Thắp sáng hồn hội xuân

27 Tháng 1, 2023 | Vùng đất con người Bắc Giang

Thắp sáng hồn hội xuân

Mỗi độ xuân về, trên khắp các làng quê trong tỉnh Bắc Giang lại diễn ra lễ hội truyền thống. Ở đó, những nghi lễ được diễn ra trang nghiêm bao nhiêu thì phần hội được tổ chức tưng bừng, náo nhiệt bấy nhiêu. Trong đó phải kể đến hoạt động thi đấu các môn thể thao dân tộc. 

Những sới vật ở miền xuôi; bơi chải, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ... ở miền núi đã góp phần thắp sáng hồn hội xuân, tạc vào miền ký ức của mỗi người con quê hương và trở thành những di sản quý giá của dân tộc.

Nổi trống là thành hội vật

Bắc Giang vốn nổi tiếng là nơi có nhiều hội vật mùa xuân đặc sắc, được mệnh danh là “đất vật” xứ Bắc. Huyện Hiệp Hòa là mảnh đất tiêu biểu nhất, đóng góp cho sức mạnh của “đất vật” Bắc Giang. Ở đó, vật đã trở nên thân thuộc đối với mỗi người dân và được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Để rồi mỗi khi mùa xuân về, hàng ngàn người sinh sống trên mảnh đất nằm bên dòng sông Cầu thơ mộng này lại mê say hội tụ bên những sới vật quê hương.

Những vùng quê khác, để duy trì được những hội vật mùa xuân cần phải có cả một kế hoạch nhằm duy trì, thúc đẩy sự phát triển của phong trào. Riêng trên “đất vật” Hiệp Hoà, mỗi khi mùa xuân về, thì cứ “nổi trống là thành hội vật”. Điều này cho thấy, những người dân Hiệp Hòa có niềm đam mê cháy bỏng đối với vật. Với họ, vật đã trở nên thân quen ngay từ khi còn bé thơ và chỉ khi mùa xuân về, nỗi niềm khao khát đến với môn thể thao này mới thực sự được thoả mãn, thăng hoa. Lúc đó, trên khắp chốn cùng quê, đâu đâu cũng mở hội vật. Tiết xuân sang, khách thập phương về thăm miền quê Hiệp Hòa sẽ được thoả sức hòa mình vào những hội vật. 

Điều đặc biệt là đi đến nơi đâu, dù tiết trời có mưa phùn gió lạnh, cũng có thể bắt gặp khung cảnh cả một vòng người được ken đặc vây quanh sới vật. Những sới vật đậm chất truyền thống được trải khắp “đất vật” Hiệp Hòa, có những sới được đặt trước mái đình cổ kính rêu phong, có những sới được tạo nên từ những gò đất ven làng, hay có những sới được dựng lên từ một “ốc đảo” nhân tạo giữa hồ và đặc sắc nhất là có nhiều sới vật nằm nghiêng nghiêng bên triền đê sông Cầu xanh mát. Những sới vật tiêu biểu trên quê hương Hiệp Hòa nằm ở các xã như: Xuân Cẩm, Đông Lỗ, Mai Đình, Hương Lâm, Thái Sơn …

Keo vật ngày xuân.

Keo vật ngày xuân.

Nét đặc sắc trên “đất vật” Hiệp Hòa được thể hiện ở chỗ chỉ cần xem các đô vật thi đấu là có thể phát hiện ra ông đô này đến từ “lò vật” nào, thông qua động tác xe đài đặc trưng và những miếng vật sở trường. Mỗi “lò vật” ở Hiệp Hòa đều có những sắc thái và miếng đánh sở trường riêng biệt. Tiêu biểu nhất là những miếng đánh của “lò” Cẩm Bào (Xuân Cẩm) với miếng sở trường là miếng gồng và miếng sườn. Đối phương bị dính 2 miếng này thì đều ngán ngẩm và ngậm ngùi nhận phần thua.

Để có được miếng vật sở trường, các đô vật ở Hiệp Hòa đã tập luyện những miếng cơ bản như: Miếng bốc, miếng sườn, miếng mói, miếng bò, miếng gồng... Trong đó, miếng bốc có bốc đôi, bốc một, bốc vanh, bốc đâm đuốc; miếng sườn có sườn sốc nách, sườn quặp cổ; miếng mói có mói đốc cánh, mói nách sang sau; miếng bò có tống bò, bò dọc, bò ngang, bò cao, bò thấp và miếng gồng có gồng rút, gồng tay trong, gồng quật ngửa. Tất cả những miếng đánh đó đều được những đô vật ở vùng Hiệp Hòa luyện tập và sử dụng rất linh hoạt với cách chuyển đổi thế đánh để hạ gục đối phương “lấm lưng trắng bụng” hoặc “túc ly địa” (chân rời khỏi đất).

