Travel). Hoạt động kinh doanh lưu trú giảm đáng kể như Khách sạn Mường Thanh Bắc Giang, số lao động lúc cao điểm về dịch duy trì ở mức 25 nhân viên/tổng số 135 nhân viên, công xuất phòng giảm trên 90% so với thời kỳ dịch chưa bùng phát trở lại. Bên cạnh đó, các dịch vụ phụ trợ như tổ chức sự kiện, tiệc cưới, nhà hàng….đều bị tạm hủy. Đó cũng là tình trạng chung của nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác trên địa bàn.
Đại điện công ty du lịch ASIAN đóng tại địa bàn tỉnh cho biết từ khi đại dịch bùng phát trở lại doanh nghiệp hoạt động dè dặt cầm chừng. Số lượng khách hàng đăng ký các tour du lịch hầu như không có ; nhiều tour đã bán trước đó bị hủy bỏ. Dịch vụ vé máy bay, khách sạn, xe ô tô hợp đồng dịch vụ đưa đón khách du lịch, các dịch vụ tham quan đình trệ…. 
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, năm 2021 du lịch nội địa sẽ là đòn bẩy quan trọng để ngành phục hồi, trong đó yếu tố an toàn vẫn được các doanh nghiệp và du khách đặt lên hàng đầu. Thị trường nội địa với các xu hướng du lịch chủ động là xu hướng được ưu tiên mới mà du lịch tỉnh nhà cần tiếp cận để đưa ra các chính sách chiến lược kinh doanh cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của doanh nghiệp địa phương. 
Du khách khai báo y tế đảm bảo an toàn khi thăm quan tại khu di tích 
Trong thời đại cuộc sống số hiện nay, cùng với sự tác động của tình hình dịch bệnh càng tạo ra một lực đẩy mạnh, nhanh việc ứng dụng công nghệ số vào trong lĩnh vực du lịch. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp du lịch tiếp cận nhanh và nhiều khách hàng hơn, chăm sóc du khách tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh. Với khách hàng, việc lựa chọn dịch vụ cũng trở nên tiện lợi và phù hợp hơn. Các ứng dụng trên điện thoại di động hay các thiết bị điện tử thông minh khác cho phép du khách khai thác thông tin, thực hiện các thao tác giao dịch và tích hợp nhiều tiện ích khác. Việc tìm kiếm thông tin về điểm tham quan, chọn hướng dẫn viên, dịch vụ khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ phục vụ du lịch khác… cũng trở nên chủ động hơn và không cần tương tác một cách trực tiếp do vậy rất phù hợp với xu thế phát triển du lịch trong tình hình hiện nay. Các doanh nghiệp lữ hành cần nhanh nhậy tiếp cận, thay đổi tái cấu trúc chính mình, bắt kịp xu hướng để đảm bảo hoạt động và sự tồn tại của doanh nghiệp trong điều kiện mới.
Ngoài ra, trong khâu xây dựng và tiếp thị quảng bá sản phẩm du lịch cũng cần có sự thay đổi theo xu hướng phù hợp hơn trong điều kiện tình hình mới. Các tour, tuyến thường hướng đến những khu nghỉ dưỡng biệt lập, hay các dịch vụ giới hạn về số lượng. Các sản phẩm du lịch cũng đang thay đổi theo hướng tới sự giãn cách và chú trọng sức khỏe và sự an toàn cao của du khách. Doanh nghiệp hướng tới khai thác các loại hình du lịch: Du lịch caravan (du lịch tự đi với phương tiện các nhân), du lịch gắn nông nghiệp, du lịch sinh thái, yoga, thể thao, chữa bệnh….Bên cạnh đó, trong khâu tiếp thị sản phẩm tư vấn dịch vụ, doanh nghiệp hướng tới thông tin về các điểm an toàn, nên lựa chọn và cung cấp các tua ngắn ngày và đi theo từng nhóm nhỏ hay theo gia đình. Những điểm mới còn hoang sơ hay những khu du lịch riêng biệt được ưu tiên giới thiệu tới du khách nhằm hạn chế tối đa rủi ro lây lan của dịch bệnh.

Quang cảnh đền Xương Giang  - TP Bắc Giang
Theo đánh giá với xu hướng mới nhiều loại hình du lịch ưu tiên được lên ngôi trong đó có loại hình du lịch gắn với nông nghiệp, loại hình du lịch sinh thái, du lịch thiên nhiên gắn với các điểm đến mới, hoang sơ... thì đối với hoạt động du lịch Bắc Giang đây sẽ được coi là một thế mạnh với nhiều tiềm năng có thể khai thác phát triển. Do đó, ngành du lịch tỉnh cần tiếp cận nhanh xu hướng mới trên cơ sở phát huy khai thác lợi thế sẵn có của địa phương, chủ động đưa ra những phương án hoạt động kịp thời, phù hợp nhằm đảm bảo duy trì hoạt động và dần phục hồi đồng thời hướng tới yếu tố an toàn chung trong tình hình nguy cơ dịch bệnh như hiện nay.
 Hà Bộ
0 Bình luận

Loading...