Tiềm năng du lịch Xuân Lương – Yên Thế

08 Tháng 12, 2016 | Vùng đất con người Bắc Giang

Tiềm năng du lịch Xuân Lương – Yên Thế
Xuân Lương là xã vùng cao nằm ở phía Tây Bắc của huyện Yên Thế, phía Đông Nam giáp 2 xã cùng huyện, phía Tây Bắc tiếp giáp 3 xã của hai huyện Đồng Hỷ và Võ Nhai của tỉnh Thái Nguyên.
Xã Xuân Lương có tổng diện tích tự nhiên trên 2.512 ha, chủ yếu là diện tích sản xuất nông lâm nghiệp. Toàn xã có 8 dân tộc cùng nhau sinh sống, với tổng dân số 6.683 khẩu/trên 1.715 hộ. 
Hồ Ngạc Hai, Xã Xuân Lương
Về tiềm năng du lịch: Xuân Lương có 400 ha rừng tự nhiên tái sinh ở khu vực bản Xoan, Đèo Ngà. Tại khu vực này có hệ thống thác nước đó là: Thác Đèo Đá và Thác Rãnh Cộc có độ cao trung bình từ 15m2 đến 30m2. Tại làng Xuân Lung có cây Lim cổ thụ 6 người ôm trên ngàn năm tuổi; Tại bản Ven có đặc sản Chè Hoa Vàng, Chè xanh bản Ven đã được nhiều nơi biết đến. Xuân Lương có 13 Đình, Đền, Chùa, trong đó 4 Đình, Chùa đã được công nhận là di tích lịch sử; Có 3 hồ đập lớn là Hồ Ngạc Hai, hồ Suối Ven và Hồ Quỳnh… 
Vùng chè Xuân Lương
Dọc theo Quốc lộ 17 từ trung tâm huyện Yên Thế đến xã vùng cao Xuân Lương là con đường trải nhựa áp phan dài 15 km. Tuyến Quốc lộ 17 cũng chạy cắt ngang qua xã nối liền Thành phố Bắc Giang vàThành phố Thái Nguyên. Từ Xuân Lương đi An toàn khu Liên Minh, Võ Nhai – Thái Nguyên cách 10km; đi Đền Cầu Muối Tân Thành, Phú Bình 7km và Đền ông Hoàng Bẩy ở Trại Cau, Đồng Hỷ, thái Nguyên, cách 8 km.
Từ trung tâm xã đến bản Xoan và vào đến rừng đầu nguồn Đèo Ngà là đoạn đường trải nhựa dài 8 km. Rừng Xuân Lương hiện vẫn còn lưu giữ được hệ sinh thái đa dạng sinh học với hàng trăm loài thực vật và động vật quý hiếm. Đến với rừng Xuân Lương, du khách sẽ không khỏi trầm trồ, thích thú với vẻ đẹp hùng vĩ của rừng đại ngàn, không gian mát mẻ, thanh bình với tiếng lá cây xào xạc, tiếng chim hót véo von hòa cùng với tiếng nước chảy róc rách trong các khe suối, tiếng thác đổ rào rào… tạo nên một bản giao hưởng làm mê hoặc lòng người.
Theo ông Vũ Xuân Quý – người đã có trên 20 năm gắn bó với khu rừng này, thì nhiệt độ trong rừng luôn chênh với nhiệt độ bên ngoài là 2 – 3 độ C. Ông Quý cũng là người đầu tiên khai phá khu du lịch sinh thái Thác Ngà và đã đầu tư, bảo vệ từ những năm 1998. Ngay chân rừng ông Quý đã xây dựng 01 nhà sàn, 01 hầm rượu, xây 01 bể tắm, sân cầu, làm đường đi, đắp tượng Phật bà quan âm, tượng Thần tài với ý nghĩa tâm linh, cầu mong bình an, may mắn. Ngoài ra ở một số đoạn của con suối, ông Quý còn đắp đập chắn nước để tạo bể nước tự nhiên. Nhiều đoàn khách đến thăm quan đã được hòa mình vào dòng nước mát lành, tinh khiết của Thác Ngà đổ về.
Thác Ngà nằm trong khu rừng mang tên Đèo Ngà. Quanh thác Ngà có một số con thác nhỏ khác cũng rất đẹp tạo nên một khung cảnh nên thơ. Nước ở đây rất tinh khiết. Tán rừng trong khu vực này có độ che phủ rất lớn tạo nân nền nhiệt độ thấp hơn với khu vực trung tâm xã từ 2 – 3 độ. Vào mùa hè, người dân quanh vùng và học sinh, sinh viên thường đến đây khám phá, trải nghiệm, thưởng ngoạn cảnh đẹp của núi rừng và tránh cái nắng nóng mùa hè.