Lên núi xem... bơi chải

Vẫn trong tiết xuân sang, hòa mình vào các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế... sẽ được tìm hiểu, chiêm ngưỡng những hoạt động thể thao dân tộc vô cùng độc đáo. Ở đó, ngoài những nghi lễ tâm linh riêng có của đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động thi đấu các môn thể thao dân tộc như: Đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ thường diễn ra tưng bừng, rộn rã. Trong đó, có môn thể hiện sự khéo léo của mỗi cá nhân; có môn lại thể hiện sức mạnh tổng lực của cả tập thể.

Sơn Động không phải là vùng sông nước nhưng ở giữa chốn núi cao, rừng sâu này lại có hoạt động bơi chải trên sông, đua mảng trên hồ vô cùng sôi động. Nằm cách thị trấn An Châu (Sơn Động) khoảng 25 km là khu vực hồ Khe Chảo (xã Long Sơn), nơi diễn ra hoạt động đua mảng. Đây là một hồ nước có diện tích 28 ha, mặt hồ trong xanh in bóng mây trời, xung quanh là những cánh rừng nguyên sinh, xa xa là những ngọn núi nhấp nhô ẩn hiện trong làn sương mỏng.

Đua mảng trên hồ Khe Chảo.

Đua mảng trên hồ Khe Chảo.

Xuất phát từ hoạt động của cuộc sống thường ngày, người dân nơi đây thường dùng tre, nứa sẵn có trên rừng, kết thành những chiếc mảng đơn sơ để làm phương tiện đánh bắt thủy sản, vượt sông suối. Nhằm tái hiện không gian lao động sản xuất, cũng như làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần, gìn giữ nét đẹp truyền thống của cha ông, hội đua bè mảng truyền thống xã Long Sơn được tổ chức thường xuyên, định kỳ hằng năm. Theo đó, chiếc mảng dùng để thi đấu có chiều dài 6 m, rộng 80 cm, mỗi mảng có một đội đua gồm 5 người, 4 tay chèo và một người “cầm trịch” (vừa lái, vừa chỉ huy giữ nhịp cho cả đội). Cự ly thi đấu được ấn định từ bờ đập chính sang bên kia hồ (dài chừng 500 m/lượt), các đội đua từ điểm xuất phát sang bên kia hồ, lấy được lá cờ rồi tiếp tục chèo bè mảng về nơi xuất phát, đội nào về trước sẽ được xác định thắng cuộc.

Cùng đó, trên dòng sông An Châu (thị trấn An Châu), cứ mỗi độ xuân sang, người dân làng Chẽ lại cùng nhau mở hội bơi chải để tưởng nhớ đến các vị Thành hoàng được thờ tại đình làng. Trước khi diễn ra phần thi bơi chải, người dân nơi đây tổ chức lễ thượng thuyền. Đây là một trong những nghi thức gắn liền với tục thờ thuỷ thần để cầu mong sự che chở cho thuyền bơi; cầu cho nhân khang vật thịnh, mùa màng tốt tươi... Thuyền bơi là thuyền “độc mộc” được chế tác từ một cây gỗ to, dài từ 8 m - 9 m, đủ chỗ cho 9 người tham gia, trong đó có 8 tay chèo, một tay lái.

Các tay chèo tham gia thi đấu thường cởi trần đóng khố, đầu chít khăn đỏ, họ là những thanh niên trai tráng có sức khoẻ tốt, được chọn lựa trong những gia đình có đức độ trong vùng tham gia đua tài. Nét đặc trưng của lễ hội bơi chải làng Chẽ là thuyền đạt giải nhất không phụ thuộc vào thuyền về đích trước hay sau mà phụ thuộc vào giá trị thẻ tre có ghi giải thưởng bằng chữ Hán các đội rút được. Thẻ tre giải nhất có ghi: "Nhân khang vật thịnh vi nhất", giải nhì là: "Phong điều, vũ lộ vi nhị" và giải ba là: "Phong đăng hòa cốc vi tam". Trong những ngày hội mở, hàng ngàn người dân xã Long Sơn, thị trấn An Châu và các xã lân cận lại đổ về khu vực hồ Khe Chảo và khúc sông An Châu với trống giong, cờ mở, cổ vũ vang lừng cho các đội đua, tạo nên không khí vô cùng sôi động giữa núi rừng.

Những hoạt động kể trên mới chỉ là nét chấm phá trong bức tranh thể thao dân tộc trên địa bàn tỉnh. Hòa mình vào các lễ hội mùa xuân ở Bắc Giang còn có thể khám phá cả một kho tàng các trò chơi dân gian và thể thao dân tộc đặc sắc như: Thi đấu võ thuật cổ truyền ở Tân Yên, Yên Thế; thi đấu vật cầu nước ở Vân Hà (Việt Yên); thi cưỡi ngựa bắn nỏ ở Phồn Xương (Yên Thế); chơi tổ tôm điếm, bắt phỗng, kéo cóc ở Lạng Giang… Sắc xuân mới đã ngập tràn, các môn thể thao dân tộc lại tiếp tục sứ mệnh góp thêm phần hồn cho các lễ hội trên quê hương Bắc Giang.

Theo Báo BG
0 Bình luận

Loading...