Phủ lạng Thương ta ơi!

23 Tháng 9, 2014 | Vùng đất con người Bắc Giang

Phủ lạng Thương ta ơi!

Mỗi vùng đất dù lớn nhỏ khác nhau đều có một trung tâm do địa lý tự nhiên tạo nên, một ngọn nguồn do lịch sử xã hội nảy sinh. Ấy là nơi chứa đựng tinh anh truyền thống và không ngừng phát triển mang diện mạo tiêu biểu.

Thành phố Bắc Giang của tỉnh Bắc Giang hiện đại vốn là đất Phủ Lạng Thương trong suốt chiều dài địa lý - lịch sử như thế. Nhìn lại 115 năm tỉnh Bắc Giang thời cận hiện đại hôm nay, Phủ Lạng Thương như sống lại những trang sử đã qua. Phủ Lạng Thương ta ơi! Tiếng gọi ngày nay về  thuở xa xưa hay tiếng vọng xa xưa vẳng tới ngày nay đánh thức những năm tháng gian khổ cùng những thời điểm rất đỗi kiêu hãnh tự hào, tất cả cho ta một niềm tin tương lai tốt đẹp.

Có tiền đề từ thời lộ Bắc Giang rộng lớn triều Lý - Trần (1010- 1400), Phủ Lạng Giang bên bờ Bắc sông Cầu thời thuộc Minh (1407 - 1427) có phủ lỵ mang tên sông Thương (Xương Giang) cũng là trụ sở thành Xương Giang của phong kiến nhà Minh đô hộ. Chế độ tàn ác bạo ngược suốt 20 năm của giặc đã bị nhân dân ta lên án và đánh đổ. Chiến thắng Xương Giang (3-11-1427) như một khúc khải hoàn vẻ vang của dân tộc gợi cảm hứng bất tận để Nguyễn Trãi viết nên "Bình Ngô đại cáo" bất hủ, Lý Tử Tấn viết nên "Xương Giang phú" sống mãi với thời gian. Đây là trang sử bi hùng của Phủ Lạng Thương mà lịch sử đã ghi dấu từ thế kỷ XV đó. Thời Hậu Lê, một số tác giả làm thơ vịnh cảnh thanh bình trên bến sông Thương, trong đó phải kể đến vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497): Đứng bên bờ dốc ngắm sông dài/Lặn vợi sao trời, ráng đỏ soi/.. Sông xa bát ngát buồm trăng xế/Tiếng giặt đâu đây não ruột ai...  và nhà bác học Lê Quý Đôn (1726- 1784): Khói tạnh đồng xanh, nương rẫy tốt/Vườn hoang sương lạnh, luỹ thành trơ... Nhưng trên con đường thiên lý của người đi sứ sang phương bắc hay của người lính đi trấn thủ lưu đồn  trên biên ải đầy trắc trở thì bến sông Thương là một kỷ niệm buồn. Vì đến đây, người thân đưa tiễn phải dừng lại, phút chia ly kẻ ở người đi mà người đi phần lớn không về. Ấy là bến Chia Ly, còn đến thế kỷ XXI với tên gọi bến Chi Ly. Bến Chia Ly ở ngay khúc sông nước chảy đôi dòng bên đục bên trong càng gợi nỗi thương cảm  biết bao nhiêu thế hệ... Dòng sông Thương chiến thắng oai hùng nhưng cũng là dòng sông đậm chất nhân văn trữ tình gắn với tên sông, tên đất phủ lỵ xa xưa này. Bi hùng là thế, bi tráng là thế đã nuôi dưỡng khí phách con người Phủ Lạng Thương.

