Việt Yên: Phát triển du lịch tâm linh gắn với làng nghề

16 Tháng 3, 2020 | Nghiên cứu và Trao đổi

Huyện Việt Yên (Bắc Giang) có nhiều di tích lịch sử, văn hóa được Nhà nước xếp hạng, cùng đó là các làng nghề truyền thống nổi tiếng. Đây là những lợi thế để huyện đầu tư, khai thác, phát triển du lịch.
Việt Yên: Phát triển du lịch tâm linh gắn với làng nghề

Giàu tiềm năng

Huyện Việt Yên có nhiều di tích được Nhà nước xếp hạng, trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà, 20 di tích cấp quốc gia, 74 di tích cấp tỉnh. Một trong những điểm nhấn nổi bật phải kể đến là Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà-danh lam cổ tự nổi tiếng đã được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch năm 2019. 

Sản phẩm làng nghề Tăng Tiến (Việt Yên).

Sản phẩm làng nghề Tăng Tiến (Việt Yên).

Ngoài ra, còn có những điểm di tích, thiết chế văn hóa khác như đình Đông, thị trấn Bích Động nằm trong danh sách 23 di tích thuộc Di tích quốc gia đặc biệt những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế; đền thờ Hán Quận công Thân Công Tài, xã Hồng Thái; di tích quốc gia đình, chùa Vân Cốc, xã Vân Trung, cụm di tích quốc gia đình, chùa Thổ Hà, xã Vân Hà…Cùng đó là các làng nghề truyền thống: mây tre đan xã Tăng Tiến, nấu rượu làng Vân, sản xuất bánh đa nem, mỳ Thổ Hà, xã Vân Hà.

Thực hiện Nghị quyết 44 của BTV Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020, Huyện ủy, UBND huyện Việt Yên đã quan tâm, triển khai nhiều phần việc. Các tuyến đường giao thông, điểm di tích được đầu tư, tôn tạo với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Trên địa bàn huyện đã hình thành điểm du lịch như: Lăng Hán Quận công Thân Công Tài, làng nghề mây tre Tăng Tiến, đền thờ tiến sĩ Thân Nhân Trung, thị trấn Nếnh, khu du lịch sinh thái Khe Bàn, xã Vân Trung; tuyến du lịch TP Bắc Giang - chùa Bổ Đà - làng Thổ Hà.

Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho biết, quần thể chùa Bổ Đà và các di tích, làng nghề ở xã Vân Hà là điểm nhấn nổi bật trong chiến lược phát triển du lịch của huyện. Đã có nhà đầu tư đến khảo sát lập dự án tiền khả thi làng cổ Bắc Bộ gần quần thể chùa Bổ Đà với diện tích 35 ha. Theo ý tưởng của nhà đầu tư, nơi đây sẽ tái hiện mô hình làng cổ với những ngôi nhà cấp 4 bằng gỗ, giếng làng, vườn cây, các điểm vui chơi mang phong cách cổ điển của làng quê đồng bằng Bắc Bộ để phục vụ du lịch.

Đối với di tích đình Đông, thị trấn Bích Động, UBND huyện đã làm việc với một số ngành liên quan tham mưu với UBND tỉnh đề nghị cấp có thẩm quyền trong năm nay cho trùng tu toàn bộ đình, cải tạo khuôn viên, làm đường giao thông, kết nối với tỉnh lộ 298 để phát triển du lịch từ nguồn ngân sách huyện, xã. Công trình đền thờ Thân Nhân Trung, thị trấn Nếnh với tổng kinh phí đầu tư khoảng 60 tỷ đồng, hiện giai đoạn 1 của dự án cơ bản đã hoàn thiện với các hạng mục như đền chính, sân, cổng, hồ, nội thất… 

Năm nay sẽ hoàn thiện hệ thống giao thông và khuôn viên cảnh quan. Đền thờ Hán Quận công Thân Công Tài cơ bản hoàn thành các hạng mục chính, năm 2020 xây dựng đường vào, bãi đỗ xe. Đình, chùa Thổ Hà đang được chính quyền, cơ quan chức năng làm hồ sơ đề nghị công nhận Di tích quốc gia đặc biệt; riêng ngôi chùa đang được trùng tu, hoàn thiện hạ giải, nâng cung nền.

Cùng với trùng tu, tôn tạo các di tích, công tác quảng bá được huyện đặc biệt quan tâm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, lễ hội, nhất là tuyên truyền quảng bá lễ hội chùa Bổ Đà gắn với liên hoan hát quan họ của huyện và tỉnh.

Huy động nguồn lực

Dù đạt được những kết quả bước đầu song hiện nay việc phát triển du lịch tâm linh gắn với làng nghề ở huyện Việt Yên cũng còn những rào cản cần tháo gỡ. Hệ thống giao thông chưa đồng bộ; hạ tầng dịch vụ chưa được đầu tư nhiều, các điểm mua sắm, ăn uống, lưu trú còn ít… nên giá trị gia tăng từ dịch vụ du lịch thấp; thiếu không gian trưng bày các sản vật; môi trường ở một số làng nghề chưa được trong lành. 

 Nghi lễ rước tưởng nhớ Hán Quận công Thân Công Tài.
Nghi lễ rước tưởng nhớ Hán Quận công Thân Công Tài.

Ông Bùi Tá Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hà cho biết, hiện làng Thổ Hà có khoảng 500 hộ làm bánh đa nem, mỳ và 100 gia đình làm nghề nấu rượu cùng nhiều ngôi nhà cổ. Nơi đây còn sở hữu các di sản văn hóa đặc sắc như quan họ, ca trù, tuồng. Hằng tuần có nhiều nhóm du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm. Đây là những lợi thế để địa phương phát triển du lịch. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống xử lý nước thải ở làng nghề chưa hoàn thiện, vận hành. Để thúc đẩy du lịch cần phải giải quyết bài toán về môi trường.

Nhằm tạo sức bật phát triển du lịch tâm linh gắn với làng nghề, UBND huyện Việt Yên tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư tham gia làm du lịch, đặc biệt là cộng đồng dân cư ở các làng nghề. Củng cố, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, phụ trợ, dịch vụ, bãi đỗ xe, thiết chế văn hóa tại các điểm di tích. Ngoài thực hiện Đề án đầu tư, thu hút đầu tư phát triển du lịch chùa Bổ Đà gắn với làng cổ, làng nghề (làng Vân, Thổ Hà) và bảo tồn phát huy giá trị dân ca quan họ, UBND huyện đã số hóa các di tích, di vật, bảo vật ở các điểm di tích. 

Ví như tại chùa Bổ Đà đang số hóa một phần mộc bản dưới dạng hình ảnh 3D để du khách có thể tham quan trực tuyến. Các khu rừng sản xuất ở núi Bổ Đà, xã Tiên Sơn, núi Mỏ Thổ, xã Minh Đức được chuyển sang rừng phòng hộ và từng bước sẽ chuyển thành rừng đặc dụng phục vụ du lịch. Tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn, quảng bá, lan tỏa giá trị các di tích, di sản.

Theo Báo Bắc Giang
0 Bình luận

Loading...