Lễ hội Yên Thế - Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

11 Tháng 3, 2024 | Lễ hội

Yên Thế là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Bắc Giang. Có diện tích tự nhiên 306 km2; bắc giáp huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên, nam giáp huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang, đông giáp huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn và Lạng Giang tỉnh Bắc Giang, tây giáp huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên. Dân số trên 10 vạn người với 14 dân tộc anh em cùng sinh sống. 
Lễ hội Yên Thế - Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

Yên Thế một vùng đất thượng võ giàu truyền thống cách mạng, là quê hương của cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo chống thực dân Pháp xâm lược ngót 30 năm, từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX (1884-1913). Khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược được đánh giá là một cuộc khởi nghĩa lớn nhất, bền bỉ nhất trong phong trào vũ trang chống Pháp của nhân dân Việt Nam cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Suốt 30 năm chiến đấu, lực lượng nghĩa quân đã đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, điển hình là các trận ở Cao Thượng (06-11-1890), Hố Chuối (22-11-1890), Phồn Xương (29-12-1895)... Có nhiều giai đoạn, cuộc khởi nghĩa càng phát triển sâu rộng và có sức ảnh hưởng lớn không chỉ ở trong vùng Yên Thế mà còn lan sang cả các vùng khác trong cả nước. 

Lễ tế, lễ dâng hương kỷ niệm 138 năm Khởi nghĩa Yên Thế

Nhằm đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế, thực dân Pháp đã tập trung vào đây một lực lượng đông đảo các tướng, tá, binh lính cũng như vũ khí, đạn dược hòng dập tắt cuộc khởi nghĩa. Trong các trận đánh có sự tham gia chỉ huy của nhiều tướng tá như: Toàn quyền Đông Dương Pônđume, thống xứ Bắc Kỳ Moren, 3 thiếu tướng, 4 đại tá, 30 thiếu tá, hàng nghìn sĩ quan và trên 48.000 lượt lính với đầy đủ các quân binh chủng và cùng nhiều phương tiện vũ khí hiện đại... Tuy nhiên, không ít những trận đánh ấy, thực dân Pháp và bè lũ tay sai đã phải hứng chịu những thất bại thảm hại; nhiều tên đất, tên làng của vùng quê Yên Thế đã gắn liền với những chiến thắng lừng lẫy của nghĩa quân. Tên tuổi của nhiều tướng lĩnh nghĩa quân còn sống mãi với quê hương, dân tộc như: Cả Trọng, Cả Dinh, Cả Huỳnh, bà Ba Cẩn...

Ba mươi năm giữ núi rừng, 

Danh ông Đề Thám vang lừng trời Nam

Tượng thờ Hoàng Hoa Thám

Nhân kỷ niệm 100 năm cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884-1984), UBND tỉnh Hà Bắc cũ (nay là tỉnh Bắc Giang) đã tiến hành tu sửa, tôn tạo và quyết định tổ chức Lễ hội tại Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám thuộc trung tâm huyện Yên Thế, nhằm phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống thượng võ của ông cha ta; đồng thời khơi dậy những sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc trong vùng. Từ đó đến nay, ngày 16 tháng 3 dương lịch hằng năm đã trở thành ngày Lễ hội truyền thống lịch sử của huyện. 

Tượng thờ nữ tướng Bà Ba Cẩn

Đến với Lễ hội Yên Thế du khách không những được biết Đền Thề, nơi mỗi khi nghĩa quân ra trận đều cắt máu ăn thề thể hiện việc trung quân, quyết thắng, mà còn tận mắt chiêm ngưỡng dấu tích thành lũy bằng đất (Đồn Phồn Xương), đến thăm đồn Hố Chuối, đồn Hom; vãn cảnh chùa Lèo, chùa Thông, đình Dĩnh Thép, đền Cầu Khoai… nơi nghĩa quân thường đàm đạo, bày mưu, tính kế đánh giặc. Đến với Lễ hội, du khách còn được thưởng thức các sinh hoạt văn hóa, tinh thần vui tươi, bổ ích như: Hội trại thanh niên, hội diễn văn nghệ quần chúng - thi người đẹp mặc trang phục dân tộc đẹp, lễ phóng sinh (phóng ngư và thả điểu), thi cưỡi ngựa bắn nỏ, chọi gà, chọi dê, cờ người, võ thuật, bóng chuyền hơi, bóng đá, kéo co, đẩy gậy, trò chơi bịt mắt bắt dê, bịt mắt đập niêu…và thưởng thức một số ẩm thực đậm đà bản sắc của người dân Yên Thế như: Măng đắng, lợn quay, bánh khảo và đặc biệt là sản phẩm “Gà đồi Yên Thế”, “Chè xanh bản Ven” một trong những nhãn hiệu nổi tiếng của cả nước cũng như khu vực.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, tỉnh, huyện và Nhân dân tại Lễ kỷ niệm 130 năm Khởi nghĩa Yên Thế 16/3/2014