Dưới các triều đại Lý - Trần -Hậu Lê - Nguyễn thì phủ lỵ Lạng Giang chủ yếu mang ý nghĩa chiến lược chính trị, quân sự. Phải nói rằng ngay khi xâm lược phủ lỵ, thực dân Pháp, kẻ ngoại xâm mới của nước ta đã có cái nhìn mang ý nghĩa chiến lược kinh tế. Ngày 15-3-1884, chúng đánh chiếm Phủ Lạng Thương nhằm làm bàn đạp đánh lên Lạng Sơn, sang Thái Nguyên và sang lưu vực sông Lục Nam. Bốn năm sau, ngày 11-7-1888, chúng ra Nghị định đặt cơ quan hành chính (Poste administratif) tại Phủ Lạng Thương được một năm thì bãi bỏ nhưng âm mưu chia cắt tỉnh Bắc Ninh rộng lớn đương thời nhằm vào vùng đồi núi trên bờ bắc sông Cầu, đồng thời xúc tiến làm tuyến đường sắt Phủ Lạng Thương - Lạng Sơn, mở các tuyến đường bộ quan trọng, lập đồn điền, tiến hành chủ trương hoà - đánh - hoà - đánh đối với cuộc khởi nghĩa Yên Thế, từng bước đô thị hóa phủ lỵ Lạng Giang... Có thể nói là dồn dập các sự kiện xảy ra để đến ngày 10-10-1895 chúng ra Nghị định thành lập tỉnh Bắc Giang. Phủ Lạng Thương vốn là phủ lỵ một phủ lớn nay trở thành tỉnh lỵ của một tỉnh mới có diện tích lớn hơn Phủ Lạng Giang. Khách quan mà nói, bước ngoặt đó đem lại diện mạo mới cho Phủ Lạng Thương. Sau đó, thực dân Pháp thực hiện đô thị hoá tỉnh lỵ với một nhịp độ nhanh hơn theo mô hình phương Tây khiến tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội địa phương có nhiều biến đổi sâu sắc. Chính sách khai thác thuộc địa, bóc lột dân bản xứ ở Bắc Giang ngày càng thậm tệ, thực dân Pháp càng trở thành kẻ thù của nhân dân ta mà bộ máy cai trị của chúng tập trung tại tỉnh lỵ Phủ Lạng Thương. Truyền thống yêu nước của nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang nói chung, của tỉnh lỵ Phủ Lạng Thương nói riêng càng bốc cao hơn. Trải qua 11 năm mở màn xâm lược, bình định (1884-1895), 50 năm thực sự cai trị bằng bộ máy ngày càng hoàn thiện (1895-1945) của thực dân Pháp, trong đó có 5 năm (1940-1945) một cổ đôi tròng Pháp - Nhật, Phủ Lạng Thương đã có những người con ưu tú tham gia các phong trào yêu nước, đặc biệt là tổ chức cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, hoạt động liên tục, bền bỉ, không sợ hy sinh. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã thắng lợi trong ngày 18-8-1945, đến sáng 19-8-1945 hoàn toàn làm chủ Phủ Lạng Thương. Thị xã tỉnh lỵ thời Pháp thuộc đã trở thành thị xã tỉnh lỵ của chính quyền cách mạng trong chế độ mới dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Cũng như mọi miền khác, Phủ Lạng Thương lại phải trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp và bị địch chiếm đóng. Quân dân Phủ Lạng Thương lại chiến đấu hy sinh gian khổ cho đến trưa ngày 4-8-1954 thì hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ khôi phục, cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống Mỹ cứu nước, góp phần thống nhất đất nước, cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Trong suốt chặng đường dài, từ 1954 đến nay, những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh lỵ đạt được chắc chắn không thể tách rời truyền thống Phủ Lạng Thương ngàn năm trước. Tháng 10 năm 1959, thị xã Phủ Lạng Thương đổi tên thành thị xã Bắc Giang. Thị xã tỉnh lỵ Bắc Giang đã có thời kỳ là thị xã tỉnh lỵ Hà Bắc (4-1963 đến 12-1996) và bị bom giặc Mỹ phá hoại nặng nề, nhất là bị B52 huỷ diệt năm 1972 nhưng người dân nơi đây vẫn hiên ngang chiến đấu và chiến thắng. Ngày 11-6-1999, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng nhân dân và lực lượng vũ trang thị xã Bắc Giang danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 7-6-2005, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định thành lập thành phố Bắc Giang trên cơ sở thị xã Bắc Giang, lại bước ngoặt mới nữa cho tỉnh lỵ.

Từ thời cổ trung đại đến thời cận hiện đại, từ phủ lỵ Phủ Lạng đến thành phố tỉnh lỵ Bắc Giang đã có nhiều biến đổi về quy mô, thành tựu xây dựng và chiến đấu bảo vệ quê hương, nhưng thời nào cũng có lúc gian nan khốc liệt rồi chiến thắng oai hùng, tiến lên. Dòng sông Thương còn đấy, bến sông Thương còn kia, di tích chiến thắng Xương Giang trở thành di tích quốc gia đặc biệt, bên cầu Sông Thương anh hùng đã có cầu Xương Giang hiện đại. Vui mừng thành phố Bắc Giang ra đời và tin tưởng ngày càng xứng tầm một thành phố hiện đại nhưng không thể quên Phủ Lạng Thương lịch sử. Phủ Lạng Thương ta ơi! Đã 115 năm (1895-2010) trôi qua…

Theo báo Bắc Giang

 


0 Bình luận

Loading...