Người Dao bản Mậu và việc cần nỗ lực giữ gìn bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc

15 Tháng 11, 2023 | Làng Văn hoá Du lịch

Người Dao bản Mậu và việc cần nỗ lực giữ gìn bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc
Lâu nay, giữa cuộc sống hối hả tấp nập của xã hội đương đại, giá trị văn hoá truyền thống dân tộc ngày càng khẳng định vai trò và vị trí không thể thiếu trong đời sống hiện tại. Do đó, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc Dao bản Mậu luôn một trong những nhiệm vụ cần thiết và quan trọng đối với địa phương.
Dân tộc Dao là một trong những thành phần dân tộc tiểu số chiếm tỷ lệ tương đối cao ở Bắc Giang. Trên địa bàn dân tộc Dao chia thành nhiều nhóm nhỏ khác nhau: Dao Lô Gang, Dao Thanh Phán và Dao Thanh Y. Dân tộc Dao tại Bản Mậu chủ yếu là nhóm Dao Thanh Phán. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh họ còn cư trú tại cư trú ở các xã Bình Sơn, Lục Sơn huyện Lục Nam; xã Tân Lập, Tân Mộc huyện Lục Ngạn; xã Đồng Vương huyện Yên Thế. Khi mới đến Bắc Giang, người Dao sống du canh du cư và đốt rừng làm nương rẫy. Hái lượm lâm thổ sản, săn bắt là nguồn sống chủ yếu của họ. Sau này khi đã định canh định cư, người Dao ở đây vẫn làm nương rẫy là chủ yếu. Đồng bào có làm ruộng nước nhưng không phổ biến. Việc canh tác trên các nương rẫy phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên và là hoạt động mưu sinh chính không thể thiếu được trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, trong các hoạt động kinh tế của người Dao, nương rẫy vẫn chiếm vị trí khá quan trọng. Với hệ nông cụ sản xuất còn thô sơ, ngoài lúa đồng bào còn trồng các loại cây lương thực khác như ngô, khoai, sắn và trồng màu. Các hoạt động bổ trợ khác như chăn nuôi, thủ công nghiệp gia đình và khai thác các nguồn lợi tự nhiên cũng có vai trò đáng kể.
Biểu diễn tiết mục văn nghệ tại lễ hội Tây Yên Tử
Việc phân công lao động trong nông nghiệp của người Dao cũng diễn ra trong phạm vi gia đình, dựa trên cơ sở tự nhiên, theo lứa tuổi và giới tính. Nam giới thường đảm nhận những công việc nặng nhọc như đốn cây, mở đất, khơi mương, làm máng… còn phụ nữ và trẻ em làm những công việc nhẹ nhàng hơn như dọn nương, gieo hạt, làm cỏ, thu hoạch… Trên thực tế các công việc phần lớn do người phụ nữ đảm nhiệm. Phụ nữ Dao vô cùng đảm đang, tháo vát, chăm chỉ lao động. Mỗi gia đình nuôi một đến hai con trâu để làm sức kéo trong nông nghiệp. Gia đình nào cũng nuôi nhiều lợn, gà, vịt. Nuôi lợn và gia cầm không đòi hỏi phải có dự đầu tư lớn, chu kỳ sinh sản nhanh, dễ thu hồi vốn, phù hợp với khả năng của mọi hộ dân. Trước kia đàn lợn cũng được thả rông là chính, chỉ gần tới các dịp lễ tết mới vỗ béo. Gần đây, bà con đã quan tâm xây dựng chuồng trại, giữ vệ sinh khu vực chăn nuôi.
Lễ rước tượng phật lên chùa Thượng Tây Yên Tử
Đối với người Dao việc khai thác các nguồn lợi tự nhiên là một thứ “Lộc trời” đem lại cho dân làng. Họ coi công việc hái lượm là một hoạt động không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Đây là công việc của mọi thành viên trong gia đình người Dao, nhưng người phụ nữ thường giữ vai trò chính. Sản phẩm của hái lượm chủ yếu là các loại măng và rau quả thực phẩm. Các loại rau sẵn có trong rừng là đối tượng thu hái quanh năm của người Dao gồm có: rau ngót rừng, dương xỉ, lá lốt, ngải cứu, lá sung… Đặc biệt phong phú và dồi dào là các loại măng: măng đắng, măng mai và măng nứa. Thời gian thu hái măng gần như quanh năm, nhưng tập trung nhất là vào khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 dương lịch. Những tháng đầu năm là thời kỳ thu hái các loại măng đắng, thời gian tiếp theo có thêm măng mai, măng nứa. Đối với măng mai, măng nứa, đồng bào không chỉ ăn tươi mà còn chế biến thành măng khô để dành ăn dần hay đem bán. Măng cũng thường được chế biến thành măng chua. Măng chua phơi khô thường mềm, dễ chế biến hơn loại măng luộc phơi khô. Bên cạnh rau, măng, người Dao còn thu hái mộc nhĩ, nấm hương và các loại nấm khác. Và đặc biệt là hái thuốc Nam.
 Hội nghị truyền dậy kỹ năng làm du lịch cho Đồng bào dân tộc 
Trang phục phụ nữ dân tộc Dao Thanh Phán ở Bắc Giang có đặc điểm là trang phục có màu chàm sẫm, không có họa tiết trang trí, nữ mặc áo dài, đội khăn mỏ quạ màu chàm sẫm.
Đến nay, Bản Mậu có khoảng hơn trăm (160) hộ gia đình, chủ yếu là người dân tộc Dao (Thanh Phán) sống quần cư dưới những ngọn núi cao mà ngay phía trên đỉnh là chùa Đồng thuộc khu di tích Yên Tử.  Đồng bào người Dao nơi đây còn gìn giữ được nhiều giá trị văn hoá truyền thống tiêu biểu đặc sắc như: Trang phục, nét sinh hoạt văn hoá truyền thống, nghề truyền thống...Đó là những giá trị di sản văn hoá quý giá cần bảo tồn và gìn giữ phát huy nhất là trong giai đoạn phát triển nền kinh tế thị trường như hiện nay.