Cuộc khởi nghĩa Yên Thế và mỗi cảnh sắc, hiện vật, dấu tích, di tích cùng tinh thần dũng cảm, quyết chiến đấu để bảo vệ bờ cõi, phong tục, cốt cách văn hoá người dân đất Việt của nghĩa quân Đề Thám đã tô thắm bản hùng ca giữ nước tráng liệt, vĩ đại của nhân dân ta. Những giá trị lịch sử, văn hoá của Cuộc khởi nghĩa Yên Thế do thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám lãnh đạo, đánh đuổi thực dân Pháp ngót 30 năm, đã toả sáng ánh hào quang vào lịch sử và văn hoá dân tộc Việt Nam. 

Để đánh giá đúng tầm vóc lịch sử của Cuộc khởi nghĩa Yên Thế và đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần, đời sống tâm linh của nhân dân dân; ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 548/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế; ngày 27/12/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 5070/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Lễ hội Yên Thế là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Di tích lịch sử Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế nằm trên địa bàn 4 huyện liền kề nhau: Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên và Yên Dũng của tỉnh Bắc Giang. Đây là hệ thống di tích bao gồm: đình, chùa, đền, miếu… có niên đại khởi dựng vào thời Hậu Lê và thời Nguyễn thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Trong tổng số 23 điểm di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, huyện Yên Thế có 9 điểm di tích được xếp hạng, bao gồm:

1. Đình Dĩnh Thép, xã Tân Hiệp: Nơi nghĩa quân Yên Thế tổ chức hội nghị để bầu ra thủ lĩnh lãnh đạo cuộc khởi nghĩa năm 1888; ngày 24/10/1894, đình Dĩnh Thép là nơi diễn ra cuộc trao trả tù binh, nghĩa quân Đề Thám nhận tiền chuộc là 15 hòm bạc trắng (tương đương 15.000 Frăng) và trả tự do cho Sẹt-xnay một đại địa chủ kiêm thầu khoán, chủ bút báo Tương Lai xứ Bắc Kỳ và nhân viên đi theo Lô-gi-u.

Đình Dĩnh Thép tại xã Tân Hiệp

2. Đền Thề, thị trấn Phồn Xương: Đền Thề (còn gọi là Chùa Phồn Xương) được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng. Đề Thám đã cho xây dựng lại chùa cùng với đình Thuông Hạ 8 mái (đã bị Pháp đốt). Ngôi chùa tọa lạc trên một ngọn đồi ở phía trước cạnh đồn Phồn Xương không xa, chỉ khoảng 100m. Tại nơi đây, Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân thường tổ chức nghi lễ tế cờ, tổ chức hội thề, các tướng sỹ cùng nghĩa quân làm lễ cắt máu ăn thề trước khi xuất quân đánh trận. Đền Thề cũng là nơi cầu siêu cho các linh hồn nghĩa sỹ tử trận của nghĩa quân Yên Thế được siêu thoát. 

Đền Thề thuộc Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám tại thị trấn Phồn Xương

Nhằm đưa quần thể di tích Hoàng Hoa Thám trở thành một công trình kiến trúc văn hóa tâm linh, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, phát huy truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam, dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt những điểm khởi nghĩa Yên Thế đã triển khai phục dựng ngôi đình 3 tầng mái, xây mới đền thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế trong khuôn viên khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám. Đền thờ là nơi tôn nghiêm để du khách và nhân dân địa phương gửi gắm những tâm nguyện an lành và hướng thiện.

