Bắc Giang: Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020

08 Tháng 6, 2020 | Tin du lịch

Ngày 6/6, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020 với 2 điểm cầu UBND tỉnh Lào Cai và UBND tỉnh Lạng Sơn; 59 điểm cầu tại các Sở Công Thương của các tỉnh, thành phố trên cả nước và 04 điểm cầu ở 2 tỉnh: Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc).
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Dự tại điểm cầu Trung tâm tỉnh Bắc Giang, có các đồng chí: Đỗ Thắng Hải- Thứ trưởng Bộ Công Thương; Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Lê Thị Thu Hồng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang; Từ Minh Hải - Phó Chủ tịch HĐNH tỉnh; Lại Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung tâm tỉnh Bắc Giang còn có ông Hồ Tỏa Cẩm - Công sứ Tham tán Kinh tế - Thương mại thuộc Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam; cùng đại diện một số Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo Ủy ban MTTQ và một số sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, TP trong tỉnh Bắc Giang; đông đảo đại diện doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước.

Tại điểm cầu TP. Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây và điểm cầu TP. Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có ông Triệu Thế Văn - Phó Thị trưởng Bằng Tường; cùng lãnh đạo Sở Thương mại 2 tỉnh Quảng Tây, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); đại diện Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại TP Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Trong bài phát biểu chiêu thương tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn nhấn mạnh, Bắc Giang là “Thủ phủ” trái cây ở miền Bắc Việt Nam và là “Kinh đô” của vải thiều, với diện tích vải thiều là 28 nghìn ha, sản lượng trung bình đạt từ 150-200 nghìn tấn/năm. Năm 2020, sản lượng vải thiều toàn tỉnh ước đạt 160 nghìn tấn.

Trước những khó khăn thách thức của đại dịch Covid-19, để triển khai kế hoạch sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm 2020, Bắc Giang xác định phải nhận thức đúng và theo sát tình hình; đề xuất chủ trương và biện pháp phù hợp, linh hoạt; tổ chức triển khai đồng bộ và sáng tạo trong tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều. Tổ chức xây dựng các kịch bản cụ thể để chủ động ứng phó với tình hình thị trường trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch Covid19.

Năm 2020, diện tích vải thiều toàn tỉnh là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 160.000 tấn, tăng khoảng 10.000 tấn so với năm 2019. Diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2020 là 15 nghìn ha, tăng 1.145 ha so với năm 2019 và hướng tới đạt 100% diện tích; diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 218 ha, đã được Mỹ cấp mã số IRADS, Cơ quan chức năng Nhật Bản chấp thuận 19 mã vùng trồng; cơ quan chức năng Trung Quốc đã chấp thuận 149 mã vùng trồng và 288 cơ sở đóng gói.

Bám sát nhu cầu của thị trường, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhân rộng mô hình liên kết sản xuất góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và liên kết chuỗi giá trị. Đồng thời quan tâm xây dựng, phát triển thương hiệu, tem nhãn sản phẩm hàng hóa theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Nhằm đáp ứng được đủ số lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Singapore, Trung Đông, Thái Lan và các nước khác trên thế giới, tỉnh tích cực chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hướng dẫn nông dân sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn nhấn mạnh, tỉnh Bắc Giang đang bước vào những những ngày đầu của vụ thu hoạch vải thiều năm 2020, nhưng từ nhiều tháng nay, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã chủ động, sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện về nguồn vốn, nguồn điện, thùng xốp, đá cây, vệ sinh môi trường, kho, bãi tập kết phương tiện vận tải, các điểm cân, mua vải thiều tập trung, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác...

Tỉnh Bắc Giang cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều.

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết, thời gian qua nhờ sự hỗ trợ, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp chỉ đạo tích cực của lãnh đạo hai tỉnh Bắc Giang - Lạng Sơn, sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các cơ quan, lực lượng chức năng và doanh nghiệp hai tỉnh, sản phẩm nông sản của Bắc Giang trong đó chủ yếu là vải quả xuất khẩu qua các cửa khẩu của Lạng Sơn được thực hiện hết sức nhanh và hiệu quả, bình quân đạt trên 50.000 tấn/năm.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 05/12 cửa khẩu thực hiện thông quan hoạt động XNK hàng hóa; hiện tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để mở lại các cửa khẩu phụ khác như Bình Nghi, Na Hình, Nà Nưa, Pò Nhùng trong điều kiện đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.

Thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng của tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng phía Quảng Tây (Trung Quốc) trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao năng lực thông quan, tạo thuận lợi nhất cho thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh.

