GÌN GIỮ CHỮ VIẾT NGƯỜI DAO

08 Tháng 10, 2023 | Làng Văn hoá Du lịch

GÌN GIỮ CHỮ VIẾT NGƯỜI DAO
Ngôn ngữ của một tộc người bao gồm tiếng nói và chữ viết. Mỗi dân tộc thường có tiếng nói riêng, nhưng không phải tộc người nào cũng sáng tạo ra chữ viết riêng, nhiều tộc người mượn chữ viết của dân tộc khác để ký âm cho tiếng nói của dân tộc mình. Người Dao thuộc nhóm ngôn ngữ Mông-Dao, là một ngữ hệ gồm những ngôn ngữ nặng thanh điệu miền Nam Trung Quốc và Bắc Đông Nam Á lục địa. Như nhiều ngôn ngữ miền Nam Trung Quốc, ngôn ngữ Dao có xu hướng đơn âm tiết và mang cú pháp phân tích. Cũng như nhiều dân tộc anh em khác, người Dao sử dụng chữ Hán để ký âm tiếng Dao, tạo thành chữ Nôm Dao.
Chữ viết người Dao
Những chữ tượng hình Hán là loại chữ rất khó học, khó nhớ, với các tộc người thiểu số nói chung và người Dao nói riêng chỉ có những người có trình độ mới có thể đọc thông viết thạo. Với người Dao người có kiến thức trong cộng đồng thường là những người làm nghề thầy cúng. Chữ Hán Nôm Dao cũng là công cụ để các thầy cúng thực hiện các nghi lễ cho cộng đồng, làng bản. Bằng vốn từ ngữ phong phú mượn từ chữ Hán, người Dao đã viết ra một số lượng lớn các tài liệu quý lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Các tài liệu quý còn lưu giữ trong các kho gia thư của một số gia đình người Dao giúp cho chúng ta hiểu sâu hơn về ngôn ngữ, chữ viết cũng như văn hóa, phong tục, tập quán và tín ngưỡng tôn giáo của dân tộc Dao. Đó là các loại sách như sách dạy luân lý, sách thuốc, sách học, sách xem ngày giờ tốt xấu, sách xem số tử vi, sách cúng…
Dạy chữ cho con cháu
Vấn đề bảo tồn, gìn giữ ngôn ngữ các dân tộc thiểu số từ lâu đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Điều 5, chương I Hiến pháp Việt Nam năm 2013 ghi rõ: “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”. Người Dao ở Bản Mậu đã có ý thức tự học, lưu truyền, gìn giữ chữ viết của người Dao. Một lớp học tự phát được mở ra từ những năm 1997-1998, tuy nhiên hiệu quả không cao. Bảo tàng tỉnh Bắc Giang cũng tổ chức điều tra sách chữ Hán dân tộc Dao, nhưng khả năng tiếp cận nguồn tư liệu này rất khó khăn và chỉ sưu tầm được vài quyển. Để khai thác vốn di sản tư liệu cha ông truyền lại cho ngành Dao ở xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động, năm 2013 Bảo tàng tỉnh Bắc Giang mở lớp truyền dạy chữ Hán-Nôm dân tộc Dao ở xã Tuấn Mậu, nay là thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Mục đích của chương trình này nhằm bảo tồn văn hóa phi vật thể của dân tộc có nguy cơ bị mai một, truyền dạy chữ Hán Nôm và vốn tri thức Hán Nôm dân tộc Dao cho con em dân tộc Dao ở địa phương có nhu cầu học tập; Khai thác vốn tri thức sách Hán Nôm dân tộc Dao hiện đang được các gia đình người Dao lưu giữ, từ đó góp phần bảo tồn vốn di sản văn hóa dân tộc ở địa phương, nâng cao lòng tự tôn, tự hào về vốn di sản văn hóa dân tộc mà cha ông để lại. Lớp học được mở ra đã thu hút rất nhiều con em dân tộc Dao trong xã đăng ký tham gia. Tham dự lớp học có 30 học viên, đều là con em dân tộc Dao ở xã Tuấn Mậu. Thành phần học viên bao gồm nhiều lứa tuổi. Người trẻ nhất sinh năm 1999 và người lớn tuổi nhất sinh năm 1960. Trong suốt quá trình học, giáo viên truyền dạy chữ Hán-Nôm Dao là những cán bộ chuyên ngành Hán Nôm của Bảo tàng Bắc Giang kết hợp cùng với các ông Bàn Văn Cường, Triệu Sinh Thọ, Triệu Sinh Nguyễn là người dân tộc Dao ở địa phương có tri thức và thường xuyên truyền dạy chữ Hán-Nôm dân tộc Dao đảm nhiệm. Nội dung học tập tập trung vào một số vấn đề căn bản của chữ Hán Nôm-Dao như các chữ viết, thể chữ, cách viết, cách phát âm... và ngoài ra còn được học một số bài trong cuốn Tam Tự Kinh. Toàn bộ giáo án học tập trong 5 tháng đều được ông Trần Văn Lạng - Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh trực tiếp biên soạn, được các giảng viên Bàn Văn Cường, Triệu Sinh Thọ, Triệu Sinh Nguyễn nghiên cứu, chuyển đổi sang tiếng Dao để truyền dạy cho học viên. Các học viên được học tập theo giáo án xây dựng sẵn và cuối mỗi kỳ đều phải làm bài kiểm tra chất lượng. Lớp học vì thế mà được duy trì rất bài bản và nghiêm túc. Sau một khóa học tập, lớp đã hoàn thành nội dung chương trình với mục đích, yêu cầu đề ra. Học viên có thể biết đọc và nhớ được trên dưới 1000 chữ, biết phiên âm và dịch nghĩa một số các văn bản đơn giản. Cụ thể toàn lớp có 30 học viên, sau khóa học cả lớp có 25 người đạt yêu cầu của chương trình đề ra, trong số đó có 7 học viên đạt loại xuất sắc. Qua lớp học các học viên tăng thêm ý thức về nghĩa vụ tuyên truyền, bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết, phong tục tập quán của dân tộc mà bản thân học viên là những người trực tiếp bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.
Gia đình người Dao
Xu hướng hội nhập quốc tế làm tăng nguy cơ suy giảm các ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, ngôn ngữ không chỉ là một phần của của văn hóa mà còn là phương tiện để thống nhất ý chí và củng cố sức mạnh đoàn kết dân tộc. Không những vậy, việc bảo tồn ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số còn thể hiện vị thế bình đẳng giữa các dân tộc, thể hiện sự đa dạng trong văn hóa Việt Nam. Cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội khu vực Tây Yên Tử, người Dao cũng như các tộc người khác đã bổ sung rất nhiều từ mới là tiếng Việt. Thực tế ở Bản Mậu thị trấn Tây Yên Tử người biết chữ Hán Nôm Dao còn rất ít, chủ yếu là những cụ già tuổi cao, làm nghề thầy cúng. Thanh thiếu niên hầu như không còn ai biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao nữa. Trẻ em đến lớp học tập bằng tiếng Việt nên tiếng Dao cơ bản chỉ còn là ngôn ngữ nói trong gia đình, cộng đồng thôn bản. Tiếng Việt ngày càng được sử dụng nhiều hơn để ký âm tiếng Dao, đây cũng là xu hướng phù hợp với sự phát triển xã hội hiện đại. Phổ biến nhất là việc ghi chép lại những bài hát dân ca bằng chữ cái theo lối ghép vần tiếng Việt để con em người Dao có thể dễ đọc, dễ nhớ hơn. Đây cũng là một biện pháp bảo tồn, nuôi dưỡng vốn văn hóa truyền thống của đồng bào.