Đền thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế có kiến trúc mặt bằng chữ Công (H) gồm toà Tiền bái, Trung cung và Hậu cung
Đình 3 tầng mái có hình thức kiến trúc chồng diêm 3 tầng 12 mái đao, mặt bằng nhà hình chữ Nhất

3. Đồn Hố Chuối, thị trấn Phồn Xương: Tại đây, vào cuối năm 1890 đầu năm 1891, nghĩa quân Yên Thế dưới sự chỉ huy của Hoàng Hoa Thám với lực lượng khoảng 150 người, đã liên tiếp đánh bại 4 cuộc tấn công lớn của thực dân Pháp do các tướng Gôđanh, Tannơ, Mayơ, Phơrây chỉ huy cùng với 2.212 binh lính có trang bị vũ khí hiện đại (gồm cả bộ binh, công binh và pháo binh). Như vậy nghĩa quân đã phải chiến đấu 1 chọi với gần 15 địch và đã chiến thắng oanh liệt, trong 4 cuộc tấn công của địch vào đồn Hố Chuối đã có 73 lính Pháp bị thương cùng với 26 tên bị tiêu diệt.

Đ/c Trương Tấn Sang - UV BCT, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam trồng cây tại khu di tích Lịch sử Hố Chuối, TT Phồn Xương trong Lễ phát động Tết trồng cây toàn quốc Xuân Quý Tỵ năm 2013

Tinh thần chiến đấu dũng cảm của nghĩa quân, tài chỉ huy quân sự của tướng lĩnh cộng thêm sự phòng thủ kiên cố đã làm cho Hố Chuối trở thành một căn cứ vững chắc khiến cho kẻ thù khiếp đảm và phải thú nhận: “Trái với nguyên tắc thông thường về việc lựa chọn địa điểm để thiết lập một vị trí phòng thủ, đồn này nằm vào một chỗ trũng, một nửa đồn được đào sâu vào lòng đất…do cảnh tượng rùng rợn của nó, do số lượng các công trình phòng ngự cùng những trở ngại chồng chất làm cho nó trở thành một công sự vô cùng vững mạnh. Cái đồn lũy này xứng đáng với cái tên Đồn của thần chết mà nhân dân địa phương đã đặt cho nó” (Giặc giã và thổ phỉ ở Bắc Kỳ - Phơrây. Pari 1892).

4. Chùa Thông, xã Đồng Lạc: Đây là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với nghĩa quân Yên Thế. Năm 1894, để có thời gian chuẩn bị và củng cố lực lượng, Đề Thám đã tổ chức bắt sống tên Sẹt-xnay chủ bút báo Tương Lai xứ Bắc Kỳ và nhân viên đi theo Lô-gi-u, tập kích một chuyến xe lửa rồi rút về Phồn Xương. Việc bắt Sẹt-xnay đã giáng một đòn mạnh vào dư luận. Bọn tư sản, chủ thầu đòi cứu bằng được. Trước tình thế đó thực dân Pháp đã nhờ giám mục Vê-lát-xcô làm môi giới điều đình với nghĩa quân. Cuộc đàm đạo kéo dài 15 ngày tại chùa Thông, cuối cùng ngày 23/10/1894, hai bên đi đến thỏa thuận: Ngừng chiến, thả hai người Pháp với tiền chuộc là 15.000 Frăng. Đề Thám cai quản 4 tổng: Mục Sơn, Yên Lễ, Nhã Nam, Hữu Thượng, thu thuế ở đó trong 3 năm. Việc thương thuyết, điều đình tới ký hiệp ước tại chùa Thông được coi là cuộc hòa hoãn lần thứ nhất giữa nghĩa quân Yên Thế và thực dân Pháp. Ngoài ra, đây còn nơi tuyển nạp, luyện tập binh sỹ của nghĩa quân Yên Thế.

Chùa Thông, xã Đồng Lạc

5. Đồn Phồn Xương, thị trấn Phồn Xương: Đồn Phồn Xương được xây dựng trong hai năm 1894-1895. Đây được xem là đại bản doanh của Hoàng Hoa Thám. Sau nhiều lần tấn công vào Yên Thế thất bại, cuối năm 1897 toàn quyền Đông Dương là Pônđume buộc phải chấp nhận hoà hoãn với nhiều điều khoản do Đề Thám đưa ra. Tranh thủ 13 năm hoà bình (1897-1909), Đề Thám vừa lo củng cố lực lượng quân sự vừa chú trọng phát triển kinh tế-văn hoá. Sử cũ chép rằng, khi về Yên Thế tiếp kiến với Hoàng Hoa Thám, chí sĩ Phan Bội Châu đã ngỡ ngàng, phải thốt lên rằng: “Tôi hai lần đến Phồn Xương xem khắp xung quanh dân, trâu cày từng đội, chim rừng quyện người, đàn bà, trẻ em nhởn nhơ, tiếng chày rậm rịch, có cái vui vẻ của những ngày đình đám hội hè mà không hề có tiếng than thở về chính quyền bạo ngược và mãnh hổ hại người”. Phía sau đồn Phồn Xương là doanh trại, chiến lũy của nghĩa quân Đề Thám. Ông đã cho xây dựng ở khu vực này một bát quái trận với nhiều đồn lũy thông nhau, sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào… Chính trong thời gian hoà hoãn, dưới sự lãnh đạo của Đề Thám, các hoạt động văn hoá, lễ hội ở Yên Thế diễn ra sôi nổi với nhiều hình thức phong phú, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Đồn Phồn Xương, TT Phồn Xương