Vị thuốc nam được đồng bào Dao chế biến phơi khô
Lâu nay, việc bảo tồn, khai thác, phát huy văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trong đó có có đồng bào người Dao đã và đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cấp chính quyền từ tỉnh cho đến địa phương. Cùng với đó là sự cố gắng chung tay góp sức đồng lòng của Nhân dân nhất là dân cư địa phương. Để tiếp tục phát huy hơn giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của người Dao tại Bản Mậu trong thời gian tới cần có sự nỗ lực hơn nữa của của các cấp chính quyền địa phương các đoàn thể chính trị và Nhân dân nhất là dân cư địa phương với việc thực hiện những giải pháp nhiệm vụ trong tâm như:
 Quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch; thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn: Quy hoạch, quản lý các khu, điểm có tiềm năng du lịch lớn, đề xuất đưa vào danh mục quy hoạch phát triển và kết nối các điểm du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch để đưa vào quy hoạch giúp việc quản lý tốt và bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên hiện có, tổ chức trồng và bảo vệ, phát triển thêm diện tích rừng (đặc biệt rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng sinh thái, rừng cây dược liệu, sản vật dưới tán rừng, công viên sinh thái, hồ chứa nước...).  Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất rừng, khai thác mặt nước tại các khu, điểm phát triển du lịch; bố trí quỹ đất thu hút đầu tư xây dựng nhà nghỉ, khách sạn, hệ thống nhà hàng, khu vui chơi, mua sắm tại khu trung tâm huyện và 3 điểm du lịch trọng điểm trong đó có Bản Mậu, Tây Yên Tử; Ưu tiên quy hoạch đất để mở rộng đầu tư xây dựng, khôi phục, trùng tu, bảo tồn các công trình di tích văn hóa, văn hóa tâm linh, tôn giáo tín ngưỡng, văn hóa lịch sử và các danh lam thắng cảnh, các khu, điểm du lịch, dịch vụ trọng điểm trên địa bàn huyện.
 Xây dựng phát triển sản phẩm du lịch gắn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc: Tập chung xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch Tây Yên Tử, du lịch sinh thái, trải nghiệm, nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng tạo điểm nhấn, nét khác biệt của du lịch Sơn Động nói chung và du lịch Tây Yên Tử nói riêng. Bảo tồn, duy trì các lễ hội, những phong tục, tập quán sinh hoạt văn minh, mang bản sắc đặc trưng của các dân tộc thiểu số tại địa phương. Khôi phục, hoàn thiện các huyền tích của các điểm di tích văn hóa, văn hóa tâm linh, văn hóa lịch sử tại các địa phương; Tích cực tham mưu và phối hợp hoàn thiện các hạng mục công trình trong Khu du lịch văn hóa-tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử để góp phần cùng hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận vùng di tích văn hóa Nhà Trần và Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại thật bền vững.
Trang phục tuyền thống người Dao
Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hoá đặc sắc của địa phương gắn với du lịch đặc trưng vùng: Đa dạng, đổi mới các hình thức tuyên truyền góp phần nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến giá trị văn hoá đặc sắc địa phương gắn du lịch trong tình hình mới phù hợp với điều kiện phát triển du lịch của địa phương. Đổi mới, phát huy hiệu quả hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông tin đại chúng; khai thác quảng bá có hiệu quả tiềm năng du lịch và sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng trên các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin (Hệ thống thông tin quản lý du lịch thông minh, Cổng thông tin du lịch thông minh, Cổng thông tin UBND tỉnh và Cổng thông tin UBND  huyện); Tập chung tuyên truyền quảng bá giá trị văn hoá đặc sắc của người Dao của địa phương hiệu quả tại các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu của huyện.
Bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực văn hoá: Mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền dạy nghề truyền thống người Dao cho nhân dân và thế hệ trẻ tại địa bàn. Mặt khác kịp thời biểu dương, tôn vinh các cá nhân tổ chức đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả cho việc bảo tồn phát huy giá trị văn hoá hướng tới sự phát triển bền vững tại địa phương./.
Hà Bộ
 
 
 
0 Bình luận

Loading...