Chữ viết người Dao được cộng đồng lưu truyền

Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. UBND tỉnh Bắc Giang cũng ban hành “Đề án số 4805/ĐA-UBND ngày 30/10/2020 về việc Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2030”. Trong đó nội dung bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số mà ngôn ngữ cũng là một mục tiêu quan trọng. Để giữ gìn ngôn ngữ của người Dao trong thời gian tới, chính quyền địa phương, ngành Văn hóa cần thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Tiếp tục các lớp truyền giảng tiếng nói, chữ viết dân tộc Dao thông qua nguồn ngân sách hỗ trợ của Nhà nước.

- Phối hợp với những người cao tuổi biết chữ Hán Nôm Dao, biên soạn bài giảng để học viên các lớp học có tài liệu học tập, tham khảo.

- Điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch các sách Hán Nôm Dao và sách Hán Nôm các dân tộc thiểu số khác của tỉnh Bắc Giang để xuất bản thành sách nhằm bảo tồn, khai thác, phát huy.

- Phối hợp với Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch thuật vốn di sản Hán Nôm Dao để xuất bản bảo tồn.

- Sưu tầm, sao chép các sách chữ Hán Nôm Dao đưa về Bảo tàng bảo quản, lưu trữ, sử dụng lâu dài. Tránh nguy cơ các cụ già địa phương bỏ nát hoặc bán cho người ngoài tỉnh.

- Quay phim, làm băng đĩa hình về việc bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết dân tộc Dao.

- Hàng tuần có chương trình phát thanh tiếng dân tộc để động viên người Dao bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết dân tộc mình./.

  Hoàng Mai

0 Bình luận

Loading...