6. Đồn Hom, xã Tam Hiệp: Đồn được xây dựng lần đầu vào năm 1891 do Đề Dương đóng giữ, được xây dựng trên 4 ngọn núi rất hiểm trở trong dãy núi Cai Kinh bao bọc khu Đồng Khách, tạo thành thế chân kiềng rất vững. Địa hình gần giống hình chiếc hom giỏ nên có tên là Đồn Hom. Toàn bộ khu đồn đều được xây dựng bằng đất đắp. Đồn tồn tại trong cả quá trình của cuộc khởi nghĩa, là căn cứ an toàn của nghĩa quân Yên Thế. Tại đây đã diễn ra hai trận chiến đấu nổi tiếng vào tháng 3/1892 và tháng 2/1909. Nhiều tên Pháp đã phải bỏ xác trên cánh đồng làng Hom. Đặc biệt, chiến thắng ngày 25/3/1892, ngay từ loạt đạn đầu, nghĩa quân đã tiêu diệt 45 tên trong đó có một tên quan ba và một tên quan hai. Bấy giờ ở trong dân gian từng lưu truyền câu ca dao: “Đất này là đất Cụ Đề/Tây lên thì có tây về thì không”. Riêng cụ Đề Thám thì được mệnh danh là hùm thiêng Yên Thế.

7. Chùa Lèo, thị trấn Phồn Xương: Là trạm tiền tiêu - cơ sở qua lại của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Trong những lần đánh nhau với nghĩa quân Yên Thế ở Hố Chuối (1890-1891), làng Lèo và cả chùa Lèo là những địa điểm mà thực dân Pháp chọn làm chốt điểm đóng quân, làm chỗ dựa tấn công vào đồn Hố Chuối, là nơi phát tích truyền thuyết nhà sư chùa Lèo không ngần ngại hi sinh thân mình để cứu Hoàng Hoa Thám trước sự lùng bắt gắt gao của kẻ thù, đây cũng luôn là vị trí tiền tiêu quan sát các hoạt động càn quét của thực dân Pháp vào đồn Phồn Xương trong thời kỳ hòa hoãn lần thứ 2 (1897-1909). Đồng thời, chùa Lèo còn là nơi tế các hương hồn nghĩa quân vì nước mà hi sinh.

Đồn Phồn Xương, TT Phồn Xương

8. Động Thiên Thai, xã Hồng Kỳ: Đây là nơi tôn thờ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm - một danh nhân yêu nước tài hoa, nhiều công đức, đầy bản lĩnh mà những trang sử chống xâm lược thực dân những năm 90 của thế kỷ XIX không thể không nhắc đến tên ông. 

Nguyễn Văn Cẩm từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, được người đời suy tôn là Kỳ Đồng. Một người dù bị đưa sang Pháp quốc học hàng 10 năm trở về thực dân Pháp vẫn không khuất phục nổi, ông cũng là quân sư của phong trào Mạc Đĩnh Phúc và để gây dựng cơ sở cho phong trào khởi nghĩa ấy, ông đã rời quê hương Thái Bình chọn Yên Thế làm điểm dừng chân. Ông - chủ nhân của Thất diệu đồn điền - nơi thu hút nghĩa quân và là địa điểm hội kiến bí mật giữa ông với Đề Thám - người cùng nuôi chí hướng chống Pháp như ông. Sau một thời gian dài theo dõi hoạt động và thu thập nhiều tài liệu chứng tỏ tinh thần chống Pháp quyết liệt của ông, thực dân Pháp đã bắt giam ông trong khi ông và người nhà đang “tíu tít bận bịu giữa những kiện hàng dài bó chiếu, thò ra những báng súng xếp chéo nhau với nòng súng”, sau đó đày ông tới quần đảo Tahiti ở Thái Bình Dương cho tới lúc qua đời (17/7/1929).  

