Tục cúng sinh nhật - nét văn hóa của người Nùng huyện Lục Ngạn

08 Tháng 12, 2023 | Làng Văn hoá Du lịch

Trong các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện Lục Ngạn: Kinh, Nùng, Tày, Sán Dìu, Cao Lan, Sán Chí, Dao, Hoa. Người Nùng là dân tộc có số dân đông thứ hai chỉ sau người Kinh. Làng bản của người Nùng thường ở rải rác trên những sườn đồi, núi thấp, theo từng khu, cách nhau bởi những ngọn đồi, thung lũng nhỏ, hay con suối vạt rừng. Trước đây họ ở nhà sàn nhưng sau do điều kiện kinh tế phát triển đồng bào sống sen cư và chuyển dần từ nhà sàn xuống nhà trình tường, nền đất. Nguồn sống chính của đồng bào là lúa và ngô kết hợp với trồng lúa nước và lúa cạn trên các sườn đồi. Đồng bào thường mặc áo chàm. Đời sống tinh thần của đồng bào Nùng rất phong phú. Tín ngưỡng tiêu biêu biểu nhất của người Nùng là tục thờ cúng tổ tiên. Mỗi khi gia đình có việc như làm nhà mới, sinh đẻ, cưới xin hoặc có người chết thì đồng bào tổ chức cúng bái, mời tổ tiên về chứng giám .

Tục cúng sinh nhật - nét văn hóa của người Nùng huyện Lục Ngạn

Chuẩn bị lễ trong lễ sinh nhật người Nùng

Trong một năm đồng bào có các ngày lễ  tết chính: Tết nguyên đán, tết rằm tháng giêng, tết thanh minh (mùng 3/3), tết Đoan Ngọ (5/5), tết rằm tháng 7, tết rằm tháng 7, tết rằm tháng 8, tết cơm mới (ngày 9/9).

Đặc biệt người Nùng  ở Lục Ngạn có tục mừng sinh nhật cho những người cao tuổi. Theo phong tục, ngày sinh nhật chính là ngày mà con cái thể hiện sự báo hiếu đối với cha mẹ, ông bà của mình. Đồng bào rất coi trọng việc ăn sinh nhật hàng năm và thường ăn vào đúng ngày sinh nhật nhưng cũng có một vài nơi tổ chức ăn sinh nhật vào những ngày đầu xuân, thường được gọi là lễ mừng thọ.

Tuổi để con cháu tổ chức lễ sinh nhật cho bố, mẹ là từ 60 trở lên, lễ cúng được diễn ra vào đúng ngày sinh tháng đẻ của bố (mẹ ). Tuổi càng cao ăn sinh nhật càng to, càng đông vui, họ quan niệm rằng đây là một dịp để giải hạn cho mình nên trong các lễ ăn sinh nhật thường mời thầy cúng đến giải hạn. Lễ sinh nhật được tổ chức hàng năm cho đến khi người ấy qua đời. Lễ sinh nhật lần đầu tiên thường được tổ chức trọng thể gia đình mời thầy cúng giỏi đến cúng và mời tất cả họ hàng, con cháu, các con nuôi, các gia đình trong bản cùng những người bạn bè thân thích đến dự nhưng lần sau thì không mời lại nữa. Những ai đã được mời đến dự sinh nhật đầu tiên thì cứ thế mà đúng hẹn tới ngày, tới tháng là đến.

Hát then trong nghi lễ

Việc tổ chức sinh nhật to hay nhỏ là phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia gia đình, vào quan hệ họ hàng lớn hay bé và quan hệ bạn bè nhiều hay ít của chủ nhà. Những gia đình có kinh tế khá giả, có quan hệ họ hàng lớn , có quan hệ bạn bè rộng thì gia đình thường tổ chức lớn.

Theo tục lệ, con cháu phải đóng góp tiền của để làm sinh nhật cho bố, mẹ của mình. Những người con đã đi lấy chồng đến khi bố me làm sinh nhật phải cắt cử nhau mỗi năm một người chuẩn bị một mân lễ gồm một con lơn quay chừng 50kg, 10 lít rượu  và từ 20 – 30 chiếc bánh dày nhuộm đỏ. Nếu đã mang cho bố rồi thì đến lượt mẹ sẽ do người con khác mang đến. Những người con nếu chưa đến lượt mang lợn thì phải mang một con gà và 20 – 30 chiếc bánh dày nhuộm đỏ để mừng cho sinh nhật của cha mẹ mình. Lễ vật của các chị em gái, các cháu gái mừng sinh nhật cho ông bà, bố mẹ là hai miếng bánh dày to hoặc 3kg gạo nếp và một con gà. Những cụ được mừng thọ cao, trong ngày này còn được con cháu mừng và lưu lại những câu đối được viết bằng chữ Hán trên một tấm vải đỏ. Tấm vải có chiều dài chừng 1,5m, khổ rộng 0,80m. Nội dung câu đối ca ngợi tuổi của cụ và thường được ví như núi Thái Sơn hoặc mong cụ có phúc, có lộc, đông con nhiều cháu, gia đình thịnh vượng. Các câu đối này sau ngày sinh nhật vẫn được treo lên tường của gian bên cạnh bàn thờ.