Ông Hồ Tỏa Cẩm - Công sứ Tham tán Kinh tế - Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Ông Hồ Tỏa Cẩm - Công sứ Tham tán Kinh tế - Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho biết, nhiều năm trở lại đây, vải Bắc Giang được tiêu thụ rất tốt trên các thị trường của các thành phố lớn tại Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thẩm Quyến, cho nên hiện nay thương hiệu vải Bắc Giang đã vô cùng nổi tiếng trên đất Trung Quốc.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng và khó khăn đối với việc giao dịch buôn bán vải thiều của 2 nước, vì vậy, ông mong muốn cơ quan hải quan của 2 nước tiếp tục kết nối và có những điều tiết phù hợp để vải thiều được thông quan nhanh chóng, thuận lợi. Các thương nhân doanh nghiệp của Việt Nam giúp doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc đảm bảo về mặt chất lượng quả vải, bao bì đóng gói, bảo quản theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc và đảm bảo đúng số lượng và chất lượng khi giao hàng ở cửa khẩu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh, vải thiều Bắc Giang không chỉ là đặc sản trong nước mà còn chinh phục được nhiều thị trường khó tính, được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia. Đặc biệt, vải thiều Bắc Giang là 1 trong 2 đặc sản thiên nhiên (cùng với yến sào Khánh Hòa) được Tổ chức Kỷ lục Đông Nam Á chính thức xác lập Top 10 các món ăn đặc sản, đặc sản thiên nhiên, đặc sản quà tặng của Việt Nam đạt giá trị Kỷ lục Đông Nam Á năm 2018.

Vì vậy, để đảm bảo mùa vụ vải thiều thắng lợi toàn diện, Thứ trưởng đề nghị tỉnh Bắc Giang tiếp tục hướng dẫn người trồng vải các kỹ thuật canh tác, thu hoạch để đảm bảo vải thiều có chất lượng cao, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài, doanh nhân Trung Quốc đến tham quan, khảo sát và ký kết hợp đồng chính thức với các Hợp tác xã, doanh nghiệp cung ứng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị các tỉnh có đường biên với Trung Quốc, ưu tiên giải quyết thủ tục thông quan cho mặt hàng vải thiều xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh; thường xuyên trao đổi với các cơ quan chuyên môn và bộ phận thương vụ của các nước để kịp thời cập nhật thông tin thị trường, chính sách biên mậu, hàng rào kỹ thuật đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Thứ trưởng mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài nước đầu tư triển khai các dự án chế biến nông sản, thực phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho nông dân.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh:BGP/Nguyễn Miền

Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, các hoạt động đẩy mạnh và mở rộng thị trường tiêu thụ quả vải thiều ngay tại thị trường trong nước đồng thời tìm hướng tối ưu hóa hiệu quả với các thị trường xuất khẩu đã được lãnh đạo Bộ Công Thương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt suốt thời gian qua.

Chuỗi các hoạt động xúc tiến thương mại - kết nối cung cầu hàng hóa đã góp phần nâng tầm giá trị quả vải, từ loại cây có thời điểm bị “chặt bỏ” nay đã trở thành loại cây có giá trị kinh tế cao tại Bắc Giang nói riêng và các địa phương trồng vải khác của Việt Nam nói chung, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng.

Ngay từ đầu năm nay, trên cơ sở phân tích những tác động từ dịch bệnh Covid-19, Bộ Công Thương đã sớm phối hợp UBND tỉnh Bắc Giang bàn bạc, xây dựng các phương án, kịch bản tiêu thụ quả vải năm 2020. Năm nay, các hoạt động đẩy mạnh tiêu thụ quả vải tại thị trường trong nước được đặc biệt chú trọng để Bắc Giang có thể chủ động ứng phó với kịch bản thị trường xấu nhất.

Thời gian tới, nhằm đem quả vải Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường quan trọng và mới nổi như Trung Quốc, Singapore, Australia, Nhật Bản… tích cực quảng bá hình ảnh và thúc đẩy kết nối giao dịch xuất khẩu vải thiều.

Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang khai trương sàn giao dịch thương mại điện tử. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Thu Hồng thay mặt lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, cảm ơn Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Quảng Tây, tỉnh Vân Nam - Trung Quốc; các tỉnh, thành phố trong toàn quốc đã phối hợp với tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy  Lê Thị Thu Hồng cho biết, những ngày này, tỉnh Bắc Giang đang tập trung rất cao cho công tác thu hoạch và tiêu thụ vải thiều, người dân trồng vải thiều đang kỳ vọng vào một mùa vụ bội thu. Tỉnh Bắc Giang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành. Đặc biệt là sự quan tâm vào cuộc của doanh nghiệp, doanh nhân, các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước cùng đồng hành với chính quyền và người dân tỉnh Bắc Giang, thúc đẩy các hoạt động quảng bá, tiêu thụ vải thiều.

Tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng các điều kiện để tiếp đón các thương nhân, doanh nghiệp Trung Quốc và các nước đến với Bắc Giang khảo sát, ký kết tiêu thụ vải thiều. Đảm bảo an toàn tuyệt đối về sức khỏe, an ninh trật tự, an toàn cho tất cả các thương nhân, doanh nghiệp đến với Bắc Giang.

Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy  Lê Thị Thu Hồng hy vọng sau hội nghị và Lễ xuất hành chuyến xe vải thiều đi tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước sẽ tiếp tục là một năm thành công của người dân trồng vải Bắc Giang và của doanh nghiệp, thương nhân tham gia tiêu thụ vải thiều.

Sau Hội nghị, các đại biểu đã bấm nút khởi động sàn giao dịch thương mại điện tử và cắt băng xuất hành chuyến xe vải thiều đầu tiên năm 2020 đi tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu cắt băng xuất hành đoàn xe vận chuyển vải thiều tiêu thụ trong và ngoài nước. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tiễn đoàn xe chở vải thiều đi tiêu thụ trong và ngoài nước. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền
Đoàn xe chở vải thiều tiêu thụ trong và ngoài nước xuất hành. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền
Theo BGP
0 Bình luận

Loading...