Du khách khám phá thác Ngà
 Trên đường đến với khu vực Thác Ngà (thuộc bản Xoan) du khách sẽ đi qua Bản Ven - một bản phần lớn là bà con dân tộc Cao Lan. Bản Ven nổi tiếng với nghề trồng chè, sản xuất chè. Chè bản Ven thơm ngon nổi tiếng bởi đây là vùng đất có khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng phù hợp đã đem đến cho cây chè hương vị đặc biệt. Người Cao Lan biết về cây chè rừng ngự sâu trên đỉnh Thác Ngà, đặc điểm của chè rừng là lá xanh, búp nhỏ, hương vị đậm đà, rất thơm lại có tác dụng như vị thuốc thanh nhiệt giải độc. Ngoài ra, chè bản Ven còn được ướp hương sản xuất theo quy trình, bí quyết của người dân tộc Cao Lan nên Chè bản Ven khi hãm nước có màu xanh vàng như màu mật ong, vị đậm, thoảng hương cốm nhẹ, uống có vị đượm, chát ngọt nơi đầu lưỡi. Chè bản Ven đã dần nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà từ lâu đã được những người sành chè đặt mua làm quà biếu.
Đến Xuân Lương, du khách còn có thể đến thăm hồ Ngạc Hai – là một trong những hồ lớn của huyện có diện tích trên 40 ha, nơi đây đã được một hộ dân xây dựng một nhà nổi, nuôi cá gồm cá lăng và cá quả. Xung quanh khu vực hồ là những ô dù làm dịch vụ cho khách đến câu cá, giải khuây, có ca nô cho khách du ngoạn. Bữa trưa trên nhà nổi giữa mênh mang hồ nước, xung quanh là núi rừng đại ngàn và càng thi vị hơn khi được thưởng thức những món ăn ẩm thực đặc sản mang đậm bản sắc truyền thống của Xuân Lương – Yên Thế như: Xôi Trám đen, măng đắng, thịt lợn rừng xào lúc lác, Gà đồi, bánh đúc, Trám đen luộc…
Khu du lịch sinh thái Thác Ngà đã được Huyện ủy, UBND huyện đưa vào là một điểm du lịch của huyện. Trong thời gian vừa qua, huyện Yên Thế đã có những chủ trương bước đầu trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng đến khu vực này. Cụ thể hiện nay huyện đang đầu tư để nâng cấp tuyến đường dài gần 8km từ Quốc lộ 17 vào đến khu vực trung tâm. Một số chương trình, dự án trong việc đánh giá sưu tầm và phát huy những giá trị văn hóa của người dân tộc Cao Lan cũng đã được sưu tầm và phát triển du lịch ngành nghề, nhất là đối với Chè Bản Ven Yên Thế lập Đề án để phát triển du lịch của huyện, trong đó thác Ngà – Bản Xoan – Bản Ven, Xuân Lương là một trong những điểm du lịch được trú trọng đầu tư. Trên cơ sở quy hoạch này, huyện Yên Thế sẽ dành những nguồn lực nhất định để từng bước đầu tư và tạo những môi trường thuận lợi nhất để thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái cũng như du lịch cộng động, du lịch trải nghiệm tại khu vực xã Xuân Lương. Và hy vọng trong tương lai không xa du lịch Bắc Giang sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn du khách trong hành trình đến với huyện Yên Thế./. 
 Hà Yến
0 Bình luận

Loading...