BẢN SẮC VĂN HÓA NGƯỜI NÙNG QUA CÁC NGHI LỄ TRUYỀN THỐNG

03 Tháng 1, 2024 | Làng Văn hoá Du lịch

Mỗi dân tộc đều có một nền văn hóa và bản sắc riêng. Những yếu tố cơ bản cấu thành nên bản sắc đó là phong tục, tập quán và các nghi lễ dân gian truyền thống. Sự lưu giữ và trường tồn của phong tục tập quán trong mỗi nền văn hóa nói nên sức sống của dân tộc. Trong đó, nghi lễ truyền thống là mối liên hệ thắt chặt tinh thần của thế hệ hiện tại với cha ông trong quá khứ để trong tương lai hun đúc thành sức mạnh làm tăng sức sống của một dân tộc.

BẢN SẮC VĂN HÓA NGƯỜI NÙNG QUA CÁC NGHI LỄ TRUYỀN THỐNG

Bắc Giang là tỉnh miền núi nằm ở khu vực Đông Bắc của lãnh thổ Việt Nam, là một trong những địa phương có nhiều thành phần dân tộc cùng cư trú với các dân tộc anh em cùng sinh sống như người Kinh, Dao, Tày, Nùng, Cao Lan… Trong số các dân tộc thì dân tộc Nùng có mặt tại Bắc Giang từ rất sớm và là cộng đồng có dân số đứng thứ hai trong tỉnh, họ tập trung chủ yếu ở 5 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang. Với kho tàng dân gian phong phú và các phong tục, nghi lễ truyền thống, người Nùng Bắc Giang còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng. Trải qua nhiều thế hệ cho đến nay, người Nùng vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa, đã trở thành biểu tượng của dân tộc như hát then, đàn tính… Đặc biệt, các nghi lễ dân gian gắn với chu kỳ đời người (sinh đẻ, cưới xin, tang ma); nghi lễ nông nghiệp (bắt đầu, kết thúc vụ mùa, đầu năm mới); lễ hội thờ Thổ công, Thành hoàng làng hoặc khi gia đình, bản làng có công việc gì đó cần sự phù trợ của thần linh đã trở thành bản sắc văn hóa không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của người dân tộc Nùng Bắc Giang từ xưa đến nay.

       Hát Slong hao là một nét đẹp của người Nùng

   Hệ thống các nghi lễ của người Nùng cũng khá phong phú, nhiều màu sắc và có giá trị lớn trong đời sống tín ngưỡng của họ. Trong số các nghi lễ truyền thống đặc trưng của đồng bào Nùng ở tỉnh Bắc Giang không thể không kể đến nghi lễ then. Then là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh lâu đời của đồng bào các dân tộc Nùng đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng là một loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp, phản ánh mọi khía cạnh của cuộc sống, từ niềm vui, nỗi buồn đến những ước vọng, hoài bão, hướng tới những điều bình an, tốt đẹp. Đối với đồng bào dân tộc Nùng, then là nét đặc trưng trong bản sắc văn hóa của dân tộc có vai trò quan trong trong đời sống văn hóa tinh thần và tín ngưỡng của người dân, bởi vậy người ta nói rằng ở đâu có người Nùng sinh sống thì ở đó có then, nếu thiếu then thì dường như thiếu mất đi phần hồn dân tộc, thiếu đi chất hoang sơ vốn ngự trị trong phong tục và nghi lễ của người Nùng từ nhiều đời. Theo bà then Chu Thị Hồng Vân, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang: Then là cầu nối tâm linh mang lời thỉnh cầu, mong ước của con người Ngọc Hoàng và các vị thần. Vì vậy, vào mỗi dịp lễ lớn trong năm như cầu an, mừng nhà mới, cúng giỗ tổ tiên, mừng sinh nhật ông bà, cha mẹ... đều không thể thiếu vắng Then. Vào dịp trọng đại như cấp sắc cho người làm Then hay hội Then, thời gian có thể kéo dài ba ngày, ba đêm, dân gian gọi là lẩu Then. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử và những ảnh hưởng quá trình giao thoa văn hóa, then vẫn tồn tại trong đời sống tinh thần của đồng bào Nùng như một minh chứng cho sức mạnh trường tồn của tinh thần và bản sắc dân tộc.

