Du lịch cộng đồng - Hướng đi bền vững của Lục Ngạn

03 Tháng 10, 2022 | Vùng đất con người Bắc Giang

Du lịch cộng đồng - Hướng đi bền vững của Lục Ngạn

 Du lịch sinh thái cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả và làng nghề truyền thống hứa hẹn sẽ trở thành sản phẩm du lịch thế mạnh của Lục Ngạn nói riêng, Bắc Giang nói chung, thu hút nhiều du khách đến khám phá và trải nghiệm. Đây là một hướng đi bền vững mà du lịch Bắc Giang đang chú trọng đầu tư.

 

Thưởng thức vải thiều Lục Ngạn. Ảnh: Việt Hưng
Thưởng thức vải thiều Lục Ngạn. Ảnh: Việt Hưng

 

Phát huy giá trị vùng cây ăn quả và làng nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng

Lục Ngạn là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Đây là mảnh đất không chỉ có thổ nhưỡng tốt, khí hậu ôn hòa mà còn là một trong những vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với nhiều loại trái cây đặc sản nổi tiếng. Trong một năm, Lục Ngạn có 4 mùa hoa trái để thu hút khách du lịch: từ tháng 1 - 3 có cam V2, táo, hoa mận, hoa cam, bưởi, vải, mật ong; tháng 5 - 7 có vải thiều; tháng 7 - 8 có nhãn; tháng 9 - 12 có cam, bưởi, táo, ổi, chuối... Ngoài ra, nhân dân Lục Ngạn còn có kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc trái cây ra quả quanh năm như ổi, thanh long, bưởi da xanh, mít, chuối... Trái cây Lục Ngạn đậm vị, hình thức đẹp nên được người tiêu dùng ưa chuộng, trong đó trái vải thiều Lục Ngạn đã đăng ký bảo hộ thương hiệu tại 8 nước, xuất khẩu sang hơn 30 quốc gia.

Không những vậy, mảnh đất Lục Ngạn giàu truyền thống lịch sử văn hóa là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc (Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chí, Cao Lan, Dao, Hoa), có nhiều di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia, là nơi bảo tồn nhiều di sản văn hóa như chùa Am Vãi, đền Hả, hát sloong hao, hát sli, hát then, hát lượn. Ẩm thực Lục Ngạn đặc sắc, có nhiều món ăn ngon đặc trưng theo mùa, theo vùng với hương vị riêng. Ngoài ra, Lục Ngạn có 3 làng nghề truyền thống là làng nghề mỳ Chũ, xã Nam Dương; làng nghề rượu Kiên Thành, xã Kiên Thành; làng nghề cây cảnh thôn Bồng 1, xã Thanh Hải.

 

Cấm Sơn thức giấc. Ảnh: Nguyễn Thành Sơn
Cấm Sơn thức giấc. Ảnh: Nguyễn Thành Sơn

 

Lục Ngạn quan tâm phát triển du lịch văn hóa gắn với vùng cây ăn quả. Đến Lục Ngạn, ngoài tham quan hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn, các vườn cam bưởi, vải thiều, táo, ổi, thanh long..., thưởng thức quả ngọt 4 mùa, du khách còn đi thăm chùa Am Vãi, cảm nhận giây phút yên bình thư thái, hít thở không khí trong lành của thiên nhiên. Chùa Am Vãi là một trong những ngôi chùa cổ thời Lý Trần, tọa lạc trên sườn Tây Yên Tử, trên đỉnh núi cao 438m so với mực nước biển. Đứng từ đỉnh núi du khách có thể quan sát toàn bộ thung lũng là các làng xóm, vườn cây trái trải rộng, sông Lục Nam uốn lượn như dải lụa.

Cùng với những giá trị đặc sắc về văn hóa, Lục Ngạn có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, hồ làng Thum, suối Cặm, suối Đấy, suối Tà Cang... Đây là những địa danh có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch trải nghiệm, sinh thái, nghỉ dưỡng. Để thúc đẩy du lịch sinh thái cộng đồng, Lục Ngạn sẽ xây dựng 4 điểm du lịch khu vực hồ Cấm Sơn gồm các xã Cấm Sơn, Tân Sơn, Hộ Đáp, Sơn Hải; xây dựng 7 điểm du lịch cộng đồng vùng cây ăn quả gồm các xã Mỹ An, Tân Mộc; Quý Sơn; Thanh Hải; Hồng Giang; Tân Quang; Tân Sơn. Đồng thời, xây dựng điểm du lịch văn hóa tâm linh đền Hả, xã Hồng Giang; chùa Am Vãi, xã Nam Dương.