Con cháu cụ Kỳ đồng về thăm Động Thiên Thai, xã Hồng Kỳ năm 2024

9. Đền Cầu Khoai, xã Tam Hiệp: Di tích Đền Cầu Khoai còn được gọi là đền Cô, một cách gọi dân gian để tưởng nhớ tới người được thờ ở đền là hai cô Đàm Thị hiệu Dung Hoa và Đàm Thị hiệu Quế Hoa. Ngôi đền nhìn ra Quốc lộ 17 bên kia là khu căn cứ đồn Hom của nghĩa quân Yên Thế. Cũng tại khu di tích này nghĩa quân Yên Thế và thực dân Pháp nhiều phen ở thế giằng co rất quyết liệt, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch. Sang thời kỳ cách mạng những năm kháng chiến chống thực dân Pháp thì căn cứ địa này trở thành trụ sở thường trực của Ủy ban kháng chiến xã Tam Hiệp. 

Đền Cầu Khoai, xã Tam Hiệp

Tiếp nối truyền thống quê hương Yên Thế anh hùng, ngày nay trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế luôn đoàn kết, thống nhất dành được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực… Nền kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng, sản xuất nông - lâm nghiệp tăng mạnh cả về năng suất và sản lượng là một trong những huyện dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế đồi rừng và đàn gia cầm, trong đó sản phẩm Gà đồi Yên Thế được vinh danh Top 10 tại  Chương trình thương hiệu xuất sắc 3 miền năm 2022 và được công nhận Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (2021-2022)… Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ có bước phát triển mới, tạo sự chuyển dịch cơ cầu kinh tế theo hướng ngày càng hiện đại. Cơ sở hạ tầng của nền kinh tế được đầu tư lớn và có sự cải thiện rõ nét. Hệ thống đường giao thông, công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc được đầu tư phát triển khá mạnh. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX, XX, XXI và XXII của Đảng bộ huyện, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất hàng hóa hàng năm đạt khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; an ninh lương thực được đảm bảo. Nhiều hạng mục công trình của hạ tầng kinh tế - xã hội, đô thị, nông thôn được đầu tư xây dựng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Đời sống của các tầng lớp Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tình hình chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; quản lý điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân được nâng lên. Hàng năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện nhà được Tỉnh ủy, UBND tỉnh khen thưởng. Năm 2019, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Những kết quả đó đã tăng thêm niềm tự hào, phấn khởi và lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, đồng thời làm tiền đề cho sự phát triển trong những năm tiếp theo.

Lễ kỉ niệm 135 Khởi nghĩa Yên Thế và đón nhận Huân Chương Lao động hạng Nhì của huyện Yên Thế (16/03/2019)

Tận dụng thế mạnh về đất đai, thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu, những năm qua, huyện Yên Thế đã chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch bền vững. Diện tích đồi núi thấp chủ yếu được sử dụng để trồng vườn rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm lên đến hơn 13 nghìn ha. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa đặc trưng như: Gà đồi ở các xã: Đồng Tâm, Tam Tiến, Canh Nậu, Tiến Thắng; dê xã Hồng Kỳ; chè xã Xuân Lương, nhãn ở Đồng Kỳ… Năm 2022, UBND huyện đã công bố, trao quyết định công nhận vùng sản xuất nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP cho Hợp tác xã Hào Thành (Đồng Kỳ) và tiến hành nghi thức cắt băng xuất hành lô nhãn muộn Yên Thế đầu tiên sang thị trường Australia. Hiện nay, sản phẩm nhãn chín muộn Yên Thế được các doanh nghiệp, chuỗi siêu thị trong nước tiêu thụ thuận lợi và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn huyện đã có 33 sản phẩm OCOP (04 sản phẩm đạt 4 sao, 29 sản phẩm đạt 3 sao); nhóm sản phẩm chế biến từ gà đồi Yên Thế chiếm số lượng lớn nhất với các sản phẩm giò gà, xúc xích gà, chả gà, gà đồi hút chân không; đặc biệt, năm 2022 sản phẩm OCOP về Du lịch sinh thái - Văn hóa bản Ven được công nhận là sản phẩm đạt 3 sao, đây là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Bắc Giang về lĩnh vực du lịch đạt sản phẩm OCOP. 

