Nâng cao nhận thức về Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO

13 Tháng 9, 2019 | Tin du lịch

Ngày 12 và 13-9, UBND tỉnh Bắc Giang và Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức hội thảo “Đào tạo nâng cao nhận thức về chương trình ký ức thế giới của UNESCO”.

Tới dự có đồng chí Lê Hoài Trung, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; ông Micheal Croft, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; TS Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới (MOWCAP); ông Andrew Henderson, Tổng Thư ký MOWCAP; đại diện các bộ, ngành, địa phương. Về phía tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương dự.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung phát biểu khai mạc hội thảo.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung phát biểu khai mạc hội thảo.

Đề dẫn về hoạt động Chương trình Ký ức thế giới (MOW) nêu rõ: Cho tới nay chỉ có loài người được tạo hóa ban cho khả năng truy cập và truyền lại ký ức từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

Do tầm quan trọng của ký ức, UNESCO đã sớm hình thành các khuôn khổ pháp lý nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của ký ức. Tính đến nay đã có 527 hồ sơ được công nhận là di sản tư liệu cấp độ thế giới và 55 hồ sơ được công nhận là di sản tư liệu cấp độ châu Á - Thái Bình Dương.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh: Hội thảo "Nâng cao nhận thức về chương trình ký ức thế giới của UNESCO” có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản tư liệu. 

Từ năm 1992, UNESCO đã thành lập Chương trình ký ức thế giới (MOWCAP) để lưu giữ lại những ký ức của các dân tộc trên thế giới được ghi lại bằng hình thức tư liệu thông qua chữ viết, hình ảnh. 

Mục tiêu của Chương trình Ký ức thế giới là: Tạo điều kiện bảo tồn các di sản tư liệu của thế giới bằng kỹ thuật thích hợp; hỗ trợ việc tiếp cận với di sản tư liệu toàn cầu; nâng cao nhận thức về sự tồn tại và tầm quan trọng của di sản tư liệu trên toàn thế giới.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Việt Nam hiện nay có 7 di sản tư liệu trong đó có ba di sản cấp độ thế giới và bốn di sản cấp độ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Hội thảo lần này là dịp để nâng cao nhận thức của cộng đồng và người dân về tầm quan trọng của các di sản tư liệu, tạo cơ hội cho các học giả trao đổi kiến thức về bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình di sản tư liệu; bồi dưỡng kỹ năng xây dựng và vận động cho các hồ sơ đề cử danh mục di sản tư liệu của UNESCO; khuyến khích sự tham gia của Việt Nam và các địa phương vào các chương trình di sản ký ức thế giới và di sản ký ức khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.

Hình ảnh, tài liệu về Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm trưng bày, giới thiệu tại hội thảo.

Hình ảnh, tài liệu về Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm trưng bày, giới thiệu tại hội thảo.

Phát biểu tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương khẳng định: Bắc Giang có lịch sử văn hóa lâu đời, là chốn Tổ của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 2,2 nghìn di tích các loại, đặc biệt có ba di sản văn hóa được UNESCO công nhận gồm: Dân ca quan họ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ca trù là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu trong chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương phát biểu tại hội thảo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương phát biểu tại hội thảo.

Những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn. Nhờ đó từ 18 làng quan họ cổ trong đó có 5 làng được UNESCO ghi danh năm 2009, đến nay Bắc Giang đã có 84 câu lạc bộ quan họ với gần 1,5 nghìn hội viên tham gia, hàng trăm nghệ nhân có khả năng truyền dạy quan họ; từ một câu lạc bộ ca trù đến nay đã có 7 câu lạc bộ. 

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm từ khi được UNESCO vinh danh là di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các cấp quản lý, các nhà chuyên môn cũng như du khách thập phương và cộng đồng. 

Đại biểu tìm hiểu di sản tư liệu tại Bắc Giang.

Đại biểu tìm hiểu di sản tư liệu tại Bắc Giang.

Bên cạnh đó, Bắc Giang còn có nhiều di sản tư liệu quý giá như: Mộc bản chùa Bổ Đà, văn bia triều Nguyễn, sắc phong của các triều vua đang được quan tâm bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị. 

Tham gia tổ chức hội thảo là cơ hội để tỉnh chia sẻ, tìm hiểu, học hỏi những kinh nghiệm quý của các chuyên gia trong nước và thế giới đối với di sản tư liệu nói chung và di sản ký ức thế giới của UNESCO nói riêng.

Ông Micheal Croft, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

Ông Micheal Croft, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

Các ý kiến tại hội thảo tập trung vào việc lựa chọn tư liệu để xây dựng hồ sơ trình công nhận là di sản tư liệu; kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đề xuất hướng quản lý nhà nước về các di sản tư liệu ở Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Micheal Croft cho rằng, để bảo tồn di sản tư liệu cần duy trì bản sắc văn hóa qua việc kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai; tổ chức giới thiệu về di sản để công chúng nắm bắt, giáo dục và truyền lại giá trị đó cho thế hệ trẻ, tận dụng được năng lượng và sức sáng tạo của thế hệ trẻ tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản. 

Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế, cần tập trung nguồn lực đầu tư trùng tu và khôi phục giá trị di sản; tăng cường tuyên truyền nâng ý thức, nhận thức của cộng đồng cư dân, trong đó đưa kiến thức về di sản vào trường học, khuyến khích cộng đồng tìm hiểu, nắm bắt và tham gia bảo tồn di sản.

TS Vũ Thị Minh Hương nêu kinh nghiệm bảo tồn di sản tư liệu.

TS Vũ Thị Minh Hương nêu kinh nghiệm bảo tồn di sản tư liệu.

Chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn và phát huy di sản tư liệu tại tỉnh, ông Nguyễn Sỹ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Giang thông tin: Cả hai kho tư liệu mộc bàn chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà đã được cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm kê, đánh số, phân loại theo quy định về quản lý cổ vật. 

Việc nghiên cứu bảo đảm hệ thống, bài bản mang tính chuyên sâu, trong đó đã từng bước phiên âm, dịch nghĩa bằng tiếng Việt và tiếng Anh ở một số nội dung và xuất bản các tác phẩm kinh sách hiện tàng lưu tại chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà phục vụ công tác nghiên cứu, sưu tầm và tuyên truyền; tổ chức làm phim tài liệu giới thiệu về hai ngôi chùa và bộ mộc bản; phục chế một số nội dung trưng bày tại chùa để giới thiệu tới khách tham quan. 

Thời gian tới, Bắc Giang tiếp tục đầu tư nâng cấp, bảo vệ mộc bản, xây dựng phim tư liệu, phát hành sách về mộc bản và xây dựng các tua du lịch, đưa hình ảnh di sản vào các sản phẩm du lịch để giới thiệu rộng rãi đến du khách; áp dụng công nghệ thông tin trong bảo vệ và quảng bá.

Ngoài ra, một số ý kiến chia sẻ về kinh nghiệm trong xây dựng hồ sơ trình công nhận di sản tư liệu; sự cẩn trọng trong thẩm định, đánh giá cũng như công tác lưu trữ tư liệu; sự liên kết trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Theo Báo Bắc Giang
0 Bình luận

Loading...