Nghi lễ trong tục cúng sinh nhật người Nùng

Đặc biệt đồng bào rất quý khách. Trong lễ sinh nhật, tuy gia đình không tổ chức mời khách, song nếu ai đến chơi đều được gia chủ đón tiếp chu đáo và được mời ở lại ăn uống chung vui cùng gia đình. Khách ăn uống xong có thể mừng gia chủ bằng gạo, gà hoặc bằng tiền mặt.

Khi làm sinh nhật, người ta thường đón thầy cúng (thầy then) về nhà để làm lễ cúng cho người được làm sinh nhật với mong muốn cầu xin các đáng thần linh, Ngọc Hoàng, Thượng đế cho bố mẹ được mạnh khỏe, không mắc bệnh tật sống lâu trăm tuổi. Thời gian làm lễ thường từ tối ngày hôm trước kéo dài hết đêm cho đến sáng hôm sau. Lễ vật dùng để dâng cúng trong lễ sinh nhật gồm 2 mâm xôi có xôi đỏ, gà, rượu, thịt lợn, nước, trầu cau, hoa quả và một bát đầy gạo để cắm hương. Hai mâm này một mâm được đặt ở trên bàn thờ tổ tiên, một mâm được đặt giữa nhà  nơi thầy cúng làm lễ, bên cạnh thầy cúng đặt một chiếc thúng để đựng gạo, tiền khi con cháu và bà con dân bản đến dự sinh nhật bỏ phần lễ của mình vào thúng đó với ý nghĩa cầu mong cho người chủ có nhiều tiền, nhiều gạo khi sang một tuổi mới. Những thứ mọi người mang theo được để vào thúng đó để thầy cúng mang mời bà mụ của người được làm sinh nhật đến ăn và phù hộ cho người đó được khỏe mạnh, sống lâu. Trên bàn thờ tổ tiên có một mâm lễ gồm một chiếc thủ lợn, gà, bánh dày. Bàn thờ ông Táo, bàn thờ Mụ có lễ gà và bánh dày. Bàn thờ Bồ Tát có lễ hoa quả.

Thầy then ngồi trên chiếu, tay cầm đàn và quạt chuẩn bị làm lễ. Đi cùng thầy then còn có một người giúp việc để đi nhạc ngựa. Nhạc ngựa là một chùm sóc nhạc được làm bằng sắt hoặc đồng. Chùm sóc nhạc được coi như lực lượng âm binh để then sai khiến. Dụng cụ này thường đi kèm với tiếng đàn tính như tiếng nhạc của đoàn ngựa và người trong quá trình lên thiên giới để gặp Ngọc Hoàng.

Toàn bộ cuộc làm then là một cuộc hành trình gồm đoàn người, ngựa vất vả leo núi vượt sông để lên đến thiên đình cầu xin Ngọc Hoàng phù hộ độ trì cho người mừng sinh nhật được mạnh khỏe, bình an, gặp nhiều may nắm thông qua những lời hát then cùng với tiếng nhạc của cây đàn tính. Nội dung của bài hát then mừng sinh nhật trong buổi lễ như sau:

Then sinh nhật:

Vằn nầy  là vằn mỳ pi óc mé

Lục chài, lục lùa lục slạo lục khươi

Pì nọng lục lan chứ thây vằn mỳ pi óc

Ăn khẩu nặm ngầu chèn mà góp mú kin

Chúc lửu mé mỳ lèn vui vẻ

Dú thêm lai pi ké bình an

Nối câu tâu sổ mè sinh

Mỳ cáy mỳ khẩu thêm mỳ chèn póa

Công khỏ mè sinh póa công chình mẹ đẻ

Se hử mè dú ké pác pi

Dú lù pác khuốp

Tạm dịch:

Hôm nay là ngày sinh tháng đẻ bố(mẹ). Gái, trai, dâu, rể, anh em con cháu nhớ đến ngày sinh tháng đẻ, lấy gà, lấy gạo, lấy tiền góp về cùng bố (mẹ) ăn. Kính chúc bố, mẹ có sức khỏe vui vẻ, sống thêm nhiều năm già nhưng bình an. Nối cài tâu số đến bà mụ sinh. Lại có gà, có gạo, thêm có tiền báo hiếu với bà sinh, bà mụ để mẹ được ở già trăm năm(thọ trăm tuổi).

Trong một buổi lễ

Sau khi buổi lễ kết thúc, gia đình tổ chức ăn uống vui vẻ cùng với con cháu và khách đến dự. Thầy then khi về còn được gia đình biếu thêm gà, gạo, kẹo bánh và hoa quả. Sau buổi lễ chủ nhà sẽ có quà biếu lại cho con cháu. Những ai theo tập quán cũ đã mang gà và bánh dày đến chúc mừng thì phần quà của gia chủ biếu laị thường là một nửa con gà luộc và nửa cái bánh dày.

Tục sinh nhật là một nét đẹp trong văn hóa sinh hoạt của đồng bào Nùng huyện Lục Ngạn. Qua tập tục truyền thống này thể hiện đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn”, là sự báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục với ông bà, cha mẹ của con cháu. Đây cũng là nét riêng trong văn hóa của dân tộc Nùng.

Nguyễn Thị Chang

 

0 Bình luận

Loading...