Mô hình chăn nuôi gà đồi Yên Thế và các sản phẩm chế biến từ gà: Chả gà, giò gà, gà ủ muối tiêu…
Nhãn chín muộn Yên Thế 

Ngoài các địa điểm khởi nghĩa Yên Thế đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, đến với Yên Thế hôm nay, du khách có thể lựa chọn thăm quan trải nghiệm tại điểm du lịch cộng đồng Bản Ven, xã Xuân Lương để khám phá cảnh quan thiên nhiên, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Thác Ngà, thác Lũng Tình cùng nhiều hồ đập lớn như: Hồ Quỳnh, hồ Ngạc Hai. Đặc biệt, du khách được chiêm ngưỡng và cảm nhận cây Lim xanh khổng lồ, tại bản Nghè; cây có chu vi gần 7 mét, chiều cao 45 mét, đã tồn tại qua hàng nghìn năm. Đây cũng là một trong những Cây Di sản Việt Nam có tuổi đời cao nhất, trên 1.100 năm tuổi.

Cây Lim xanh khổng lồ, tại bản Nghè, xã Xuân Lương

Nhân dịp cây Lim xanh được công nhận là Cây di sản, UBND huyện Yên Thế, xã Xuân Lương đã tiến hành xây dựng 110 bậc đá (mỗi bậc đá tương ứng 10 năm tuổi đời của cây Lim xanh) và dựng một đền thờ thần Mộc tại đây để du khách dễ dàng đến chiêm ngưỡng cây Lim khổng lồ và thắp hương vãn cảnh.

Công nhận điểm Du lịch cộng đồng Bản Ven, xã Xuân Lương

Cây chè là chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân Bản Ven. Chè Bản Ven gồm chè xanh và chè hoa vàng nổi tiếng thơm ngon

Ngoài ra, Xuân Lương còn có các công trình di tích lịch sử văn hóa như: Đền chùa Xuân Lung, Giếng cổ,... Hiện nay, tua du lịch Tâm linh - sinh thái đã hình thành với quần thể các điểm di tích lịch sử trên địa bàn với giếng cổ Xuân Lung, cây Lim xanh nghìn tuổi, vùng chè xanh Bản Ven và Khu sinh thái Thác Ngà đã trở thành một điểm nhấn du lịch của huyện Yên Thế, góp phần tạo nên một hành trình du lịch khám phá mới, hấp dẫn và nhiều trải nghiệm cho du khách trong và ngoài nước. 

Tác Ngà, xã Xuân Lương

Bám sát chủ trương về phát triển nông nghiệp nông thôn cũng như phát huy được thế mạnh của địa phương, trong định hướng phát triển, huyện Yên Thế đang hướng đến mục tiêu nông nghiệp trù phú, nông thôn đặc trưng và người nông dân có vị thế. Phát triển kinh tế nông nghiệp chăn nuôi, trồng trọt với kinh tế du lịch đang mở ra cho Yên Thế hướng đi bền vững, tươi sáng, đem đến sự thay da đổi thịt cho vùng đất linh thiêng Yên Thế của vùng Tây Bắc tỉnh Bắc Giang. 

Một số hình ảnh tổ chức Lễ hội Yên Thế hằng năm:

Lễ hội Yên Thế xưa
Lễ kỷ niệm 130 năm Khởi nghĩa Yên Thế (16/3/1884-16/3/2014)
Lễ kỷ niệm 134 năm Khởi nghĩa Yên Thế (16/3/1884-16/3/2018)

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, huyện Yên Thế không tổ chức Lễ hội nhân dịp kỷ niệm 136, 137 năm Khởi nghĩa Yên Thế; dịp kỷ niệm 138 năm Khởi nghĩa Yên Thế, chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội.

Lễ dâng hương kỷ niệm 137 năm Khởi nghĩa Yên Thế (16/3/1884-16/3/2021)
Lễ tế kỷ niệm 138 năm Khởi nghĩa Yên Thế (16/3/1884- 16/3/2022)
Lễ kỷ niệm 139 năm Khởi nghĩa Yên Thế (16/3/1884-16/3/2023)

MỘT SỐ SẢN PHẨM CHỦ LỰC CỦA HUYỆN YÊN THẾ

Gà đồi Yên Thế
Xúc xích gà
Chả gà

Mô hình rừng kinh tế
Nhãn chín muộn Yên Thế
Dự án đường nối QL 37, 17 đi Võ Nhai, Thái Nguyên

Theo Trang TTĐT huyện Yên Thế

0 Bình luận

Loading...