Lục Ngạn có đủ tiềm năng để thu hút khách tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái cộng đồng quanh năm, trải rộng các địa phương trong toàn huyện. Việc xây dựng, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn với 2 không gian du lịch chính là khu vực hồ Cấm Sơn và vùng cây ăn quả giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường…

 

Vườn bưởi ngọt Lục Ngạn. Ảnh: Nguyễn Thành Sơn
Vườn bưởi ngọt Lục Ngạn. Ảnh: Nguyễn Thành Sơn

 

Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng bền vững

Lục Ngạn đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thành lập hợp tác xã du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả tại các xã Mỹ An, Tân Mộc, Quý Sơn, Thanh Hải, Hồng Giang, Tân Quang, Trù Hựu, Tân Sơn, Hộ Đáp, Sơn Hải, Cấm Sơn… Mỗi hợp tác xã xây dựng, cải tạo, nâng cấp ít nhất từ 2 - 5 nhà sàn, nhà ở truyền thống, nhà trưng bày, nhà chòi tại các điểm phù hợp cho phát triển, thu hút khách du lịch. Cùng với đó, hoàn thiện hạ tầng, cơ sở vật chất các điểm du lịch; phấn đấu trong giai đoạn có thêm 7 điểm được công nhận; mỗi điểm du lịch đều có các sản phẩm lưu niệm đặc trưng để giới thiệu, bán cho du khách. Đến năm 2030, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã du lịch cộng đồng đã thành lập của giai đoạn trước, đồng thời xem xét những địa phương có điều kiện phát triển du lịch để tiếp tục thành lập các hợp tác xã du lịch cộng đồng mới. Lục Ngạn phấn đấu thu hút 1,5 triệu lượt khách du lịch đến tham quan trải nghiệm vào năm 2030.

 

Bản Bắc Hoa, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn
Bản Bắc Hoa, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn

 

Để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả và làng nghề truyền thống, Lục Ngạn sẽ tập trung các giải pháp sau:

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền, quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua mạng xã hội, các hội nghị, cuộc họp, sự kiện giới thiệu hình ảnh, sản phẩm du lịch. Tổ chức các chương trình du lịch theo mùa, theo chủ đề; thi làm phóng sự, sáng tác văn, thơ, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh về du lịch... Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch, đa dạng hóa các kênh truyền thông trên nền tảng số như website, mạng xã hội, các ứng dụng thông minh; nâng cấp hạ tầng mạng internet, phủ sóng wifi miễn phí các khu, điểm du lịch đông người tham quan.

Tăng cường xúc tiến thu hút đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch. Tổ chức lồng ghép hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch với các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều, hội chợ cam bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn; thông qua các hội chợ, hội thảo, triển lãm giới thiệu quảng bá về du lịch, sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với các huyện để tạo sự hấp dẫn đối với du khách. Đặc biệt quan tâm khai thác phát triển du lịch vùng Di tích danh thắng Tây Yên Tử, xây dựng các tour tuyến kết nối giữa các điểm đến: suối Mỡ (Lục Nam) - Tây Yên Tử (Sơn Động) - chùa Am Vãi, thăm vùng cây ăn quả Lục Ngạn; chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc Lâm (Yên Dũng) - suối Mỡ (Lục Nam) - chùa Am Vãi, vùng cây ăn quả (Lục Ngạn) - Tây Yên Tử… Phối hợp chặt chẽ với các công ty du lịch để hình thành tour, tuyến đưa khách du lịch đến vi Lục Ngạn, đồng thời phối hợp với các tỉnh lân cận để liên kết tour, tuyến du lịch.

Tiếp tục đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin, các khu vực đón tiếp khách. Xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư cũng như người dân tham gia phát triển du lịch; huy động vốn đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, phát triển du lịch cộng đồng…

Phát triển các ngành dịch vụ và lĩnh vực hỗ trợ phát triển du lịch, thu hút đầu tư xây dựng các khu, điểm thương mại giới thiệu các sản phẩm đặc trưng. Tập trung quy hoạch, sản xuất sản phẩm đảm bảo theo quy trình VietGap, GlobalGap, hữu cơ… kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống, tạo ra những sản phẩm mang tính văn hóa, lưu niệm phục vụ du khách.

Chú trọng phát triển, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch của địa phương…

Theo TCDL

0 Bình luận

Loading...