Về chợ tình Lục Ngạn nghe hát Soong hao

15 Tháng 12, 2023 | Làng Văn hoá Du lịch

Về chợ tình Lục Ngạn nghe hát Soong hao

 

Hát đối đáp ngày hội VHTD các dân tộc Lục Ngạn

Vào những ngày đầu xuân, khi hoa mận, hoa mơ nở trắng trên các triển đồi là lúc công việc nhà nông cũng đỡ bận rộn, cũng là lúc phiên chợ  độc đáo của đồng bào vùng cao Lục Ngạn được tổ chức. Hằng năm chỉ duy nhất vào dịp tháng giêng, khởi đầu ở Tân Sơn từ ngày 11, 12 tháng rồi 13-14 đến phiên chợ  ở Phong Vân và các vùng lân cận rồi cứ thế tràn xuống các xã vùng thấp hơn, cuối cùng được khép lại với phiên chợ Chũ ngày 18/2 âm lịch và có khi kéo dài hết cả tháng giêng. Chợ không phải để mua bán mà để trao những canh hát thâu đêm của đồng bào dân tộc vùng cao Lục Ngạn.

Chia các nhóm nhỏ để hát

Nghe nói về chợ tình vùng cao Tân Sơn Lục Ngạn đã lâu, nhưng mãi đến dịp mùa xuân năm 2023 tôi mới có dịp đến chợ. Cả một đoạn đường 279 qua xã Tân Sơn huyện Lục Ngạn chật cứng người. Từ xa những bóng áo chàm nô nức xuống núi; dân từ trong các bản làng đổ ra, dân từ mạn Lạng Sơn đổ về. Họ tụm nhau lại kín cả một đoạn đường, rồi tràn vào cả các nhà văn hoá, các khu triền đồi quanh vùng để rì rầm kể cho nhau nghe những tâm sự sau bao ngày xa cách.

Đi hội Tân Sơn

Cứ đến ngày 12 tháng giêng hằng năm, bà Lăng Thị Mến ở bản Bắc Hoa cũng như nhiều người khác trong bản lại cùng chúng bạn và hàng vạn người dân các xã: Tân Sơn, Sơn Hải, Hộ Đáp, Cấm Sơn, Sa Lý, Phong Minh, Phong Vân, (Lục Ngạn); Quan Sơn, Hữu Liên... huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống rủ nhau đến chợ dự hội hát sloong hao. Như thể bà con chờ cả năm để đến ngày hội hát. Phiên chợ đặc biệt này không bán những hàng hoá thiết yếu thông thường mà chỉ có những cửa hiệu làm đẹp, hàng quán phục vụ ăn uống và quà lưu niệm. Bởi người đến phiên chợ này không phải để mua bán trao đổi hàng hoá mà đến để hò hẹn trao duyên. Những chàng trai, cô gái hay cả những người trung niên đều mang tâm thế háo hức đến chợ. Đến chợ, việc đầu tiên là họ đi tìm bạn theo lời hẹn ước, hoặc tìm bạn mới ( đối với người trẻ). Rồi họ hát với nhau ở bất kỳ địa điểm nào có thể hát. Ban đầu họ hát với theo từng tốp để làm quen, sau hát riêng thành từng cặp. Nội dung lời hát giao duyên của những đôi trai gái thông thường đều bộc lộ một tình yêu trong sáng, một khát vọng muốn được xây đắp tình yêu cùng với người bạn hát. Ai chưa có gia đình thì đến chợ để hát những bài Sloong hao để tỏ tình, tìm người yêu. Còn với những người đã có gia đình họ vẫn có thể hát, họ ngồi tâm tình trò chuyện với người yêu cũ của mình về những lời trách hờn, những kỷ niệm xưa cũ và cả những tiếc nuối đều có thể bộc lộ qua những câu hát mà không ai bị ngăn cấm, ghen tuông. Họ hát cùng người cũ để nhớ lại kỷ niệm đẹp một thuở yêu nhau, để hỏi han nhau về công việc, gia đình và động viên nhau trong cuộc sống. Họ trao nhau những câu hát sli, lượn, sloong hao lúc thì rì rầm, lúc thì ngân nga để gửi thương, gửi nhớ, chứa đựng những luyến lưu qua những ánh mắt, nụ cười...

Món thịt lợn quay- một đặc sản ở phiên chợ vùng cao Tân Sơn

Những phiên chợ vùng cao chính là điểm hẹn truyền thống của nhân dân về giao lưu hát dân ca, giao duyên, đối đáp, hát Sloong hao, Sli, Lượn để hẹn hò, vui chơi đầu xuân. Ai từng đến chợ tình vùng cao Lục Ngạn một lần đều có những ấn tượng khó quyên bởi sự bình dị, mộc mạc, trữ tình và nhân văn của con người nơi đây.

          Với mục đích duy trì, bảo tồn phát triển và quảng bá rộng rãi những nét đẹp văn hóa truyền thống giàu bản sắc của nhân dân các dân tộc vùng cao Lục Ngạn, hướng tới xây dựng các sản phẩm du lịch bắt đầu từ năm 2022 UBND huyện Lục Ngạn đã tổ chức Hội hát Sloong hao và Phiên chợ xuân vùng cao. Hội hát được tổ chức với  nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú, đa màu sắc của nhân dân các dân tộc trong huyện. Đây là một trong những nỗ lực khai thác và phát triển tài nguyên văn hoá địa phương trong xây dựng các sản phẩm du lịch, thu hút khách đến với vùng đất có thiên nhiên tươi đẹp và giàu truyền thống văn hoá./.

                                                                                                                                        Lê Đức Cương

0 Bình luận

Loading...