Phát huy di sản văn hóa áo dài trong mỗi phụ nữ Việt

05 Tháng 3, 2021 | Tin du lịch

Những ngày này, nhiều nơi trên cả nước, từ cơ quan, công sở, trường học trên đường phố và cả trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo… đều xuất hiện hình ảnh những phụ nữ duyên dáng, thanh lịch, thướt tha trong tà áo dài. Điều này cho thấy sự hưởng ứng và lan tỏa rộng rãi của cộng đồng nhân "Tuần lễ áo dài Việt Nam" năm 2021.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga trao 2 bộ áo dài mình đã mặc trong buổi lễ trao quyết định bổ nhiệm đại sứ, đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc và tại Lễ trình Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon năm 2014 cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga trao 2 bộ áo dài mình đã mặc trong buổi lễ trao quyết định bổ nhiệm đại sứ, đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc và tại Lễ trình Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon năm 2014 cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

* Tuần lễ tôn vinh áo dài

Tiếp nối thành công của "Tuần lễ áo dài năm 2020", chào mừng thành công Đại hội XIII của Đảng và kỷ niệm 111 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2021), Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động "Tuần lễ áo dài" từ ngày 1-8/3 trên toàn quốc. Việc này góp phần tiếp tục tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng về lịch sử, giá trị của áo dài Việt Nam, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người, đặc biệt là cán bộ, hội viên, phụ nữ trong gìn giữ, phát huy di sản văn hóa.

Để "Tuần lễ áo dài Việt Nam" năm nay nhận được sự hưởng ứng, lan tỏa rộng rãi của chị em phụ nữ, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị các tỉnh, thành phố, đơn vị trực vận động hội viên, phụ nữ, nữ công chức, viên chức, thanh niên hưởng ứng sự kiện bằng các hoạt động thiết thực, cụ thể, đặc biệt phải đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19. Đồng thời, hoạt động của "Tuần lễ áo dài Việt Nam" được đẩy mạnh tuyên truyền trên kênh thông tin đại chúng, truyền thông xã hội nhằm khẳng định giá trị, vị thế của áo dài.

Hưởng ứng chương trình, từ ngày 1/3, cán bộ cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố và đông đảo cán bộ, công chức, viên chức nhiều cơ quan đã đồng loạt mặc áo dài đến công sở, tạo nên những vườn hoa thắm sắc hương trên cả nước.

Tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, một chuỗi các hoạt động kỷ niệm, tôn vinh áo dài Việt Nam được tổ chức. Bên cạnh việc vận động cán bộ, công nhân viên mặc áo dài, Bảo tàng đã tiếp nhận hình ảnh, tài liệu hiện vật với chủ đề "Ký ức và di sản", trong đó có 20 bộ áo dài nằm trong bộ sưu tập hơn 1000 áo dài đã được giới thiệu tại buổi trình diễn "Áo dài - di sản văn hóa Việt Nam" tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm 2020.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tham gia chiến dịch truyền thông Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 do Hiệp hội Bảo tàng Phụ nữ thế giới tổ chức, với thông điệp: Bảo tàng của phụ nữ tin vào sự thay đổi và mong muốn đóng góp phần của mình cho một thế giới bình đẳng hơn.

Bảo tàng Phụ nữ phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam tổ chức sự kiện "Đàn ông toàn cầu lên tiếng" (#GlobalGuyTalk). Đây là một phần của dự án được thực hiện năm 2016, nhằm tạo cơ hội cho những người đàn ông được lên tiếng, được lắng nghe, góp phần thúc đẩy bình đẳng chung cho toàn xã hội. Sự kiện "Đàn ông toàn cầu lên tiếng" sẽ diễn ra trong tháng 3/2021 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam gồm 2 nội dung. Đó là triển lãm khai mạc ngày 8/3, trưng bày 21 pano về 5 chủ đề là những câu trích về cảm nhận, suy nghĩ của đàn ông Thụy Điển về cuộc sống của họ và một buổi tọa đàm quy mô nhỏ để nam giới Việt Nam trao đổi về chủ đề của triển lãm…

*Miễn vé tham quan di tích Huế đối với công dân mặc áo dài truyền thống dịp 8/3

Chiều 4/3, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết từ ngày 6 - 8/3, công dân khi mặc trang phục áo dài truyền thống Việt Nam đến các điểm di tích Huế sẽ được miễn 100% giá vé tham quan.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai thực hiện ý kiến nêu trên và thông báo rộng rãi cho cán bộ, nhân dân biết để tham gia. Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, các sở, ban ngành, địa phương tăng cường phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đẩy mạnh hưởng ứng sự kiện "Tuần lễ Áo dài" do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và Đề án Huế - Kinh đô áo dài củaViệt Nam.

Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng sự kiện "Tuần lễ Áo dài" do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động; thực hiện Đề án Huế - Kinh đô áo dài và chào mừng 111 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm phục hưng áo dài truyền thống, hướng đến xây dựng và phát triển thương hiệu Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam. Cùng với việc vận động cán bộ công sở, giáo viên, học sinh, sinh viên toàn tỉnh cùng mặc áo dài, tỉnh Thừa Thiên - Huế còn tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp của áo dài Huế như Lễ hội áo dài trong các kỳ Festival; Ngày hội Áo dài Huế. Đáng chú ý, trong năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thử nghiệm, công chức mặc áo dài ngũ thân đến công sở làm việc tại ngày thứ hai đầu tiên của tháng. Phong trào này, đang dần lan tỏa tại các công sở trên địa bàn tỉnh.

Theo TTXVN

0 Bình luận

Loading...