       Bếp lửa người Nùng

   Ngoài nghi lễ then, các nghi lễ liên quan đến vòng đời người là thành tố quan trọng cấu thành bản sắc văn hóa của người Nùng tỉnh Bắc Giang hiện nay. Các giá trị văn hóa trong nghi lễ vòng đời phản ánh quan hệ đa chiều của con người; đồng thời phản ánh kinh nghiệm, sức sống, sức sáng tạo của cư dân Nùng trong tiến trình lịch sử. Điều này thể hiện vai trò và những yếu tố văn hóa đặc sắc trong nghi lễ liên quan vòng đời của đồng bào Nùng khắp các vùng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang như: Lập bàn thờ và cúng mụ, Lễ mừng sinh nhật cho bố mẹ từ 61 tuổi trở đi ; Cây hoa báo hiếu (cây vàng, cây bạc do con gái và cháu gái chuẩn bị) trong nghi lễ đám ma của ông bà, bố mẹ… Dù ở chu kỳ nào thì các nghi lễ đều được diễn ra với nhiều nghi lễ trang trọng thể hiện bản sắc đặc trưng riêng của đồng bào dân tộc.

Cây tiền, cây bạc trong nghi lễ đám ma xã Đông Phú, huyện Lục Nam

Bên cạnh đó, đồng bào Nùng cũng có những nghi lễ liên quan đến việc thờ cúng vẫn còn ảnh hưởng rất sâu đậm trong cuộc sống như: thờ tổ tiên, thờ tổ sư nghề, thờ thần cửa, thờ thổ công… Những tín ngưỡng thờ cúng này xuất phát từ tâm thức của đồng bào về niềm tin vào thánh thần, các lực lượng siêu nhiên khi mà con người chưa lý giải được các hiện tượng thiên nhiên trong cuộc sống. Các nghi lễ thờ cúng của đồng bào là một nét văn hóa tồn tại từ ngàn xưa khi con người ta còn sống dựa và phụ thuộc vào thiên nhiên và suy nghĩ của đồng bào “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Tín ngưỡng thờ cúng hiện nay vẫn ảnh hưởng khá sâu đậm trong đời sống của đồng bào, tạo nên sự khác biệt trong văn hóa của dân tộc Nùng với các dân tộc khác.

Ban thờ mụ người Nùng, huyện Lục Ngạn

Các nghi lễ nông nghiệp luôn được người Nùng coi trong vì nó gắn liền với tục thờ thần nông. Các nghi lễ này không chỉ hàm chứa những giá trị độc đáo về tín ngưỡng, tâm linh mà còn thể hiện sự tôn vinh cây lúa, cây nông nghiệp quan trọng nhất trong đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tết cơm mới là một trong hai nghi lễ nông nghiệp trong năm thường được tổ chức vào tháng 9, tháng 10 âm lịch. Xưa lễ hội được tổ chức thành ngày hội lớn trong thôn bản… nhưng nay chỉ còn tổ chức tại các gia đình. Mâm lễ trong ngày tết rất phong phú và đa dạng, ngoài thức ăn được chế biến từ các sản vật do gia đình tự chăn nuôi, cấy trồng như: Thịt gà, vịt, lợn, cá thì gia chủ còn chuẩn bị các loại quả và xôi ba màu, ngũ sắc đặt lên bàn thờ dâng cúng tổ tiên. Liên quan đến tín ngưỡng nông nghiệp, người Nùng còn có tết mồng 10 tháng 10, họ sẽ thịt gà làm bánh dày, sắp cỗ để cúng tổ tiên, tạ ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho một mùa màng nhanh gọn, thuận lợi. Các nghi lễ liên quan đến nông nghiệp của người Nùng ở Bắc Giang vừa chứa đựng ý nghĩa tâm linh sâu sắc, vừa mang đậm nét đẹp văn hóa của người dân nơi đây.

Người Nùng giữ nghề dệt truyền thống

Dân tộc Nùng tỉnh Bắc Giang là một dân tộc thiểu số mang nhiều nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu là những nghi lễ truyền thống. Bắc sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Nùng được thể hiện qua các nghi lễ truyền thống luôn được đồng bào Nùng gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp, từng bước đưa bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Nùng trở thành nền tảng vững chắc tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn và đặc trưng tại Bắc Giang./.

Nguyễn Thị Duyên

 

0 Bình luận

Loading...